- Theo Trí Thức Trẻ | 06/03/2017 10:45 PM
Tiếp tục phần trước, chúng ta sẽ lại đào thêm bằng chứng về sự lười biếng của các nhà làm game kinh dị, khi cứ lặp đi lặp lại những yếu tố đã quá cũ kĩ. Lần này nó không phải chỉ là bối cảnh hay một con quái vật quen thuộc nữa, là mà những mánh hù dọa “lỗi thời” được sắp đặt gameplay khiến người chơi không những không sợ, mà thậm chí còn khiến họ buồn cười. Sau đây là những yếu tố rập khuôn còn lại trong game kinh dị cần được “chôn” ngay lập tức:
Kẻ địch đột ngột xuất hiện khi bạn nhặt thứ gì đó lên
Một mánh hù dọa “xưa như Trái Đất” của các game kinh dị. Nhiều khi nó khá hiệu quả, như lúc bạn nhặt khẩu shotgun lên trong “BioShock”, đèn điện vụt tắt, và cả đám Splicer lao vào tấn công bạn. Nhưng trong phần lớn trường hợp, yếu tố này khá dễ đoán trước được. Nếu nhìn thấy một chiếc chìa khóa hay thứ vũ khí siêu “xịn” nằm im trên bàn một cách “khêu gợi”, 99% nó là một cái bẫy, bởi chẳng có gì tự nhiên đến dễ dàng thế cả. Giả dụ chẳng có gì xảy ra ngay lúc đó, nhưng một vài giây sau - khi bạn tưởng rằng mình đã an toàn - những con quái vật đột ngột lao ra thì mới thực sự ấn tượng.
Những dòng chữ bằng máu trên tường
Lần đầu tiên bạn nhìn thấy nó có lẽ là trong “System Shock 2”, nhưng những bức “huyết thư” này chắc chắn có một lịch sử lâu đời hơn thế. Ai đó, ngay trước khi chết, dùng máu của mình để bôi lên tường lời cảnh báo, đại loại như: “TRÁNH XA RA”, “NÓ ĐANG TỚI” hay “KHÔNG LỐI THOÁT” … Thỉnh thoảng họ còn để lại lời chỉ dẫn cho bạn, như “CẮT CHI CỦA CHÚNG” trong “Dead Space”, quả là một lời nhắc nhở hữu dụng. Một vài game tận dụng khá tốt chi tiết này, nhưng đa phần nó chỉ là sự lười biếng trong việc thể hiện cốt truyện. “Silent Hill 2” cũng là một ngoại lệ, bởi ít nhất thì những dòng chữ đó cũng khiến ta cảm thấy có chút bí hiểm và rợn gáy.
Tiếng động kỳ quái từ đường ống
Từng có “thời huy hoàng” trong “Alien vs. Predator” phần đầu tiên, những đường ống sập xệ này đã trở thành một yếu tố dễ dàng sắp đặt cho các màn hù dọa bất ngờ trong vô số tựa game kinh dị lấy bối cảnh nhà máy hay tàu vũ trụ. Bạn đang ở trong góc tối, và bất chợt nghe thấy tiếng hơi nước rít lên, hay tiếng kim loại loang choang, bạn quay ra, và ở đó là một… cái ống nước. Tất nhiên khi bạn quay lại thì con quái vật sẽ nhào tới, nhưng còn mấy người chơi lạ lẫm với kiểu hù dọa này nữa. Nếu muốn làm họ bất ngờ, có lẽ nên sử dụng một chiếc… máy in kì quái, hoặc để cái đường ống bình thường đó lao thẳng vào mặt họ xem sao.
Đèn pin chuyên… hết pin giữa chừng
Vẫn biết game là thế giới ảo, nhưng phải công nhận rằng có những chi tiết “hư cấu” đến lạ lùng khiến người chơi phải phì cười. Ăn một miếng thịt sống giữa trận chiến để hồi phục sinh lực hoàn toàn ư? Bình thường thôi, nhưng thứ mà người chơi khó chấp nhận nhất về độ “ảo” trong game kinh dị chắc chắn phải kể tới những chiếc đèn pin chuyên… hết pin giữa đường. Trong một vài game, bạn phải tắt hẳn nó đi cho tới khi nó được sạc đầy lại. Ở một vài game khác, cụ thể là “Alan Wake”, người chơi phải liên tục nhét những quả pin vào đó, một điều quá ngớ ngẩn và vô lý. Đó không phải là cách mà đèn pin hoạt động đâu! Kì lạ thay, Energizer vẫn nghĩ quảng cáo pin của họ - loại pin dùng được khoảng… 10 giây tối đa - trong “Alan Wake” là một cách hay!
Đường cống ngầm
Thậm chí so với lối kiến trúc vô tổ chức của những công trình trên mặt đất trong game (như “Resident Evil Zero” chẳng hạn), khu vực cống ngầm luôn mang đến cho ta cảm giác nhàm chán và khó chịu. Hầu hết chúng đều được thiết kế theo kiểu một mạng lưới chằng chịt, nối với nhau bằng những đường hầm ẩm ướt, mạng nhện chăng đầy với hàng đàn quái vật bò sát sẵn sàng tấn công bạn bất cứ lúc nào. Thực tế hơn cả, trong nơi ẩm thấp đó chắc chắn sẽ chứa chìa khóa cho căn phòng bí mật trên… tầng thượng của tòa nhà.
Đoạn nhật ký ghi âm của người chết
Để không bị nhầm lẫn với đoạn băng mật quay cảnh ai đó bị giết hại, chúng ta đang chỉ đích danh những đoạn nhật ký ghi âm mà ai đó giấu trong tủ chạn trước khi họ bị kéo lê đi và tra tấn đến chết. Một vấn đề lớn của yếu tố rập khuôn này là: Ai đã tắt cuộn băng ghi âm đó đi? Con quái vật tắt à? Hay hồn ma của nạn nhân? Có thể cái máy ghi âm hết dung lượng đúng ngay thời điểm đó thì sao? Nếu như để nó xuất hiện trong game, chí ít cũng khiến đoạn băng đó tiếp tục chạy trong một khoảng thời gian hợp lý chứ. Tức là tùy vào mẫu máy của nạn nhân, bạn sẽ phải được nghe thêm âm thanh im lặng trong khoảng… 50 đến 700 tiếng đồng hồ nữa.
Theo PC Gamer