15 thắc mắc chưa có lời giải đáp về những kẻ phản diện trong series Final Fantasy

SmiLe  - Theo Trí Thức Trẻ | 30/04/2017 06:38 PM

Series Final Fantasy luôn tự hào vì có được những nhân vật phản diện đặc trưng thuộc hàng bậc nhất lịch sử ngành video game.

Series Final Fantasy luôn tự hào vì có được những nhân vật phản diện đặc trưng thuộc hàng bậc nhất lịch sử ngành video game. Những người như Kefka, Kuja hay Sephiroth luôn nằm trong danh sách “những ác nhân được yêu thích nhất mọi thời đại”. Có một vài lí do cho sự thú vị này. Có thể kể đến ngay chính là độ dài của các trò chơi RPG đồng nghĩa với việc chúng ta được đồng hành cùng các nhân vật này nhiều hơn các trò chơi khác. Họ cũng ưu ái với thiết kế độc đáo, độ hoành tráng cùng những bản nhạc đi kèm không thể quên.

Hôm nay chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại tiểu sử của một số những kẻ thù đáng gờm nhất của dòng game Final Fantasy, từ kịch bản không thể thành hiện thực cho đến sự thật được giấu kín.

1. Sephiroth kẻ mê muội

Cốt truyện và nhân vật của Final Fantasy VII đã phải trải qua rất nhiều những thay đổi trong quá trình phát triển. Có thời điểm, Final Fantasy VII được dựng mô phỏng theo một bộ phim trinh thám dài kỳ lấy bối cảnh New York với nhân vật chính là một thám tử tư. Jenova ban đầu được đặt tên cho một phần ADN trong cơ thể người cho phép họ điều khiển các yếu tố siêu nhiên. Edea của Final Fantasy VIII vốn được lên kế hoạch là một nữ tu của giáo phái Jenova.

Một nhân vật có nhiều biến thể nhất là Sephiroth. Xuất phát điểm, Sephiroth là anh trai của Aerith, sau đó lại thành người yêu của cô. Nhà sản xuất còn hé lộ kế hoạch cho Cloud thành một nhân dạng của Sephiroth sau khi nhân vật này chết ở sự kiện Nibelheim.

Trong những ý tưởng phác thảo sơ khai của Final Fantasy VII, Sephiroth là đúng là một kẻ ác quỷ và tàn nhẫn. Sức mạnh siêu nhiên của hắn được thức tỉnh do bị phơi nhiễm năng lượng Mako. Mako tác động đến não của hắn giống như một loại thuốc phiện. Về sau hắn bị hội chứng đào thải chất lạ khiến tâm trí càng điên loạn hơn.

2. Lời nguyền của Hoàng đế

Hoàng đế Mateus của Final Fantasy II là một trong những kẻ thù dễ gây nản chí nhất trong series. Âm mưu của hắn bao gồm cả tự kết liễu bản thân để nắm quyền kiểm soát Thiên đàng và Địa ngục. Hắn chịu trách nhiệm cho hàng loạt cái chết trong trò chơi, bao gồm cả gia đình của 4 nhân vật chính. Nếu như thế vẫn là chưa đủ xấu xa thì Mateus còn thuộc dạng khó chịu nhất trong Dissidia Final Fantasy. Phong cách chiến đấu của hắn là đặt vô số các loại bẫy rồi lùa đối phương vào đó.

Có vẻ tính cách của Hoàng đế Mateus được di truyền lại chứ không phải do hắn tự phát triển. Trước đây từng có một cuốn tiểu thuyết có tên Final Fantasy II Muma no Meikyū được phát hành tại Nhật. Theo đó tất cả các vị vua xứ Palamecia đều bị quỷ ám. Cha của Mateus đã bán linh hồn cho quỷ Satan để đổi lấy quyền lực. Khi Mateus trưởng thành, hắn trục xuất mẹ mình ra khỏi vương quốc. Bà sau đó dành cả cuộc đời còn lại để tìm cách giải thoát Mateus khỏi lời nguyền này.

3. Cặp song sinh Zorn & Thorn

Zorn và Thorn là 2 tên hề hèn hạ, luôn truy đuổi nhân vật chính trong Final Fantasy IX gần như xuyên suốt trò chơi. Chúng lãnh trách nhiệm trích xuất eidolon khỏi cơ thể Công chúa Garnet dẫn đến sự hủy diệt của nhiều thành phố do các loài quái vật được triệu hồi lên trên khắp thế giới.

Theo lời Hironobu Sakaguchi, nguyên bản ông định để Zorn và Thorn là một thực thể duy nhất, đặt tên là phù thủy Zorn. Vai trò của hắn trong game là kẻ đứng đằng sau giật dây Nữ hoàng Brahne đi gây chiến.

Khi bạn đối mặt với Zorn và Thorn lần cuối trong Final Fantasy IX, chúng sẽ hợp nhất lại làm một. Nhưng chúng không biến ra lão già như nguyên tác mà chuyển hóa thành Meltigemini, một con quái khổng lồ kì dị mang trên mình hộp sọ của cả 2.

4. Thí nghiệm của Kefka

Kefka có lẽ là kẻ thủ ác thành công nhất trong series Final Fantasy. Hắn khởi đầu là một nô bộc của Hoàng đế Gestahl, kẻ cho hắn toàn quyền thực hiện mọi hành vi tàn nhẫn dưới danh nghĩa chiến tranh. Ở đoạn giữa game, Kefka vượt mặt được Hoàng đế và trở thành Thánh phép thuật. Hắn dễ dàng chiếm được toàn thế giới vì chẳng còn ai ngáng chân được hắn nữa.

Final Fantasy VI chưa bao giờ lí giải mục đích thật sự của Kefka. Điều gì khiến hắn phát điên? Hắn làm cách nào để leo lên vị trí cao như thế trong vương triều?

Game thực ra có đề cập đến tiểu sử của của Kefka nhưng người chơi dễ bỏ qua do nó được kể lại bởi một NPC duy nhất. Kefka thực chất là binh sĩ đầu tiên trải qua quá trình trở thành Hiệp sĩ Magitek (Magitek Knight). Cid giám sát quy trình này nhưng nó chưa hoàn thiện. Tâm trí của Kefka đã bị ảnh hưởng và hắn bỗng có năng lực sử dụng phép thuật. Một phiên bản cập nhật của thí nghiệm này về sau được áp dụng cho Celes Chere, người về sau cũng nhận được sức mạnh như Kefka. Đây chính là lí do mà một tên hề điên và một phụ nữ lại có chức vụ cao trong Đế quốc. Gestahl muốn tận dụng khả năng của họ trên chiến trường.

5. Trận chiến cuối cùng với Ultimecia

Cốt truyện của Final Fantasy VIII có đoạn các nhân vật chính du hành đến tương lai. Họ có nhiệm vụ đánh bại Phù thủy Ultimecia trước khi mụ hoàn thành kế hoạch cô đọng thời gian và không gian vào làm một. Người chơi phải đi vào Lâu đài của Ultimecia, đánh bại những con trùm bảo vệ cho mụ.

Khi bắt đầu đối mặt với Ultimecia, trông nhân vật này khá bình thường. Nhưng về sau mụ biến đổi thành một dạng kinh khủng hơn với hàng loạt những thứ gắn lên người.

Nhưng điều đặc biệt nhất về trận đánh này là nó diễn ra bên trong cơ thể ả Ma nữ. Bằng cách trích xuất mô hình nhân vật trong game, fan hâm mộ phát hiện ra khung cảnh của màn đấu trùm cuối chính là một phần của Ultimecia. Một giả thuyết được đưa ra là Ultimacia hấp thụ mọi thực thể sống vào người mụ.

6. Nguồn gốc của Shuyin

Final Fantasy X có lịch phát hành tương đối lạ. Thị trường Mỹ phải chờ 6 tháng mới được chạm tay vào phiên bản tiếng Anh còn game thủ châu Âu thì gần 1 năm sau mới được thưởng thức. Phiên bản dành cho thị trường lục địa già có một số thay đổi dẫn đến sự trì hoãn này, bao gồm Sphere Grid mới và nhiều trận đấu trùm được thêm vào.

Về sau Final Fantasy X: International được ra mắt ở Nhật chính là để đem phần nội dung này đến với người chơi. Trong bộ International này có một số cắt cảnh mới có tên gọi Final Fantasy X: Eternal Calm. Tại những phân đoạn này, Yuna được nhìn thấy một người bị giam giữ, nhiều khả năng chính là Tidus.

Khi đoạn video này được phát hành lần đầu, nhà sản xuất chưa có kế hoạch gì cho một hậu truyện. Điều này càng củng cố niềm tin người đàn ông đó chính là Tidus. Nhưng rồi Final Fantasy X-2 ra đời, đoạn phim Eternal Calm cũng bị thay đổi và Shuyin xuất hiện. Điều này có nghĩa là mô hình nhân vật đã bị thay đổi giữa các phiên bản của Eternal Calm.

7. Cái chết của Orphan

Để hạ được một tên trùm cuối trong Final Fantasy thường có nhiều cách, có thể tận dụng cả những lỗi nhỏ của trò chơi. Hoàng đế Mateus khiến bạn chật vật trong Final Fantasy II? Chỉ cần dùng Wall rồi Toad để biến hắn thành một loài lưỡng cư tí hon là xong. Dark King trong Final Fantasy Mystic Quest có thể khá khó nhằn cho đến khi bạn phát hiện ra là có thể dùng hồi máu lên hắn cho đến chết do một vấn đề trong mã nguồn game.

Trùm cuối trong Final Fantasy XIII là con quái Orphan có hình dạng chiếc bánh xe lớn, có lẽ là muốn ám chỉ đến Orphanim trong Kinh Thánh. Đây là những thiên thần trông như bánh xe đang bốc lửa với con mắt ở chính giữa. Orphan ban đầu trông có vẻ khá ghê gớm nhưng thực ra nó rất dễ giết. Nếu bạn stagger được biến thể cuối của Orphan thì có thể hạ nó ngay lập tức bằng phép Death.

Điều này làm chúng ta liên tưởng đến một game Final Fantasy khác. Trong Final Fantasy Legend trên máy Gameboy, trùm cuối cũng bị giết chỉ bằng một đòn đánh nếu bạn dùng lưỡi cưa.

Theo Fffcvn