Vì sao nhiều người lại thích xem người khác chơi game?

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 01/10/2016 07:02 PM

Một câu hỏi rất cơ bản được đặt ra ở đây, đó là: Tại sao nhiều người lại thích xem người khác chơi game?

Vào mỗi buổi tối hoặc những giờ rảnh, mình thường mở Twitch hoặc YouTube Gaming để xem những người khác chơi các tựa game mình yêu thích. Đúng vậy, mình xem người khác chơi chứ không phải mình chơi game, nghe có vẻ rất là kỳ quặc đúng không nào? Thế nhưng, chính thú vui có phần hơi rảnh rỗi này đã tạo nên sự thành công của dịch vụ Twitch.tv, cũng là lý do mà Amazon quyết định bỏ ra gần 1 tỷ để mua lại Twitch, và cũng là lý do để Google quyết định nhảy vào mảng streaming game với YouTube Gaming. Một câu hỏi rất cơ bản được đặt ra ở đây, đó là: Tại sao nhiều người lại thích xem người khác chơi game?

Xem các game thủ giỏi thao tác để từ đó học tập và áp dụng vào những trận game cá nhân

Trong bối cảnh ngành công nghiệp game đang đi lên với hàng tá các giải đấu lớn nhỏ diễn ra liên tục, quy mô của các giải đấu được mở rộng không ngừng - điển hình là tổng số tiền thưởng của giải Dota 2 The International là $20.770.460 (giải nhất được 9,1 triệu USD), tức là gần gấp 3,5 lần giải Wimbledon Championships và giải Tour de France (2,6 triệu USD) hay gần gấp 4 lần giải FA Cup (2,3 triệu USD) - những người chơi game chuyên nghiệp tham gia vào những giải game trên hiển nhiên trở thành ngôi sao, và được cộng đồng biết đến.

Và tận dụng điều này, Twitch và Google bắt đầu liên lạc cũng như ký hợp đồng với các game thủ ngôi sao để họ stream việc chơi game hàng ngày của mình. Về phía người xem, họ sẽ được xem trực tiếp cách mà thần tượng, cách mà những game thủ giỏi điều khiển hay thao tác - điều không thể chứng kiến được khi chỉ ngồi xem giải đấu. Việc xem các game thủ giỏi thao tác là rất quan trọng với những ai muốn nghiêm túc hơn trong việc chơi game - người xem sẽ có thể học được một vài mẹo nhỏ, cách xây dựng lối chơi, cách mua đồ trong game cũng như cách mà game thủ đó xử lý tình huống. Nó như kiểu ta đang vừa tận hưởng, vừa rút ra được những bài học cho bản thân để áp dụng vào những trận game sau này.

Khán giả có thể tương tác trực tiếp với người chơi game cũng như cộng đồng game thủ khổng lồ

CEO Twitch từng nói rằng mỗi kênh game của dịch vụ này là một cộng đồng thu nhỏ. Số liệu cập nhật từ tháng 6 năm nay cho thấy Twitch có hơn 100 triệu thành viên tích cực hàng tháng, gần một nửa trong số này dành hơn 20 giờ một tuần để xem video game, hơn 13 ngàn đối tác (chính là các game thủ). Nếu như bạn nào hay xem Twitch hay xem YouTube Gaming, các bạn sẽ thấy các dòng tin nhắn (chat) với hàng tá biểu tượng cảm xúc được bắn ra liên tục với tốc độ rất rất nhanh.

Những tin nhắn này cho thấy người xem đang tương tác trực tiếp với game thủ/người chơi game đang stream. Và tương tác thì có rất nhiều kiểu: từ việc đặt câu hỏi, chọc cười, thể hiện cảm xúc, cho đến chế giễu khi người chơi có một pha xử lý không tốt. Tất cả đều là stream trực tiếp theo thời gian thực, do đó người xem sẽ không bị nhàm chán khi xem bởi họ biết có hàng chục đến hàng trăm nghìn người đang xem và bình luận với mình.

Với những kênh mà game thủ hay tương tác với người xem - ví dụ như siêng trả lời câu hỏi của khán giả, thể hiện cá tính bản thân (vui nhộn, tức giận, chửi vu vơ) - thì số lượng xem sẽ tăng lên đáng kể. Lấy ví dụ là anh chàng Arteezy (RTZ), một game thủ Dota 2 chuyên nghiệp, anh này cứ mỗi lần stream thì sẽ có lượt xem thường là trong top bởi anh chàng này hay nóng giận và chửi tục - lại là thú vui tiêu khiển cho người xem - cũng như gu âm nhạc quái dị của bản thân.

Một ví dụ khác đến từ Việt Nam, đó là một nhóm các bạn trẻ ở kênh HudiTV. Các bạn này không phải là ngôi sao hay các game thủ giỏi, nhưng sự hấp dẫn của họ chính là việc tương tác liên tục với người xem, chơi nhiều tựa game vui nhộn, cách họ nói chuyện với nhau, tâm sự về cuộc sống, hay thậm chí là la mắng nhau. Những điều tưởng chừng rất đơn giản nhưng lại tạo nên tiếng cười cho nhiều người xem.

Thăm dò một tựa game trước khi quyết định bỏ tiền ra mua là quyền lợi to lớn mà bạn nên tận dụng

Game giống như một chiếc smartphone, người mua luôn muốn trải nghiệm thử hoặc xem người khác dùng thử trước khi quyết định bỏ tiền ra mua đứt. Nếu như smartphone thì các bạn đã có Tinh Tế tụi mình trên tay sớm, hay một số kênh nước ngoài khác, thì game các bạn có PewDiePie, jacksepticeye hay TotalBiscuit với series WTF Is... thường chơi nhiều tựa game mới, từ đó cho bạn một cái nhìn rõ hơn về gameplay, cách game vận hành để xem thử có nên mua hay không.

Còn nếu bạn không biết những người trên, thì có thể vào thẳng Twitch.tv hoặc YouTube Gaming sau đó tìm tựa game mà mình muốn xem. Có rất rất nhiều game được stream trên hai dịch vụ đó, từ những game mới ra như Battlefield 1, bản Legion của World of Warcraft cho đến Super Mario hay thậm chí là các game di động như Clash of Clans, Summoners War.

Sẽ không có bất kỳ một mục đích cụ thể nào để một người xem người khác chơi game. Một vài thì xem chỉ để muốn nhìn thần tượng mình chơi, một vài thì muốn xem để học. Việc xem game , ở một khía cạnh nào đó, như ta xem một vở kịch: diễn ra trực tiếp ngay trước mắt ta, xem tính cách người chơi, và sau đó sẽ rút ra nhiều giá trị, bài học từ "vở game" đó. Xem game và chơi game sẽ luôn tồn tại cùng nhau: bạn có thể không có đủ điều kiện để chơi một tựa game hay một ván game, nhưng bạn có thừa điều kiện để xem game.

(Tham khảo Tinh Tế)