- Theo Trí Thức Trẻ | 02/07/2022 02:36 PM
Sau hàng loạt siêu phẩm kinh dị - giật gân thành công về mặt chuyên môn lẫn doanh thu, xưởng phim đình đám Blumhouse đã chính thức trở lại bằng một dự án đặc biệt mang tên Điện Thoại Đen (tựa gốc: The Black Phone). Không chỉ là màn bắt tay đỉnh cao giữa nhà Blum, đạo diễn tài ba Scott Derrickson (Doctor Strange, Sinister) và tài tử Ethan Hawke, Điện Thoại Đen còn gây tò mò bởi những câu chuyện thú vị trong quá trình sản xuất, nhất là khi nội dung phim được lấy cảm hứng từ một vụ án hoàn toàn có thật.
Phim được chuyển thể từ tiểu thuyết của con trai Stephen King
Thời điểm đọc qua và hứng thú với tiểu thuyết Điện Thoại Đen, bản thân đạo diễn Scott Derrickson còn chưa nhận ra tác giả là ai. Hóa ra Joe Hill - "cha đẻ" của Điện Thoại Đen chính là con trai của "ông hoàng kinh dị" đình đám Stephen King. Giống cha mình, Joe Hill cũng có đam mê viết tiểu thuyết, gây tiếng vang với tuyển tập truyện ngắn 20th Century Ghosts mà trong đó, Điện Thoại Đen chính là câu chuyện dài 20 trang khiến Scott Derrickson say mê.
Chia sẻ về cơ duyên sáng tác nên Điện Thoại Đen, Joe Hill chia sẻ: "Tôi lớn lên ở Bangor, Maine trong một ngôi nhà rất, rất cũ kỹ. Dưới tầng hầm có một chiếc điện thoại đã bị ngắt kết nối, và tôi thấy nó mới rùng rợn làm sao. Rõ ràng việc lắp đặt điện thoại dưới tầng hầm tối tăm bẩn thỉu là một điều chẳng hề hợp lý. Và là một đứa trẻ, điều tồi tệ nhất mà tôi có thể tưởng tượng ra chính là việc chiếc điện thoại đó sẽ đổ chuông".
Lấy cảm hứng từ vụ án có thật
Theo chia sẻ từ Joe Hill, hình tượng sát nhân The Grabber được lấy cảm hứng từ một cái tên có thật ngoài đời. Đó chính là John Wayne Gacy - kẻ sát nhân hàng loạt có biệt danh Killer Clown từng cướp đi sinh mạng của ít nhất 33 nam thanh niên và trẻ nhỏ trong giai đoạn 1972-1978. Thế nhưng đó chỉ là lấy cảm hứng một phần chứ không toàn toàn, vì The Grabber trong phim là một ảo thuật gia thất bại, sống ẩn dật và bị suy đồi đạo đức.
Ngoài ra, bối cảnh của Điện Thoại Đen cũng chính là nơi mà đạo diễn Scott Derrickson từng sống - vùng Denver. Vì vậy, anh có sự kết nối và cảm xúc và ký ức, tạo điều kiện thuận lợi cho những sự sáng tạo đáng mong chờ.
Bí ẩn thú vị về chiếc điện thoại đen
Bên cạnh hai phe thiện - ác trong phim, Điện Thoại Đen vẫn còn một nhân vật đặc biệt, có tầm quan trọng rất lớn. Đó chính là chiếc điện thoại đen trong căn nhà hoang, nơi mà The Grabber giam giữ Finney. Thế nhưng để có được chiếc điện thoại ưng ý, ekip đã trải qua quá trình nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo vô cùng nhọc nhằn. Thiết kế sản xuất Patti Podesta cùng nhóm của mình đã tìm cho bằng được chiếc điện thoại có lớp nhựa ngoài khá cứng cáp, được chế tạo từ thập niên 70 (cũng là bối cảnh chính của phim).
Thế nhưng sau đó, nhóm thiết kế đã tiến hành thay đổi bề mặt bên ngoài để trông nó cũ kỹ giống như đã được sử dụng suốt thời gian dài. Ngoài ra, nếu trong phim khán giả sẽ nghe được nhiều tiếng nói bí ẩn thì ở hậu trường chiếc điện thoại được kết nối đến chỗ của đạo diễn Scott Derrickson, giúp anh có thể trò chuyện với sao nhí Mason Thames thông qua hệ thống được gọi là Viking System.
Chi li đến từng lọn tóc để tái hiện bối cảnh thập niên 70
Tổ sản xuất đã bỏ ra nhiều công sức để tái hiện một thế giới những năm 70 trong Điện Thoại Đen. Thậm chí về khoản quần áo lẫn tóc tai, ekip cũng phải tập trung thực hiện vô cùng kĩ lưỡng. Để tạo nên kiểu tóc trông mềm mại, thoải mái trong phim, nhóm hóa trang đã cân nhắc điều kiện khí hậu ở Colorado, và nhận ra rằng nó khá hanh khô. Đây cũng là điểm tuyệt hảo để tạo nên một bầu không khí khó chịu của phim.
Chưa dừng lại ở đó, cả cảnh những đứa trẻ đánh nhau cũng được đạo diễn Scott Derrickson để tâm. Anh dặn điều phối các phân cảnh mạo hiểm Mark Riccardi rằng anh không muốn đặt ra bất cứ giới hạn nào về độ dữ dội, nghĩa rằng các diễn viên hãy đóng thật nhất có thể. Vì thế, đoàn phim đã cật lực tìm cho bằng được các diễn viên đóng thế có chiều cao khoảng 1,5m để phù hợp với tạo hình thanh thiếu niên những năm 50, dù cho đó là nhiệm vụ chẳng hề dễ dàng.
Điện Thoại Đen đang chiếu tại rạp.