[Total War: Three Kingdoms] Tổng quan về Tào Tháo và Ngụy Quốc

Nga0Du  - Theo Helino | 06/05/2019 05:15 PM

Trong phần đầu tiên của series, mời các bạn đến với Tào Tháo, nhà quân sự, chính trị lỗi lạc trong lịch sử Tam Quốc.

Để có cái nhìn bao quát nhất về mạch truyện của Total War: Three Kingdoms, chúng tôi xin giới thiệu đến các bạn một series tổng quan về các thế lực phong kiến và các nhân vật nổi tiếng nhất thời Tam Quốc. Hy vọng với series này, game thủ có thể hiểu được cốt truyện của Total War: Three Kingdoms và sẵn sàng cho trò chơi này. Trong phần đầu tiên của series, mời các bạn đến với Tào Tháo, nhà quân sự, chính trị lỗi lạc trong lịch sử Tam Quốc.

Tào Tháo, vua của các vị vua

Trong gần 2000 năm qua, hình tượng Tào Tháo là một chủ đề gây tranh cãi nhiều nhất trong lịch sử Trung Quốc, hầu hết đều bị ảnh hưởng tiêu cực do tác phẩm "Tam Quốc diễn nghĩa". Hành động "Phụng thiên tử để lệnh chư hầu" của ông đã khai sáng ra một tiền lệ mới cho những đế vương khai quốc đời sau học theo, điển hình và thành công nhất là Đường Cao Tổ Lý Uyên. Hành động này không chỉ ảnh hưởng đến Trung Quốc phong kiến tương lai mà còn ảnh hưởng đến các nước đồng văn như Việt Nam hay Nhật Bản. Vì vương triều Tào Ngụy của Tào Tháo vẫn chưa hoàn thành được đại nghiệp thống nhất nên trong mắt Nho giáo truyền thống ông chỉ là kẻ gian tặc thoán nghịch.

[Total War: Three Kingdoms] Tổng quan về Tào Tháo và Ngụy Quốc - Ảnh 1.

Hình ảnh Tào Tháo được khắc họa trong Total War: Three Kingdoms

Tuy nhiên kể từ thế kỷ 20, các học giả đã có nhìn nhận khác khách quan hơn về Tào Tháo. Những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc như Lỗ Tấn hay Quách Mạt Nhược đều đánh giá Tào Tháo là anh hùng. Mao Trạch Đông từng đánh giá Tào Tháo là vị đế vương mà ông khâm phục nhất, gọi ông là "vua của các vua".

Là con trai của một quan lại nhỏ, Tào Tháo đã tự định đoạt số mệnh của mình khi đã chứng tỏ được khả năng bản thân trong cuộc đàn áp khởi nghĩa khăn vàng cùng quân đội triều đình. Trong những năm sau đó, sự hỗn loạn và chia rẽ của Trung Hoa đã giúp Tào Tháo hiện thực hóa các mưu đồ và kế hoạch của mình, mở rộng lãnh thổ và đánh bại những kẻ thù khác. Lần lượt Viên Thuật, Viên Thiệu, Lữ Bố, Lưu Tông, Trương Lỗ và cả Lưu Bị nữa đều trở thành bại tướng của Tào Tháo. Trước thất bại đau đớn tại Xích Bích, Tào Tháo đã có trong tay 2/3 lãnh thổ của Trung Hoa và trở thành thế lực quân sự mạnh nhất tại thời điểm đó.

[Total War: Three Kingdoms] Tổng quan về Tào Tháo và Ngụy Quốc - Ảnh 2.

Sau thất bại tại Xích Bích (trước liên minh Tôn Lưu) và chiến dịch Hàn Trung (trước Lưu Bị), thế lực quân sự của Tào Tháo đã bị suy giảm khá nhiều. Trung Hoa bấy giờ hình thành thế chân vạc với Táo Tháo ở phương Bắc, Lưu Bị ở Tây Thục và Tôn Quyền ở Đông Ngô. Thế giằng co này kéo dài trong suốt hàng chục năm và một điều tiếc nuối cho Tào Tháo là ông không thể sống cho tới lúc nhìn thấy Trung Hoa được thống nhất hoàn toàn.

Bắc Ngụy chiếm giữ Trung Nguyên, thống nhất thiên hạ

Ngụy Quốc chính thức thành lập dưới thời Tào Phi (con trai cả của Tào Tháo). Sau khi ép vị vua cuối cùng của nhà Hán là Hàn Hiến Đế thoái vị, Tào Phi bước lên ngôi vị hoàng đế, đóng đô tại Lạc Dương, lập ra nước Ngụy. Gần như ngay sau đó, Lưu Bị cũng lên ngôi Hoàng đế lập ra nước Thục Hán để tiếp tục dòng dõi của nhà Hán. Cùng lúc đó thì Tôn Quyền cho sứ giả sang xưng thần với Tào Phi (vì muốn kết minh với Tào Ngụy để chống lại cuộc chinh phạt của Lưu Bị, trả thù cho cái chết của Quan Vũ và việc mất Kinh Châu). Sau khi đánh bại được Lưu Bị, Tôn Quyền củng cố thế lực và cũng lên ngôi Hoàng đế của Đông Ngô vào năm 229.

Từ khi 3 quốc gia chính thức xưng hiệu, trong vòng hơn 40 năm, Tào Ngụy và Thục Hán đánh nhau 15 lần, 6 lần thời Gia Cát Lượng làm thừa tướng ở Thục (Lục xuất Kỳ Sơn) và 9 lần khi Khương Duy cầm quyền chỉ huy quân sự tại nước này (Cửu phạt trung nguyên). Và trong tất cả những lần chống lại quân Thục, Tào Ngụy đều giành chiến thắng với triết lý duy nhất: Cố thủ không đánh. Triết lý này được đúc kết và phát huy cực kỳ hiệu quả bởi Tư Mã Ý, một danh tướng nước Ngụy.

[Total War: Three Kingdoms] Tổng quan về Tào Tháo và Ngụy Quốc - Ảnh 3.

Tạo hình Tư Mã Ý trong Total War: Three Kingdoms

Lợi dụng sự phì nhiêu của Trung Nguyên về cả lương thực lẫn dân số, Tư Mã Ý đã thi hành một chính sách duy nhất để chống quân Thục đó là cố thủ. Trong tất cả những lần Bắc phạt, quân Thục đều gặp khó khăn về vấn đề lương lực và phải bó tay trước chiến thuật "câu giờ" cực kỳ khó chịu của Tư Mã Ý. Sau này, hai con trai của Tư Mã Ý là Tư Mã Chiêu và Tư Mã Sư cũng nhất mực tuân thủ triết lý này để chống quân Thục.

Sau nhiều lần Bắc phạt không thành, nội lực của Thục Hán đã cạn kiệt. Mùa thu năm 263, Tư Mã Chiêu khởi binh đánh Thục. Các lộ binh mã của Tào Ngụy ồ át Tây tiến với nhiều mũi tấn công khác nhau, nổi bật nhất trong số này phải kể đến Đặng Ngải. Tháng 10 năm 263, Đặng Ngải sau khi tiến quân qua đường núi Âm Bình đã đánh thẳng đến Thành Đô. Vua Thục lúc bấy giờ là Lưu Thiện (con trai Lưu Bị) đầu hàng, Thục Hán bại vong. Triều đại nhà Hán tại Trung Hoa chính thức khép lại sau hơn 400 năm phát triển.

Bình định xong Thục Hán, thế lực họ Tư Mã tại Bắc Ngụy càng một lớn mạnh. Năm 265, Tư Mã Viêm (cháu nội Tư Mã Ý) phế truất vua Ngụy là Tào Hoán, lập nhà Tây Tấn. Đến năm 280, Tây Tấn đánh bại Đông Ngô, thống nhất Trung Hoa.

.......

Theo dự kiến, Total War: Three Kingdoms sẽ ra mắt vào ngày 23/5 tới đây, duy nhất trên PC.