6 tựa game mà chơi xong sẽ làm bạn thấy Dark Souls chỉ là muỗi

PSD  - Theo Trí Thức Trẻ | 24/09/2016 11:00 PM

Công bằng mà nói thì những tựa game xưa kia khó hơn ngày nay rất nhiều, ngay cả khi so sánh với Dark Souls.

Việc chạy theo lợi nhuận đã khiến video game ngày càng dễ hơn nhằm thu hút nhiều người chơi hơn. Các tựa game trong quá khứ luôn buộc người chơi phải tìm tòi khám phá, học thuộc các cách tấn công của kẻ thù và thử nghiệm nhiều chiến thuật khác nhau. Còn hiện nay với những chỉ dẫn, check point và tùy chọn độ khó khác nhau, người chơi có thể đi từ đầu đến cuối game một cách dễ dàng. Điều này giúp người chơi đỡ căng thẳng và tập trung vào cốt truyện hơn, nhưng cảm giác thỏa mãn khi hoàn thành game cũng sẽ giảm đi nhiều

Nếu xét đến những tựa game NES/SNES có thể làm người chơi phát điên thì làm game dễ thở hơn là một bước đi thông minh của các nhà phát triển. Tuy vậy thời gian gần đây những game có độ khó cao đã xuất hiện trở lại, tiêu biểu là dòng game Souls mà Dark Souls III là phiên bản mới nhất. Có thể coi đây là sự hồi sinh của thể loại game được tạo ra nằm thách thức những game thủ can đảm và khéo léo nhất. Hãy cùng điểm qua một số tựa game khó nhằn có thể khiến game thủ kì cựu của dòng Souls cũng phải toát mồ hôi hột.

Mega Man 3

Dòng game Mega Man đã nổi tiếng từ lâu bởi thiết kế màn chơi đầy thách thức và những con Boss khó xơi. Tốc độ phản ứng trong Mega Man không quan trọng bằng tính toán và chiến thuật, đòi hỏi người chơi phải tập trung chú ý từng bước di chuyển cũng như quy luật tấn công của kẻ địch.

Theo dõi một game thủ kì cựu chơi Mega Man là một trải nghiệm tuyệt vời, đằng sau độ khó khủng khiếp vẫn là một gameplay được cân bằng một cách tinh tế. Phần thưởng cho sự kiên nhẫn và chiến thuật là một trải nghiệm gaming tuyệt đỉnh, ngược lại sự hấp tấp sẽ chỉ mang lại tức tối mà thôi.

Mặc dù Mega Man 2 được đánh giá cao nhất khi xét chung mọi mặt, gameplay Mega Man 3 có phần vượt trội với khả năng “lướt” trên mặt đất và những trận đấu boss khủng khiếp. Thực tế trong ending đầy bất ngờ, Mega Man 3 buộc người chơi đánh bại toàn bộ Boss từ đầu game cũng như của Mega Man 2, đồng thời không hề có save point nào.

Ninja Gaiden Reboot

Công bằng mà nói mọi phiên bản Ninja Gaiden đều xứng đáng lọt vào danh sách này. Độ khó điên rồ của những phiên bản 8-bit không quá khác biệt so với xu hướng chung thời đó, nhưng các phiên bản 3D làm lại trên hệ máy Xbox đã tái định nghĩa cảm giác tuyệt vọng trong dòng game chặt chém. Thực tế phiên bản thứ nhất khó đến mức nhiều game thủ còn chẳng vượt qua được boss đầu tiên.

Vào thời điểm ra mắt Ninja Gaiden được ca tụng là đỉnh cao của game hành động, tác phẩm kinh điển giúp định nghĩa thể loại hành động – phiêu lưu. Tuy nhiên chỉ những game thủ tài năng nhất mới làm chủ được hệ thống combat phức tạp, yêu cầu tấn công chính xác kết hợp các kĩ thuật block và phản đòn phức tạp. Cách tấn công của từng kẻ địch cũng không hề đơn giản, đòi hỏi người chơi phải nghiên cứu kĩ lưỡng, đặc biệt những trận đấu boss căng thẳng có thể khiến người chơi đầu hàng từ rất sớm.

Castlevania III

Bí hiểm, u ám và gameplay sắc sảo, dòng game Castlevania được giới phê bình coi như tượng đài của thể loại platform-phiêu lưu. Thậm chí những ánh hào quang vẫn còn đến ngày nay dù gameplay đã thay đổi hoàn toàn. Dù vậy, thực tế không có nhiều game thủ phá đảo được cả 3 phần game Castlevania đầu tiên trên hệ NES.

Ngay khi ra mắt lần đầu năm 1986, Castlevania đã trở thành hình mẫu cho dạng game “khó xơi”, tuy nhiên mức độ thử thách đạt tới đỉnh cao nhất ở phiên bản thứ 3. Trong Castlevania III chỉ riêng việc nhảy giữa những nền đất (platform) đã cực kì khó do sự di chuyển ngẫu nhiên của kẻ địch. Tựa game khét tiếng với cơ chế “dội”, nghĩa là đòn đánh từ bất cứ quái vật nào cũng có thể làm nhân vật bật ra sau và rơi xuống vực. Cái chết luôn rình rập người chơi dù kẻ địch ở bất cứ kích cỡ nào.

Để phá đảo Castlevania III, mọi thao tác trên tay cầm cũng như từng cú nhảy phải thực hiện cực kì chính xác. Đây là một con quái vật thực sự mà không phải ai cũng đánh bại được.

Contra: Hard Corps

Tựa game kinh điển ra đời năm 1987 đã mở đầu cho thể loại “run and gun”, một dòng game rất hưng thịnh vào thời hoàng kim của điện tử thùng. Cũng giống như nhiều game ra đời vào cuối thập niên 80, Contra có độ khó khủng khiếp ngay từ những màn đầu tiên.

Khó có thể tin được người chơi chỉ có 3 mạng để vượt qua vô vàn nhiệm vụ bất khả thi trong Contra. Bất cứ ai từng thử đều hiểu việc này chả khác gì đánh chiếm một pháo đài với một băng đạn. Vì lý do này việc sử dụng cheat code bắt đầu trở nên phổ biến nhờ Contra. Mặc dầu số mạng có thể nâng lên tới 30, để hoàn thành game vẫn cực kì vất vả.

Phần tiếp theo của tựa game là Hard Cops tiếp tục nâng độ khó lên một tầm cao mới. Số trận đấu boss tăng lên, thậm chí tới 6 boss trong một màn chơi. Để phá đảo Contra: Hard Cops cần nỗ lực và sự kiên trì mà game thủ hiện đại khó mà tưởng tượng được.

Ghosts ‘n Goblins

Nếu như hầu hết game trong danh sách chỉ khó khi so sánh với game hiện nay thì Ghosts ‘n Goblins thực sự khó nhằn kể cả với tiêu chuẩn của thập niên 80. Thực tế tựa game vẫn thường được nhắc tới là một trong những video game thách thức nhất từng được tạo ra.

Nếu bạn đang bay bổng vì phá đảo Dark Souls III, hãy chơi Ghosts ‘n Goblins để quay về thực tại. Chỉ cần dính một đòn là bộ giáp của Arthur biến mất và nhân vật phải tiếp tục chiến đấu trong quần lót, dính đòn thứ hai là phải đi lại từ đầu màn chơi đầy ác mộng. Dường như thế vẫn chưa đủ khó, game chỉ cho người chơi đúng 3 phút để hoàn thành mỗi level, gần như không đủ thời gian để nhớ kiểu tấn công cũng như cấu trúc màn chơi.

Mỗi một màn chơi của Ghosts ‘n Goblins có lẽ khó hơn hầu hết game AAA hiện nay, tuy nhiên thời điểm kinh khủng nhất là trước khi game kết thúc. Ngay sau khi diệt boss cuối, người chơi được báo rằng tất cả mọi việc chỉ là một cái bẫy của Satan và buộc phải chơi lại game từ đầu ở độ khó cao hơn.

Battletoads

Ra mắt năm 1991, Battletoads được ca ngợi là một trong những game đẹp nhất của hệ máy NES. Tựa game có khá nhiều hậu bản và game ăn theo về sau, một điều kì lạ vì thực tế hầu hết game thủ không vượt qua được màn thứ 3.

Danh hiệu một trong những tựa game khó nhất của Battletoads xuất phát từ cửa thứ ba có tên Turbo Tunnel, màn chơi yêu cầu phản xạ lẫn trí nhớ phi thường để có thể vượt qua các bức tường xuất hiện đột ngột. Mặc dầu game còn khó hơn về sau nhưng Turbo Tunnel vẫn nổi tiếng vì để qua bàn mà không mất mạng nào là gần như không thể. Và trong thời đại chưa có check point, khi nhân vật chết sẽ phải chơi lại game từ đầu, trong khi 2 màn đầu tiên cũng đã rất khó.

Chơi đi chơi lại để cố vượt qua Turbo Tunnel là một màn tra tấn thực sự. Điều duy nhất khó hơn việc phá đảo toàn bộ game Battletoads có lẽ là kiềm chế để không đập nát đĩa game.

>> Những tựa game có màn đánh boss hay nhất từ trước tới nay