Vì sao không công ty nào mua CS:GO về Việt Nam để "đập chết" Đột Kích?

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 13/04/2016 04:39 PM

Những lý do chủ yếu khiến cho CS:GO tuy rất hot tại Việt Nam nhưng vẫn chưa thể được phát hành một cách chính thống.

Phải khẳng định một điều không thể chối bỏ, không phải Call of Duty hay Halo, mà CS:GO mới chính tựa game bắn súng eSports có cộng đồng mạnh và ổn định nhất trên thế giới với hàng chục, thậm chí hàng trăm giải đấu lớn nhỏ trên toàn thế giới, với tổng giá trị tiền thường có thể lên tới hàng trăm triệu USD mỗi năm. Ngay cả tại Việt Nam, dù rằng có những tựa game bắn súng có được sức hút lớn như Đột Kích hay Truy Kích, thì cộng đồng CS:GO Việt Nam cũng rất đông đảo với nhiều giải đấu lớn nhỏ dành riêng cho game thủ Việt.

Và chúng ta cũng từng có được cơ hội tỏa sáng trên sân khấu đỉnh cao của CS:GO thế giới, đó là khi những chàng trai Skyred đã có những trận đấu gần như ngang cơ với Titan hay Vexed Gaming, những đại diện cực mạnh của làng CS thế giới.

Crazyguy - Beast from the East

Sau hai trận đấu với Titan và Vexed thì không chỉ tôi và các game thủ CS:GO Việt Nam mà hầu hết những game thủ CS:GO thế giới khi xem Skyred thi đấu đều có một nhận định rằng Skyred không hề thua kém các đội Châu Âu, điều duy nhất mà họ thiếu có lẽ là kinh nghiệm thi đấu ở các đấu trường đỉnh cao mà thôi. Hãy tưởng tượng nếu như Skyred được thi đấu và luyện tập ở các khu vực lớn như Châu Âu hoặc Bắc Mỹ thì sao?

Dĩ nhiên cộng đồng game thủ CS:GO Việt, đặc biệt là những team bán chuyên hay chuyên nghiệp đều có những thay đổi chỉ trong vài tháng chứ chưa nói đến một năm ròng. Nhưng những gì chúng ta được chứng kiến đã chứng tỏ rằng CS:GO Việt hoàn toàn có khả năng "làm trùm" trong khu vực châu Á nói chung và thậm chí còn có thể có những thứ hạng cao trên thế giới.

Quay trở lại với bản thân tựa game. Vì lý do gì mà không một nhà phát hành nào tại nước ta đưa CS:GO về Việt Nam để cạnh tranh trực tiếp với những cái tên như Đột Kích hay Truy Kích?

Đầu tiên cần phải khẳng định, một tựa game buy to play với giá key 15 USD tương đương hơn 300 nghìn Đồng như CS:GO sẽ không thể tìm ra được cách phát hành tại Việt Nam mà không thông qua cổng Steam của Valve. Ngay cả DOTA 2, tựa game MOBA bom tấn cạnh tranh trực tiếp với Liên Minh Huyền Thoại cũng chỉ có những đơn vị được Valve ủy quyền mở server tại nước ngoài, ví như Perfect World tại Trung Quốc, và đơn vị mới rút khỏi cuộc chơi là Nexon tại Hàn Quốc.

Vì lẽ đó, việc phát hành CS:GO tại Việt Nam sẽ chỉ đơn giản là tạo ra một cụm server cho người Việt, cùng với việc bán Steam Wallet như một dịch vụ để game thủ Việt có thể mua vật phẩm ảo trên Market của Steam hoặc trong game, ví dụ như key mở hòm CS:GO và đồ ảo DOTA 2 mà thôi. Còn lại mọi cập nhật đều sẽ là trách nhiệm của Valve, nhà phát hành tại Việt Nam hoàn toàn không có quyền lực can thiệp.

Lý do thứ hai đến từ chính thị hiếu game của người Việt. Giờ đây những game thủ chơi Truy Kích hay Đột Kích cũng thường thích chơi những chế độ dễ dàng như Team Deathmatch đấu đội cho đơn giản, không phải nghĩ ngợi nhiều như những màn chơi đặt bom hay cứu con tin đầy tính chiến thuật như CS:GO. Chẳng thiếu những lần, những cậu bé quen chơi Đột Kích chỉ cần bắn và bắn, chết thì chờ hồi sinh bắn tiếp đã lên tiếng trên mạng xã hội chê bai CS:GO vì quá khó chơi.

Vì thế khi đưa một game như CS:GO về Việt Nam, dĩ nhiên là trong trường hợp lý do thứ nhất được giải quyết, thì nhà phát hành cũng sẽ phải đối mặt với thực tế rằng đây không phải một game bắn súng dành cho tất cả mọi người. Việc định hướng thị trường cũng sẽ khó khăn hơn rất nhiều nếu muốn cạnh tranh với những game đơn giản.

Lý do cuối cùng và cũng là quan trọng nhất, đó chính là việc cấp phép cho một tựa game như CS:GO. Các bạn độc giả cần nhớ một điều, đó là ở thời điểm hiện tại, "Bộ TT&TT cũng tạm thời chưa thẩm định các game bắn súng có yếu tố bạo lực cao, có hình ảnh nhân vật người, súng kết hợp với các vũ khí khác tương đối giống với thật, người chơi có cảm giác như được quan sát, tham gia trận đấu thực sự với hình ảnh, âm thanh sống động, người chơi sẽ điều khiển nhận vật để bắn đối phương là nhân vật người; các nhân vật có đồ họa giống vũ khí và người thật ở cự li gần, nhìn rõ, tạo cảm giác giống thật."

Và những phân tích của Bộ Thông tin Truyền thông có phần hết sức chính xác với CS:GO. Một tựa game chỉ dành cho game thủ trên 17 tuổi như CS:GO khi được đưa về Việt Nam gần như chắc chắn 100% sẽ không được cấp phép hoạt động.

Trên đây chính là những lý do chủ yếu khiến cho CS:GO tuy rất hot tại Việt Nam nhưng vẫn chưa thể được phát hành một cách chính thống.