Theo Trí Thức Trẻ | 28/10/2018 11:00 AM
Trong nhiều thập kỷ nay, Walt Disney đã trở thành gã khổng lồ trong lĩnh vực điện ảnh với số lượng bom tấn thống trị phòng vé vượt xa những đối thủ khác. Tuy nhiên, không phải bộ phim nào của hãng cũng mang lại thành công thương mại giòn giã. Năm bộ phim dưới đây là những thất bại thảm hại trong lịch sử Nhà Chuột.
1. Snow Dogs (Bầy Chó Tuyết, 2002)
Snow Dogs chuyển thể từ tiểu thuyết hư cấu Winterdance: The Madness of Running the Iditarod (Tạm dịch: Vũ Điệu Mùa Đông) của nhà văn Gary Paulsen. Phim kể về anh chàng nha sỹ nổi tiếng Ted Brooks (Cuba Gooding Jr.) cùng hành trình kết nối với cội nguồn của mình tại quê nhà Alaska lạnh giá. Đồng hành với Ted là 7 chú chó Husky mà anh được thừa kế lại từ mẹ ruột của mình.
Ted không ngờ được tài sản mà mình thừa kế lại là những chú Husky đáng yêu.
Mặc dù có sự góp mặt của những chú Husky đáng yêu nhưng phim lại có thất bại thảm hại khi chỉ đạt được 24% đánh giá trên Rotten Tomatoes khi bị chê là kịch bản dở, diễn xuất thảm hoạ và kiểu làm phim moi tiền của khán giả.
2. John Carter (Người Hùng Sao Hỏa, 2012)
Kể đến những "bom xịt" đình đám nhất của nhà Chuột, John Carter đứng đầu danh sách khi chỉ thu về được 284 triệu USD trong khi kinh phí đầu tư đã lên đến 250 triệu. Ban đầu, Disney kỳ vọng John Carter sẽ trở thành bom tấn mở màn cho loạt phim gồm ba phần chuyển thể từ tiểu thuyết Barsoom của Edgar Rice Burroughs. Tuy nhiên, sau thất bại thảm hại từ phần phim đầu tiên này, các phần tiếp theo cũng không được sản xuất như dự kiến. Có lẽ John Carter là một thất bại nhớ đời trong lịch sử của Disney.
Tài tử Taylor Kitsch (John Carter) cũng lao đao vì góp mặt trong một "bom xịt" như thế này.
3. The Lone Ranger (Kỵ Sĩ Cô Độc, 2013)
Mặc dù có sự góp mặt của hai ngôi sao đình đám Johnny Depp (Tonto) và Armie Hammer (The Lone Ranger) nhưng The Lone Ranger vẫn thất bại thảm hại tại phòng vé khi chỉ thu về 260 triệu USD (kinh phí sản xuất là 250 triệu). Và trên Rotten Tomatoes, The Lone Ranger chỉ đạt được điểm từ các nhà phê bình là 30% cùng với 51% bình chọn từ khán giả. Vậy là chỉ một năm sau thất bại của John Carter, Disney lại chứng kiến một lần đầu tư không hiệu quả với The Lone Ranger.
Lone Ranger xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1933, nhanh chóng trở thành một nhân vật điển hình cho các tác phẩm bao gồm sách, truyện tranh, phim và chương trình truyền hình phương Tây, đặc biệt trong văn hóa Mỹ. Mặc dù được đặt theo tên của Lone Ranger, bộ phim lại xoáy sâu hơn vào nhân vật Tonto – một thổ dân da đỏ và người bạn đồng hành của anh. Sự thất bại của phim một phần do những tranh cãi nổ ra sau khi chọn diễn viên da trắng Johnny Deep sắm vai Tonto. Điều này được nhận xét là chẳng khác nào một bức tranh biếm họa thiếu tôn trọng người Mỹ bản địa.
4. Tomorrowland (Thế Giới Bí Ẩn, 2015)
Mặc dù được khen về kịch bản đầy tính sáng tạo và có với sự góp mặt của ngôi sao George Clooney (Frank Walker), Tomorrowland vẫn nhận lại thất bại lớn khi thu về 208 triệu USD trong khi kinh phí đầu tư đã lên đến 190 triệu.
Dàn diễn viên trong phim vốn đã quen mặt với khán giả.
Như đã nói ban đầu, kịch bản của Tomorrowland được đánh giá cao về độ sáng tạo khi kể về việc Casey – cô gái trẻ đam mê công nghệ cao cố gắng ngăn chặn ngày nhân loại bị hủy diệt cùng với sự trợ giúp của Robot Athena đến từ tương lai và nhà phát minh Dellusive. Sau thất bại của Tomorrowland, Dave Hollis (giám đốc phân phối của Disney) cho rằng hãng sẽ cân nhắc việc tiếp tục thực hiện những phần phim dang dở đang được công chúng đóng nhận mạnh mẽ hơn là vẽ vời thêm nhiều ý tưởng mới mẻ.
5. A Wrinkle in Time (Nếp Gấp Thời Gian, 2018)
Mặc dù là dự án được Disney ấp ủ trong một thời gian dài cùng với dàn sao đình đám như Reese Witherspoon, Mindy Kaling, Gugu Mbatha-Raw, Chris Pine và "bà hoàng truyền hình Mỹ" Oprah Winfrey, A Wrinkle in Time vẫn làm khán giả và giới phê bình thất vọng. Nguyên nhân mà bộ phim phải chịu sự ghẻ lạnh là tạo hình nhân vật lòe loẹt cùng nội dung thiếu cuốn hút với những câu thoại mang tính thuyết giảng khiến mạch phim trở nên dài dòng.
132,7 triệu USD là con số mà Disney thu về được cho bộ phim 100 triệu đô của mình. Đây có thể không phải con số thấp nhưng so với vị thế của Disney ở thời điểm hiện tại, A Wrinkle in Time quả là một thất bại đáng tiếc của hãng.
5 bộ phim trên đã chứng minh rằng không phải sản phẩm nào của Disney cũng đều được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Có lẽ đúng như lời giám đốc phân phối Dave Hollis từng chia sẻ, Disney nên tập trung vào các dự án thành công đang dang dở thay vì đầu tư quá nhiều cho các kịch bản mới ít đươc đón nhận từ công chúng.