Giai đoạn lịch sử đầy biến động và cuối thời Đông Hán và thời Tam Quốc vốn thường được xem là thời kỳ sản sinh ra không ít nhân tài, đặc biệt là những võ tướng kiêu dũng, thiện chiến.
Thế nhưng trong vô số các tên tuổi nổi lên vào buổi loạn lạc, nhiễu nhương khi ấy, có những người nhanh chóng bị hậu thế quên lãng, bị lịch sử vùi lấp, cũng có những người khi còn sống đã vang danh thiên hạ, tới lúc mất đi lại khiến người đời không khỏi ngậm ngùi, tiếc thương.
Thậm chí số ít trong đó còn được xem là những nhân vật đóng vai trò quan trọng đối với bối cảnh lịch sử thời bấy giờ. Nếu cuộc đời họ có thể được viết lại theo một cách khác, lịch sử Trung Hoa trong giai đoạn này chắc chắn sẽ xảy ra nhiều biến đổi kinh thiên động địa.
Và bảng xếp hạng 5 danh tướng sở hữu kết cục bị xem là đáng tiếc nhất Tam Quốc dưới đây chính là minh chứng cho nhận định này.
Vị trí thứ năm: Ngụy Diên
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Ngụy Diên (? – 234), tự Văn Trường, là đại tướng quân nhà Thục Hán vào thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa.
Do ảnh hưởng từ "Tam Quốc diễn nghĩa", nhiều người luôn hình dung vị tướng họ Ngụy này là nhân vật có tướng mạo phản trắc, bán chủ cầu vinh. Thế nhưng nguyên mẫu của Ngụy Diên trong lịch sử lại là một người hoàn toàn trái ngược.
Các nguồn tài liệu chính sử đều khẳng định, Ngụy Diên từ sớm đã một lòng muốn theo phò Lưu Bị nhưng chưa có cơ hội.
Tới khi Quan Vũ đánh tới Trường Sa, ông liền thuyết phục viên tướng giỏi nhất Trường Sa lúc ấy là Hoàng Trung theo mình đầu hàng, sau đó dùng kế ép Hàn Huyền dâng thành.
Các sử gia cũng đã chỉ rõ rằng "tướng mạo phản phúc" của nhân vật Ngụy Diên trong diễn nghĩa hoàn toàn là chi tiết hư cấu do La Quán Trung xây dựng. Thực chất ông là một người rất trung thành, dũng mãnh và nhận được sự tín nhiệm từ cả Lưu Bị cùng Gia Cát Lượng.
Năm xưa khi theo Lưu Bị tiến vào Ích Châu, vị tướng họ Ngụy nhờ chiến đấu dũng mãnh nên đã được quân chủ phá lệ đề bạt làm Đại tướng trấn thủ một phương.
Sau này theo Thừa tướng Khổng Minh Bắc phạt, ông tiếp tục lập nhiều chiến công, từng được giữ nhiều chức vụ quan trọng và chỉ đứng sau Gia Cát Lượng.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Ngụy Diên sinh thời có tài rèn binh sĩ, lại là hổ tướng dũng mãnh trên chiến trường, chỉ tiếc rằng tính cách có phần tự kiêu nên đã từng có mối quan hệ hết sức căng thẳng với Dương Nghi – một viên quan khác trong triều đình Thục Hán lúc bấy giờ.
Năm xưa trước khi qua đời, Khổng Minh từng dặn dò quân Thục phải rút về Thành Đô. Tuy nhiên Ngụy Diên lại phản đối và kiên quyết muốn tiếp tục tiến hành Bắc phạt.
Đây chính là lý do khiến Dương Nghi vu cho Ngụy Diên tội làm phản. Sau khi giao chiến với quân của Dương Nghi và thất bại, Ngụy Diên bị triều đình xử tử, gia tộc của ông cũng phải chịu án tru di ba họ.
Cho tới ngày nay, vụ án "Ngụy Diên mưu phản" vẫn được xem là một trong những đại án thời Tam Quốc. Đa số các ý kiến đều cho rằng vị tướng họ Ngụy không hề có mưu đồ làm phản mà đều do âm mưu của đối thủ Dương Nghi sắp đặt.
Thân là một vị tướng dũng mãnh trên sa trường nhưng lại phải bỏ mạng vì những âm mưu độc địa trên chính trường, cái chết của Ngụy Diên cho tới nay vẫn khiến nhiều người không khỏi bùi ngùi, xót xa mỗi khi nhắc tới.
Có ý kiến còn cho rằng, nếu danh tướng họ Ngụy không bỏ mạng trong âm mưu của Dương Nghi năm ấy, ông chắc chắn sẽ trở thành trụ cột quân sự của Thục Hán sau này.
Xét về năng lực và kinh nghiệm tác chiến, Ngụy Diên được đánh giá cao hơn Vương Bình, Khương Duy. Do đó nếu ông trở thành người lãnh đạo cao nhất trong quân đội nhà Thục, cơ nghiệp của Thục quốc có lẽ cũng sẽ không rơi vào cảnh thiếu vắng nhân tài sau khi Gia Cát Lượng qua đời.
Vị trí thứ tư: Quan Vũ
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Quan Vũ (? – 220), tự Vân Trường, là một vị tướng cuối thời Đông Hán và thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa. Ông cũng là người đã góp công vào việc thành lập chính quyền Thục Hán với vị Hoàng đế đầu tiên là Lưu Bị.
Năm xưa, Quan Vân Trường vốn nổi danh là viên hổ tướng sức địch ngàn người, sở hữu nhiều chiến công hiển hách, lại trung thành bất khuất nên được người đời ca ngợi bằng mỹ danh "uy chấn Hoa Hạ".
Ông phò tá Lưu Bị ngay từ buổi đầu lập nghiệp của vị quân chủ này, xét về công trạng có thể xem như khai quốc công thần nhà Thục Hán.
Cũng bởi hữu dũng hữu mưu lại hết mực trung thành, Quan Vũ năm xưa từng được chọn là người trấn thủ Kinh Châu – căn cứ trọng yếu hàng đầu của tập đoàn chính trị Thục Hán lúc bấy giờ.
Trong trận chiến Tương Phàn, ông đã khiến cho không ít danh tướng của Tào Ngụy phải thảm bại nhục nhã, thậm chí còn khiến Tào Tháo kinh sợ tới mức có ý định dời đô, làm rúng động cả đất Trung nguyên.
Nếu không phải Tôn Quyền sai người đánh lén Kinh Châu, thế tiến công của Quan Vũ rất có khả năng sẽ trở thành mối uy hiếp lớn đối với Tào Ngụy và đem lại nhiều lợi thế cho chính quyền Thục Hán.
Chỉ tiếc rằng cuộc đời Quan Vân Trường "thành cũng nhờ Kinh Châu, bại cũng do Kinh Châu". Nước cờ đánh lén của Tôn Quyền và Lã Mông cuối cùng đã khiến cho vị tướng uy chấn Hoa Hạ ấy phải bỏ mạng.
Sự ra đi đột ngột của Quan Vũ cùng biến cố để mất Kinh Châu được cho là hai yếu tố quan trọng dập tắt giấc mộng nhất thống thiên hạ của thế lực Lưu Bị lúc bấy giờ.
Vị trí thứ ba: Chu Du
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Chu Du (175 – 210), tự Công Cẩn, là danh tướng và khai quốc công thần của nước Đông Ngô thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa.
Năm xưa, Chu Du từng đứng đầu trong hàng ngũ Tứ đại Đô đốc Giang Đông. Nổi danh là người văn võ toàn tài, ông được xem là trụ cột của Tôn Ngô trên phương diện quân sự.
Thành tựu lớn nhất trong cuộc đời cầm quân của Chu Công Cẩn phải kể tới chiến thắng trong cuộc chiến Xích Bích và trận chiến Giang Lăng. Hai thắng lợi này được xem là dấu mốc phá vỡ khát vọng nhất thống thiên hạ của Tào Tháo trong thời điểm lúc bấy giờ.
Không lâu sau khi trận chiến ở Nam quận kết thúc, Chu Du đột ngột qua đời ở tuổi 36. Có người cho rằng ông mất vì bạo bệnh, có giai thoại lại truyền rằng ông qua đời do vết thương cũ phát tác.
Thế nhưng dù nguyên nhân phía sau cái chết của ông có là gì thì chung quy vị Đại đô đốc họ Chu ấy vẫn ra đi đột ngột khi còn đương độ tráng niên.
Điều đáng nói hơn còn nằm ở chỗ, thời điểm bấy giờ là lúc Chu Du vừa dâng lên Tôn Quyền kế hoạch tiến đánh Ích Châu và đã được vị quân chủ này phê chuẩn. Đây cũng là lý do khiến ông vội vàng trở về Giang Lăng để chuẩn bị cho chiến dịch tây chinh, chỉ tiếc rằng chuyến đi ấy lại khiến Chu Du một đi không trở lại.
Nếu vị Đại đô đốc họ Chu ấy không đột ngột qua đời, Tôn Ngô rất có thể đã thành công trong việc chiếm lấy Ích Châu, vừa tiếp tục "dằn mặt" Tào Tháo lại vừa có thể âm thầm thanh toán Lưu Bị.
Nói cách khác, nếu Chu Du không mất sớm, mảnh đất Ích Châu rất có khả năng đã không về tay Lưu Bị, vị quân chủ này cũng khó có được "vốn liếng" để hùng cứ một phương.
Đây cũng là lý do khiến nhiều người cho rằng, Lưu Huyền Đức mới là nhân vật được hưởng lợi nhiều nhất trước cái chết đột ngột của vị Đại đô đốc Đông Ngô.
Vị trí thứ hai: Tôn Kiên
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Tôn Kiên (155 – 191), tự Văn Đài, là người đặt nền móng xây dựng nên nước Đông Ngô thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông cũng là cha ruột của hai nhà lãnh đạo Đông Ngô sau này là Tôn Sách và Tôn Quyền.
Năm xưa, Tôn Kiên từng được mệnh danh là một trong những mãnh tướng mạnh nhất vào cuối thời Đông Hán. Ngay từ khi thế lực của Tào Tháo, Lưu Bị hay Viên Thuật, Viên Thiệu còn chưa trở nên lớn mạnh thì tên tuổi của vị tướng họ Tôn sớm đã vang danh thiên hạ.
Trong chiến dịch chinh phạt Đổng Trác, cánh quân của ông cũng là cánh quân chư hầu hiếm hoi giành được nhiều thắng lợi.
Trong khi Tào Tháo bị quân Đổng đánh cho đại bại, Viên Thiệu, Viên Thuật không dám giao chiến thì Tôn Kiên đã chỉ huy quân đội đẩy lùi nhiều đợt tiến công từ các mãnh tướng Tây Lương như Hồ Chẩn, Lữ Bố.
Chỉ riêng việc liên tiếp đánh bại quân Tây Lương khét tiếng một phương đã cho thấy bản lĩnh và sự dũng mãnh của vị tướng họ Tôn khi ấy hoàn toàn xứng đáng vang danh thiên hạ.
Tiếc rằng trong cuộc giao tranh với quân Lưu Biểu, Tôn Kiên không may rơi vào ổ mai phục của quân địch và trúng tên bỏ mạng khi mới 37 tuổi.
Giả sử Tôn Kiên không qua đời trong biến cố này thì với sự dũng mãnh của ông và thêm sự góp sức từ hai người con là nhân tài xuất chúng như Tôn Sách, Tôn Quyền, chắc chắn cơ nghiệp của gia tộc họ Tôn sau này cũng không chỉ dừng lại ở một vùng Giang Đông.
Vị trí thứ nhất: Hà Tiến
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Hà Tiến (? – 189), tự Toại Cao, là tướng ngoại thích vào cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông từng có xuất thân là một người hành nghề bán thịt, sau này nhờ có em gái làm Hoàng hậu nên được vào triều làm vua và trở thành quyền thần có tiếng tăm và thế lực khét tiếng.
Khi đang tranh quyền với phe cánh hoạn quan, Hà Tiến đã nghe theo ý kiến của Viên Thiệu, cho quân địa phương vào kinh thành với mưu đồ uy hiếp Hoàng hậu nhằm tru diệt thái giám.
Chỉ tiếc rằng kế hoạch chưa thành thì đã bại lộ, Hà Tiến bị hoạn quan phục kích bắt sống ở cửa cung Trường Lạc, sau đó bị giết chết ở trước điện Gia Đức, không rõ năm đó ông bao nhiêu tuổi.
Đại tướng quân họ Hà vừa vong mạng, thiên hạ đã lâm vào cảnh đại loạn. Đầu tiên phải kể tới việc Đổng Trác đem quân vào thành và trở nên chuyên quyền, tiếp đó là việc các chư hầu hội binh chinh phạt Đổng Trác nhưng sau đó lại ủng binh tự lập, công kích lẫn nhau.
Một loạt các biến cố xảy ra sau cái chết của Hà Tiến đã báo hiệu cho ngày tàn của nhà Đông Hán cũng như mở ra thế cục phân tranh loạn lạc vào thời Tam Quốc.
Thiết nghĩ Hà Tiến năm xưa đã làm tới chức Đại tướng quân, nắm trong tay binh mã của triều đình. Nếu ông không bị giết, Đổng Trác ắt không dám vào kinh, hoặc dù cho có tiến quân vào thành cũng không có gan loạn chính.
Hơn nữa, Hà Tiến còn sở hữu đội quân chính quy tinh nhuệ nhất của triều đình trung ương lúc bấy giờ. Trong trường hợp các chư hầu nổi dậy cát cứ, ông cũng có hoàn toàn có khả năng đem binh trấn áp.
Vì vậy mà có học giả đã nhận định rằng, nếu Hà Tiến không chết sớm trong tay hoạn quan thì dưới sự ủng hộ của vị Đại tướng quân này, các Hoàng đế Hán triều ít nhất vẫn có thể cai quản thiên hạ, cơ nghiệp 400 năm của Đại Hán cũng không dễ dàng sụp đổ và biến mất như vậy.
*Dịch từ các báo nước ngoài.