15 tựa game từng bị tưởng là "phế phẩm" nhưng cuối cùng lại thành công vang dội (phần 1)

Hải Stark  - Theo Helino | 02/08/2018 01:00 PM

Có nhiều tựa game đã vượt qua được những sự nghi ngờ và trở thành bom tấn đích thực.

Không phải mọi tựa game nào trước khi ra mắt cũng nhận được những kỳ vọng xứng đáng. Có rất nhiều tựa game bị nghi ngờ về chất lượng, có khá nhiều lý do dẫn đến sự ngờ vực này, có thể do định kiến từ những phần trước của tựa game đó không thành công, hoặc một tựa game từ một series đã quá dài cũng có thể bị nghi ngờ về chất lượng, hoặc đơn giản do chiến lược quảng bá của nhà phát hành không tốt.

Phần lớn những tựa game bị đặt dấu hỏi về chất lượng thường không đạt được nhiều thành công cũng như có chất lượng thực sự không được tốt. Tuy nhiên, cũng có những tựa game vượt qua được những sự nghi ngờ đó và trở thành những tựa game đáng giá. Dưới đây là danh sách 15 tựa game có chất lượng vượt mọi kỳ vọng ban đầu.

DmC: Devil May Cry

15 tựa game từng bị tưởng là phế phẩm nhưng cuối cùng lại thành công vang dội (phần 1) - Ảnh 1.

Khi bản reboot của series Devil May Cry lần đầu được giới thiệu năm 2010, đa số các fan của series game hack-n-slash này đều tỏ ra thất vọng và tức giận với tạo hình mới của nhân vật chính Dante. Dante đã trở nên “Tây hóa” hơn rất nhiều, không còn mái tóc bạc và vẻ ngoài cao ngạo mà trở thành một cậu trai trẻ ngông nghênh luôn mồm chửi thề và trái ngược hoàn toàn với Dante gốc.

Sự thay đổi này đã đem đến hậu quả là cộng đồng người hâm mộ phần lớn tỏ ra giận dữ và tẩy chay tựa game khi nó còn chưa ra mắt. Một số khác thì lo ngại rằng hệ thống combat bị thay đổi và sẽ không còn giữ được cái chất riêng và sự đỉnh cao mà Devil May Cry đã làm được. Những lo ngại này là hoàn toàn có cơ sở, bởi vì studio đảm nhận tựa game – Ninja Theory – vẫn còn thiếu kinh nghiệm với các tựa game lớn, nhất là một bản reboot của một series đã quá thành công như Devil May Cry.

Tuy nhiên, khi ra mắt năm 2013, DmC Devil May Cry lại nhận được khá nhiều lời đánh giá tích cực và có doanh số bán khá ổn. Gameplay được thay đổi và có nhiều nét mới mẻ so với series gốc và một cốt truyện tuy không quá xuất sắc nhưng cũng không đến nỗi nào. Mặc dù game vẫn bị chỉ trích bởi tạo hình các nhân vật cũng như cốt truyện và gameplay bị các fan của series gốc chê trách, DmC Devil May Cry vẫn đạt được thành công nhất định.

Mario + Rabbits: Kingdom Battle

15 tựa game từng bị tưởng là phế phẩm nhưng cuối cùng lại thành công vang dội (phần 1) - Ảnh 2.

Khi tựa game lần đầu được công bố, gần như chẳng ai nghĩ nó sẽ làm nên điều gì đặc biệt, thậm chí họ còn không nghĩ nó sẽ là một game tốt. Thậm chí ngay cả fan của Nintendo cũng nghi ngờ tựa game này và chắc mẩm sẽ lại là một tựa game vô thưởng vô phạt và không có nhiều giá trị chơi.

Đến tận E3 2017, trước khi tựa game chính thức được giới thiệu thì đa số vẫn còn lo lắng về chất lượng của game, kể cả khi Shigeru Miyamoto lên sân khấu để giới thiệu game cũng không làm các fan ít lo hơn. Và khi game chính thức được giới thiệu gameplay, tất cả đã được một phen ngỡ ngàng, hóa ra tựa game này lại là một game chiến thuật theo lượt thú vị và sáng tạo chứ không phải một game có gameplay vô thưởng vô phạt nhàm chán!

Ấn tượng ban đầu của game là rất mạnh mẽ, và sau đó kéo theo là thay đổi trong suy nghĩ của các fan. Khi game chính thức được phát hành, nó được đón nhận nồng nhiệt hơn rất nhiều.

Metal Gear Rising: Revengeance

15 tựa game từng bị tưởng là phế phẩm nhưng cuối cùng lại thành công vang dội (phần 1) - Ảnh 3.

Khi lần đầu lộ diện tại Spike Video Game Awards năm 2011, Metal Gear Rising: Revengeance là một cú sốc thực sự - và không theo hướng tích cực cho lắm. Từng được gọi là Metal Gear Solid: Rising, game là một bản spin-off của series đã quá nổi tiếng – Metal Gear Solid, điều đáng nói là không chỉ thay đổi tên, game còn thay thế gần như hoàn toàn phong cách chơi hành động lén lút đã từng được giới thiệu tại E3 2009. Sự thay đổi này là do game được chuyển qua cho Platinum Games phát triển – một studio chuyên làm những game hành động tốc độ cao.

Một phần lý do của sự thay đổi này là do đội ngũ đảm nhận game cũ ở Kojima Productions gặp khó khăn khi phát triển game nên Platinum Games đã được giao cho việc hoàn tất tựa game. Tuy nhiên, việc thay đổi hoàn toàn phong cách chơi của game đã gặp phải khá nhiều chỉ trích từ các fan của Metal Gear Solid và họ cho rằng game sẽ khó mà đạt được thành công như những game chính của series

Mặc dù chịu nhiều chỉ trích, nhưng Metal Gear Rising: Revengeance lại chứng tỏ rằng thay đổi gameplay là một nước đi đúng đắn. Với gameplay hack-n-slash nhanh mạnh, sáng tạo, cộng với những bản nhạc rock điên cuồng, Metal Gear Rising: Revengeance đã trở thành một tựa game hành động cực kỳ xuất sắc và làm thỏa mãn bất kỳ một game thủ nào

Until Dawn

15 tựa game từng bị tưởng là phế phẩm nhưng cuối cùng lại thành công vang dội (phần 1) - Ảnh 4.

Game kinh dị vốn là một thể loại không mấy xa lạ gì và có thể nói với những game thủ yêu thích thể loại này, ngày càng khó có một tựa game thật sự ấn tượng. Khi Until Dawn được công bố, nó cũng chả nhận được nhiều sự chú ý cho lắm.

Ban đầu, Until Dawn dự định là một game kinh dị góc nhìn thứ nhất cho hệ máy PS3 và hỗ trợ Move control. Cũng chẳng ai thật sự quan tâm, rồi đến khi nó được công bố lại sẽ là game góc nhìn thứ ba cho PS4, sự chú ý vẫn không nhiều hơn là bao.

Và khi nó ra mắt, tất cả được một phen ngỡ ngàng. Không khí game đúng chất kinh dị, các nhân vật thú vị, cốt truyện khó lường với nhiều cú twist. Chơi Until Dawn giống như xem một phim kinh dị chất lượng, và điều hay hơn là bạn có thể vẽ ra một câu chuyện của riêng mình với những cái kết khác nhau.

DOOM (2016)

15 tựa game từng bị tưởng là phế phẩm nhưng cuối cùng lại thành công vang dội (phần 1) - Ảnh 5.

Doom – series game hành động fps huyền thoại đã ngủ yên nhiều năm trời kể từ phiên bản cuối cùng là Doom 3 năm 2004. Và khi id Software cùng Bethesda công bố phiên bản tiếp theo cho series, có tên đơn giản là Doom, và ấn tượng đầu tiên về nó rất tốt: sẽ là một tựa game được thiết kế tốt và không kém phần bạo lực. Thế nhưng đa số cho rằng Doom mới sẽ quay về với gốc rễ của series: hành động nhanh, mạnh, bắn và bắn, không còn gì hơn cả.

Sự thật là đúng như thế, Doom 2016 rất rất bạo lực, hành động rất mạnh mẽ và máu lửa, nhưng điều khiến tất cả bất ngờ - kể cả fan lâu năm của Doom – đó là phần chơi campaign của game thú vị và sáng tạo đến bất ngờ. Phần chơi đơn của Doom 2016 xứng đáng là một trong những phần chơi đơn hay nhất năm 2016. Nó đem lại cảm giác của những game FPS cổ điển với lối chơi mạnh bạo, tốc độ cao và thêm vào những yếu tố mới mẻ như nâng cấp vũ khí và bộ giáp Praetor. Và càng chơi ở độ khó cao thì Doom càng thử thách, càng hấp dẫn và kích thích người chơi. Rốt cục, Doom 2016 đã vượt qua định kiến về “một game FPS cổ điển thông thường” và trở thành một tựa game đặc biệt

Batman: Arkham Asylum

15 tựa game từng bị tưởng là phế phẩm nhưng cuối cùng lại thành công vang dội (phần 1) - Ảnh 6.

Đề tài siêu anh hùng cũng là một mảng đề tài màu mỡ nhưng chưa thực sự được phát triển rộng rãi trong video game. Nói riêng đến Batman, một trong những siêu anh hùng được yêu thích nhất, số lượng game về vị hiệp sĩ bóng đêm này tương đối nhiều và có mặt trên nhiều hệ máy nhưng có rất ít game có chất lượng tốt. Vì vậy, cũng dễ hiểu khi các fan không kỳ vọng nhiều lắm vào tựa game Batman mới của Rocksteady, mặc dù cũng có nhiều người hy vọng rằng ít ra với sự góp mặt của Kevin Conroy lồng tiếng cho Batman, game ít ra sẽ tạm ổn. Và chúng ta chưa bao giờ sai lầm hơn.

Batman Arkham Asylum không chỉ tạm ổn, mà còn là một siêu phẩm thực sự. Tựa game đã truyền tải lại đầy đủ không khí u tối, bí ẩn của nhà tù Arkham Asylum. Một môi trường khá rộng lớn với nhiều thứ để khám phá. Một cốt truyện trung thành với nguyên tác truyện tranh, và nhất là game cho người chơi cảm giác được làm Batman thực thụ. Bạn có thể tấn công kẻ địch từ bóng đêm, từ trên cao, sử dụng các thiết bị để hạ gục kẻ địch hoặc đơn giản xông vào chúng và đánh bại chúng bằng những kỹ năng thượng thừa – cơ chế free-flow combat đã phát huy tối đa công dụng. Arkham Asylum thực sự là một trong những game xuất sắc nhất từng được làm ra.

Watch Dogs 2

15 tựa game từng bị tưởng là phế phẩm nhưng cuối cùng lại thành công vang dội (phần 1) - Ảnh 7.

Ra mắt đầu năm 2014, Watch Dogs thực sự là một nỗi thất vọng cho những người mong chờ nó. Chủ đề về hacker thực sự thú vị nhưng cách Watch Dogs đem nó vào game lại tương đối tẻ nhạt và gò bó. Nhân vật chính Aiden Pearce tương đối thú vị nhưng cốt truyện của game lại quá đỗi bình thường, đó là chưa kể hàng loạt phốt, lỗi đồ họa, downgrade,… đã biến Watch Dogs thành một quả bom xịt. Do đó, khi Ubisoft công bố Watch Dogs 2, thực sự không có mấy người tin tưởng vào thành công của game.

Nhưng hóa ra, Watch Dogs 2 lại vượt qua mọi sự nghi ngờ và có được một thành công nhất định với nhiều lời khen ngợi hơn hẳn phần đầu. Không cố chạy theo những kỳ vọng quá lớn như phần đầu tiên, Watch Dogs 2 tập trung tạo nên cái chất của riêng mình. Mặc dù thành công không thực sự lớn về mặt doanh thu, nhưng chất lượng đã được cải thiện đáng kể và các fan có thể hy vọng vào một Watch Dogs 3 trong tương lai.

(Còn tiếp)