Thói quen sử dụng có tác động rất lớn trong việc quyết định chiếc máy tính của bạn có thể sống thọ hay không. Chỉ khi bạn biết cách dùng thì máy tính mới không bị hư hỏng sảng và ở lại lâu với bạn được. Sau đây là những thói quen mà bạn nên tránh ngay nếu muốn không muốn giã chiếc máy tính thân yêu sớm.
Để mở thùng case
Nhiều bạn cứ quan niệm rằng cứ để mở ra cho nó mát, mà mát thì nó mới tốt cho linh kiện. Ừ thì cũng đúng đấy, nhưng với điều kiện là môi trường của bạn không có bụi cơ, còn nếu mà có thì mơ đi nhé.
Ngoài nhiệt độ ra thì bụi bặm cũng là tác nhân gây hại hàng đầu cho linh kiện PC. Nếu bạn ở trong phòng kín, mở điều hòa thì cứ tự nhiên mà mở. Tuy nhiên nếu bạn ở trong môi trường nhiều bụi bặm thì lợi chắc chắn không nhiều bằng hại. Để mình lấy bản thân làm ví dụ cho mấy bạn dễ hình dung. Phòng mình quay thẳng ra đường lộ và không có điều hòa nên vào ban ngày mình luôn mở tất cả cửa từ cửa chính đến cửa sổ cho nó mát. Hồi trước mình xài case phèn, không gắn nhiều quạt được mà card lại khá nóng nên mình mở nắp thùng luôn. Thế là rất đều đặn, tầm 1 đến 2 tháng là máy mình lại không lên được, lấy RAM ra chùi bụi là nó hết. Bụi còn còn bám đầy trên backplate của card khiến mình phải vệ sinh mỗi 2 tháng 1 lần. Đến tận khi mình mua một cái case thật kín và có lọc bụi và gắn quạt đầy đủ, tối ưu luồng khí tốt thì tình trạng này mới hết, cũng đỡ mất công vệ sinh hơn rất nhiều.
Việc mở nắp thùng case chỉ thực sự nên làm khi bạn ở trong môi trường thật sạch sẽ. Thế nên nếu phòng bạn như phòng mình thì tốt nhất nên mua một cái case có lọc bụi với mấy cái quạt về gắn vào mà xài. Việc có một chiếc case kín cũng giúp bạn bảo vệ được dàn linh kiện trước những tác nhân bên ngoài như thằn lằn, chuột, bọ, nước và bất cứ thứ gì mà bạn có thể lỡ tay làm nó bay vào case.
Tháo máy vệ sinh máy tính quá thường xuyên
Sạch sẽ là tốt, nhưng không phải theo kiểu này. Đây cũng là một trong những lý do chính khiến mình khuyên các bạn không nên mở nắp case trừ khi đang ở trong môi trường cực kỳ sạch sẽ.
Linh kiện điện tử hay linh kiện cơ khí thì cũng vậy, tốt nhất là bạn nên hạn chế việc tháo ra lắp vào được chừng nào thì hay chừng đó. Khi tháo ra lắp vào thường xuyên thì tác hại dễ thấy nhất là các chân tiếp xúc của linh kiện sẽ bị hao mòn nhanh hơn, đặc biệt là lớp mạ vàng ở chân RAM và chân PCIe. Các đầu dây SATA, dây nguồn… cũng bị nhanh chóng bị lỏng. Việc các chân tiếp xúc của linh kiện bị mòn dễ dẫn đến tình trạng tiếp xúc kém. Cái này tai hại lắm nhé, nhẹ thì máy không lên, còn nặng thì dễ dẫn đến chập điện và nướng linh kiện của bạn luôn.
Lời khuyên ở đây là thay vì thường xuyên lôi linh kiện ra vệ sinh, bạn hãy tìm cách để linh kiện lâu bị bẩn hơn. Hãy bắt đầu từ việc đậy thùng máy lại.
Để đồ lên laptop
Chuyện này cũng khá thường thấy, nhất là mấy bạn sinh viên hay để tập vở, đề cương lên laptop. Đối với mấy thứ nhẹ nhàng như giấy tờ này nọ thì không sao, nhưng nếu bạn ném cả chồng sách hay cuốn từ điển lên đó thì sẽ có vấn đề đấy.
Phần nắp lưng laptop là nơi chứa màn mình, và màn hình thì nó cực kỳ mong manh. Việc để vật nặng lên laptop có thể gây cong vẹo mặt lưng laptop và làm vỡ tấm nền màn hình. Cho dù laptop của bạn có nắp lưng bằng nhựa hay kim loại, dày hay mỏng, cứng hay mềm thì việc để đồ lên trên đó cũng là không nên. Về bản chất thì người ta không thiết kế ra laptop cho bạn làm làm cái khay để đồ.
Hở tí là chạy Stress Test
Bản chất của stress test là bắt linh kiện của bạn chạy hết công suất để kiểm tra tính ổn định của nó khi chạy trong điều kiện đó. Nó chỉ giúp bạn thử thách để kết luận chất lượng linh kiện thôi chứ không mang lại ích lợi gì cả. Việc bật stress test thường xuyên cũng giống như bạn nẹt pô khi đi xe máy vậy, nó làm hao mòn linh kiện rất nhanh.
Mình thấy có khá nhiều anh em cứ tí tí là lại mang máy mình ra stress test một lần chỉ để kiểm tra nhiệt độ mà thôi. Thay vì stress test vô tội vạ như vậy, bạn có thể dùng ứng dụng theo dõi nhiệt độ để kiểm soát tình trạng máy tốt hơn ngay trong lúc sử dụng với điều kiện thông thường.
Mình có biết một trường hợp như thế này: Thanh niên A bán card cho thanh niên B. Thanh niên B tưởng FurMark là ứng dụng đo nhiệt nên bật 24 trên 24, không dùng máy thì cũng treo để đó luôn. Kết quả là sau 2 tháng card lên 9x độ lại đổ thừa thanh niên A bán đồ dỏm.
Chơi game crack không kiểm soát
*Cái này mặc dù không gây hại cho máy tính một cách rõ ràng nhưng nó cũng làm cho trải nghiệm của bạn xấu đi, thế nên mình cũng sẽ mang vào bài viết luôn.
Cái gì free thì nó cũng hấp dẫn mà nhưng bạn nghĩ người ta bỏ thời gian và công sức, thực hiện hành vi phạm pháp là phát hành lậu một ấn phẩm được luật bản quyền bảo vệ chỉ để bạn chơi free à? Không có đâu nhé.
Crack một tựa game như thế nào là chuyện của họ, và cài thứ gì vào bản crack đó cũng là quyền của họ. Thường thì bản crack nào cũng yêu cầu quyền admin để khởi động và một khi đã cấp quyền admin thì bản crack đó sẽ toàn quyền sử dụng máy tính của bạn. Những thứ như Virus, mã độc… là điều gần như không thể tránh khỏi. Thậm chí một số nhóm crack còn thêm vào các mã độc để chiếm dụng một phần sức mạnh VGA của bạn để "đào" tiền mã hóa cho họ. Triệu chứng dễ nhận thấy nhất là GPU của bạn sẽ luôn nóng vì chạy hết công suất nhưng FPS thì lại thấp hơn so với khi chơi game bản quyền.
Thêm một cái mình muốn nói nữa là mình thấy có khá nhiều bạn thường bấm next liên tục mà không thèm nhìn nội dung thông báo. Điều này khá tai hại vì bạn sẽ không biết game cài ở đâu và trong lúc đó trình cài đặt có cài thêm phần mềm nào khác hay không (Cái này rất dễ thấy với game crack). Thế nên tốt nhất là hãy bỏ vài giây để nhận thức mình đang làm gì trước mỗi lần nhấn next nhé.
Theo Gearvn