- Theo Helino | 24/12/2018 11:00 AM
Lưu ý: Nội dung dựa trên quan điểm của người viết. Độc giả vui lòng góp ý ở Comment.
Quá phụ thuộc vào Lưu Bị
Là một thừa tướng dưới trướng của Lưu Bị, việc Gia Cát Lượng phục vụ chủ công là lẽ đương nhiên. Nhưng điều đáng tiếc của ông chính là quá phụ thuộc vào Lưu Bị. Những quyết định của Lưu Bị nhiều khi không sáng suốt, Gia Cát Lượng biết điều đó, nhưng vẫn không hề can ngăn.
Trong cái chết của Quan Vũ, Lưu Bị cũng có một phần trách nhiệm khi đã sai ông đi giữ Kinh Châu. Việc sai một người sở hữu ngạo khí ngút trời như Quan Công đi giữ một thành hiểm yếu như Kinh Châu là một sự mạo hiểm. Gia Cát Lượng hiểu rõ, nhưng thay vì can ngăn, ông lại làm ngơ như không biết gì.
Hậu quả thì ai cũng đã biết, Quan Vũ không lâu sau đó đã bị giết bởi Lữ Mông. Nếu Gia Cát Lượng khuyên Lưu Bị điều Triệu vân thay Quan Vũ thì có lẽ kết cục đã khác, nhà Thục sẽ không mất đi một chiến tướng hùng dũng như Quan Vân Trường.
Nguyên nhân có lẽ do tư tưởng của Gia Cát Lượng bị "cầm tù" trong tư tưởng trung quân phục Hán. Thời Tam Quốc, các quân sư, tướng lĩnh hầu hết đều bị ảnh hưởng ít nhiều từ Nho giáo và Đạo giáo. Hai giáo phái đó đều lấy chữ trung làm đầu, Gia Cát Lượng cũng không ngoại lệ. Nếu như ông có một tham vọng lớn hơn, có lẽ giang sơn đã về tay của nhà Thục.
Vấn đề về trọng dụng nhân tài
Trong suốt quá trình cầm quyền tại nhà Thục, Gia Cát Lượng đã không ít lần phạm sai lầm trong việc dùng người. Điển hình nhất có thể kể đến như Mã Tắc, Ngụy Diên, Quan Vũ,… Nhất là cái tên Mã Tắc, sai lầm của Gia Cát Lượng đã đẩy đến cái chết của vị tướng trẻ này. Mã Tắc chính là học trò của Gia Cát Lượng, ông vốn nổi tiếng trong việc thường xuyên hiến những chiến lược hay cho nhà Thục để phục hung Hán thất.
Nhưng tất cả những kế sách đó đều là lý thuyết suông, ông chưa một lần cầm quân ra trận. Gia Cát Lượng đã bỏ qua điều đó, sai Mã Tắc trấn giữ Nhai Đình. Lần đó là lần đầu tiên, cũng là lần cuối cùng Mã Tắc được chính thức cầm quân xuất trận. Sai lầm là thế, nhưng khi Mã Tắc về, Gia Cát Lượng lại sai càng thêm sai khi địch thân ông đã hạ lệnh chém đầu người học trò của mình trong lúc nóng giận. Sau này, chính Gia Cát Lượng đã tiết lộ rằng mình rất hối hận vì đã không cho Mã Tắc thêm một cơ hội sửa sai nào.
Trong tình hình nước Thục đang thiếu thốn nhân tài trầm trọng, lẽ ra Gia Cát Lượng phải càng nên trọng dụng nhân tài. Ông đã quá đề cao cái tôi của mình mà chém đi Mã Tắc chỉ để giữ nghiêm quân lệnh. Hơn nữa, việc bán tín bán nghi dùng Ngụy Diên cũng là một trong những sai lầm nghiêm trọng của Gia Cát Lượng. Thực chất, Ngụy Diên là một dũng tướng hiếm có thời Tam Quốc. Tài của ông có thể nói không thua gì Hoàng Trung, Từ Hoảng. Gia Cát Lượng đã phạm một sai lầm lớn trong binh pháp: Không tin thì không được dùng, đã dùng thì nhất định phải tin. Nhiều ý kiến cho rằng chính sự bất công của Gia Cát Lượng đã dẫn đến sự tạo phản của Ngụy Diên sau này.
Nỗi ám ảnh "Bắc phạt"
Với lòng trung thành nhà Hán, quân Thục nói chung và Gia Cát Lượng nói riêng có một nỗi thù hằn sâu sắc với Ngụy quốc của Tào Tháo. Có lẽ lý tưởng này đã ám ảnh Gia Cát Lượng, khiến ông đánh mất đi sự sáng suốt của mình. Trong suốt quá trình nắm quân Thục, Gia Cát Lượng có tổng cộng 7 lần xuất quân.
Trong đó có 1 lần Nam tiến thảo phạt Mạnh Hoạch, còn tất cả 6 lần còn lại, người đời gọi là "lục xuất Kỳ Sơn" (6 lần đánh Kỳ Sơn). Dù có không ít những trận thắng lớn nhỏ, nhưng xét về đại cục thì Gia Cát Lượng vẫn được cho là thất bại khi không chiếm được Trường An. Chiến tranh liên miên suốt 6 năm ròng rã đã làm tổn hao không ít nguồn nhân lực và lương thực của Thục quốc.
Lẽ ra với một người thông minh và sáng suốt như Gia Cát Lượng, ông phải nhận ra điều này trước khi khởi binh. Thực tế, vào năm 265, dân số nước Ngụy đã là 4 triệu người, nhiều hơn gấp 4 lần dân số nước Thục. Ông lẽ ra phải nhận ra được sự bất lợi này mà hoãn lại việc phạt Ngụy. Đợi sau khi chấn hương và bồi dưỡng nhân tài cho nước Thục, ông hoàn toàn có thể đánh bại được một nhà Ngụy đang xưng bá thời bấy giờ.