Tranh cãi không hồi kết của fan truyện tranh: Kindaichi và Conan, bộ nào hay hơn?

Green  - Theo Helino | 24/11/2019 09:27 AM

Kindaichi có gì để sánh được với Conan?

Tất nhiên là nhắc đến thể loại truyện tranh trinh thám phá án thì cả Thám tử Kindaichi lẫn Thám tử lừng danh Conan đều được xem như tượng đài kinh điển đối với bao thế hệ độc giả. Vì cùng thể loại lẫn motif nhân vật chính đi đến đâu có án mạng đến đó nên hai bộ truyện vẫn thường được đặt lên bàn cân so sánh với nhau về độ hay ho. Vậy Kindaichi có gì để sánh được với Conan?

Thám tử Kindaichi: Gay cấn, ly kì và số nạn nhân nhiều không đếm xuể

Thám tử Kindaichi thường là khai thác những vụ án mạng liên hoàn diễn ra ở các địa điểm tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài, ví dụ như lâu đài cổ, đảo tư nhân,... Cốt truyện của từng vụ án luôn đan xen nhiều yếu tố rất phức tạp, đôi khi có những vụ án còn kéo dài đến hàng chục năm. Tất nhiên, với sự đầu tư nội dung như vậy, không có gì lạ khi chân tướng vụ án luôn có những plot-twist cua gắt đến nỗi độc giả không kịp đội mũ bảo hiểm. Một số vụ án điển hình khiến người đọc phải ngả mũ chào thua tác giả:

Tranh cãi không hồi kết của fan truyện tranh: Kindaichi và Conan, bộ nào hay hơn? - Ảnh 1.

Vụ án Tòa lâu đài của những con búp bê: Một nhà văn trinh thám trước lúc chết để lại di chúc thừa kế cho ai giải được mật mã ẩn giấu trong 5 con búp bê Nga ở lâu đài của mình. Cuộc thi giải mã đã nhanh chóng trở thành thảm kịch khi lần lượt các ứng cử viên đều bị sát hại bằng thủ pháp tinh vi. Dù cuối cùng Kindaichi đã đưa hung thủ ra ánh sáng, song ở phần kết vụ án độc giả không khỏi hoang mang khi cậu thám tử trung học được tiết lộ thông tin tình tiết vụ án đều đã xuất hiện trong cuốn tiểu thuyết cuối cùng mà nhà văn đã gửi đến nhà xuất bản trước khi chuỗi án mạng liên hoàn diễn ra.

Tranh cãi không hồi kết của fan truyện tranh: Kindaichi và Conan, bộ nào hay hơn? - Ảnh 2.

Vụ án Bí ẩn làng Lục Giác: Vụ án vốn được lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Tokyo Hoàng đạo án. Không chỉ diễn ra với mạch truyện căng như dây đàn khi Kindaichi cố lý giải bí ẩn sau 7 xác chết ở ngôi làng Lục Giác mà còn khiến độc giả ngã ngửa trước chân tướng hóa ra chỉ có 6 xác chết mà thôi và ngôi làng vốn dĩ là nơi trồng cây gai dầu – một loài cây gây nghiện.

Ngoài ra, các vụ án như Người điều khiển rối, Vụ án hồ điệp, Tòa thành của những bức tượng sáp,... cũng từng làm không ít người sợ đến mất ngủ.

Nét vẽ không đẹp long lanh nhưng có nét độc đáo riêng

Một đặc điểm khiến bộ truyện gây ấn tượng mạnh là nét vẽ tương đối đơn giản, nhiều khi hơi cẩu thả, nhưng nhờ vậy mà tạo được hiệu ứng khiến độc giả tập trung vào nội dung truyện.

Tranh cãi không hồi kết của fan truyện tranh: Kindaichi và Conan, bộ nào hay hơn? - Ảnh 3.

Khác với Conan, Kindaichi tập trung vào những vụ án nặng nề về tâm lý, với động cơ lẫn lý do gây án phức tạp hơn. Chính vì vậy mà khi xuất bản tại Nhật, Kindaichi được xếp loại dành cho lứa tuổi 16+ (Conan hướng đến độc giả 13+ với các quy tắc gây án đơn giản hơn). Nội dung nặng nề, các vụ án liên hoàn khá tàn bạo và một số tình tiết nhạy cảm giới hạn độ tuổi, chính vì thế mà Kindaichi không được phổ biến như Conan cũng như phù hợp gu thưởng thức của độc giả lớn tuổi. 

Do đó, có thể nói rằng Kindaichi hướng đến đối tượng độc giả khác với Conan. Vì thế, thật khó mà phân chia được cao thấp giữa hai bộ truyện tranh nổi tiếng này.

Bạn đọc có thể thảo luận về Thám tử Conan cũng như tác phẩm manga - anime khác tại ĐÂY.