Vì sao màn hình 144Hz trở thành tiêu chuẩn cho mọi game thủ chơi FPS?

Pink  - Theo Trí Thức Trẻ | 10/05/2017 05:30 PM

Có thể đã từ lâu, bạn, một game thủ Việt đã quá quen với những quảng cáo giới thiệu màn hình chơi game với “tần số quét 144Hz”. Càng lúc, với sự phát triển của cộng đồng game thủ Việt Nam, trên thị trường càng ngày có thêm nhiều các sản phẩm được đóng mác “màn hình máy tính chơi game” có thể đáp ứng được tần số quét 100, 120, 144, 165 hay thậm chí là 240 Hz.

Về cơ bản đối với một game thủ FPS, một màn hình chơi game với tần số quét 60Hz hoặc 75Hz, vốn là tần số quét của hầu hết các màn hình sử dụng tấm nền IPS gần như không thể nào đáp ứng được nhu cầu của họ. Trong khi đó, một game thủ thông thường, với những tựa game offline bom tấn thông thường chỉ đòi hỏi người chơi sở hữu một hệ thống máy tính đủ sức kéo tốc độ hình ảnh lên 60 FPS một cách ổn định, đơn giản vì họ đã trang bị sẵn một chiếc màn hình với tần số quét 60Hz truyền thống rồi.

Vậy vì đâu chúng ta cần 144Hz? Tại sao lại là 144Hz mà không phải con số chẵn 100 hay 120Hz?

Tần số quét là cái gì?

Trước khi những tấm nền LCD, plasma hay LED xuất hiện trên thị trường điện tử máy tính như hiện nay, trước đây chúng ta thường chỉ biết đến những chiếc màn hình với công nghệ bóng hình, to, cồng kềnh và nặng nề mà thế giới hay gọi là công nghệ CRT (Cathode Ray Tube). Về cơ bản, những màn hình như thế này hoạt động theo nguyên tắc một hoặc nhiều súng điện tử (electron) bắn các hạt lên một màn phốt pho để tạo ra các hình ảnh.

Lúc này, khái niệm tần số quét đã ra đời, thế nhưng người ta chỉ quan tâm đến “tần số quét ngang” vì bóng đèn hình phải quét liên tục để tạo ra hình ảnh, và màn hình máy tính khi ấy cũng toàn có tần số quét từ 75 đến 100Hz, thậm chí là có khi hơn nhờ vào tốc độ rất lớn của các hạt electron. Bạn có thể theo dõi trong đoạn video clip ngay dưới đây với một chiếc màn hình Samsung Syncmaster và một màn hình LCD Samsung 2233RZ 120Hz dưới đây:

120Hz LCD Samsung 2233RZ vs CRT Monitor @ 120 Hz

Đây cũng là thời kỳ đỉnh cao của Counter-Strike 1.6, khi những game thủ đã quá quen với tần số quét lớn, nghĩa là độ mượt mà của hình ảnh cũng tỷ lệ thuận với tần số quét trong những chiếc màn hình máy tính. Thế rồi thời kỳ màn hình LCD đến, dần thế chỗ những chiếc màn hình CRT cồng kềnh to lớn, thay vào đó là những chiếc màn hình nhỏ nhắn mỏng manh và vô cùng hấp dẫn.

Nhưng rồi những màn hình LCD thế hệ đầu tiên đã lộ diện những bất cập trong quá trình sử dụng, khi hầu hết tấm nền chỉ đáp ứng được tần số quét chuẩn 60Hz khi không còn các hạt electron như màn CRT. Thay vào đó là hình ảnh được thay đổi liên tục nhờ vào việc đổi màu từng điểm ảnh.

Đối với những game thủ chuyên nghiệp, điều này là không thể chấp nhận được. Rất nhiều người đã giải nghệ ngay khi thời kỳ của những màn hình CRT đi qua, nhưng họ không ngờ rằng, với tiến bộ của kỹ thuật, LCD đã giải quyết được những yếu điểm của những thế hệ sản phẩm tiền nhiệm.

Thế nào là “mượt” trong mắt game thủ?

Bạn có thể đưa ra câu hỏi rằng, “tôi chơi game 60 FPS vẫn mượt chán cơ mà? Tại sao cứ phải dùng tần số quét cao hơn? Chắc gì đã giải quyết được vấn đề gì?”

Câu trả lời nằm ở ngay những pha xử lý của game thủ đó các bạn ạ. Trong những trận đấu game chuyên nghiệp, nơi những giải đấu hàng trăm ngàn thậm chí hàng triệu USD được tổ chức, đôi lúc kết quả của chúng được định đoạt chỉ bằng những pha xử lý có phản xạ tính theo phần trăm giây. Mắt và tay của game thủ luôn là hay vũ khí tối thượng, và chiếc màn hình máy tính chơi game là thứ phục vụ cho phản xạ của họ. Chính vì lẽ đó, bản thân màn hình cũng cần có “phản xạ” riêng của nó, và con số mà chúng tôi sắp phân tích dưới đây có thể sẽ khiến nhiều người giật mình.

Bạn cho rằng 60Hz, hay 60 FPS là mượt mà, thực ra so sánh với phim ảnh, với tốc độ khung hình 24 FPS từ cả trăm năm qua, thì 60 FPS đúng là có mượt hơn thật. Thế nhưng chúng ta còn quên đi mất một điều tối quan trọng trong quá trình chơi game đối kháng, đó là độ trễ giữa các khung hình. Về cơ bản xét riêng công nghệ màn hình LCD, thì một màn hình hiển thị game ở tốc độ khung hình 60 FPS sẽ có độ trễ giữa hai khung hình là 16,67ms.

Trong khi đó nếu nâng tần số quét lên 120Hz, độ trễ giữa hai khung hình là 8,33ms, giảm gấp đôi độ chậm trễ trong việc thay đổi từng khung hình. Và nếu đẩy tần số quét lên 144Hz, độ trễ giữa hai khung hình liên tiếp chỉ còn là 6,94 ms mà thôi. Giữa 16,67ms và 6,94ms nhìn thoáng qua có vẻ chỉ là một khoảng thời gian ngắn bằng cái chớp mắt, thế nhưng trong một giây, màn hình thay đổi hình ảnh từ 60 đến 144 lần, nên khác biệt là rất lớn. Đối với game thủ, tần số quét càng cao, hình ảnh thay đổi càng nhanh đồng nghĩa với việc game sẽ càng mượt mà để họ thưởng thức hoặc thi đấu, những pha vẩy chuột cũng sẽ chính xác và nhanh nhạy hơn nhiều.

Trong sự kiện giới thiệu chiếc màn hình chơi game Samsung CFG70 được tổ chức cách đây chưa lâu tại thành phố Hồ Chí Minh mà chúng tôi đã có cơ hội đưa tin tới các bạn độc giả, chắc hẳn các bạn đã có cơ hội chiêm ngưỡng và so sánh khác biệt giữa hai màn hình có tần số quét 60 và 144Hz rồi chứ?

Nói đi thì cũng phải nói lại. Để những màn hình có tần số quét 144Hz phát huy tác dụng cao nhất, cỗ máy tính của bạn cũng phải đủ mạnh để đưa game lên tốc độ khung hình trên 60 FPS, bằng không thì bạn cũng sẽ chỉ nhìn thấy những hình ảnh y hệt như lúc dùng màn LCD bình thường mà thôi. Cần nhớ, trên một màn hình 144Hz, chỉ cần game chạy từ 80 đến 100 FPS đã khác biệt rất nhiều so với 60 FPS, vốn là tốc độ khung hình tối đa mà một màn hình 60Hz có thể hiển thị.

Tại sao lại là 144Hz mà không phải 100, 150 hay 200Hz?

Câu hỏi này, kỳ thực có câu trả lời rất đơn giản: Điện ảnh. Bạn thấy đấy, thông thường những chiếc màn hình chơi game có tần số quét 144Hz đều được đóng mác là màn hình chơi game, thế nhưng ngoại trừ việc bạn có quá nhiều tiền cần tiêu bớt, thì bạn sẽ chẳng bao giờ có nhu cầu mua hai chiếc màn hình, một để chơi game, và một để xem phim đâu.

Và khi ấy, các nhà sản xuất màn hình LCD cũng nghiên cứu để những chiếc màn hình này không chỉ chơi game mượt, mà còn phục vụ hoàn hảo các tác vụ giải trí khác như xem phim. Và thế là, con số 120Hz hoặc 144Hz và thậm chí là cả 240Hz được nghĩ ra, đơn giản vì nó… chia hết cho 24, tốc độ khung hình tiêu chuẩn của các bộ phim điện ảnh, từ đó giảm thiểu đến mức tối đa những vấn đề phát sinh trong lúc thưởng thức phim ảnh như giật lag hình hay xé hình do tốc độ khung hình sai lệch.