Trước thềm E3 2018: Lịch sử E3 và những điều có thể bạn chưa biết

Hải Stark  - Theo Helino | 02/06/2018 10:20 AM

Vậy là chỉ còn hơn chục ngày nữa là đến sự kiện Hội chợ E3 thường niên – một trong những sự kiện lớn nhất trong năm của ngành công nghiệp game.

Vậy là chỉ còn hơn chục ngày nữa là đến sự kiện Hội chợ E3 thường niên – một trong những sự kiện lớn nhất trong năm của ngành công nghiệp game, bên cạnh Gamescom hay các sự kiện Game Show, nhìn chung E3 vẫn được coi là sự kiện lớn và nổi bật nhất trong năm của ngành công nghiệp game khi đây là nơi hội tụ của các nhà phát hành game, các studio game lớn. Những sản phẩm điện tử, những tựa game bom tấn hầu hết sẽ được trình làng ở E3, vì vậy, sức hút của E3 là cực kỳ lớn và có thể nói mọi game thủ đều mong chờ đến E3 để xem ngành công nghiệp game sẽ đưa ra những gì thú vị, mới lạ.

Nhân dịp này, hãy cùng nhìn lại lịch sử của Hội chợ E3, và cùng xem trong suốt hơn 20 năm, E3 đã đem đến cho chúng ta những điều tuyệt vời gì?

Tổng quan chung về E3

E3 là tên gọi tắt cho Electronic Entertainment Expo (tạm dịch: Hội chợ giải trí điện tử). E3 được sáng lập bởi Entertainment Software Association (ESA), là nơi để các nhà phát triển, các studio, thậm chí các nhà phát triển độc lập có thể trình làng các sản phẩm điện tử như các thiết bị giải trí, các tựa game mới,… Vì quy mô của nó, E3 được coi là sự kiện lớn nhất trong năm của ngành công nghiệp game.

Trước đây, E3 không được mở cửa rộng rãi, nghĩa là tham dự E3 chỉ có những người được mời chứ công chúng không được tham dự thoải mái mà chỉ có thể theo dõi E3 qua những buổi họp báo, stream,… Nhưng với việc quy mô ngày càng lớn, cộng với việc số người quan tâm đến E3 ngày càng tăng, cuối cùng vào năm 2017, E3 đã mở cửa rộng rãi cho những ai quan tâm và thu hút hàng chục ngàn người tham dự.

E3 2017 cũng là năm mà hình thức tổ chức sự kiện có thay đổi. Nếu như trước đây, E3 sẽ tổ chức tất cả các buổi họp báo của các nhà phát triển cùng một lúc, dẫn đến việc bị dàn trải và khó có được sự chú ý cần thiết cho mỗi nhà phát triển (ví dụ như bạn đang xem buổi giới thiệu của Sony mà lại muốn xem buổi giới thiệu của Microsoft thì bạn chỉ cần đến chỗ của Microsoft mà thôi, điều này phần nào làm giảm đi sự hứng thú với từng nhà phát triển riêng). E3 2017 đã thay đổi điều đó bằng cách tổ chức các buổi họp báo lớn cho các nhà phát triển lớn ở những buổi riêng biệt, như Nintendo, EA, Ubisoft, Bethesda,… Mỗi nhà phát triển đều có được một khoảng thời gian của riêng mình để giới thiệu cặn kẽ, đầy đủ các sản phẩm mới cho khán giả, điều này đã làm cho E3 hấp dẫn hơn nhiều so với trước đây.

E3 thường được tổ chức vào cuối tháng 5 - đầu tháng 6 tại Los Angeles Convention Center (LACC), E3 2017 được tổ chức từ ngày 13-15 tháng 6, E3 2018 dự kiến được tổ chức từ ngày 12-14 tháng 6.

Lịch sử khái quát của E3

Tiền thân của E3 là sự kiện có tên Consumer Electronic Show (CES), được tổ chức hai năm một lần. CES là một sự kiện lớn, nhưng khác với E3 sau này, CES không hoàn toàn tập trung vào game mà còn giới thiệu cả về các sản phẩm điện tử khác, vì vậy, có thể nói phần lớn người tham dự không quan tâm lắm về game. Chính vì vậy, vào năm 1995, ESA – lúc đó còn được gọi là IDSA đã tổ chức một sự kiện riêng dành cho game và các nhà phát triển game. Đó chính là E3 ngày nay.

E3 1995 là sự kiện đầu tiên, và quy mô của nó khá lớn khi thu hút được hơn 50000 người tham gia và nhiều nhà phát triển lớn lúc đó như Sega, Sony, Nintendo hay Capcom. Trải qua hơn 20 năm phát triển, quy mô của E3 ngày càng mở rộng và số người tham dự luôn dao động từ 40000-60000 người, duy có ngoại lệ là E3 2007 và E3 2008 chỉ có vẻn vẹn 10000 và 5000 người tham dự do tổ chức ở một khách sạn ở Santa Monica nên không có đủ chỗ rộng. Tuy vậy, nhìn chung số người tham dự sự kiện thường niên này luôn nằm ở con số lớn, đủ cho thấy sức hút mà E3 đem lại.

E3 2017 là năm đầu tiên Hội chợ tổ chức bán vé cho người tham dự (những năm trước đây chỉ những ai có vé mời mới được tham dự). Động thái này cũng đã đẩy số người tham dự E3 2017 lên gần 70000 người, hơn hẳn các năm trước, trong đó có khoảng 15000 vé được bán ra.

Những sản phẩm, tựa game lớn được trình làng ở E3

Vì quy mô lớn, được sự thu hút nhiều của game thủ toàn thế giới, nên có thể nói E3 chính là ngày hội của cả những nhà phát triển, những studio muốn giới thiệu sản phẩm của mình đến game thủ. Do đó, lẽ thường là hầu hết những gì tốt nhất sẽ được dành cho E3.

Chúng ta có thể điểm qua một số sự kiện đáng nhớ trong những kỳ E3:

- E3 1995: Kỳ E3 đầu tiên, với 50000 người tham gia cùng sự ra mắt của Playstation của Sony, Sega Saturn của Sega và Virtual Boy của Nintendo

- E3 1996: Nintendo 64 và Super Mario 64 được Nintendo giới thiệu. E3 1996 cũng là năm hàng loạt các tên tuổi lớn trong làng game được ra mắt như Resident Evil, Tekken 2, Crash Bandicoot, Tomb Raider, StarCraft hay Final Fantasy VII.

- E3 1997: Những tên tuổi huyền thoại như Half-Life, Prey và Quake 2 đã biến E3 1997 thành ngày hội của game FPS. Tại E3 1997, giải đấu eSports đầu tiên có quy mô được tổ chức – giải đấu Quake 2. E3 1997 cũng là năm đánh dấu sự ra mắt của Metal Gear Solid.

- E3 1998: Kỷ lục về số người tham gia khi có tới 70000 người tham dự kỳ E3 này. Những tên tuổi lớn được giới thiệu gồm có Half-Life, Duke Nukem Forever, Prey và The Legend of Zelda: Ocarina of Time

- E3 1999: Tâm điểm của kỳ E3 này là sự ra mắt của Sega Dreamcast và Nintendo Gamecube, hai chiếc console đầu tiên thuộc thế hệ thứ sáu. Cũng từ kỳ E3 này, Los Angeles được thống nhất là nơi tổ chức E3 thường niên.

- E3 2000: Sự ra mắt của cỗ máy Playstation 2, sau này trở thành chiếc console bán chạy nhất lịch sử. Xbox cũng được ra mắt, cùng với đó là sự xuất hiện của những tựa game như Metal Gear Solid 2: Sons of Liberty hay Halo: Combat Evolved. Tại E3 2000, Epic Games cũng giới thiệu Unreal Engine 2.

- E3 2002: Hàng loạt các tên tuổi lớn cho PC được giới thiệu như Doom 3, Age of Mythology hay Warcraft 3. E3 2002 cũng là nơi cạnh tranh giữa Playstation 2, Xbox và Gamecube.

- E3 2003: Những tên tuổi lớn được giới thiệu gồm có Half-Life 2, Call of Duty hay The Sim 2. Cỗ máy PSP lần đầu được giới thiệu.

- E3 2004: Halo 2, F.E.A.R, The Legend of Zelda: Twilight Princess cùng hai cỗ máy PSP và Nintendo DS là điểm nhấn của E3 2004. Đồng thời, Sony cũng xác nhận Playstation 3 sẽ được giới thiệu ở E3 2005.

- E3 2005: Sự ra mắt đồng thời của Playstation 3, Wii và Xbox 360, mở ra cuộc chiến mới giữa ba hệ máy này. Đây là kỳ E3 đầu tiên được phát sóng trên truyền hình.

- E3 2006: Một trong những kỳ E3 đáng nhớ nhất khi hàng loạt các tựa game lớn cho Playstation 3, Xbox 360, Wii, Nintendo DS và PSP. Một số cái tên lớn có thể được kể đến như Bioshock, Civilization IV, World of Warcraft: The Burning Crusade, Okami, The Witcher, Gears of War, God of War 2,…

- E3 2007: Tuy chỉ có 10000 người tham dự, E3 2007 vẫn là một kỳ E3 đáng nhớ khi nhiều cái tên mới được ra mắt như Fallout 3, Call of Duty 4: Modern Warfare, Assassin’s Creed, Metal Gear Solid 4: Guns of the Patriots, Resident Evil 5,…

- E3 2008: Kỷ lục về…. ít người tham gia (5000 người), một số cái tên đáng nhớ có thể kể đến là God of War 3, Gears of War 2 hay Saints Row 2.

- E3 2009: Playstation Move cho PS3 và Kinect cho Xbox 360 được giới thiệu, cùng một số tựa game lớn như Crysis 2, Final Fantasy XIV, Metal Gear Solid: Peace Walker hay Assassin’s Creed 2.

- E3 2010: Tiếp tục là những cái tên đáng giá như Call of Duty: Black Ops, The Witcher 2: Assassins of Kings, Fallout: New Vegas hay Portal 2 được giới thiệu.

- E3 2011: Nintendo lần đầu cho ra mắt Wii U, cùng với đó là sự xuất hiện của Halo 4, Bioshock Infinite, Mass Effect 3, The Elder Scrolls V: Skyrim hay Tomb Raider.

- E3 2012: Tiếp tục là sự ra mắt của các hậu bản ấn tượng như Call of Duty: Black Ops II, Crysis 3, Dead Space 3, Assassin’s Creed III, Far Cry 3 hay Splinter Cell: Blacklist (quá nhiều số 3, nhưng rất tiếc là không có Half-Life 3).

- E3 2013: Hai cỗ máy console thuộc thế hệ thứ tám được ra mắt là Playstation 4 và Xbox ONE. Những cái tên đình đám khác có thể kể đến như Metal Gear Solid V: The Phantom Pain, Halo 5: Guardians, Battlefield 4, Titanfall, Assassin’s Creed IV: Black Flag,…

- E3 2014: Tiếp tục là những cái tên chất lượng được giới thiệu như Rise of the Tomb Raider, Dragon Age: Inquisition, Ori and the Blind Forest, Assassin’s Creed Unity, The Witcher 3: Wild Hunt, Far Cry 4, Rainbow Six Siege, Bloodborne, Uncharted 4: A Thief’s End hay Batman Arkham Knight.

- E3 2015: Cũng lại là một kỳ E3 tuyệt vời với những Dark Souls 3, Fallout 4, DOOM, Dishonored 2, For Honor, Assassin’s Creed Syndicate, Horizon Zero Dawn, đặc biệt là Final Fantasy VII Remake,… đã thực sự khiến kỳ E3 này bùng nổ.

- E3 2016: Playstation VR lần đầu được giới thiệu, cùng với đó là hàng loạt game bom tấn như God of War, Resident Evil 7, Death Stranding, The Last Guardian, Titanfall 2, Battlefield 1, NieR: Automata hay Final Fantasy XV được giới thiệu.

- E3 2017: Kỳ E3 đầu tiên thay đổi cách tổ chức lẫn cách tham gia, thu hút gần 70000 người tham dự. Xbox ONE X – cỗ máy console mạnh nhất được trình làng. Nhiều cái tên được giới thiệu như Assassin’s Creed Origins, Metro Exodus, Wolfenstein 2: The New Colossus, Anthem, FIFA 18, A Way Out, Skyrim….cho Nintendo Switch, Detroit: Become Human, Uncharted: The Lost Legacy, Spider-Man, Monster Hunter World, Super Mario Odyssey,… E3 2017 có thể coi là một trong những kỳ E3 thành công nhất.

Và đó là một số điều thú vị về các kỳ E3 trước, E3 2018 đang đến gần, và một số tựa game cũng đã được manh nha giới thiệu ở E3 2018 như Call of Duty Black Ops 4, Battlefield V, Fallout 76, Assassin’s Creed Odyssey,… và chắc chắn là còn nhiều cái tên nữa. Vậy bạn mong chờ gì ở E3 2018? Sự ra mắt của những tựa game bom tấn mới? Các hậu bản chất lượng? Hãy để lại ý kiến ở phần comment!