- Theo Trí Thức Trẻ | 22/10/2021 10:56 AM
Không có gì sai khi lấy cảm hứng từ các anime nổi tiếng để tạo ra những tác phẩm đúng thị hiếu khán giả. Tuy nhiên, các nhà sản xuất phải có những cải tiến, thay đổi và sáng tạo của riêng mình. Nhiều bộ anime "sinh sau đẻ muộn" đã không được như thế, thay vào đó là sao chép trắng trợn các series nổi tiếng để thu hút người xem dễ dàng hơn.
1. Duel Masters và Yu-Gi-Oh!
Nếu thích các anime lấy đề tài card game nhưng không muốn dành thời gian để xem hàng trăm tập thì hãy tìm đến Duel Masters. Đây là như một phiên bản "lite" của Yu-Gi-Oh, không quá dở nhưng cũng không thể xuất sắc như bản gốc.
Trong Duel Masters, nhân vật chính Shobu Kirifuda muốn trở thành một bậc thầy của bộ môn Kaijudo – một trò chơi viễn tưởng kiểu card game. Nhìn chung, Duel Masters là một series khá ổn để giết thời gian, nhưng sẽ hay hơn rất nhiều nếu không cố gắng bắt chước Yu-Gi-Oh!
2. Mermaid Melody Pichi Pichi Pitch và Sailor Moon
Mermaid Melody Pichi Pichi Pitch là phiên bản Sailor Moon nhưng không có thủy thủ. Thay vào đó là các nàng tiên cá phép thuật với chủ đề âm nhạc. Nhân vật chính có ngoại hình khá giống Usagi và cũng phải giữ bí mật về danh tính của mình.
Những nhân vật khác cũng có ngoại hình từa tựa các thủy thủ trong Sailor Moon. Tuy nhiên, Mermaid Melody vẫn là một bộ anime dễ thương cho fan của thể loại "thiếu nữ ma thuật".
3. Kabaneri of the Iron Fortress - Attack On Titan
Cả Attack on Titan và Kabaneri of the Iron Fortress đều lấy cùng một cốt truyện. Đó là về những nhân vật cố gắng xây dựng một cộng đồng vững vàng, dấn thân vào cuộc chiến chống lại loài quái vật kỳ dị mà trước đó từng là con người.
Kabaneri of the Iron Fortress được tạo ra bởi cùng một studio đã sản xuất AoT, nhưng chỉ có phiên bản anime, còn Attack on Titan dựa trên manga của Hajime Isayama. Có vẻ như Wit Studio muốn sử dụng một bộ anime có thể loại tương tự với AoT với hy vọng nó cũng mang về thành công. Tất nhiên, Kabaneri vẫn có những nét hấp dẫn riêng, nhưng nó không thể sánh được với cái bóng khổng lồ của AoT.
4. Monsuno: World Master và Pokémon.
Digimon thường được xem là bản nhái Pokemon trắng trợn nhất. Nhưng ít nhất, điểm chung duy nhất của 2 series này chỉ có chữ "mon". Bộ anime thực sự cần được gọi tên là Monsuno: World Master, theo chân Chase Suno và cha của anh khi họ cố gắng trốn thoát khỏi một tổ chức bí ẩn. Chúng âm mưu ngăn chặn nghiên cứu của anh về Monsuno, một chủng loại sinh vật có thể được sử dụng để chiến đấu với nhau.
Điều kỳ lạ là bộ anime này ra mắt vào năm 2012, một thời gian dài sau khi cơn sốt Pokemon đã tạm lắng xuống. Hoặc nhà sản xuất Larx Entertainment đã "chậm trend", hoặc không muốn bị dân tình nghi đây là phiên bản copy của Pokemon ngay từ khi ra mắt.
5. Guilty Crown - Code Geass
Cả Guilty Crown và Code Geass đều có tình tiết na ná nhau. Nam chính sau khi gặp gỡ một cô gái bí ẩn đã giành được sức mạnh phi thường, và sử dụng sức mạnh đó để đưa Nhật Bản khỏi ách thống trị của thế lực nào đó. Tất nhiên, cả hai bộ anime đều có sự lôi cuốn riêng và đều đáng xem.
Một số biên kịch của Code Geass cũng tham gia sản xuất Guilty Crown, vì vậy trường hợp này khó mà coi là đạo nhái, mà có thể xem là "bình cũ rượu mới" để vắt sữa một series thành công.
6. Buso Renkin - Fullmetal Alchemist
Buso Renkin được sản xuất năm 2006, 3 năm sau Fullmetal Alchemist phần đầu tiên (2003). Có thể thấy Buso Renkin được lấy cảm hứng từ FMA, mặc dù không hoàn toàn giống nhau. Các điểm tương đồng dễ dàng phát hiện là một thế giới nơi người ta có thể sử dụng thuật giả kim để chiến đấu. Dù lấy cùng thể loại và không thành công bằng FMA, Buso Renkin vẫn khá đáng xem.
7. No Game No Life - Problem Children Are Coming From Another World
No Game No Life và Problem Children đều kể về cùng một dạng nhân vật. Đó là những thiếu niên cảm thấy cuộc sống của họ nhàm chán, không mục đích dù họ vô cùng tài năng, bỗng dưng lại trở thành "thiên tài" hay "anh hùng" ở thế giới khác.
Cả hai bộ anime đều thuộc thể loại isekai với bối cảnh ở thế giới song song, nơi nhân vật chính phải sử dụng trí thông minh vào các trò chơi nan giải. Họ tạo dựng được một cơ ngơi hoặc vị thế cao, được bao quanh bởi các cô gái xinh đẹp. Mặc dù No Game No Life nổi tiếng hơn, nhưng nó được ra mắt sau Problem Children và khả năng cao là lấy cảm hứng từ bộ anime này.