10 cặp game “sinh đôi” kỳ lạ nhất trong lịch sử ngành game (P2)

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 06/04/2017 08:15 PM

Tiếp tục danh sách lần trước, sau đây là 5 cặp game “sinh đôi” còn lại được cho là giống nhau đến mức kỳ lạ, cả về thời điểm ra mắt, ý tưởng, gameplay… hay thậm chí là cả cách chúng được phát triển.

Không biết do vô tình hay cố ý mà Hollywood thường xuyên cho ra đời những tác phẩm “na ná” nhau vào cùng một thời điểm, như Hercules và The Legend of Hercules, hay Iron Eagle và Top Gun, Olympus Has Fallen và White House Down,… Tất nhiên mọi người sẽ đặt ra câu hỏi: “Ai bắt chước ai?”, thế nhưng rõ ràng chúng ta không thể đưa ra câu trả lời được, đơn giản nó là một ý tưởng hay được phát kiến cùng lúc mà thôi.

Đối với thế giới game cũng vậy, có không ít cặp game giống nhau đến mức kỳ lạ, được phát hành gần như liên tiếp. Và cộng đồng người chơi là những giám khảo rất công bằng, game nào “sinh” trước không quan trọng, quan trọng là chất lượng của game nào tốt hơn thì nó sẽ tồn tại thôi.

Tiếp tục danh sách lần trước, sau đây là 5 cặp game “sinh đôi” còn lại được cho là giống nhau đến mức kỳ lạ, cả về thời điểm ra mắt, ý tưởng, gameplay… hay thậm chí là cả cách chúng được phát triển. (Lưu ý là ngày phát hành của mỗi game có thể khác biệt ở từng khu vực khác nhau)

Elite: Dangerous (công bố tháng 11/2012) & Star Citizen (công bố tháng 9/2012)

10 cặp game “sinh đôi” kỳ lạ nhất trong lịch sử ngành game (P2)

Lần này không phải là ngày phát hành, mà là thời điểm công bố dự án liên tiếp nhau. Elite: Dangerous và Star Citizen không những giống nhau về đề tài cuộc chiến ngoài không gian, mà chúng còn là hai dự án gây quỹ phát triển từ cộng đồng được công bố chỉ cách nhau có 7 tuần. Mặc dù đằng sau chúng là những cái tên đình đám như Chris Roberts hay David Braben, nhưng thời gian có lẽ là quá ngắn để người chơi kịp cân bằng hầu bao của mình.

DriveClub (7/10/2014) & The Crew (2/12/2014)

10 cặp game “sinh đôi” kỳ lạ nhất trong lịch sử ngành game (P2)

Cũng tương tự như cặp đôi Blur và Split Second ở phần trước, hai tựa game đua xe này chọn cách đối đầu trực tiếp với nhau, có lẽ vì quá tự tin vào chiêu trò độc đáo của mình. Chúng chú trọng vào yếu tố kết nối, gọi đó là “đua xe của thời đại mạng xã hội”, nhưng gameplay khá rối và những vấn đề kỹ thuật liên quan đến đường truyền khiến cả 2 đều không thực sự gây được tiếng vang. Tuy nhiên, trên khía cạnh doanh số, DriveClub và The Crew đều khá ổn khi bán được tới hơn 2 triệu bản copy cho từng game.

Unreal Tournament (30/11/1999) & Quake 3 (2/12/1999)

10 cặp game “sinh đôi” kỳ lạ nhất trong lịch sử ngành game (P2)

Khi mà hai “ông lớn” trong ngành cùng phát hành game mới chỉ cách nhau có mấy ngày, ai cũng nghĩ rằng đây sẽ là một trận chiến không khoan nhượng, và chắc chắn sẽ có kẻ phải “ngã xuống”. Nhưng trong trường hợp của Unreal Tournament và Quake III Arena, đã không có game nào phải “chết yểu”, mà thay vào đó đều tiếp tục cho ra đời những phiên bản mới thành công. Có lẽ thế giới game bắn súng đồng đội đủ rộng lớn cho cả hai.

Tenchu: Stealth Assasins (26/2/1998) & Metal Gear Solid (3/9/1998)

10 cặp game “sinh đôi” kỳ lạ nhất trong lịch sử ngành game (P2)

Hai tựa game với bối cảnh cách biệt nhau tới 500 năm thì có gì tương đồng để được coi là một cặp game “sinh đôi”? Bởi lẽ cả Tenchu và Metal Gear Solid đã đánh dấu một bước đi táo bạo của thể loại hành động lén lút với đồ họa 3D, giúp nó thu hút được sự chú ý của người chơi đại chúng. Phát hành cách nhau cỡ nửa năm ở Nhật Bản và chỉ cỡ 2 tháng ở Mỹ, đồng thời lại cùng thời điểm với series Thief không kém phần đình đám, chúng đã nâng tầm vị thế của một thể loại mới trong làng game chỉ trong vòng 12 tuần.

Retro City Rampage (9/10/2012) & Hotline Miami (23/10/2012)

10 cặp game “sinh đôi” kỳ lạ nhất trong lịch sử ngành game (P2)

Không phải ngày nào bạn cũng được trở về tuổi thơ cùng với những tựa game pixel “cổ” từ thập niên 80, trừ khi ngày đó là vào tháng 10 năm 2012. Chỉ trong vòng 2 tuần, Retro City Rampage và Hotline Miami được phát hành và mang đến một hình ảnh hoàn toàn mới về game pixel – một hình ảnh vô cùng … đẫm máu! Vẫn là những hình ảnh dễ thương ấy, nhưng máu me và bạo lực thì tùm lum chẳng khác nào GTA. Trong khi Hotline nhận được đại đa số phản hồi tích cực từ phía cộng đồng về tính giải trí cao của nó, Rampage chỉ sống lay lắt được với những đánh giá ở tầm trung của mình.

Theo GamesRadar