- Theo Trí Thức Trẻ | 23/01/2017 01:11 PM
Kể từ khi Ice Frog đầu quân cho Valve và bắt đầu phát triển DOTA 2, hầu hết cộng đồng DOTA 2 thế giới đều tỏ ra vô cùng vui mừng, khi đó cũng là lúc mà họ được trải nghiệm tựa game yêu thích của mình trên một nền engine đầy mới mẻ và mạnh mẽ, cộng thêm những thay đổi và cập nhật tích cực thay vì bị bó hẹp như cái thời còn là custom map của tựa game Warcraft 3.
Thế nhưng đi kèm với đó, vì vô số những vấn đề mà DOTA 2 cũng phần nào có những nét tương đối khác biệt so với custom map DOTA Allstar mà chúng ta vẫn thường biết tới. Hầu hết đều cho rằng đó là những sự thay đổi để phát triển cần thiết, nhưng với nhiều người, vẫn có những điều khiến họ cảm thấy nuối tiếc khi nhớ về custom map DOTA 1.
Sự biến mất của những cái tên quen thuộc
Vì vấn đề bản quyền với Blizzard mà một số hero của DOTA 2 đã không còn giữ được những cái tên ban đầu của chúng, dù toàn bộ kỹ năng và cả hình ảnh đã chuyển thể hoàn toàn sang DOTA 2.
Có thể kể ra những ví dụ rất nổi tiếng. Cái thời mà DOTA mới bắt đầu thịnh hành, chắc không ai xa lạ với những kèo solo Nevermore ở mid. Vâng, xin nhắc lại là Nevermore chứ không phải là SF hay là Shadow Fiend như bây giờ. Và cùng với đó là một loat những cái tên khác đã đi vào trong tâm trí của người chơi một cách hoàn toàn tự nhiên.
Ngay cả khi đã gắn bó với DOTA 2 được một thời gian dài, nhưng mỗi lần nhắc tới những cái tên như Naix, Barathum, Yunero, Butcher hay Rylai thì đa số các game thủ có thể liên tưởng ngay tới những vị tướng quen thuộc từng gắn bó với mình suốt một thời đam mê này. Nhưng rồi sang DOTA 2, họ phải tập làm quen với những cái tên có phần xa lạ như Pudge, Crystal Maiden… Có thể nói mặc dù không có nhiều thay đổi, thậm chí là còn được phát triển khá nhiều, thế nhưng một phần hồn của DOTA 1 đã biến mất cùng với sự thay đổi của những cái tên kể trên.
Sự thắt chặt của cộng đồng DOTA
Có thể nói DOTA 2 đã thành công hơn so với custom map DOTA khá nhiều, và một trong những dẫn chứng đơn giản chính là ở số lượng giải đấu cũng như lượng tiền thưởng tăng dần, phá những kỷ lục qua hằng năm. Cũng vì nguyên nhân ấy, số lượng các đội tuyển chuyên nghiệp, game thủ chuyên nghiệp cũng tăng vọt theo năm tháng.
Nhưng đổi lại, cộng đồng DOTA 2 có lẽ đã không còn gắn bó keo sơn như ngày xưa, cái thời mà dù nghèo, dù ít giải nhưng trận đấu thì không bao giờ thiếu. Chắc cũng chẳng ai quên được những huyền thoại như Maelk, Merlini… Thời đó huyền thoại nhiều vô số và cũng không lạ gì nhau, một phần chính nhờ sự gắn kết và mối quan hệ bền vững của cả cộng đồng DOTA thế giới.
Thế nhưng giờ đây, có vẻ mối quan hệ giữa các cộng đồng DOTA 2 không còn bền chặt như trước. Các scandal nổ ra dồn dập, nhiều người thay vì bàn luận về game thì bắt đầu chuyển qua blame lẫn nhau. Reddit trong thoáng chốc có thể đưa bạn trở nên nổi tiếng với những topic và bình luận cực kỳ tiêu cực. Nhìn chung, theo cảm nhận của nhiều người, cộng đồng DOTA 2 đã mất đi cái chất như hồi còn DOTA 1.
Hiệu ứng hình ảnh tới từ Aghanim’s Scepter
Đây chắc chắn là điều mà nhiều người có chung nhận định rằng Ice Frog nên thêm vào trong DOTA 2. Và có lẽ việc này cũng không ngoài tầm tay của nhà sản xuất này.
Có thể nói rằng, sự sáng tạo mà Ice Frog tạo ra ở DOTA 1 đã đạt đến giới hạn của nó, khi mà việc chỉ là một custom map đã bó buộc khá nhiều sự phát triển của DOTA. Thế nhưng ngay cả khi đã chuyển sang một nền tảng engine mới, không hiểu sao Ice Frog lại có thể bỏ quên việc đưa hiệu ứng hình ảnh của Aghanim’s Scepter cho các vị tướng.
Chắc hẳn những ai đã từng gắn bó với tựa game DOTA không thể nào quên hình ảnh một Butcher với những bọt máu rơi trên từng bước di chuyển, một Lich sáng rực đôi bàn tay hay Leshrac gai góc với Aghanim’s Scepter. Đó chính là những gì mà cộng đồng mạng đang đòi hỏi ở Ice Frog. Làm ơn hãy mang nốt phần tinh túy của DOTA 1 này đưa vào DOTA 2 nhanh nhất có thể.