- Theo Trí Thức Trẻ | 27/02/2017 06:18 PM
Sau những giờ làm việc căng thẳng, những bon chen tấp nập để mưu sinh trong đời thực, chúng ta tìm đến với video game như một sự giải thoát tạm thời. Ở đó, ta có thể trở thành một quân nhân liều lĩnh nhảy vào làn mưa đạn tiêu diệt lô cốt địch, hay một chiến binh diệt rồng băng qua những đỉnh núi tuyết hiểm trở nhất.
Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ thực tế ảo và điều khiển cảm ứng, những trải nghiệm trong game đang dần trở nên chân thực và sống động hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, phép màu của công nghệ cũng có những giới hạn nhất định. Không thể tránh khỏi những sai lầm hài hước trong game khiến người chơi “bàng hoàng” nhận ra rằng: “Đây cũng chỉ là ảo mà thôi!”
Dưới đây là 12 yếu tố “hư cấu” nhất của thế giới game mà đại đa số người chơi đã từng gặp phải:
1. NPC “thiểu năng”
NPC (Non-player character) tức nhân vật phụ là một yếu tố không thể thiếu trong thế giới game, bởi lẽ họ mang đến cho người chơi sự tương tác để có cảm giác “thật” hơn. Tuy nhiên, trên thực tế chính NPC là bằng chứng cho thấy công nghệ vi tính vẫn còn quá xa để đạt được khả năng tri giác như con người. Các nhân vật hệ thống sẽ chỉ thực hiện những nhiệm vụ được lập trình trước đó, chấm hết.
Một trường hợp điển hình trong game là nhiệm vụ dẫn NPC đến một địa điểm nhất định, và trên đường đi họ bất ngờ đâm vào một cái cây, để rồi… đứng im ở đó luôn, và thế là bạn phải quay ngược trở lại để dẫn họ đi từ đầu một lần nữa.
2. NPC “vô đối”
Tiếp tục với chủ đề NPC, một yếu tố khác cho thấy sự “hư cấu” của họ là những phản ứng thiếu logic trước tác động của người chơi. Thú nhận đi, tất cả chúng ta đều đã từng chạy đến trước một NPC nào đó và văng đủ các thể loại vũ khí mà mình có vào mặt họ, để rồi nhận được một sự… thờ ơ đến lạnh lùng.
Trong một vài tựa game, vũ khí của bạn chỉ có thể “gãi ngứa” cho NPC, dù có bắn hết sạch cả băng đạn cũng không đủ làm họ cau mày một cái. Vì quá “bá đạo”, nên trong khi bạn đang ẩn nấp để tránh kẻ thù, NPC đồng đội lại chọn cách… đứng ngay chính diện xe tăng địch, bởi lẽ họ làm gì có não để mà sợ chết cơ chứ hoặc nếu có chết thì họ cũng bất ngờ “phục sinh” sau một quãng thời gian mà thôi.
3. Vô số nhân vật, chỉ một khuôn mặt
Điều này không chỉ xảy ra với NPC, mà còn với cả chính người chơi nữa. Mặc dù hệ thống điều chỉnh giao diện nhân vật đang ngày càng đa dạng hơn, nhưng tất nhiên không phải người chơi nào cũng ngồi cả tiếng đồng hồ để chỉnh từng chi tiết cho giống mình ngoài đời. Kết quả là khi đứng giữa quảng trường đông đúc, bạn nhìn thấy vô số người chơi xung quanh, và thậm chí cả NPC nữa, có khuôn mặt… y hệt mình.
Để giải quyết vấn đề này, một số tựa game đã có gắng tạo ra thật nhiều trang phục thời trang, cho nhân vật đeo mặt nạ để khỏi nhận diện và đủ dạng trang bị làm đẹp khác để giúp diện mạo nhân vật trở nên độc đáo hơn. Nhưng tất nhiên không phải game nào cũng có đủ kinh phí mà thiết kế nhiều mô hình cấu kỳ đến thế và kết quả ta có được là vô số những người anh em giống nhau như đúc trong thế giới ảo.
4. Đi tay không nhưng cất cả kho súng đạn
Trên đường dạo quanh thế giới giả tưởng rộng lớn, bạn cầm theo 13 chiếc rìu lượm được từ đám đạo tặc mà mình vừa hạ được, thế nhưng hai tay bạn vẫn đang thảnh thơi vung vẩy, thậm chí bạn còn chẳng thèm đeo chiếc balo hay tay nải nào cả. Đây là trường hợp quá phổ biến trong game, có lẽ bởi nhà sản xuất không tìm được chỗ nào trên mô hình nhân vật để cất đống vật phẩm đó cả. Thay vào đó, để người chơi rút vũ khí ra từ trong… hư không thật sự là tiện lợi và “ngầu” hơn nhiều.
Ngay cả những tựa game cố gắng tạo ra sự hợp lý và chân thực hơn khi chỉ giới hạn nhân vật mang theo một vài khẩu súng, hoặc một túi đồ chia ô đi chăng nữa, ta cũng chẳng thấy hình ảnh nhân vật tay sách nách mang kiểu hai khẩu rocket sau lưng, hai khẩu súng máy trên tay rồi nhét cỡ chục quả lựu đạn trên người.
5. Chuyển động phi vật lý
Video game luôn cố gắng để mô phỏng thực tế bằng nhiều cách khác nhau, và số lần mà nó thất bại trong nhiệm vụ này cũng nhiều vô kể. Một trong những con dao hai lưỡi nghiêm trọng nhất chính là để nhân vật cố gắng tương tác vật lý với môi trường xung quanh. Phần lớn trường hợp, kết quả mà họ nhận được không phải là sự chân thực, mà trái lại trông mọi thứ lại chẳng khác gì ma thuật. Như trong “Half-Life”, bạn không cầm đồ vật, chúng “nổi” trước mặt bạn, hay bạn có thể leo thang mà không cần… cả chân lẫn tay, mà cứ thế “lướt” lên thôi, đó là ta chưa kể trường hợp tay chân của mô hình nhân vật còn đâm xuyên qua cả bức tường bê tông trước mặt đấy.
6. Ăn trăm phát đạn mà không chết
Một yếu tố không hề thực tế chút nào, nhưng lại vô cùng thiết yếu trong các tựa game bắn súng. Nếu bạn dính không quá nhiều đạn cùng một lúc, bạn có thể tìm chỗ trú ẩn và giữ lại mạng sống của mình – nghe khá hợp lý phải không? Điều phi lý là nếu bạn thoát khỏi loạt đạn đó và đứng im một lúc thì bạn sẽ… hồi máu hoàn toàn. Đa phần các vết thương sẽ không gây cản trở gì tới chuyển động của nhân vật cả, đạn bay vào chân cũng không làm bạn phải đi tập tễnh, thậm chí có dính “headshot” vẫn có khả năng còn 1 máu và sống sót cơ mà.
Theo Cheatsheet