- Theo Trí Thức Trẻ | 12/06/2017 07:15 PM
Thực tế mà nói, rất nhiều thứ sai lầm có thể xảy ra trong ngày ra mắt của một tựa game, bất kể nhà phát triển/phát hành đã có chuẩn bị kỹ lưỡng đến đâu. Các nhà phát triển MMO có thể đánh giá sai lượng người sẽ kết nối và gặp cảnh máy chủ quá tải, quá trình tải về và cập nhật game có thể bị lỗi và đứt đoạn. Ngày nay, các tựa game có thể được phát hành trước khi chúng thực sự hoàn thiện, bộ phận phục vụ khách hàng có thể bị áp đảo hoàn toàn bởi lượng người chơi cần giúp đỡ, và đôi khi các nhà phát triển còn dám phát hành cả những game bị lỗi hỏng trầm trọng hoặc thiếu công năng nào đó.
Bất cứ người chơi nào cũng đều phấn khích được chạm tay vào một tựa game PC mới cứng, nhưng chính sự phấn khích đó đôi khi dẫn đến thất vọng và thậm chí nổi giận lôi đình bởi tựa game mới kia có vấn đề đến độ chơi không nổi. Sau đây, chúng ta sẽ cùng nhìn lại những tựa game PC có màn ra mắt tệ nhất trong lịch sử.
Batman: Arkham Knight
Trong khi các phiên bản console vận hành một cách ngon lành, phiên bản PC của “Batman: Arkham Knight” đã gặp nhiều vấn đề đến mức nhà phát triển phải đưa ra lời xin lỗi và rút nó khỏi mọi cửa hàng bán lẻ lẫn trực tuyến. Với lỗi đồ họa, tối ưu hóa kém, hạn chế 30 FPS, và vô số lựa chọn bị cắt bỏ, tựa game bom tấn này đã khiến mọi fan hâm mộ PC tức giận.
Dead Island
Có thể nói rằng, hãng Techland đã phát hành “nhầm phiên bản” của “Dead Island”. Thay vì một tựa game hoàn chỉnh, một phiên bản phát triển mở rộng đã được tới tay người chơi với đầy lỗi và một cổng không tối ưu hóa cho phép sử dụng cheat tràn lan. Trong ngày đầu tiên phát hành, Techland đã buộc phải đưa ra bản vá lỗi đủ thứ từ nhiệm vụ, lưu game, lỗi hình ảnh.
ArcheAge
Bên cạnh vấn đề thường thấy của ngày đầu mở cửa một MMO như hàng nghìn người xếp hàng để truy cập mấy chủ, người chơi “ArcheAge” đã nhanh chóng phát hiện ra một vấn đề khác. Với một số máy chủ cố định, và một lượng đất đai có thể tranh giành nhất định trên mỗi máy chủ, tất cả đất đai đã bị chiếm chỉ trong vài giờ game phát hành chính thức. Cách thức duy nhất để những người chơi mới có đất là mua từ người chơi khác, hoặc chiếm nó khi một chủ đất không trả thuế. Vì vậy, nhiều hacker đã khai thác yếu điểm bằng các phần mềm thứ ba, gây rối loạn nền kinh tế và cộng đồng người chơi.
Anarchy Online
Khi mới phát hành, “Anarchy Online” đã gặp cả tá vấn đề mà liệt kê cũng không hết ví như mã khóa sản phẩm đi kèm đĩa cứng không chuẩn xác, lỗi là “bình thường”, máy chủ thường xuyên sập, và đến lúc vào được game, người chơi lại phát hiện ra những chỗ mà họ không thể tiếp cận. May mắn là mọi thứ đã trở nên tốt đẹp hơn sau 6 tháng, nhà phát hành Funcom đã nỗ lực cải thiện lỗi của game và đưa ra gói thử nghiệm miễn phí để tạ lỗi fan.
SimCity
Fan hâm mộ lâu năm của thể loại quản lý thành phố đã không hài lòng khi biết rằng họ không thể chơi “SimCity” năm 2013 bằng hình thức offline thông thường, kể cả là bạn chỉ chơi một mình. Điều này đặc biệt gây khó hiểu khi chế độ multiplayer của game cũng không thực sự trực tiếp liên quan tới người chơi khác. Ngoài chuyện không thể kết nối khi game mới phát hành, người chơi còn nhanh chóng thất vọng khi nhận ra rằng quy mô thành phố cực kỳ hạn chế và AI các công dân cũng không phức tạp như đã hứa.
No Man’s Sky
Thực là chuyện bất khả thi để “No Man’s Sky” có thể được đạt mong đợi của người chơi như ở giai đoạn tiền phát hành, nhưng kể cả là thế, nhiều fan còn cảm thấy thất vọng khi game ra mắt với nhiều lỗi khó chịu như giật hình, FPS tụt, không thể khởi động game, không cho phép alt-tab ra ngoài, và chưa kể đến bản vá lỗi ngày 1 được ra mắt muộn cỡ … 2 tháng. Có lẽ điều gây thất vọng nhất là hai người chơi trên phiên bản PS4 cố gắng gặp mặt nhau mà không thể.
The War Z
Lỗi lầm gì đã xảy ra với “The War Z”? Rất nhiều. Lỗi đó là của ai? Chắc chắn là của bạn. Trang Steam của “The War Z” có bao gồm những từ ngữ miêu tả như “máy chủ tư nhân”, “kỹ năng người chơi” và “bản đồ 400km”, và theo lời nhà phát triển, người chơi thật ngốc khi mua game dựa theo những từ ngữ đó và ngốc hơn khi phàn nàn về chúng. Tất nhiên là không lâu sau, tựa game này đã bị đá khỏi Steam vì quảng cáo sai lệch.
Vanguard: Saga of Heroes
Sau khi mua lại bản quyền “Vanguard: Saga of Heroes”, một tựa game vốn đã có một quãng thời gian phát triển đầy chông gai trước khi phát hành, Sony Online Entertainment đã có đẩy ra khỏi cửa trước khi trang bị cho nó đủ những thứ cần thiết. Kết quả là người chơi đã phải vật lộn với đống lỗi khổng lồ, bao gồm cả lỗi nhiệm vụ khiến họ phải bỏ hoàn toàn nhân vật cũ và tạo nhân vật mới. Cộng thêm sự tối ưu hóa kém, FPS không ổn định, nhà phát triển đã phải bỏ ra hàng năm trời để vá lỗi game và đến tháng 7 năm 2014, Sony đã đóng cửa MMORPG này.
Theo PCGamer