Theo Trí Thức Trẻ | 10/10/2018 10:00 AM
Chúng ta đều biết điện ảnh là môn nghệ thuật giàu trí tưởng tượng và bản thân nó chứa đựng nhiều sự phóng tác. Tuy nhiên, đối với một tác phẩm tiểu sử hoặc dựa trên các tư liệu lịch sử thì việc phản ánh không đúng sự thật có thể khiến bộ phim rơi vào thế gây tranh cãi, xấu hơn hoàn toàn có thể dẫn đến kiện tụng.
Dưới đây là những trường hợp mà Hollywood đã "làm liều" để rồi phải đối mặt với rắc rối vì đã không tuân theo sự thật trong nguyên tác lịch sử.
1. Warner Bros. bị kiện vì The Conjuring "bịa" chuyện bắt ma
Năm 2017, nhà văn Gerald Brittle tác giả của cuốn sách The Demonologist xuất bản năm 1980 kể về cuộc điều tra của hai nhà ngoại cảm nổi tiếng Ed và Lorraine Warren đã quyết định đòi hãng Warner Bros. 900 triệu USD.
Ông này đã đưa ra loạt bằng chứng dày như một cuốn tiểu thuyết với xấp tài liệu lên tới 355 trang rằng mình là người duy nhất nắm bản quyền cho những sự kiện liên quan tới Edd và Lorraine dựa trên một thoả thuận năm 1978. Tóm lại là Lorraine Warren không có quyền kể lại chuyện đời của bà ấy để Warner Bros. làm phim.
Tất cả chỉ là trò vớ vẩn! Ma không tồn tại! Chị Valak không có thật!
Lúc này, hãng đã khôn khéo cãi rằng bộ phim của họ dựa trên "những sự kiện có thật" chứ không phải là cuốn The Demonologist. Thế là ngài Brittle sau đó làm một cú lật mặt bất ngờ khi tuyên bố nhà Warrens đã bốc phét về những sự kiện mà họ thấy, vì thế loạt The Conjuring không thể dựa trên những sự kiện có thật vì cơ bản là ma không tồn tại.
Tóm lại là, vụ kiện cáo um sùm trị giá 900 triệu đô và hơn 300 trang giấy tồn tại xung quanh giả thuyết liệu ma có thật hay không.
2. Zero Dark Thirty: Trò tra tấn ép cung của CIA giúp bắt được Osama bin Laden là không chính xác
Dù nhận được nhiều đề cử, trong đó có một giải Oscar cho nữ đạo diễn Kathryn Bigelow, thế nhưng Zero Dark Thirty (Truy Sát Osama bin Laden) lại bị CIA "ghim". Lý do là các nhân viên tại cục tình báo trung ương Mỹ cho rằng các cảnh thẩm vấn, tra tấn tội phạm trong phim là "hoàn toàn không chính xác" trong khi vô số quan chức phản đối cách mà bộ phim tìm ra bin Laden là đánh cho người ta ra bã đến khi nào họ khai thì thôi.
Ngay cả đảng Cộng hòa cũng thú nhận rằng hình thức tra tấn này không thực sự dẫn đến việc xác định được vị trí của trùm khủng bố bin Laden. Trên thực tế, theo cựu giám đốc CIA, tên của tù nhân khai ra còn không có trong hồ sơ của CIA.
3. Argo: Chuyến đi tới Iran đã được chấp thuận chứ không phải bị cản trở
Tác phẩm Argo được đánh giá là đỉnh cao của Ben Affleck trên chiếc ghế đạo diễn. Tuy nhiên, dự án cũng chịu nhiều chỉ trích khi tâng bốc vai trò của Mỹ và "dìm" các nước khác xuống như Iran, Canada trong chiến dịch giải cứu 6 nhà ngoại giao khỏi mặt trận Iran. Xem phim ai cũng thấy bản thân bộ máy chính quyền Mỹ bị làm quá lên để đẩy cao trào cho khán giả.
Cụ thể hơn, trong Argo có một chi tiết khá hồi hộp: chuyến đi tới Iran của nhóm giải cứu dẫn đầu bởi điệp viên CIA Tony Mendez bị huỷ vào giờ chót. Thế nhưng, sự thật không phải vậy, kế hoạch trong thực tế đã hoàn toàn được chấp nhận bởi tổng thống Carter và những nhà làm luật tại Washington và Ottawa.
4. Alexander: Bị kiện vì xuyên tạc cuộc đời đại đế Macedonia
Chúng ta đều biết Alexander đại đế của Macedonia là một trong những vị tướng nổi tiếng và thành công nhất trong lịch sử cùng với vô số giai thoại về ông. Tuy nhiên tác phẩm Alexander năm 2004 đã đổi trắng thay đen, làm xáo trộn quá nhiều sự kiện và sự thật lịch sử về nhân vật này khiến khán giả không chỉ phẫn nộ mà còn... đâm đơn kiện vì dám... nói láo.
Vào lúc bộ phim ra mắt, theo các sử gia, Alexander giống như một tập hợp các sự kiện xảy ra trong cuộc đời đại đế này hơn là cố gắng mô tả chân dung của ông cùng thành tựu ông đạt được. Một số hành động của nhân vật chính trong phim hoá ra lại thuộc về các danh nhân lịch sử khác chẳng hề liên quan.
Ba trận chiến lớn trong sự nghiệp cầm quân của Alexander là Granicus, Issus và Gaugamela thì bị hợp vào làm một. Hãng Warner Bros. đã phải cắt sửa bộ phim tan nát tới tận 4 lần kể từ khi nó ra rạp để cố gắng giải quyết vấn đề này.
5. Steve Jobs: Gia đình của Steve Jobs ngăn cản quá trình làm phim
Khi hãng Sony vẫn còn nắm quyền thực hiện bộ phim tiểu sử về bậc thầy sáng tạo công nghệ Steve Jobs, thì vợ của Steve Jobs - bà Laurene Powell - đã khẩn cầu Leonardo DiCaprio và Christian Bale đừng nhận vai này. Sau đó bộ phim rơi vào tay Universal và họ quyết tâm thực hiện, mời Michael Fassbender về đóng. Khi bộ phim được ra mắt, hàng loạt tranh cãi đã nổi lên vì rất nhiều sự kiện trong phim là bịa đặt, từ hình ảnh người cố vấn Steve Wozniak cho tới việc Jobs đối xử với con gái Lisa như người dưng rồi sau đó mới làm hoà...
Theo như những gì người ta được biết thì Steve Jobs luôn đối xử rất tốt với con gái Lisa, không có chuyện chối bỏ khi em mới chào đời.
Điện ảnh là góc nhìn của người nghệ sĩ từ đạo diễn, biên kịch tới diễn viên. Tuy nhiên một khi giữa bộ phim và khán giả không tìm được sự thoả hiệp về chừng mực được hư cấu nhất là đối với các phim lịch sử, tiểu sử thì đó là lúc tranh cãi nổ ra. Hy vọng rằng đây là những bài học cho các nhà làm phim cẩn trọng hơn với kịch bản của mình và tôn trọng những chân dung lịch sử mà họ khai thác để tránh những rắc rối xảy đến trong tương lai.