Xếp hạng series Assassin’s Creed: từ dở nhất đến hay nhất

Hải Stark  - Theo Helino | 11/06/2018 06:00 PM

Bảng xếp hạng sẽ tập trung vào những phiên bản AAA bom tấn mà nhiều người biết đến nhất.

Assassin’s Creed – con gà đẻ trứng vàng của Ubisoft, đến nay cũng đã 11 năm tuổi rồi. Từ phiên bản đầu tiên: Assassin’s Creed, đến phiên bản mới nhất: Assassin’s Creed Origins, đã có rất nhiều phiên bản được phát hành cho rất nhiều hệ máy, từ PC, console cho đến cả máy cầm tay và cả… điện thoại. Chắc hẳn với mỗi fan thì đều có được cho mình một bảng xếp hạng những tựa game Assassin’s Creed từ hay nhất đến dở nhất, tuy nhiên, hãy cùng tham khảo một bảng xếp hạng được đưa ra từ tạp chí PCgamer để xem họ xếp hạng series này như thế nào?

Để tránh việc có quá nhiều game trong bảng xếp hạng, danh sách sẽ không có những tựa game nhỏ lẻ cho các hệ máy cầm tay, điện thoại hay bộ ba Chronicles. Bảng xếp hạng sẽ tập trung vào những phiên bản AAA bom tấn mà nhiều người biết đến nhất.

Lưu ý: danh sách xếp hạng này hoàn toàn mang tính chủ quan của các nhà báo thuộc PCgamer

11) Assassin’s Creed

Samuel Roberts (tổng biên tập): Những tựa game hậu bản của series tuy đều được phát triển từ phần game gốc năm 2007, nhưng rõ ràng chúng vượt xa phần game gốc, vì vậy, thực sự tôi không khuyến khích game thủ bây giờ chơi phần game gốc nữa. Phần game gốc đặt ra nền móng của một series game hành động lén lút thế giới mở, nhưng còn rất sơ khai và nhiều thiếu sót. Để nói đến tựa game thực sự khiến series này nổi tiếng, thì phải là hậu bản của phần game gốc.

Jarred Walton (phó biên tập): Tôi đã chơi phần game gốc rồi, nhưng tất nhiên là ở thời điểm nó ra mắt, vì lúc ấy cũng không có nhiều lựa chọn và thật sự nó khá thú vị lúc đó, nhưng tôi cũng nhanh chóng thấy nó nhàm chán vì lặp lại quá nhiều. Tôi thấy rất tuyệt khi leo tòa tháp đầu tiên, nhưng đến tòa tháp thứ 30? Tôi bắt đầu thấy chán. Hơn 10 năm sau thì mọi thứ đã thay đổi, và thật sự bây giờ chơi lại phần game gốc thì có lẽ sẽ phá hỏng những kỷ niệm đẹp với nó mất. Tốt nhất là các bạn chỉ nên dành sự tôn trọng với nó, còn chơi lại nó ư? Thật sự không nên lắm.

Tom Senior (thiết kế web): Đã khá lâu kể từ khi phần game gốc ra mắt, và thời gian thì rất tàn nhẫn. Lúc mới ra mắt thì nó khá ấn tượng và có ý tưởng mới mẻ. Bây giờ thì chúng ta đã quá quen thuộc với series này rồi, và nhìn lại thì phần game gốc thực sự còn rất nhiều thiếu sót, vì vậy, tốt nhất bạn không nên chơi lại nó làm gì.

10) Assassin’s Creed Liberation

Tom: Bản port của tựa game cho PS Vita này có một phong cách stealth khá thú vị so với các phần game khác. Nhập vai nữ sát thủ Aveline, bạn có thể thay đổi trang phục để thực hiện nhiệm vụ dưới những vai trò khác nhau: một nữ nô lệ hoặc một công nương cao quý. Liberation là một tựa game tương đối ổn, nhưng khi chơi, cảm giác khá gò bó, cũng dễ hiểu khi nó vốn được phát triển cho một hệ máy cầm tay.

9) Assassin’s Creed Unity

Tom: Với tôi thì Paris là bối cảnh tôi yêu thích nhất trong cả series. Nó thật sự lộng lẫy – phải, kể cả khi ở khu ổ chuột. Điều đáng buồn là Unity lại là một tựa game có quá nhiều lỗi kỹ thuật. Unity cũng là phần game cho thấy hướng phát triển của Ubisoft – mang hơi hướng RPG, thông qua hệ thống loot đồ. Tuy nhiên nó khá vô vị, cũng như bản thân nhân vật chính Arno vậy. Cốt truyện thì khá là ngớ ngẩn, quả thực đúng là một sự lãng phí tiềm năng to lớn.

8) Assassin’s Creed III

Samuel: Assassin’s Creed III đưa chúng ta đến một thế giới khá đẹp mắt, nhưng có quá ít tương tác với môi trường khiến tôi gần như không cảm nhận được nhân vật đang ở thế giới ấy. Hệ thống combat của game cũng là một điểm tôi muốn chỉ trích vì nó quá ít chất hành động lén lút. Tuy vậy, ít ra Assassin’s Creed III cũng đã giới thiệu hệ thống lái thuyền và thủy chiến (thứ mà được phát triển hoàn hảo trong Black Flag). Nhân vật chính của game – Connor – cũng thực sự là một nhân vật chính nhàm chán.

Tom: Assassin’s Creed III, theo tôi thì nó sở hữu một vài nhiệm vụ tệ nhất cả series, những chỉ dẫn mù mịt, những yêu cầu vô nghĩa và cả sự gò bó khi khám phá thế giới. Thế giới của phần game này cũng thực sự tẻ nhạt và thiếu sức sống, không có nhiều thứ để làm hay khám phá. Thật đáng tiếc, vì bối cảnh của game lại rất thú vị và mới lạ, nhưng rõ ràng Assassin’s Creed III đã không phát huy được điều ấy.

7) Assassin’s Creed Rogue

Tom: Gần như một bản copy quy mô nhỏ của Black Flag đặt ở cực Bắc với băng tuyết. Hệ thống lái thuyền và thủy chiến vẫn hay, nhưng nếu bạn đã chơi Black Flag thì sẽ thấy quá quen thuộc và không có gì mới mẻ.

6) Assassin’s Creed Revelations

Tom: Tôi đã muốn dành cho phần game này một vị trí cao hơn trong bảng xếp hạng, nhưng thực sự mà nói thì nếu bạn đang muốn tìm một game AC để chơi thì Revelations – chương cuối trong hành trình của Ezio – là một lựa chọn khá 50-50. Có quá nhiều cơ chế thừa thãi và tẻ nhạt trong game, ví dụ như cơ chế thủ thành – thực sự tẻ nhạt, chế tạo vũ khí cũng thật sự không thú vị. Tuy nhiên, chiếc hookblade lại khá thú vị. Với nó, bạn có thể leo trèo dễ hơn, trượt theo hệ thống dây cáp. Revelations cũng chứa khá nhiều trường đoạn hành động xuất sắc, cốt truyện về Ezio và Altair cũng tốt, nhưng tổng thể, nó vẫn là một mớ hỗn độn về gameplay.

5) Assassin’s Creed Syndicate

Samuel: London thực sự là một bối cảnh quá tuyệt vời, ý tưởng cho một phần game có tới hai nhân vật chính cũng được triển khai tốt. Việc có thêm rope launcher cũng giúp bạn leo trèo, di chuyển giữa các tòa nhà dễ hơn. Tuy vậy, phầm combat của phần game này lại không được hay cho lắm.

Tom: Sau nỗi thất vọng mà Unity đem lại thì gánh nặng đặt lên vai của Syndicate là khá lớn. Cặp sát thủ song sinh là một cặp đôi thú vị, nhưng dù London là một bối cảnh tốt, tôi thấy leo trèo và parkour của phần này thực sự không thú vị lắm. Vẫn còn tồn tại bug ở một số nhiệm vụ nhất định, nhưng xét tổng thể, Syndicate là một game tốt.

4) Assassin’s Creed Brotherhood

Samuel: Brotherhood đã xây dựng thành Rome rất tốt, nhưng tôi vẫn mong được khám phá nhiều thành phố hơn là chỉ gói gọn trong Rome. Cơ chế gọi sát thủ hỗ trợ cũng cho tôi cảm giác “quyền lực” hơn – và nó rất thú vị.

Tom: Cá nhân tôi mà nói thì tôi hoàn toàn đắm chìm vào Brotherhood: xây dựng hội sát thủ, khám phá các lăng mộ bên dưới thành phố,… Cơ chế gọi sát thủ hỗ trợ thực sự khiến tôi mê mẩn và tôi đã ước gì những game khác cũng học tập cơ chế này. Nó khiến tôi thấy thật “bá đạo”, và mỗi lần như vậy, tôi lại có thói quen cố đoán xem lần này sát thủ của mình sẽ xuất hiện từ đâu và như thế nào? Thực sự xuất sắc.

3) Assassin’s Creed Origins

Chris Livingston: Tôi thấy thật tuyệt khi mà chúng ta vẫn còn có thể bị một thế giới trong game tạo ấn tượng thế nào. Chúng ta đã chơi rất nhiều game, thăm thú nhiều địa danh khác nhau trong các tựa game khác nhau, thế mà vẫn bị vẻ đẹp của thế giới trong Assassin’s Creed Origins đánh gục.

Tom: Với cá nhân tôi thì tôi không thích hệ thống combat cũng như lên level trong Assassin’s Creed Orgins cho lắm, nhưng tôi vẫn nghĩ đây là một ý hay, vì nó tạo sự mới mẻ cho series. Không khí nhộn nhịp của các khu chợ được tái hiện rất tốt – điều mà ít game làm được. Tôi cũng thích cái cảm giác bám mình trên nóc kim tự tháp và quan sát khung cảnh bạt ngàn của Ai Cập cổ. Theo tôi, Origins đã bước một bước dài, tiến gần tới The Witcher III: Wild Hunt, và tôi nghĩ đây cũng là hướng phát triển cho các hậu bản của series.

2) Assassin’s Creed II

Samuel: Một tựa game action-adventure tuyệt vời với bối cảnh xây dựng sống động, một nhân vật chính đáng nhớ cùng một cốt truyện xuất sắc.

Tom: Tôi nghĩ Venice là một bối cảnh hoàn hảo cho phần game này, và thật tuyệt khi khám phá thành phố. Cá nhân tôi thì tôi thích Brotherhood hơn ở chỗ có thể đi thu nạp các sát thủ (giống như khi chơi Pokemon ấy), nhưng AC2 đúng là có cốt truyện tốt hơn và cũng là phần game đánh dấu sự phát triển của series. Nếu như phần game đầu tiên vẫn còn bỏ ngỏ nhiều thứ cần hoàn thiện, thì phần game thứ hai đã hoàn thành tất cả những gì còn dang dở ấy.

1) Assassin’s Creed IV: Black Flag

Jody: Một điều thú vị ở series là mỗi phần game lại là một mốc thời gian khác nhau, nhưng công thức xây dựng mỗi phần game lại khá giống nhau. Black Flag là một ngoại lệ khi bối cảnh của nó – thời đại Vàng của cướp biển – thực sự không giống bất kỳ một bối cảnh nào trước đây của series. Cuộc đối đầu giữa Templar và Assassin không còn là tiêu điểm chú ý của người chơi, mà là cuộc phiêu lưu trên danh nghĩa Thuyền trưởng của một con tàu cướp biển, tung hoành khắp vùng biển Caribbean. Black Flag thật sự là một làn gió mới mẻ cho cả series.

Chris: Khi chơi AC3, tôi đã tự nhủ: “Phần thủy chiến này tuyệt vời đấy, sao họ không làm một game dựa trên nó nhỉ?”. Và rồi tôi có Black Flag, chà, giấc mơ thành hiện thực rồi.

Tom: Điều tôi yêu thích nhất ở Black Flag là đi thu thập những bài hát của thủy thủ! Nhiều game bối cảnh tương tự đã bỏ qua phần này – nhưng Black Flag đã làm quá tốt! Hơn nữa, trong Black Flag, chúng ta có thể đeo tới 4 khẩu súng để chiến đấu. Thậm chí đi truy tìm những con tàu ma trên biển! Tôi đồng ý rằng cốt truyện khá rời rạc và thiếu logic, nhưng Edward lại là một nhân vật chính tràn đầy sức sống và thú vị. Những cuộc phiêu lưu trong Black Flag khiến tôi quên bẵng đi những đấu đá giữa Templar và Assassin mà tận hưởng đời cướp biển thoải mái, tự do. Khá mỉa mai khi phần game Assassin’s Creed chúng tôi thích nhất lại… ít chất “Assassin’s Creed” nhất, nhưng có sao đâu, vì Black Flag thật sự tuyệt vời mà.