- Theo Helino | 25/02/2019 10:00 AM
Mặc cho sự thành công vang dội của "Aquaman", chúng ta không thể phủ nhận rằng Vũ trụ mở rộng DC đã trải qua không ít những thất bại kể từ khi ra đời cho đến nay. Tham vọng xây dựng một thế giới siêu anh hùng quá vội vã, sự "lệch tông" và những vai khách mời không cần thiết được nhồi nhét vào nhau biến DCEU đôi khi trở thành mớ hỗn độn. Nhưng bên cạnh đó, dự án khổng lồ này cũng cho thấy rất nhiều quyết định sáng suốt và xứng đáng để học hỏi.
1. Sai lầm: Biến Batman và Superman thành những kẻ giết người
Superman không giết người - đó là một trong những nguyên tắc đã trở thành thương hiệu của siêu anh hùng này. Người Đàn ông Thép được sinh ra để đại diện cho ánh sáng và sự hy vọng. Vì vậy cái cách mà Zack Snyder khiến Superman hạ sát tướng Zod trong "Man of Steel" không khác gì một sự phản bội dành cho các fan DC trung thành.
Batman khác một chút. Bởi anh ta đã từng không ít lần giết người trong comics, tuy nhiên chỉ trong những hoàn cảnh ngặt nghèo và bắt buộc. Ở DCEU, Người Dơi không ngần ngại sử dụng súng nhằm tiêu diệt kẻ ngáng đường như đó là điều hoàn toàn bình thường. Chúng ta hiểu đây là một phiên bản Batman đen tối, hung bạo nhưng có những cách khác để thể hiện điều đó.
2. Đúng đắn: Dàn diễn viên đóng vai siêu anh hùng
Hầu hết những chỉ trích dành cho DCEU nhằm vào những điều diễn ra phía sau hậu trường như kịch bản, chỉ đạo… Các diễn viên hiếm khi bị chê bai bởi quá trình tuyển chọn đã diễn ra rất tốt. Jason Momoa biến Aquaman từ một trò cười trong truyện tranh trở thành một chiến binh, một vị vua oai hùng dưới đáy biển. Gal Gadot thể hiện mạnh mẽ và lan tỏa nữ quyền, thậm chí cô còn làm lu mờ hai siêu anh hùng nổi tiếng nhất thế giới là Batman và Superman trong "Batman v Superman".
Ezra Miller khiến chúng ta quên hẳn Flash Grant Gustin trong TV series nhờ sự cố gắng và nét diễn xuất duyên dáng. Và đừng quên nhắc đến Margot Robbie đã gánh cả "Suicide Squad" như thế nào nhờ một Harley Quinn đầy chiều sâu cảm xúc…
3. Sai lầm: Tuyến nhân vật phản diện
Đây thực sự là một vấn đề rất lớn của DCEU. Có ai còn nhớ bất kỳ điều gì về Doomsday, Steppenwolf hay Enchantress ngoài sự tệ hại chung của những cái tên này? Thậm chí đến Lex Luthor và Joker (Jared Leto) cũng không thoát khỏi bi kịch của sự thể hiện nhạt nhòa.
Jesse Eisenberg biến Lex thành phiên bản lỗi của Joker Heath Ledger, còn Jared Leto thì trở thành một phiên bản Joker dân chơi, lạnh lùng nhưng thiếu tính toán và thông minh. Khi hai nhân vật phản diện biểu tượng nhất thế giới comics bỗng trở thành trò cười dưới bàn tay DCEU, thì bạn biết đó thực sự là bài toán nan giải của Vũ trụ điện ảnh này.
4. Sai lầm: Sự hài hước… nhạt nhẽo
Ngoại trừ "Wonder Woman" và "Aquaman", tính hài hước trong DCEU thường thiếu đi nét duyên dáng và khá nhạt nhẽo. Warner Bros đã cố gắng nhồi nhét nhiều nhất có thể những tình tiết vui vẻ vào "Justice League" để rồi kết quả chỉ là mớ hổ lốn thiếu nhất quán.
Ngoài ra bộ phim còn biến một Batman "cool ngầu" trở thành trò đùa với sự yếu ớt không thể tin nổi, mô tả Flash như một tên mọt sách có vấn đề về giao tiếp xã hội, hay một Superman mạnh quá mức cho phép. Hài hước là một yếu tố cần thiết để mang tác phẩm tới đông đảo công chúng, nhất là trong thể loại siêu anh hùng, nhưng không vì thế mà có thể thực hiện nó sơ sài.
5. Đúng đắn: Những bộ phim solo
"Wonder Woman" và "Aquaman" là những thành công lớn nhất mà DCEU có cho tới hiện nay, cả trên khía cạnh kinh tế và nghệ thuật. Và điều đó đến nhờ một lý do đơn giản: chúng đều đi theo tầm nhìn riêng biệt của một đạo diễn tuyệt vời.
Những bộ phim này không cho chúng ta cảm giác như chúng bị nhúng tay can thiệp bởi quá nhiều người, và hệ quả là cả hai luôn duy trì được sự nhất quán từ đầu tới cuối dù phải đứng hoàn toàn độc lập trong DCEU.
6. Sai lầm: Những thiết lập cho các bộ phim trong tương lai
Một trong những yếu tố quan trọng nhất khi xây dựng một Vũ trụ điện ảnh chính là những thiết lập về vũ trụ đó được cài cắm trong mỗi bộ phim thành phần, mục đích để tạo ra sợi xích gắn kết và đồng thời tạo ra gợi ý cho các tác phẩm tương lai. Nhờ đó mà cốt truyện sẽ luôn trôi chảy, cũng như lôi kéo được lượng người hâm mộ trung thành xuyên suốt nhiều năm.
Nếu như MCU luôn rất khéo léo với những vai cameo hợp tình hợp lý, như Doctor Strange trong "Thor: Ragnarok" đã góp phần không nhỉ giúp đỡ Thần Sấm tìm được người cha Odin, thì ngược lại DCEU hoàn toàn thất bại khi nỗ lực để The Flash truyền thông điệp từ tương lai cho Batman trong "Batman v Superman".
7. Đúng đắn: Bộ ba phim dành cho Superman của Henry Cavill
Tuy "Batman v Superman" và "Justice League" không đạt được thành công như kỳ vọng, nhưng không thể phủ nhận cùng với "Man of Steel" bộ ba tác phẩm này đã xây dựng thành công một Superman đậm tính anh hùng.
Với "Man of Steel" chúng ta được chứng kiến đầy đủ nguồn gốc cũng như chiều sâu tính cách nhân vật. Sau đó, BvS cho thấy một Superman khi phải đương đầu với những nghi kị tới từ loài người nhưng sự hy sinh đầy anh dũng ở cuối phim đã chấm dứt tất cả. Và cuối cùng, "Justice League" là một sự tái sinh dành cho Người đàn ông Thép, để tất cả phải công nhận rằng Trái Đất luôn cần chàng siêu anh hùng này.
8. Sai lầm: Tông màu
Lại thêm một yếu tố thiếu nhất quán khác tới từ sự cẩu thả trong hoạch định hướng phát triển của DCEU. Tông phim thay đổi liên tục thậm chí ngay trong các phân cảnh thuộc một tác phẩm. Đôi khi u tối một cách thái quá, lúc khác lại lãng mạn tình cảm không cần thiết.
Thật may là với "Aquaman" thì dường như Warner Bros đã tìm ra một con đường đi tốt nhất dành cho các bộ phim trong tương lai, điều mà họ đáng ra phải làm tốt hơn từ những tác phẩm tiên phong đầu tiên.
9. Đúng đắn: Thiết kế sản xuất
Phải dành điểm 10 cho đội ngũ thiết kế đồ họa sản xuất của DCEU, khi họ đã hoàn thành xuất sắc công việc đưa cả thế giới truyện tranh siêu anh hùng lên màn ảnh lớn đúng như tưởng tượng của phần lớn fan hâm mộ.
Đầu tiên là Thành phố Gotham, quê hương của Batman hiện lên vô cùng hào nhoáng nhưng cũng đầy u ám. Không thể bỏ quên bảy Vương quốc Atlantis được James Wan xây dựng thật quá sức ngoạn mục. Và còn cả Themyscira của Wonder Woman, mọi cảnh vật và trang phục đều tuyệt đẹp đến mức gần như hoàn hảo.
10. Sai lầm: Ảnh hưởng quá nhiều bởi phong cách làm phim của Zack Snyder
Phong cách làm phim của Zack Snyder gần như là mẫu số chung cho "Man of Steel", "Batman v Superman" và một nửa "Justice League". Tối đa hóa các cảnh super-slow-motion, màu sắc thực sự vô cùng tối tăm ảm đạm, và đồng thời lồng ghép quá đà các chi tiết giàu ẩn ý là tất cả những vấn đề nan giải mà vị đạo diễn này gây ra cho DCEU.
Phong cách này không hoàn toàn sai lầm, nhưng nó phù hợp hơn với những tác phẩm mang tính sử thi hoặc mơ hồ như "300" hay "Watchmen", hơn là thế giới siêu anh hùng mang nhiều yếu tố giải trí và tươi sáng.