Dưới đây là 5 tác phẩm xuất sắc, rất cảm động của điện ảnh Nhật Bản nói về nỗi đau bi thương trong chiến tranh. Mỗi bộ phim đều mang một cốt truyện hiện thực giàu tính nhân văn, đầy ý nghĩa, phản ánh chân thực những bi kịch đầy máu và nước mắt của mỗi kiếp người.
Là một tác phẩm kinh điển miêu tả rất chân thật về cuộc sống của người Nhật trong giai đoạn cuối Chiến tranh thế giới thứ hai. Ám ảnh và day dứt là những gì mà Mộ Đom Đóm đã đem đến cho khán giả, bất kỳ ai khi xem anime của hãng phim Studio Ghibli này đều sẽ rơi lệ và tiếc thương cho cô bé Setsuko và người anh trai Seita.
Bộ phim được sản xuất vào năm 1988 với những nét vẽ tay mộc mạc, giàu màu sắc và cảm xúc kể về cuộc sống của hai anh em Setsuko và Seita trong những ngày tháng chiến tranh. Cuộc chiến tranh phi nghĩa đã cướp mất gia đình yêu thương để hai đứa trẻ bơ vơ, lạc lõng trong sự khốn cùng của đói khát và bệnh tật. Ánh sáng của đom đóm không thể thắp lên được những khát vọng tầm thường của thực tế khắc nghiệt.
Setsuko ra đi trong đau đớn, hình ảnh của cô bé như những đốm sáng bé nhỏ của đom đóm vụt sáng rồi biến mất trong đêm tối sâu thẳm. Kết thúc của câu chuyện này quá đỗi bi thương khiến người xem cảm thấy nghẹn ngào, khắc khoải vì nó quá tàn nhẫn, quá đau đớn nhưng đó là chiến tranh, là sự thật trần trụi đã bóp chết những yêu thương, hy vọng của thế gian.
Hộp kẹo hoa quả, những bữa ăn đạm bạc, những kỷ niệm bình yên bên cha mẹ, tiếng cười nói vui vẻ của Setsuko, nghĩa vụ, lòng tự trọng của người anh Seita và những chú đom đóm bé nhỏ, tất cả đã bị chôn vùi trong bom đạn, trong máu và nước mắt, trong tro cốt của những cái chết vô tội. Tất cả dường như bị xóa bỏ bởi chiến tranh. Một khi tội ác đó còn tồn tại thì con người vẫn cứ mãi đau khổ, than khóc và dần chấm dứt sự sống của chính mình.
Bình yên đến kỳ lạ và cũng day dứt, ám ảnh đến tận sâu thẳm tâm hồn là những gì mà Góc khuất của thế giới mang đến cho khán giả. Tác phẩm ra mắt năm 2016, được đạo diễn và lên kịch bản bởi Katabuchi Sunao với một cốt truyện gần gũi, bình dị và giàu tính nhân văn.
Con người và cảnh sắc thiên nhiên hài hòa trong từng khung hình điện ảnh với một nhịp điệu chậm rãi và lắng đọng trong câu chuyện về cô gái Urano Suzu, từ khi lớn lên bên gia đình và trưởng thành, trở thành một người vợ, sống cùng gia đình chồng tại thành phố Kure. Sự yêu đời, ngây thơ của Suzu đã tỏa sáng những niềm tin và hy vọng cho những con người xung quanh cô khi họ phải đối mặt với cảnh hoang tàn, chết chóc của chiến tranh.
Những làn khói bếp ấm áp, mọi người quây quần bên nhau trong bữa cơm gia đình, bỏ qua những giận hờn, vụn vặt đời thường để chia sẻ, giúp đỡ và chăm sóc lẫn nhau trước những mất mát, đau thương. Nụ cười sẽ lại vang lên trong trẻo, cuộc sống mới sẽ lại tiếp tục như mầm non sẽ mọc lên xanh tươi từ đống tro tàn.
Bộ phim đã tái hiện xuất sắc về thảm họa chiến tranh tại Nhật Bản trong vụ đánh bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki nhưng không quá u tối và bi lụy mà là những nghị lực sống kiên cường đầy niềm hy vọng của người dân Nhật, nêu cao tinh thần vươn lên khó khăn của dân tộc. Chiến tranh sẽ qua đi, hòa bình trở lại bên những nguồn sống mới, mạnh mẽ, tiếp bước với những niềm vui.
Là một bộ phim anime sản xuất vào năm 1991 của đạo diễn Seiji Arihara, kể về cô bé Kayoko trong giai đoạn những năm 1940 khi chiến tranh thế giới thứ hai đang diễn ra. Đó là một tuổi thơ đầy những nỗi đau và nước mắt trong thời kỳ khủng hoảng của quê hương, đất nước.
Với những nét vẽ đơn sơ và chất màu ảm đạm, xưa cũ, bộ phim đưa khán giả đến những trải nghiệm của Kayoko theo năm tháng bi thương trong lịch sử của nước Nhật. Kayoko đại diện cho những đứa trẻ vô tội thời bấy giờ khi phải lớn lên trong cảnh bom rơi đạn lạc, ngây thơ quyên góp đồ chơi để làm nguyên liệu chế tạo thuốc nổ, phục vụ cho chiến tranh.
Sự yên bình, đầm ấm trong ngôi nhà của Kayoko đã bị chiến tranh tàn phá, điều đọng lại trong những ký ức và kỷ niệm của Kayoko chỉ là sự ám ảnh của cái chết, sự chia ly, mất mát. Nét trong sáng, hồn nhiên của trẻ em đã bị chiến tranh nhuốm màu đen tối, tang thương.
Nhật ký của Kayoko đã lên án chiến tranh qua góc nhìn trẻ thơ, thế hệ tương lai của đất nước nhằm khắc họa rõ nét sự lạnh lùng, tàn độc khủng khiếp của cuộc chiến vô nghĩa. Đấy là cuộc chiến của những kẻ quyền lực tham danh vọng, khiến con người hủy diệt chính con người và gieo rắc những cơn ác mộng trong ước mơ và tâm hồn của những đứa trẻ.
Đây là một trong những tác phẩm hiện thực lãng mạn xuất sắc nhất của hãng phim Ghibli, được sản xuất năm 2013 kể về hành trình chinh phục ước mơ của chàng trai trẻ Horikoshi Jiro trong buổi giao thời của Nhật Bản với những năm tháng chiến tranh khốc liệt.
Xen kẽ với sự lãng mạn trong câu chuyện tình giữa Jiro và Naoko là sự tự tôn, tinh thần dân tộc kiêu hãnh của Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai. Ước mơ, hy vọng hay tài năng của Jiro chỉ là để phục vụ cho chiến tranh, nước Nhật thất bại, những chiếc máy bay của Jiro thiết kế bị phá nát trong nỗi đau và sự tang thương. Chiến tranh đã hủy diệt tất cả.
Nhưng "gió vẫn thổi, ta phải sống" là câu nói ý nghĩa vực dậy sự sống cho Jiro và nước Nhật. Cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, con người cần phải tiếp tục sống và hy vọng. The Wind Rises như một thông điệp, tuyên ngôn sống của nước Nhật, luôn kiêu hãnh và kiên cường bước tiếp dù có trải qua biết bao đau thương, khó khăn. Một tác phẩm xuất sắc, giàu bản sắc dân tộc và giá trị nhân văn sâu sắc, xứng đáng là phim hoạt hình hay nhất năm của giải Viện Hàn lâm Nhật Bản.
Tác phẩm này là câu chuyện về hai anh em Junpei và Kanta sống trên đảo Shikotan. Sau khi Nhật Bản đầu hàng vì thất bại trong Thế chiến thứ hai, Shikotan bị kiểm soát dưới quyền của quân đội Liên Xô. Trong chuyến hành trình tìm gặp lại cha mình, Junpei và Kanta đã gặp gỡ và kết bạn với cô gái người Nga Tanya. Vượt qua những rào cản về ngôn ngữ, sự khắc nghiệt của thời cuộc, những đứa trẻ đã viết nên một tình bạn đẹp đẽ, trong sáng.
Hòn đảo của Giovanni phát hành vào năm 2014 bằng những nét vẽ 2D chân thật, mềm mại với gam màu tươi sáng hài hòa giữa cảnh sắc thiên nhiên nhiên và con người. Câu chuyện được kể với khung cảnh hồn nhiên, trong trẻo trong tiếng cười, những bài hát đồng dao của những đứa trẻ xen lẫn sự trầm buồn trong nỗi đau và sự mất mát mà chiến tranh để lại.
Tác phẩm như một cơn gió mát lành xoa dịu những khô cằn, đói khát trong mảnh đất tâm hồn của nhân loại khi bị chiến tranh tàn phá. Tình bạn của Junpei và Tanya là sợi dây liên kết con người, xóa bỏ hận thù để đoàn kết, hàn gắn và yêu thương nhau trong hòa bình. Khi con người mở cửa trái tim, đón nhận và trao đi những yêu thương thì chiến tranh sẽ không bao giờ tồn tại và cuộc sống cứ thế bình lặng, thanh thản trôi đi theo những năm tháng hạnh phúc, yên bình.
Qua những tác phẩm trên, chúng ta hiểu được rằng sống trong hòa bình là một điều vô cùng quý giá nên con người phải biết trân trọng những phút giây thanh bình, sống chan hòa trong tình yêu thương, xóa bỏ hận thù, hiềm khích để chiến tranh không thể tồn tại. Người với người sẽ hạnh phúc nắm lấy tay nhau không phân biệt giai cấp, màu da hay sắc tộc, cùng nhau mỉm cười và xây dựng một thế giới bình yên.