5 tựa game có thể khiến bạn phát điên vì không hiểu sao mình đi chơi nó

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 14/04/2017 09:17 PM

Hễ nhìn thấy 5 tựa game này, bạn có thể cuộn chuột bỏ qua cho đỡ tốn tiền, vì thực tế là chúng cực kỳ dở tệ

GASP

Hiện tại, tựa game này đang chỉ sở hữu đúng 19% người chơi đánh giá tích cực. Trong game, bạn sẽ phải điều khiển một phi hành gia vũ trụ bị lạc và điều khiển anh ta đến chỗ đồng đội, những người đang tìm kiếm anh. Những tưởng đây là một tựa game kinh dị tâm lý tuyệt hay, thế nhưng cách chơi của nó đã khiến rất nhiều người phải phát cáu. Dưới đây là một đánh giá từ chính người chơi:

"Nó quá tệ. Tôi bỏ ra cả tiếng đồng hồ chỉ để di chuyển chầm chậm giữa đống đá cuội đang bay hay mấy mảnh thiên thạch va đập với mặt đất. Chẳng có cảm giác kinh dị gì hết, và thực tế nó cũng rất lãng phí thời gian. Xin các bạn, làm gì thì làm, đừng đụng vào trò chơi này, lãng phí lắm!"

Ngay cả khi nó là một game miễn phí hoàn toàn, thế nhưng GASP đang là một trong những tựa game bị ghét nhất trên Steam ở thời điểm hiện tại. Cốt truyện cũng có nhưng thực chất nó được tạo ra chỉ để giới thiệu một tựa game khác sắp ra mắt mà thôi!

Sacred 3

Sacred từng là một series game nhập vai rất được yêu mến, cho đến phần thứ 3. Nói một cách dễ hiểu, nhà phát triển tựa game thay vì làm một hậu bản ấn tượng như hai phần đầu, họ quyết định lấy thương hiệu Sacred và tạo ra một tựa game chặt chém y hệt Gauntlet. Tiếc một nỗi, game thì chẳng hay, mà thậm chí còn "bôi gio chắt trấu" vào thể diện của một trong những series game nhập vai huyền thoại:

"OK tôi sẽ cố gắng không viết một đoạn review game quá tiêu cực đến mức dìm hàng. Thế nhưng Sacred 3 thiếu mọi thứ tạo nên một phiên bản Sacred. Từ nhiệm vụ, sự tự do trong gameplay và cả sự đa dạng đều bị biến mất, thay vào đó là những đoạn cắt cảnh nhảm nhí và gameplay thì thực sự gây chán nản."

Đây là một trong những hậu quả của việc nói một đằng làm một nẻo, khiến game thủ mất niềm tin vì thứ họ nhận được chẳng giống một chút nào so với kỳ vọng.

Command & Conquer 4: Tiberian Twilight

Câu chuyện về cuộc chiến tranh giành nguồn tài nguyên Tiberium trong Command & Conquer chẳng xa lạ gì với cộng đồng game thủ chúng ta, đặc biệt là những người hâm mộ game chiến thuật thời gian thực. Thế nhưng EA trong phiên bản game này có vẻ như lại làm khó chính bản thân mình vì lỡ tay đưa vào game những thứ vừa quái dị, vừa không hợp thời lại vừa dễ khiến game thủ nổi cáu:

"Phải cày đi cày lại vài nhiệm vụ chỉ để mở khóa một số chủng quân. Không có chức năng xây dựng nhà chính và các công trình. Không có nổi chế độ campaign tử tế. Ấy là chưa kể tựa game còn bắt kết nối internet 24/24 mới cho chơi, kể cả mục chơi đơn. Thế này mà gọi nó là bom tấn à?"

Thực tế mà nói, phiên bản thứ 4 của series Command & Conquer chẳng khác gì Sacred 3 kể trên cả. EA hoàn toàn không nhớ nổi công thức thành công của một tựa game chiến thuật thời gian thực điển hình, và tạo ra một món lẩu thập cẩm nhìn đã không ưa mắt, mà thưởng thức thì còn khó nuốt trôi hơn nhiều.

Day One: Garry’s Incident

Game giới thiệu rằng: "Bạn sẽ được khám phá một thế giới rộng lớn trong lúc cố gắng tạo ra những món dụng cụ giúp bạn sống sót. Bạn sẽ phải tìm đường, phải giải mã những câu đố giữa thế giới đó hòng tìm ra lối thoát giữa khu rừng Amazon rộng lớn và nguy hiểm."

Nghe có vẻ giống như một tựa game sinh tồn hoàn hảo? Bạn nhầm rồi, chúng tôi sẽ không khuyên các bạn download thử tựa game này về chơi đâu, thay vào đó sẽ giải thích ngay vấn đề: Nhân vật chính có vẻ giống như một tay nát rượu lúc nào cũng lảo đảo khề khà. Game thì nhiều lỗi, ý tưởng có sáng tạo đến mấy cũng bị những lỗi vặt này phá nát trải nghiệm chơi của game thủ. Họ ghét tựa game này âu cũng là điều dễ hiểu mà thôi.

Flatout 3: Chaos & Destruction

Xin được trân trọng giới thiệu tới các bạn độc giả, tựa game bị ghét nhất trên Steam, với 89% game thủ đánh giá tiêu cực: Flatout 3: Chaos & Destruction. Trước đây đã từng có thời kỳ Flatout được so sánh ngang bằng với huyền thoại game đua xe Burnout của Criterion Games, thế nhưng đến phần 3, khâu phát triển game vô cùng cẩu thả đã tạo ra một sản phẩm game đua xe mà chúng ta chỉ có thể mô tả bằng một danh từ duy nhất: "Ác mộng",

"Game tệ quá mức cho phép. Đây chính xác là game tôi sẽ không giới thiệu cho bất kỳ người bạn nào cả. Hiệu ứng vật lý thì lố bịch, đâm xe và cháy nổ chẳng có cảm giác chút nào. Ấy là chưa kể, đồ họa quá tệ. Phiên bản đầu tiên hòi năm 2004 có khi còn đẹp hơn, theo ý kiến của tôi."

Hóa ra, thay vì Bugbear, Flatout 3 được một studio khác phát triển, và nó thực sự... khác so với những phiên bản tiền nhiệm. "Khác" ở đây hoàn toàn không có nghĩa là hay hơn. Nó tệ ở chỗ nào, các bạn đều đã được biết thông qua đoạn review game ngắn của một game thủ đã trót bỏ tiền ra mua game trên Steam trên đây rồi!