- Theo Trí Thức Trẻ | 24/05/2020 11:59 PM
Điều khiến cho những trò chơi điện tử thông thường được coi là Esports chính là nhờ vào đấu trường chuyên nghiệp. Ở đó là một cuộc chơi khác hẳn nhưng các tuyển thủ chuyên nghiệp chưa thực sự nói ra rằng nó khác thế nào, cả game thủ đại chúng cũng chỉ cho rằng họ giống như những thiên tài chơi game xuất sắc hơn hẳn người thường. Tuy nhiên mọi thứ lại phức tạp hơn rất nhiều và trong video mới nhất của Youtuber Exil, tuyển thủ MikeYung đã chia sẻ những thứ khác biệt này.
Why League of Legends Solo Queue Is "Sad"... But Pro Play Is So Different
Game thủ chuyên nghiệp rất ghét cách cập nhật game của Riot
Nghe qua thì khác bình thường đúng không bởi ai mà chẳng phàn nàn mỗi khi Riot Games update một phiên bản nào đó? Tuy nhiên với những proplayer, cái họ ghét nhất trong cách cập nhật của Riot Games đó chính là làm điều này quá thường xuyên. Đúng là điều này khiến cho LMHT luôn tươi mới và nhiều phong cách được sinh ra, tuy nhiên nó lại ảnh hưởng rất tiêu cực đối với game thủ chuyên nghiệp.
Dù không nói hẳn ra nhưng các proplayer thực sự không thích chuyện update quá dày như Riot đang làm
Với các pro team, họ không chỉ tập luyện như 5 người chơi đơn lẻ, họ tập như một team với nhiều dạng đội hình khác nhau. Chuyện có những chiến thuật, bài tủ được họ tập luyện trong bí mật để mang đi tranh tài với đối thủ là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên chẳng may Riot ra bản mới nerf nặng một tướng chủ chốt trong đội hình đó, hay thay đổi lối chơi của một tướng thì chẳng phải mọi công sức luyện tập đổ hết đi sao. Vì thế mà proplayer rất ghét mật độ 2 tuần 1 bản như hiện tại.
Mỗi khi có tướng mới, các tuyển thủ sẽ phải tập luyện chúng ở mọi vị trí có thể, thậm chí những player Hỗ Trợ mới là những người tập luyện Sett nhiều nhất
Proplayer học hỏi sau mỗi game đấu, bất kể thắng thua
Quay trở về với mục đích của việc chơi LMHT, đó là chiến thắng, những game thủ thông thường như tôi và bạn thường tìm mọi cách để đạt được điều này như đẩy lẻ, chọn tướng hay lên đồ khắc chế đối thủ... tóm lại thì mục đích là có được 1 chiến thắng. Tuy nhiên với game thủ chuyên nghiệp thì một chiến thắng đôi khi không có nhiều ý nghĩa, thứ giá trị nhất sau mỗi ván đấu với họ đó là học hỏi được điều gì sau ván đấu đó.
Chuyện các tuyển thủ chuyên nghiệp sau mỗi ván đấu, kể cả đấu tập, ngồi lại và cùng nhau phân tích là điều mà mọi đội tuyển đều làm
Khi một game thủ chuyên nghiệp tập luyện, họ không chỉ chơi LMHT thuần túy mà có rất nhiều thứ cần phải làm như xem lại replay của trận đấu, học lý thuyết của đội hình hay phân tích những điều cần rút ra sau mỗi ván. Tất cả mọi người từ tuyển thủ, HLV, phân tích viên đều góp phần vào công đoạn này, mọi người chỉ nói chuyện về LMHT, về những thứ học hỏi được và dần dần nâng cao trình độ lên. Vì thế bất kể thắng hay thua, đó đều là những bài học quý giá thực sự với mỗi tuyển thủ.
Rank đơn là để tập luyện khả năng "một mình gánh team"
Một trong những thứ khác biệt nhất giữa rank đơn và chơi như một team đó chính là khả năng giao tiếp. Thật đáng buồn là ở rank đơn của LMHT, chuyện này gần như không có, bạn chỉ có thể nhìn thấy ping, thậm chí là những người chửi bới trên khung chat mà thôi. Không ai nói rằng bạn cần lên đồ này, di chuyển ra sao hay setup một pha gank, một pha ăn mục tiêu như thế nào.
Khi bạn thấy một tuyển thủ chuyên nghiệp stream, đơn giản là họ muốn chơi game giải trí hay tập gánh team mà thôi
Trong khi đó với game thủ chuyên nghiệp, việc luân chuyển thông tin và hơn hết là khả năng giao tiếp giữa những game thủ là tối quan trọng. Điều này thì không thể có được trong rank đơn, vì thế mỗi khi bạn thấy một proplayer stream đánh rank thì bạn có thể hiểu rằng họ đang muốn "gánh tạ" hay thử nghiệm một vài lối xây dựng mới chứ nó không có mục đích leo rank cụ thể.
Khoảng cách giữa đẳng cấp chuyên nghiệp và rank đơn sẽ thu hẹp nếu có voice chat
Một trong những chia sẻ đáng chú ý nhất mà tuyển thủ Mike Yung chia sẻ trong video kể trên đó là việc anh cho rằng trình độ của game thủ sẽ nâng cao hơn rất nhiều nếu LMHT cho voice chat, tức là bạn có thể nói chuyện với đồng đội, trong rank đơn. Ngay bản thân Mike Yung cũng nói rằng mình rất muốn chỉ cho đồng đội cách setup ăn mục tiêu, kiểm soát bản đồ... nhưng do không có voice chat nên mọi thứ là không thể, đánh lên khung chat lại quá mất thời gian.
Không có voice chat là thiếu sót quá lớn của LMHT
Đây có lẽ là tính năng mà Riot Games đã xem nhẹ nhưng nó chính là thứ khiến cho game thủ thăng tiến trình độ cực kì nhanh chóng. Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao Faker lại có thể vô địch thế giới ở năm 16 tuổi không? Tài năng thiên bẩm đương nhiên là có rồi, tuy nhiên việc được giao tiếp và tập luyện trong một môi trường chuyên nghiệp với những đồng đội và các HLV quá giỏi là thứ giúp cho "Quỷ Vương" thăng tiến trình độ nhanh chóng như vậy.
Và rồi chính Faker sau này lại trở thành đàn anh hướng dẫn cho thế hệ trẻ của T1 tiến bộ
Chính sự thiếu hụt đi khả năng giao tiếp khiến cho trình độ giữa rank đơn và proplayer ngày một giãn cách. Game thủ thông thường thì cứ dậm chân tại chỗ, còn tuyển thủ chuyên nghiệp thì được luyện tập giữa hàng loạt tuyển thủ nên đã giỏi lại càng xuất sắc. Điều này đương nhiên là thường thấy ở những game Esports khác nhưng riêng LMHT thì khoảng cách này là lớn nhất.