10 thay đổi ngớ ngẩn khiến "Death Note 2017" trở thành thảm họa phim ảnh

Mai Anh - Phúc Logic  - Theo Trí Thức Trẻ | 12/09/2017 02:16 PM

Phiên bản "Mỹ hóa" của tác phẩm "Death Note" từ nhà đài Netflix mới đây đã nhận nhiều chỉ trích từ cộng đồng fan.

Death Note là bộ truyện tranh Nhật Bản (manga) nổi tiếng của tác giả Tsugumi Ohba và họa sĩ Takeshi Obata. Nhờ cốt truyện sáng tạo, hấp dẫn, cùng với những pha đấu trí đầy cân não và phần hình ảnh đẹp mắt, chi tiết; không chỉ manga mà nhiều bản chuyển thể của bộ truyện cũng được đánh giá cao trên toàn cầu.

Sau thành công của những live-action (phim người đóng) trước đó do Nhật Bản sản xuất, Netflix đã quyết định thử sức với "tượng đài manga" Death Note bằng một kịch bản được "Mỹ hóa" hoàn toàn. Nhưng có vẻ như kết quả đã không được như mong đợi của nhà đài.


Death Note 2017 được sản xuất và phát hành bởi Netflix

Death Note 2017 được sản xuất và phát hành bởi Netflix

10. Máu, máu ở khắp nơi!

Những cái chết vì đau tim có thể coi là thương hiệu của Kira, thể hiện ước muốn thanh lọc thế giới của cậu học sinh thông minh, nhạy bén và có cái nhìn đơn thuần và rạch ròi về Thiện - Ác. Với Light (Kira), bản án duy nhất cho những kẻ phạm tội là cái chết, cậu xem mình là "vị Chúa của thế giới mới" chứ không phải một kẻ giết người máu lạnh. Chỉ đến sau này, khi mọi chuyện bắt đầu vượt ngoài tầm kiểm soát, Light mới chọn những cách chết mới để ẩn mình khỏi sự truy lùng của thám tử L.

Nhưng trong bản chuyển thể này của Netflix, các cảnh giết hại dã man, đẫm máu được dựng lên như một bản sao của Final Destination nhằm làm người xem sao nhãng đi cốt chuyện lỏng lẻo và hời hợt, nó hoàn toàn bóp méo đi ý định ban đầu của tác giả Tsugumi Ohba về một cuộc đấu trí bất phân thắng bại giữa Kira - L và ranh giới thiện ác mờ nhạt trong con người "tưởng chừng là kẻ ác" như Kira.

Người đầu tiên được Light Turner viết tên đã nhận cái chết đầy kinh dị là chặt đầu, khiến khán giả không khỏi giật mình ngơ ngác về độ độc ác của một "tử thần tập sự". Và như để chứng minh cho sự "ác không giới hạn", Light không ngừng dùng danh nghĩa thần Kira, núp dưới cái bóng công lý để gây ra hàng loạt vụ giết người man rợ.


Các cái chết trong phim được dàn dựng không khác gì Final Destination

Các cái chết trong phim được dàn dựng không khác gì "Final Destination"

9. Mia - nữ chính quyến rũ hay chỉ là một kẻ tâm thần cuồng sát

Trong bản gốc, Misa là một nữ Idol ngây thơ và xinh đẹp, người tôn sùng Kira một cách mù quáng và sẵn sàng làm mọi thứ vì cậu. Và dù sở hữu một cuốn sổ tử thần khác, cũng như Kira, người xem không thể ghét nổi cô gái ngọt ngào luôn sẵn sàng hi sinh vì tình yêu ấy.

Death Note 2017 như cố tình đi ngược lại hoàn toàn nguyên tác khi lần lượt biến Kira và Mia (tên Mỹ hóa của nhân vật) trở thành hai kẻ đáng ghét nhất vũ trụ. Mia giết người bởi vì... cô muốn thế. Không vì tình yêu, không vì bảo vệ ai đó, mọi lý do cô đưa ra để xử tử một tội phạm chỉ càng khiến hình ảnh cô trở nên bốc đồng, điên cuồng hơn trong mắt khán giả. Giống như một cô nhóc tuổi teen nổi loạn nắm trong tay quyền lực tối thượng, Mia không ngừng đem nó ra làm trò vui và ngày càng xa rời mục đích ban đầu họ đặt ra cho cuốn sổ.


Nhân vật Mia được xây dựng như một Kira mới

Nhân vật Mia được xây dựng như một "Kira mới"

8. Nhạc phim vô cùng "lệch sóng"

Sau thành công của phần 1 series Stranger Things, việc sử dụng các bản nhạc mang hơi hướng đồng quê của thập niên 80 dường như trở thành xu hướng cho các bộ phim hiện nay. Nhưng gắn vào một kịch bản như Death Note 2017, điều này lại gây phản tác dụng. Kịch bản đẫm máu hòa cùng các ca khúc triền miên lãng mạn không tạo hiệu ứng "dễ thở" hơn cho phim mà chỉ thể hiện sự khập khiễng, thêm vào đó là khung cảnh phim hoàn toàn không phù hợp với bản nhạc khiến người xem rối rắm không hiểu thời điểm câu chuyện diễn ra là lúc nào. Đặc biệt là khi The Power of Love - Air Supply vang lên ở cảnh Kira, Mia rơi khỏi vòng đu quay khổng lồ và L tìm kiếm tờ giấy tử thần trong cuốn sách giải tích giống như một trò cười hơn là một cảnh phim đắt giá làm tiền đề cho cái kết.

7. Gia đình của Light

Thêm một thay đổi không cần thiết nữa trong cấu trúc gia đình nhân vật Light là việc bỏ đi nhân vật em gái và thêm vào người mẹ đã mất của cậu. Ở bản gốc, lý tưởng của Kira là "thay trời hành đạo", đem lại công lý cho kẻ yếu và lập nên một trật tự mới cho thế giới, suy nghĩ này khiến bản thân cậu dù về bản chất là một kẻ giết người nhưng ở trong mắt các "môn đồ" tôn sùng Kira, cậu là một vị Thánh công lý. Ngay cả chính bản thân Kira cũng cho rằng như vậy. Đó chính là ẩn ý của tác giả khi xây dựng nên một cốt truyện không có nhân vật phản diện hoàn toàn.

Nhưng với kịch bản mới này, cái tên thứ hai trong cuốn sổ cũng là căn nguyên mở ra "cuộc tàn sát" là kẻ đã giết mẹ của Light Turner nhưng không bị kết án do không có đủ bằng chứng. Suy nghĩ bất công và căm hận mới là nguyên nhân chính thúc đẩy Light tạo nên Kira. Việc xây dựng nhân vật như vậy khiến nhiều fan của nguyên tác cảm thấy Kira của họ bị hạ thấp và cũng dễ hiểu khi Light Turner tiếp tục bị "ném đá" bởi những lý tưởng cực đoan nhiều hơn là cao cả.


Bố Light là một cảnh sát mẫn cán, trong khi con trai ông lại là thủ phạm giết hơn 400 người

Bố Light là một cảnh sát mẫn cán, trong khi con trai ông lại là thủ phạm giết hơn 400 người

6. Mối quan hệ giữa Light và Mia

Mia vẫn rơi vào lưới tình với Light như nguyên tác và dưới ảnh hưởng của ý tưởng trở thành "vị Chúa cứu thế" như Light vẽ ra, cô cũng dần chìm vào vũng bùn giết chóc. Nhưng mối quan hệ của họ trong phần chuyển thể này lại được xây dựng khá vụng về và đen tối. Phần lớn fan đều đồng ý rằng đây giống như một bộ phim học đường đầy loạn lạc hơn là một bộ phim về nhân cách và trí tuệ.

Thay vì tập trung và một "vị Thánh" là Kira, bộ phim lại tạo ra một cặp đôi Kira để rồi sau đó phát triển Mia có phần lấn át cả Light. Thời lượng phim ngắn lại quá mất thời gian trong việc xây dựng cặp đôi Kira không chỉ khiến đất diễn cho cuộc đấu trí giữa L và Light bị thu hẹp, trở nên mờ nhạt mà còn khiến nội dung phim hỗn loạn, nửa nạc nửa mỡ.

Sau tất cả, tình cảm của Light dành cho Mia vẫn là một dấu chấm hỏi to đùng với khán giả. Nếu không yêu Mia, tại sao Light lại cho cô biết về cuốn sổ và chia sẻ cùng cô lý tưởng về một thế giới không tội phạm? Còn nếu yêu, tại sao cậu có thể thản nhiên viết tên Mia vào cuốn sổ chỉ vì lý do nhảm nhí là "tớ giận cậu"?


Light và Mia luôn cùng nhau thực thi công lý

Light và Mia luôn cùng nhau "thực thi công lý"

5. L không có gì hơn ngoài một đứa trẻ mít ướt

Bộ phim cố tạo nên một L đầy trí tuệ và khôn ngoan như bản gốc. Nhưng sai rồi, L chỉ khôn ngoan khi chưa chính thức đối mặt với Light thôi! Khi trợ thủ Watari biến mất, thay vì tìm đến sự trợ giúp của lực lượng cảnh sát hay ít nhất là tìm ra bằng chứng thuyết phục bố của Light về tội ác của con trai ông thì L lại run rẩy, kích động như một đứa nhóc mất phương hướng hơn là một thám tử tài ba.

Việc giữ lại các đặc điểm trong tính cách của L trong nguyên tác như hay ngồi xổm, thích đồ ngọt, luôn nhón mọi thứ bằng hai ngón tay... cũng không làm vừa lòng khán giả hơn chút nào, ngược lại càng khiến nhiều fan bất mãn vì tạo hình "chả giống ai".


L và Light chính thức đối đầu nhau

L và Light chính thức đối đầu nhau

4. Ý đồ của Ryuk là gì?

Giọng nói khàn khàn lạnh lẽo, tiếng cười rùng rợn cùng vẻ ngoài đáng sợ là ấn tượng mạnh nhất về tử thần Ryuk phiên bản Mỹ. Ryuk không còn là "kẻ ngoài cuộc" đứng ngoài giám sát, một tử thần vì nhàm chán với công việc thu thập sinh mạng mà đem cuốn sổ ném cho một người phàm trần nữa. Trong bản chuyển thể này, Ryuk chính xác là người "cầm cân nảy mực" cho toàn bộ diễn biến. Từ việc hướng dẫn Light giết người đến việc thông qua Light đào tạo Mia và cuối cùng là thúc đẩy tai nạn của hai nhân vật chính.

Chủ động là vậy, nhưng Ryuk lại luôn xuất hiện ở những góc tối của khung hình, ở các góc quay lưng và nghiêng mặt khiến sự đen tối, ẩn ý về cái ác lặng lẽ lan tràn, thúc đẩy nhân tính con người sa đọa được thể hiện rõ. Tuy nhiên, cũng chính vì ẩn ý này mà phần nào làm mất đi nét sinh động và thần thánh của Ryuk so với bản gốc.


Ryuk luôn xuất hiện ở các góc tối, lặng lẽ và nguy hiểm

Ryuk luôn xuất hiện ở các góc tối, lặng lẽ và nguy hiểm

3. Điều luật của Death Note bị thay đổi

Mia dù chạm vào cuốn sổ vẫn không thể thấy được Ryuk. Và người chủ hiện tại có thể từ chối quyền sở hữu Cuốn sổ tử thần bằng cách đặt nó ở một chỗ và không chạm đến trong vòng 7 ngày. Đây là hai thay đổi lớn nhất trong điều luật của Death Note. Tuy nhiên, thay vì dùng các quy tắc mới để điều khiển mạch phim cho hợp lý, như cách Mia dùng để giết các đặc vụ FBI, biên kịch lại vẫn "bắt" Light phải cố tìm tên của L bằng cách để Watari đến tận trại trẻ mồ côi L từng sống để lục tìm tư liệu.

Những lỗ hổng về kịch bản này khiến số đông fan không khỏi thêm ngán ngẩm với bộ phim.


Cuốn sổ tử thần bản Mỹ trông cổ kính hơn các bản chuyển thể khác nhiều

Cuốn sổ tử thần bản Mỹ trông cổ kính hơn các bản chuyển thể khác nhiều

2. Bối cảnh trong phim là nước Mỹ

Không khó hiểu khi đây là lý do đứng ở vị trí thứ 2 trong top 10 điểm ngớ ngẩn về Death Note 2017. Theo các fan nguyên tác, việc lấy bối cảnh là nước Mỹ không chỉ làm mất đi nhiều nét đặc sắc so với nguyên tác mà còn khiến bộ phim bị "hạ cấp" trở thành một phim kinh dị học đường nửa mùa. Những cậu bé cô bé thiếu niên bốc đồng, bữa tiệc Vũ hội mùa đông... đều là chi tiết có phần cũ rích không mấy sáng tạo.

1. Light là một tên ngốc không hơn không kém

Ngay từ khi tạo hình nhân vật và trailer được tung ra đã gây nên nhiều tranh cãi trong cộng đồng fan nguyên tác. Không chỉ Lakeith Stanfield (thủ vai L) bị chê vì vẻ ngoài lãng tử và làn da màu không đủ lập dị như các bản chuyển thể trước đó mà nam diễn viên thủ vai Light Turner là Nat Wolff cũng bị chê lên chê xuống vì tạo hình quá "ngố tàu".

Vẫn biết ở bản này, Light được xây dựng là một thiếu niên nhút nhát, bình thường và có chút thảm hại nhưng những gì Light thể hiện suốt gần 2 tiếng của bộ phim lại giống một kẻ ảo tưởng, tâm thần và ngốc nghếch hơn là một Kira thông minh, khôn khéo. Thậm chí so với L "mít ướt", Kira còn kém xa.

Gây ấn tượng đầu bằng tiếng hét thất thanh đầy "nữ tính", sau đó là liên tục bị "dắt mũi" bởi cả Ryuk và Mia, không hề do dự đưa cho Mia xem Cuốn sổ, vừa gặp đã gần như hét vào mặt L "Tôi chính là Kira!", nói cho L về một tờ Death Note giấu trong cuốn giải tích...Light không đủ sức để gánh vác quyền năng của Kira nên phải nhờ người giúp chăng? Ngay cả sự thông minh của Light cũng chỉ như "trò mèo" trước mắt L khi người duy nhất Light qua mặt được là người bố mù quáng tin tưởng, bảo vệ con trai của mình. Và nếu không có sự "ủng hộ cuồng nhiệt" của đông đảo "fan" trên thế giới với Thánh Kira, có lẽ Light đã chẳng đủ nguy hiểm để trở thành tội phạm bị truy nã.


Light bị chê bai vì tạo hình và tính cách mới

Light bị chê bai vì tạo hình và tính cách mới

Rất khó để chuyển thể một tác phẩm gốc xuất sắc thành một phim xuất sắc, nhất là khi trong nhiều năm qua các bản chuyển thể từ anime đến live-action đều gặt hái được những thành công vang dội. Điểm trừ của Death Note phiên bản mới nhất này là dẫn dắt khá nhanh, không có nhiều cao trào, đồng thời vẫn chưa giải quyết những nút thắt ở bên trong bộ phim, đặc biệt là về khái niệm công lý trong việc xây dựng thế giới. Phim chỉ tập trung vào những mâu thuẫn giữa các nhân vật, dẫn đến kết phim vẫn còn lơ lửng.

Nhưng cũng không thể phủ nhận những điểm mạnh đáng khen của Death Note 2017. Dù chỉ được sản xuất bởi một nhà đài (Netflix) nhưng bộ phim được đầu tư khá công phu về kỹ xảo và cảnh quay. Kịch bản mới, sáng tạo trong nhiều tình tiết, đặc biệt là chi tiết Mia tuy không sở hữu cuốn sổ nào nhưng vẫn đóng vai trò quan trọng cho mạch phim và cảnh cuối trên đu quay tạo bất ngờ cho người xem là những điểm cộng đáng nói. Sự đa sắc tộc cũng là một thế mạnh, và L dù bị chê không giống nguyên tác nhưng diễn xuất của Lakeith Stanfield vẫn vô cùng thuyết phục, nhất là ở đôi mắt biết nói.

Với một bản chuyển thể phương Tây cho một nguyên tác đậm chất phương Đông, Death Note 2017 có thể vẫn còn nhiều thiếu sót nhưng nó cũng mở ra bước đường mới cho các tác phẩm tiêu biểu của phương Đông có cơ hội được phổ biến dưới góc nhìn mới của một nền văn hóa khác, tư tưởng khác. Và nếu bỏ qua "cái bóng lớn" của nguyên tác, Death Note 2017 thực sự là một bộ phim không đến nỗi tệ.