- Theo Trí Thức Trẻ | 28/09/2016 0:00 AM
Kể từ khi điện ảnh trở thành một ngành công nghiệp “tỷ-đô”, rất nhiều bộ phim thành công tiếp tục được khai thác bằng một hoặc nhiều phần phim tiếp theo. Nếu bạn thích phần đầu tiên, thì rất có thể bạn sẽ đi xem phần thứ hai, biết đâu phần phim sau còn hay hơn cả bản gốc. Nhưng rất hiếm khi điều đó xảy, mà thông thường những phần phim sau không vượt qua nổi cái bóng của phần đầu và đi vào quên lãng, thậm chí còn có thể hủy hoại hình ảnh của bộ phim gốc trong lòng người hâm mộ.
Dưới đây là 5 trong số 10 bộ phim xuất sắc đáng nhẽ ra chỉ nên được khai thác một lần duy nhất:
10. Saw
Có không ít bộ phim kinh dị "vụt sáng" rồi bị dập tắt bởi ... chính những phần phim tiếp theo của nó. "Saw" là một ví dụ điển hình. Dù có thích hay không, bạn cũng phải công nhận ảnh hưởng của bộ phim này với thể loại kinh dị, đặc biệt là dòng phim tra tấn dã man, dù trên thực tế ban đầu "Saw" không chủ đích hướng tới dòng phim này.
Bộ phim nói về một tên sát nhân bệnh hoạn, hắn không trực tiếp giết nạn nhân của mình, mà buộc họ phải lựa chọn làm những điều kinh khủng có thể khiến họ mất mạng bất cứ lúc nào. Câu chuyện được kể từ góc nhìn của hai nạn nhân và người cảnh sát truy bắt tên sát nhân. Điểm xuất sắc nhất của bộ phim chính là đoạn "mở nút" đầy bất ngờ ở cuối phim.
"Saw" đạt được thành công ngoài sức tưởng tượng, thu về 50 triệu USD (gấp 50 lần chi phí sản xuất) nên việc tiếp tục thực hiện những phần phim tiếp theo là điều tất yếu. Từ 2004 đến 2010, mỗi năm "Saw" đều ra một phần phim mới, với chất lượng ... giảm dần dần.
James Wan - đạo diễn của bộ phim gốc đã từng trả lời phỏng vấn rằng ông chưa bao giờ chủ định hướng "Saw" theo dòng phim tra tấn dã man, mà chỉ là bạo lực kinh dị. Nhưng đội ngũ thực hiện những phần phim sau không hiểu được điều đó, và biến cốt truyện hấp dẫn ban đầu thành những màn tra tấn máu me vô nghĩa.
9. The NeverEnding Story
“Câu chuyện không bao giờ kết thúc” đúng là có một khởi đầu tuyệt vời, nhưng phần kết của franchise phim này lại không thể … thê thảm hơn. Bộ phim kể về câu chuyện của cậu bé “mọt sách” Bastian Balthazar Bux nhút nhát, không có bạn bè, cho tới khi cậu được tặng một quyển sách ma thuật, đưa cậu đến với vương quốc phép thuật Fantasia, nơi đang bị thế lực xấu xa “The Nothing” tàn phá.
Bộ phim trở thành một hiện tượng, nhận được vô số phản hồi tích cực từ cả phía khán giả và các nhà phê bình, đạt doanh thu gấp 3 lần kinh phí bỏ ra. Tới ngày nay, vẫn còn rất nhiều người yêu thích bộ phim này, dù hiệu ứng hình ảnh đã không còn gây ấn tượng như khi đó nữa, nhưng thông điệp của nó thật sự vẫn trường tồn với thời gian.
Thành công của bộ phim đầu tiên dẫn tới việc thực hiện 2 phần tiếp theo: “The NeverEnding Story II: The Next Chapter”, và “The NeverEnding Story III: Escape from Fantasia”. Cả hai phần phim này đều thất bại thảm hại, với mức đánh giá không thể thấp hơn (một phần đạt “kỷ lục” 0% trên Rotten Tomatoes, phần còn lại thậm chí còn chưa được xếp hạng).
Bên cạnh sai lầm trong việc thay đổi hầu như toàn bộ dàn diễn viên và định hướng chung từ bộ phim gốc, những phần phim tiếp theo đã quá phá cách (phá hoại) cốt truyện ban đầu, thay đổi bản chất của các nhân vật, và qua đó làm mất đi hoàn toàn sức hút vốn có của phần đầu tiên.
8. Donnie Darko
“Donnie Darko” là một trong những bộ phim “hại não” phổ biến nhất trong suốt 15 năm qua. Nội dung xoay quanh nhân vật chính do Jake Gyllenhaal thủ vai, người được chú thỏ Frank báo tin cho rằng tận thế sẽ xảy ra trong vòng 28 ngày 42 phút và 12 giây sau đó. Thật sự rất khó để giải thích lại cho những người chưa xem phim hiểu được cốt truyện phức tạp nhưng vô cùng xuất sắc của bộ phim. Thậm chí để ngấm được hết cái hay của “Donnie Darko”, bạn sẽ phải xem đi xem lại nó vài lần.
Mặc dù không thành công ngay từ khi ra rạp, nhưng sau khi ra bản DVD/VHS, “Donnie Darko” mới thực trở thành hiện tượng và có một lượng “fan cuồng” tôn sùng. Vì thế sau đó họ tiếp tục sản xuất phần tiếp theo – “S. Darko”, theo chân người em gái của Donnie – Samatha Darko, khi cô bị kẹt giữa một điểm nút của thời gian và không gian.
Phần tiếp theo bị chỉ trích là nhái lại quá nhiều thứ từ bản gốc, nhưng lại … không giống nó một chút nào. Trong khi “Donnie Darko” quá xuất sắc, phức tạp và độc đáo, thì phần phim tiếp theo lại quá đơn giản, ăn theo và thừa thãi những tình tiết phụ, thậm chí còn tệ đến mức làm hỏng cả hình ảnh của bộ phim đầu tiên.
7. A Nightmare on Elm Street
Đạo diễn phim kinh dị huyền thoại Wes Craven là người đã “tái sinh” thể loại slasher (chém giết đẫm máu) hai lần với cả “Scream” và “A Nightmare on Elm Street”. Cái tên thứ hai được ông thực hiện vào năm 1984, với cốt truyện xoay quanh tên giết người hàng loạt Freddy Krueger, hắn ta theo dõi và giết hại nạn nhân từ bên trong giấc mơ của họ. Nhận được vô số phản hồi tích cực từ cả khán giả và giới phê bình, bộ phim được ca ngợi là một tác phẩm kinh dị hiện đại kinh điển.
Thành công của bộ phim đầu tiên dẫn tới sự xuất hiện của 7 (hoặc 8) phần phim tiếp theo, với chất lượng cứ liên tục giảm dần đều. (Chỉ có duy nhất “Wes Craven’s New Nightmare” là tương đối hay, nhưng lại không thuộc cùng trong thực tại nối tiếp của series, nên không được coi là một phần phim kế tiếp của “A Nightmare on Elm Street”.)
Điểm sáng duy nhất của những phần phim sau là nam diễn viên gạo cội Robert Englund vẫn thủ vai Freddy Krueger, cho tới khi ông cũng không chịu nổi phần remake “thảm họa” năm 2010. Một cốt truyện độc đáo với mô típ mới lạ giờ đây đã trở nên tầm thường và nhạt nhòa bởi những phần phim sau đó.
6. Ngọa Hổ Tàng Long
“Ngọa Hổ Tàng Long” của đạo diễn Lí An có thể nói là bộ phim võ thuật thành công nhất trong lịch sử điện ảnh. Được đông đảo khán giả phương Tây yêu thích, bộ phim thu về lợi nhuận khủng khiếp và được đề cử tới 10 giải Oscar (thắng 4), trở thành phim võ thuật đầu tiên được đề cử giải Oscar ở hạng mục “Phim Xuất Sắc Nhất”.
Mọi thứ về bộ phim đều gần như hoàn hảo, từ mảng biên đạo võ thuật cho tới cốt truyện và nghệ thuật quay phim. Và tượng đài của điện ảnh Châu Á đã sụp đổ bởi chính phần phim tiếp theo vừa được ra mắt trong năm nay với tên gọi “Ngọa Hổ Tàng Long: Thanh Minh Bảo Kiếm”, được đạo diễn bởi Viên Hòa Bình (biên đạo võ thuật huyền thoại của phần đầu tiên).
Phần sequel gặp phải không ít vấn đề: cốt truyện thiếu độc đáo và không thể thu hút được khán giả, có quá nhiều nhân vật phụ mà người xem không hề quan tâm đến, và cả những cảnh chiến đấu thật sự quá … vô cảm. Giờ đây, tuyệt tác điện ảnh đậm chất thơ và nghệ thuật đã trở thành một bộ phim hành động nhạt nhòa bởi phần kế tiếp của nó.
Theo Tasteofcinema
Đây là số tiền để trở thành một nhân vật video game như Link, Mario hay Master Chief