- Theo Helino | 29/07/2018 04:00 PM
Quạt Ba Tiêu
Có lẽ tên gọi của loại pháp bảo này cũng không còn quá xa lạ với đa phần độc giả nữa phải không. Truyền thuyết thầy trò Đường Tăng đi mượn quạt của Thiết Phiến công chúa để vượt qua được ngọn núi lửa không bao giờ tắt Hỏa Diệm Sơn đã trở thành một trong những giai thoại được nhắc tới nhiều nhất của Tây Du Ký.
Trong truyện, Thiết Phiến công chúa không những từ chối cho mượn quạt, mà còn nhân đó nhẹ nhàng "thổi" Tôn Hành Giả của chúng ta bay xa hơn năm ngàn dặm rơi xuống núi Tiểu Tu Di. Và chỉ nhờ có Linh Cát Bồ Tát trợ giúp bằng một viên Định Phong Đơn giúp kiềm chế sức mạnh của pháp bảo này thì Ngộ Không mới dám "mặt dày" tới mượn quạt lần thứ hai nhưng vẫn bị chủ nhà đóng cửa từ chối.
Chiếc quạt thổi tắt được cả Hỏa Diệm Sơn
Để rồi sau đó, Tôn Ngộ Không đại chiến hơn năm trăm hiệp long trời lở đất với Ngưu Ma Vương – phu quân của Thiết Phiến công chúa nhưng kết quả vẫn là bất phân thắng bại. Chỉ tới khi nhờ thêm cả sự trợ giúp của thiên quân thiên tướng thì kiếp nạn này của thầy trò Đường Tăng mới được hoá giải. Chỉ với vài lần "phe phẩy", ngọn lửa ở núi Hỏa Diệm Sơn đã tắt lịm và mở đường cho 4 thầy trò tiếp tục chặng đường thỉnh kinh.
Chén Lưu Ly
Câu chuyện về pháp bảo này lại gắn liền với cái tên Hoàng Phong Quái – con chuột thành tinh đắc đạo đã ăn cắp chiếc đèn dầu của Phật tổ Như Lai rồi tác oai tác quái tại Hoàng Phong Lĩnh. Hắn lập mưu bắt Đường Tăng, để rồi sau đó khi Tôn Ngộ Không tới cửa hang khiêu chiến, Hoàng Phong Quái chỉ cần cầm chén Lưu Ly lên và thổi nhẹ, một trận gió vàng Tam Muội Thần Phong vô cùng mạnh mẽ đã đủ để đẩy lùi Tôn Đại Thánh.
Pháp bảo Chén Lưu Ly của Tây Du Ký
Thêm một lần nữa Tôn Ngộ Không lại phải nhờ cậy tới Linh Cát Bồ Tát thì mới có thể thuần phục con yêu này, lấy lại pháp bảo đồng thời giải cứu sư phụ.
Não Bạt Vàng
Hoàng Mi Lão Phật nguyên là một tiểu đồng giữ đồ cho Phật Di Lặc. Nhưng thừa lúc chủ nhân sơ hở, nó đã lấy trộm Não Bạt Vàng và xuống trần tác oai tác quái, thậm chí còn dám cả gan đóng giả Phật Tổ để lừa thầy trò Đường Tăng vào bẫy.
Hoàng Mi Lão Phật – chủ nhân của Não Bạt Vàng
Để rồi sau đó như một kịch bản thường thấy, Tôn Ngộ Không tới và đòi lại sư phụ, rồi tiếp tục bị nhốt trong Não Bạt Vàng mà vô phương trốn thoát. Và cứ lần nào rơi vào hoàn cảnh này, Tôn Ngộ Không lại niệm chú nhờ vào sự giúp đỡ của các thần tiên khác.
Tuy vậy, ngay cả sừng của Kim Cang Long nổi tiếng cứng nhất thiên hạ cũng chẳng thể đâm thủng được Não Bạt Vàng một lỗ đủ to để Ngộ Không chui ra. Chỉ tới khi Đại Thánh quá cáu tiết, dồn hết sức vào Gậy Như Ý và khoét một lỗ đủ to thì mới có thể thoát thân. Ngay lập tức, Ngộ Không đập vỡ pháp bảo quý giá này, và đó cũng là ngày tàn của Hoàng Mi Lão Phật.
Túi Hậu Thiên
Đây cũng là bảo vật mà Hoàng Mi lấy trộm và pháp bảo này thậm chí còn được đánh giá cao hơn khá nhiều lần so với Não Bạt Vàng. Chiếc túi này một khi được mở ra có thể hút vạn vật vào bên trong, ngay cả trời đất cũng khó lòng thoát thân. Tôn Ngộ Không dù có gọi cứu trợ nhiều tới đâu, nhưng cũng chẳng thể nào chống lại sự bá đạo của Túi Hậu Thiên, khi quân thiên binh thiên tướng tới bao nhiêu đều bị hút bấy nhiêu, duy có Đại Thánh nhờ vào cân đẩu vân vẫn miễn cưỡng thoát thân được.
Ngộ Không phải nhờ tới Phật Di Lặc mới qua được kiếp nạn
Tất cả đều bó tay, chỉ tới khi Tôn Ngộ Không lập mẹo chui được vào bụng của Hoàng Mi quấy phá khiến hắn không chịu nổi thì thầy trò Đường Tăng mới miễn cưỡng vượt qua được kiếp nạn đầy khó khăn này.
Đại Thiên Am
Gọi tên như vậy thôi, nhưng nôm na ra thì đây chính là chiếc bát vàng của Phật Tổ. Bạn có nhớ phần truyện Tôn Ngộ Không giả mạo làm đủ chuyên xấu xa không. Để rồi khi bản thật gặp bản sao, đánh nhau thừa sống thiếu chết lên tới tận Tây Thiên để Phật Tổ phân xử thì câu chuyện mới ngã ngũ.
Chiếc bát vàng của Phật Tổ Như Lai
Và với Đại Thiên Am của mình, Phật Tổ nhanh chóng hàng phục Lục Nhĩ – kẻ dám cả gan mạo danh Tề Thiên Đại Thánh.