Trải nghiệm cảm giác điệp viên thứ thiệt cùng 007: From Russia with Love

Hùng Lý  - Theo Helino | 08/04/2018 08:45 PM

Nếu bạn là một fan của dòng phim 007 và thích chơi những game không quá nặng nề, có tính giải trí cao của dòng 3rd person shooter thì 007: From Russia with Love chắc chắn là một game cực kỳ phù hợp cho bạn.

Chào mọi người, tôi là Hùng Lý, gaming name là Thalionir.

Có một sự thật phải công nhận thế này: Việc chuyển thể phim thành game đem lại nhiều thành công hơn là chuyển thể game thành phim. Trước khi Tomb Raider 2018 ra mắt thì có lẽ game thủ đã không biết bao nhiêu lần phải vò đầu bứt tóc mà thất vọng rồi. (Và Tomb Raider 2018 cũng chỉ là một phim ở mức ổn nhưng lại mang được cái hồn của game trong đó rất tốt)

Thế nhưng, dù gần đây đã hơi có sự thoái trào, đã từng có một thời gian việc lựa chọn một video game dựa trên một tác phẩm điện ảnh nổi tiếng là cực kỳ an toàn, vì có thể chúng không hay đến xuất sắc nhưng không ít game làm chúng ta vừa có sự thỏa mãn về mặt gameplay lẫn được sống lại các khoảnh khắc trong phim. Và From Russia With Love của EA là một game như vậy.

Nói về thương hiệu 007 một chút nhé. Đây là một thương hiệu điện ảnh đã quá nổi tiếng tận từ những năm 60 thế kỷ trước khi những tác phẩm chuyển thể từ những quyển tiểu thuyết trinh thám của Ian Flemming về gã điệp viên hào hoa lạnh lùng “Bond. James Bond” trở nên vô cùng ăn khách. Khi lên phim rồi thì phải thừa nhận James Bond của chúng ta có rất nhiều những yếu tố để có thể trở thành một thương hiệu video game như đua xe tốc độ cao, những món đồ nghề độc lạ, cốt truyện trinh thám có chút gì đó cringy và dĩ nhiên là những cô gái đẹp.

Thế nên các nhà làm game dễ gì mà bỏ qua được. Vốn dĩ ngày trước chính Nintendo có bản quyền về 007 và làm khá nhiều game về 007, vài trong số chúng còn trở thành huyền thoại như Golden Eye trên N64, nhưng khi EA nắm bản quyền thì game về James Bond thật sự phát triển mạnh mẽ hơn với những Nightfire, Everything or Nothing. From Russia With Love chính là sản phẩm cuối cùng về 007 của EA và dĩ nhiên là nó thừa hưởng tất cả những gì tinh túy nhất của EA sau gần 10 năm phát triển thương hiệu game về 007.

From Russia With Love (FRWL) phiên bản điện ảnh ra mắt năm 1963 với sự tham gia của Sean Connery và Daniela Bianchi, đây cũng là phim thứ 2 làm về James sau Dr. No. Tôi còn nhớ lần đầu mình thật sự theo dõi xuyên suốt cả series phim về James Bond là khoảng năm 2006 vì Casino Royale chuẩn bị ra mắt nên Star Movies chiếu lại hàng loạt, thức xem cả mấy đêm liền và Bond ấn tượng nhất với tôi vẫn luôn là cha của Indiana Jones… À nhầm ý tôi là Sir Sean Connery khi vào vai Bond.

Và thật ra chính bản thân tôi cũng không hoàn toàn có ấn tượng lắm với với FRWL thời điểm đó, mãi cho đến khi chơi phiên bản video game ra mắt vào năm 2005 của EA trên PlayStation 2 thì tôi mới xem lại FRWL đến mấy lần và thích mê luôn. (Ngoài ra game còn được port lên các hệ máy Xbox, Gamecube và PSP) Bạn có biết rằng game này còn có sự lồng tiếng của chính James Bond họ dựa trên là Sean Connery luôn không?

Cốt truyện của FRWL phiên bản game có nhiều sự pha trộn giữa FRWL và Octopussy (thậm chí cả quả jetpack của Thunderball) do những vấn đề liên quan đến bản quyền. Trừ việc đó ra, game vẫn trung thành với FRWL phiên bản điện ảnh đến khoảng 1/4 cuối cùng: Bọn Octopussy muốn trả thù Bond do việc Bond giết Dr.No và làm nhục MI6, chúng đánh cắp một máy mật mã tên là Lektor của Soviet, Bond trong khi lên kế hoạch bảo vệ cỗ máy đó luôn bị tên sát thủ Red hãm hại lẫn… bảo vệ vì muốn giành phần Bond cho riêng mình (?)

Chúng còn dùng nữ điệp viên hai mang Tatiana Romanova để dụ dỗ khiến Bond phản bội - nhưng dĩ nhiên vì James Bond là James Bond, thế nên Tatiana sẵn sàng vì anh mà phản lại tổ chức. Game cũng có những màn chơi hay trường đoạn được thêm thắt, một số thậm chí còn chẳng có trong phim này hay bất kỳ phim nào để làm mọi thứ… dài hơi hơn lẫn kịch tính hơn, nhưng dĩ nhiên là theo hướng tích cực rồi. Điều quan trọng chính là xuyên suốt game EA luôn cố đưa ra những chi tiết, những tình huống từ nhỏ đến quan trọng về James Bond làm những fan thật sự đã theo dõi suốt… hơn 20 phim cảm thấy vô cùng thích thú.

Đồ họa và âm nhạc của game thật sự cũng chỉ có thể nói là ổn, điều đáng nói là tận cho đến ngày nay nhìn FRWL cũng chẳng hề lỗi thời. Cơ chế gameplay của FRWL có thể nói là cover-base 3rd person shooter với vũ khí thì cổ điển nhưng khá đa dạng, cùng với việc sử dụng rất nhiều những món đồ chơi của Q như trực thăng điều khiển từ xa, đồng hồ laser khi giải đố làm game vô cùng thú vị.

Điều này rồi sẽ trở nên lặp đi lặp lại, bạn cho rằng nó sẽ chán về sau thì cũng đúng, thế nhưng vẫn có những thứ để chúng ta phải gắn bó với game nhiều hơn, đó là các optional challenges, collectibles và achievement của từng màn sẽ giúp chúng ta nâng cấp được những vũ khí tốt hơn và cả là unlock những điều quen thuộc khác của series James Bond nữa. Đây cũng chính là thời điểm EA còn “dễ mến” khuyến khích chúng ta “chơi nhiều và hay sẽ được thưởng” chứ chẳng khét tiếng với việc móc túi game thủ bằng DLC và lootbox như ngày nay.

Những màn đua xe bắn súng của game thật ra không đến độ là xuất sắc vì cơ chế điều khiển không quá tốt nhưng tác dụng phụ là nó thật sự tạo được cái cảm giác “khẩn cấp” cần thiết hệt như trong phim. Game cũng có chế độ multiplayer deathmatch dĩ nhiên là lấy cảm hứng từ Goldeneye ngày nào.

Điều đáng tiếc của game này là nó thiên về bắn súng rambo quá nhiều mà ít đoạn stealth (Nếu mình nhớ không lầm chỉ có khoảng 2 màn và có mất stealth khi vào màn cũng chẳng là vấn đề) làm cho hơi mất chất “điệp viên” một chút. Các Cutscene tuy tạo cảm giác về phim cũng tốt nhưng đa phần âm thanh là do “tái sử dụng” trong những thước phim cũ để giữ cái hồn của phim thế nên chất lượng cũng không hoàn toàn tốt, trừ James bởi vì do chính Sir Connery lồng tiếng lại mà.

Tổng kết lại, đây là một game ăn theo phim khá tốt và dễ chơi. Nếu bạn là một fan của dòng phim 007 và thích chơi những game không quá nặng nề, có tính giải trí cao của dòng 3rd person shooter thì đây chắc chắn là một game cực kỳ phù hợp cho bạn. Ngoài ra, nếu bạn muốn một game 007 hiện đại và gần gũi hơn thì hãy thử Everything or Nothing sử dụng hình ảnh của Pierce Brosnan và có cả một cốt truyện riêng khá là lôi cuốn. Viết một hồi thôi mà bài nhạc nền huyền thoại của 007 cứ chạy đi chạy lại mãi trong đầu.

Đây là Thalionir Hùng Lý, và như thường lệ, cảm ơn các bạn.