Vì sao những tựa game bắn súng lại không được góp mặt tại Á vận hội 2018?

Hades Dang  - Theo Helino | 22/05/2018 02:30 PM

Đi ngược lại tinh thần của Olympic, những game bắn súng này rất khó có cơ hội góp mặt tại các sự kiện thể thao chính thống.

Theo thông báo mới nhất từ Hội đồng Olympic Châu Á (OCA), Á vận hội 2018 được tổ chức tại Jakarta, Indoesia bên cạnh những môn thể thao truyền thống sẽ có sự góp mặt của 6 tựa game eSports. Đây sẽ là những bộ môn thi đấu thử nghiệm không có huy chương. Nếu không có gì thay đổi, từ Đại hội Thể thao Châu Á 2022, thể thao điện tử sẽ trở thành môn thi đấu chính thức có huy chương.

6 game eSports được góp mặt tại Á vận hội 2018 gồm:

1) Liên Minh Huyền Thoại

2) Pro Evolution Soccer 2018

3) StarCraft II

4) Hearthstone

5) Clash Royale

6) Liên Quân Mobile

Như vậy, trong 6 cái tên kể trên, có 2 tựa game chạy trên nền tảng di động (Clash Royale, Liên Quân Mobile), 3 tựa game chạy trên nền tảng PC/Console (LMHT, PES, StarCraft II) và 1 game đa nền (Hearthstone). Đây hiện đều là những tựa game đang được thịnh hành và yêu thích trên toàn thế giới.

Nhưng liệu có ai thắc mắc rằng vì sao những tựa game bắn súng với góc nhìn thứ nhất (FPS) như CS:Go, PUBG,Call of Duty… lại không được xuất hiện tại Asiad lần này?

Lý do cũng khá đơn giản khi tất cả những game trên đều có yếu tố bạo lực, giết chóc, nhiều lúc chúng thực tế đến không ngờ. Đây là lý do chính khiến Asiad lần này sẽ không có sự góp mặt của các tựa game bắn súng.

Nhưng nếu nhìn về khía cạnh khác, hai bộ môn MOBA nổi tiếng có tên trong danh sách các bộ môn được thi đấu tại Asiad là Liên Minh Huyền Thoại và Liên Quân Mobile vẫn được góp mắt dù có yếu tố đâm chém. Nhiều người vẫn thấy đó là sự bất công đối với những tựa game FPS mang lại nhiều sự hưng phấn cho người xem hơn là những game MOBA tốn nhiều thời gian để theo dõi. Ít ai có thể nhận ra rằng, dù 2 tựa game trên có yếu tố bạo lực nhưng đó chỉ là những nhân vật được vẽ trên máy tính, nhìn ở góc nhìn thứ 3 để chơi và quan trọng hơn hết, khi gây sát thương thì không có hiệu ứng tóe máu - một trong những yếu tố phê duyệt game có bạo lực hay không.

Bên cạnh Asiad, eSports cũng đang được quy hoạch để góp mặt tại Olympic. Tuy nhiên, với quy định ngặt nghèo của Thế vận hội, nhiều khả năng những tựa game mang nặng yếu tố bạo lực như FPS cũng khó lòng có thể góp mặt. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với South China Morning Post (thông qua GamesIndustry), ông Thomas Bach - Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế thẳng thắn cho rằng một số game phổ biến nhất trên thị trường đơn giản là không phù hợp với những giá trị mà Olympic muốn xây dựng:

“Chúng tôi muốn nâng cao tinh thần chống phân biệt, kì thị, chống bạo lực và yêu hòa bình ở mọi người. Những trò chơi với tính bạo lực, cháy nổ và giết chóc không phù hợp với những tiêu chí này. Và do đó chúng tôi phải phân định rạch ròi.

Như vậy, tương lai của eSports tại Olympic hiện vẫn còn là một câu hỏi lớn. Còn với riêng các game bắn súng FPS, có lẽ cánh cửa dành cho chúng đã rất hẹp rồi.