Theo Trí Thức Trẻ | 26/06/2018 03:22 PM
Chủ đề du hành thời gian vẫn luôn được nhắc đến trong các bộ phim và tiểu thuyết khoa học viễn tưởng. Và thực tế cho thấy, các nhà khoa học đã chứng minh được rằng việc xuyên không vào tương lai là hoàn toàn có thể xảy ra - ít nhất là về mặt lý thuyết.
Thậm chí, đã từng có một nhà du hành vũ trụ được trải nghiệm cảm giác ấy, dù chỉ trong vỏn vẹn 0,02s.
Nhưng việc du hành về quá khứ thì không suôn sẻ đến vậy. Dù chưa thể bác bỏ hoàn toàn, nhưng với nền tảng kiến thức vật lý hiện nay, nhiều nhà khoa học cho rằng con người sẽ không bao giờ làm được điều đó.
Mà thậm chí ngay cả khi làm được, chưa chắc đã có người dám thực hiện. Lý do là bởi quá khứ là thứ không thể tùy tiện chạm đến, và những lý thuyết dưới đây sẽ chứng minh điều đó.
1. Nghịch lý ông nội
Đây là một trong những nghịch lý rất cơ bản của xuyên không về quá khứ, do nhà khoa học René Barjavel đề cập trong cuốn Le Voyageur Imprudent (1943).
Cụ thể, giả như xuyên không là có thể, và một người đã thực sự du hành về quá khứ. Tuy nhiên, anh ta gây ra một tai nạn khiến ông nội của anh qua đời.
Và đây là lúc nghịch lý xảy ra. Nếu ông nội qua đời, thì hiển nhiên cha anh ta cũng không tồn tại, đương nhiên là anh ta cũng vậy. Nhưng nếu anh ta không tồn tại, thì ai là người đã quay về quá khứ và khiến ông nội phải chết? Nghĩa là ông nội vẫn sống, anh ta vẫn tồn tại, và vòng xoáy ấy tiếp tục lập lại.
Trên thực tế lý thuyết về du hành thời gian, cụm từ "nghịch lý ông nội" được dùng chung cho những hành động khiến cho việc xuyên không về quá khứ từ đầu là không thể.
Ví dụ, một nhà bác học sáng tạo ra cỗ máy thời gian, tự quay về quá khứ và giết chính mình. Nhưng nếu ông chết trước khi tạo ra cỗ máy, tức là cỗ máy thời gian không tồn tại, vậy thì lấy ai quay về giết ông?
Nhiều chuyên gia đã sử dụng nghịch lý này làm minh chứng cho rằng việc xuyên không về quá khứ đơn giản là bất khả thi. Bởi vì, nếu mâu thuẫn không thể giải quyết, sự xung khắc giữa không - thời gian có thể khiến toàn thế giới sụp đổ.
Tuy nhiên, một số nhà khoa học giả tưởng thì tin rằng nghịch lý chỉ có tác dụng chứng minh rằng chúng ta không thể thay đổi quá khứ, còn việc du hành thì bằng cách này hay cách khác, vẫn có khả năng là thực.
2. Nghịch lý tiền định
Hiểu đơn giản, nghịch lý này có nghĩa là tất cả những sự kiện trong quá khứ đều đã được định sẵn không thể thay đổi, và các tác động của tương lai chỉ góp phần hoàn thành quá khứ ấy.
Ví dụ: A quay về quá khứ để cứu bạn của anh ta bị tai nạn giao thông. Nhưng rồi khi lấy xe chạy đến nơi tai nạn xảy ra, A lại đâm vào chính người bạn của mình, khiến người bạn ấy qua đời.
Hay nói cách khác, người gây ra tai nạn chính là A trong tương lai, trong khi bản thân A trong quá khứ thì luôn mong mỏi được xuyên không để cứu bạn.
Nghịch lý này cho thấy, nếu một người du hành thời gian được, chứng tỏ bản thân người đó đã từng ở trong quá khứ, và sự tồn tại ấy có ý nghĩa quan trọng để hình thành nên tương lai.
Nhưng như vậy câu hỏi đặt ra là: nếu như A không tìm cách cứu bạn ngay từ đầu, thì vòng lặp ấy không bao giờ xuất hiện. Vậy nên rõ ràng, quá khứ không phải thứ để tùy tiện xâm phạm.
3. Nghịch lý boostrap - nghịch lý nhân quả
Tương tự với nghịch lý tiền định, nghịch lý boostrap cũng cho rằng kể cả khi du hành tương lai có thực, thì bất kỳ tác động của vật thể nào đến quá khứ cũng ảnh đến sự tồn tại của nó trong tương lai.
Ví dụ: A về quá khứ với ý định tham quan, và vô tình ngân nga một giai điệu của nhạc sĩ B trong tương lai. Tình cờ, B nghe thấy và tạo ra chính bài hát đó. Vậy ai mới là tác giả của bài hát, và giai điệu ấy thực sự có nguồn gốc từ đâu?
Cũng giống như Nghịch lý ông nội, nhiều chuyên gia thậm chí đã nghĩ đến viễn cảnh không - thời gian sụp đổ nếu vòng lặp này thực sự xảy ra.
Nguồn: Time Travel, Time Travel Paradox