12 màn chơi mở đầu xuất sắc nhất trong lịch sử video game (P2)

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 21/03/2017 06:00 PM

Sau đây, ta sẽ đến với phần còn lại của danh sách 12 màn chơi mở màn có sức ảnh hưởng, xuất sắc bậc nhất trong lịch sử video game, và không ngạc nhiên khi chúng cũng đến từ những game đỉnh bậc nhất.

Điều gì tạo nên một màn chơi mở đầu tuyệt vời cho một video game? Màn đầu tiên có thể coi là lời giới thiệu tới thế giới quan, cốt truyện và cơ chế gameplay của một tựa game đến tay người chơi. Với tầm quan trọng như thế, nó cần mang lại một cảm giác hứng thú, lôi cuốn và giúp người chơi hiểu được rằng đủ điều tuyệt vời hơn nữa đang đợi mình khám phá ở phía trước.

Các tựa game mới thời nay thường có một phần chơi hướng dẫn quá dài khiến người chơi cảm thấy mình như là một đứa trẻ đang bị giáo huấn thay vì được tự mình trải nghiệm thế giới ảo. Các tựa game thời xưa lại làm điều ngược lại, quẳng luôn người chơi vào một thế giới tàn khốc, đầy thử thách mà chẳng hề báo trước lấy một tiếng. Các màn chơi mở đầu tuyệt vời nhất có thể coi là nằm giữa hai thái cực đối lập này.

Sau đây, ta sẽ đến với phần còn lại của danh sách 12 màn chơi mở màn có sức ảnh hưởng, xuất sắc bậc nhất trong lịch sử video game, và không ngạc nhiên khi chúng cũng đến từ những game đỉnh bậc nhất.

Princess Peach’s Castle – “Super Mario 64”

Một con Lakitu bay lượn bên ngoài lâu đài của Công chúa Peach với một chiếc camera treo lủng lẳng trên một chiếc cần câu cá. Đó là cách mà Nintendo đưa ra lời tuyên bố rằng họ hoàn toàn ủng hộ công nghệ chơi game 3D, và tất nhiên tương tự với hầu hết game phiêu lưu 3D thế hệ đầu, camera trong “Super Mario 64” không thực sự hoàn hảo nhưng chắc chắn là chẳng ai quan tâm ở thời điểm đó cả. Tại sao ư? Bởi họ còn đang mải mê điều khiển Mario khám phá một không gian 3D chuẩn mực trong lịch sử ngành game.

Point Insertion – “Half-Life 2”

Hình ảnh ma mị của G-Man cùng với giọng nói kiểu máy móc của ông ta gọi Gordon Freeman tỉnh dậy là lời giới thiệu duy nhất chúng ta có được trước khi khám phá thế giới của City 17. Có quá nhiều thứ đã thay đổi kể từ thời “Half-Life 2”, nhưng thay vì cố gắng nhấn chìm người chơi với cả tá thông tin quan trọng, nhà phát triển Valve quyết định phô diễn mọi thứ qua đôi mắt của chính Gordon Freeman. Tới khi bạn lấy lại được chiếc crowbar quen thuộc và thế giới thực sự mở ra, bạn biết rằng mình sẽ có một trải nghiệm tuyệt vời, đầy tính tương tác.

First Rampage – “Grand Theft Auto III”

Có lẽ chả mấy người nhớ đầu đuôi nhiệm vụ đầu tiên trong “Grand Theft Auto III” nhưng chắc sẽ nhớ cái cảm giác tung hoành tự do trên đường phố Vice City lần đầu tiên. Nó là một thế giới mở tuyệt nhất mà ta biết đến giai đoạn đó, cho phép ta ngông nghênh đi trên phố, đấm một người lạ mặt, ăn trộm rồi một chiếc xe, gây sự với cảnh sát và rơi vào một cuộc rượt đuổi đậm chất phim hành động. Đây chắc chắn là một trong những màn chơi mở đầu tuyệt nhất bởi thực tế nó không chỉ mang đến cho chúng “màn chơi” mà là cả một “thế giới”.

Getting the Morphball – “Metroid”

Màn chơi mở đầu của “Metroid” là một bước đột phá bởi nó đã dạy cho chúng ta rằng chúng ta không phải luôn đi về phía bên phải trong video game (điển hình như “Mario” thời xưa). Đôi khi con đường duy nhất dẫn đến đích là đi sang bên trái, cho dù điều đó có phần lạ đời mà ta chưa hề nghĩ đến trước đó. Hơn nữa, cách thức thiết kế màn chơi cũng rất thông minh, giúp người hiểu được cơ chế gameplay và sự khác biệt của “Metroid” với những sản phẩm cùng thể loại.

Tanker – “Metal Gear Solid 2: Sons of Liberty”

Nhiệm vụ mở màn của “Metal Gear Solid 2” là một trong những “mồi câu” lớn nhất từng được gửi đến tay người chơi. Trong nhiều tháng trời, Konami đã khiến mọi người tin tưởng rằng phiên bản sequel này tiếp tục dõi theo hành trình phiêu lưu của nhân vật chính Solid Snake. Vào ngày game phát hành, hàng triệu người chơi đã đổ đến các cửa tiệm bán lẻ để mua sản phẩm, rồi về nhà hào hứng chơi qua màn đầu tiên, chứng kiến một bước nhảy vọt về đồ họa và gameplay, để đến cuối màn thì thấy sốc với cảnh Solid Snake chết (không phải chết hẳn) và buộc phải chơi bằng một nhân vật mới toanh, Raiden. Dù thế nào đi nữa, đây vẫn là một những màn chơi mở màn hay nhất, sốc nhất từng có trong lịch sử game.

Glass Joe – “Mike Tyson’s Punchout!!”

Mở màn bằng một trận đấu đơn giản với Glass Joe yếu ớt, nhiều người chơi đã nghĩ rằng đây chỉ là một sản phẩm ngớ ngẩn ăn theo tên tuổi võ sĩ quyền anh hạng nặng số 1 thế giới lúc ấy, nhưng tất cả đều đã nhầm. Trên thực tế, Glass Joe là một thiết kế hoàn toàn có chủ đích, phù hợp với tông chính của game, dạy cho người chơi biết rằng đây là một sản phẩm mang tính giải đố, kỹ thuật cân não nhiều hơn là hành động nhanh tay nhanh mắt. Và đừng vội coi thường độ khó của game này bởi nó leo thang nhanh lắm đấy, đặc biệt là “trùm cuối” Mike Tyson.

Theo Ranker