Trí thức trẻ | 01/02/2022 02:30 PM
Nền văn hóa phong phú của Việt Nam đã truyền cảm hứng cho rất nhiều nhà làm phim Hollywood. Từ phim chiến tranh, tiểu sử cho đến hành động, khoa học viễn tưởng, ta có thể bắt gặp nét đẹp truyền thống Việt ở hàng loạt chi tiết. Chẳng hạn như 3 bộ phim nổi tiếng sau đây, tất cả đều truyền tải tinh thần Việt Nam một cách dễ thương. Dù có trường hợp không quay ở nước ta thì vẫn đảm bảo chuẩn bối cảnh, đưa bạn vào hành trình văn hóa lịch sử của dải đất hình chữ S.
Năm ngoái, phim hoạt hình Raya Và Rồng Thần Cuối Cùng không chỉ cho ra mắt nàng công chúa mạnh mẽ nhất của Disney, mà còn là tác phẩm hiếm hoi tôn vinh vẻ đẹp Đông Nam Á. Trong đó, văn hóa Việt Nam được phim đặc tả từ nhiều nguồn cảm hứng khác nhau. Chưa kể nữ chính được lồng tiếng bởi Kelly Marie Trần , một nữ diễn viên người Mỹ gốc Việt.
Theo biên kịch gốc Việt Qui Nguyễn, hình tượng nữ chiến binh Raya dựa trên nhiều nữ nhân uy quyền trong lịch sử Việt: Hai Bà Trưng, Bà Triệu cùng nhiều nữ tướng oai phong
Nữ diễn viên Kelly Marie Trần lồng tiếng cho Raya
Đầu tiên, ta thấy vùng đất Kumandra được ví như thân rồng - một trong những loài vật linh thiêng ở Việt Nam, có ý nghĩa biểu tượng khi nhắc về truyền thuyết "Con Rồng cháu Tiên".
Quê nhà của công chúa Raya, khu vực Long Tâm, cũng là phiên bản hoạt hình của vùng châu thổ ven sông Mekong và vịnh Hạ Long quen thuộc. Ngoài ra còn hàng loạt chi tiết quen thuộc trong văn hóa Việt, như: chợ đêm Hội An, bán hàng trên thuyền, tục thờ cúng bánh chưng, rặng tre xanh, nền văn minh lúa nước…
Một số phân đoạn lấy cảm hứng từ cảnh quan Việt Nam
Dưới sự “nhào nặn” của đạo diễn Régis Wargnier, phim điện ảnh Đông Dương lấy bối cảnh Việt Nam thời Pháp thuộc, cụ thể trong giai đoạn 1930-1950 với nhiều biến cố lịch sử nổi tiếng. Cốt truyện phim xoay quanh cuộc đời phức tạp của Camille - một thiếu nữ mồ côi người Việt Nam được nhận nuôi bởi quý bà Pháp giàu có.
Nữ chính Phạm Linh Đan trong vai Camille
Lớn lên trong xã hội thượng lưu thuộc địa, Camille buộc phải đấu tranh dữ dội để tìm lại bản sắc dân tộc. Đây đồng thời là hành trình tìm về hạnh phúc của cô, sẵn sàng chạy trốn khỏi hôn lễ quý tộc để sánh đôi bên tình yêu đích thực. Phần sau phim theo chân Camille thay đổi cuộc đời, mở rộng tầm mắt ra thế giới bên ngoài và nhìn thấu vào đau khổ của người dân nước Việt. Từ đó, vẻ đẹp Việt Nam thời chiến hiện rõ ràng lên phim, nhấn mạnh vào tâm hồn lương thiện con người và khát vọng sống chính đáng.
Trong bối cảnh Việt Nam cuối thời nhà Nguyễn, Đông Dương đã giới thiệu tà áo dài và thời trang truyền thống đến bạn bè quốc tế. Phim sở hữu nhiều hình thức và kiểu dáng áo dài khác nhau, từ áo ngũ thân mặc trong cung đình đến áo chẽn rộng, áo tứ thân nâu đất.
Đây cũng là phim nước ngoài hiếm hoi mô tả chân thực về nạn đói trước 1945. Những khung cảnh người dân di cư, xếp hàng xin ăn… đã đem lại góc nhìn đậm tính xã hội, tái hiện quá khứ Việt Nam theo cách khách quan nhất.
Với cảnh quay từ Đại Nội Huế đến Chùa Thầy, Vịnh Hạ Long, Ninh Bình, Đông Dương như thể tấm bản đồ về địa lý và văn hóa của Việt Nam
Xin chào, Việt Nam (tựa gốc: Good Morning, Vietnam) dựa trên câu chuyện của Adrian Cronauer, một Hạ sĩ Không quân người Mỹ làm nhiệm vụ phát thanh viên trong Chiến tranh Việt Nam. Dù làm việc cho đài phát thanh của Quân đội Hoa Kỳ thì Adrian vẫn duy trì khiếu hài hước, chân thành, thường xuyên bày tỏ thiện chí hòa bình và tôn vinh vẻ đẹp con người Việt thông qua radio.
Dù quay ở Thái Lan thì phim vẫn thiết kế bối cảnh chuẩn Sài Gòn thập niên 1960
Good Morning, Vietnam cho thấy vẻ đẹp đoàn kết, dịu dàng của văn hóa, con người Việt. Nhất là khi bàn về nhân vật Trinh, cô học trò lanh lợi mà Adrian thầm yêu, thì càng thể hiện nét đẹp chân phương, hiền lành của người phụ nữ Việt Nam.
Thực tế, nhân vật Trinh được thể hiện bởi Chintara Sukapatana - nữ diễn viên xinh đẹp người Thái Lan
Màn trình diễn của Chintara Sukapatana vô cùng duyên dáng, thể hiện đúng tinh thần nết na, thuỳ mị xong mạnh mẽ, nghị lực của người con gái Việt
Nguồn ảnh: Tổng hợp