Top 10 vận động viên eSports Việt có thu nhập cao nhất từ các giải đấu trong năm 2016

Anh Lê  - Theo Trí Thức Trẻ | 03/01/2017 12:40 PM

Với sự phát triển không ngừng của eSports thế giới, thu nhập từ giải thưởng các giải đấu lớn của các vận động viên (VĐV) tăng trưởng chóng mặt theo từng năm.

Tại Việt Nam, thị trường game lớn nhất nhì Đông Nam Á, thu nhập của các vận động viên trong năm 2016 cũng rất đáng chú ý. Chúng ta hãy cùng nhau điểm lại top 10 VĐV eSports Việt Nam “kiếm tiền” tốt nhất từ các giải đấu.


DOTA 2 thống trị BXH thế giới với The International 6.

DOTA 2 thống trị BXH thế giới với The International 6.

Trong khi DOTA 2 với 21 triệu USD tổng giá trị giải thưởng TI6 giúp các “Pro doto” đứng đầu bảng xếp hạng, ở thị trường Việt Nam, mọi thứ lại hoàn toàn khác.

SOFM Bay cao tại LPL

Khi được tin SOFM quyết định rời Full Louis, xuất ngoại, 99,69% giới chuyên gia, người chơi LMHT Việt Nam đều tin vào sự thành công của thần đồng này và SOFM thực sự không làm cho mọi người thất vọng. Tung hoành tại LPL với Snake eSports, tuy không đạt được mục tiêu dự chung kết thế giới, nhưng SOFM với phong độ tuyệt vời đã kịp giành cho mình danh hiệu tân binh xuất sắc nhất LPL 2016 mùa hè.

Với thành tích này, thu nhập từ giải đấu trong năm qua của SOFM đạt khoảng 15,000 USD, tương đương gần 350 triệu đồng, qua đó, đứng đầu danh sách các VĐV eSports Việt Nam giành nhiều tiền thưởng nhất 2016.


SOFM - niềm tự hào của eSports Việt - nhận giải Tân Binh Xuất Sắc nhất LPL 2016.

SOFM - niềm tự hào của eSports Việt - nhận giải Tân Binh Xuất Sắc nhất LPL 2016.

LMHT: Ảm đạm giải đấu trong nước

Trong khi SOFM bay cao tại LPL thì tình hình các giải đấu trong nước lại thật ảm đạm. Saigon Jokers tuy thống trị VCSA, giành vé tham gia Wild Card nhưng lại thảm bại 0-7 tại Brazil, đánh mất cơ hội lặp lại lịch sử của đàn anh ở mùa 2. Một điều khó hiểu khác, giải đấu GPL - giải đấu lớn nhất khu vực Đông Nam Á ngoài vé tham dự Wild Card ra cũng không có bất cứ giải thưởng nào cho các đội tuyển, khiến thu nhập của các VĐV LMHT thấp hơn hẳn so với năm 2015 (năm 2015, thu nhập của Minas từ giải đấu là hơn 10,000 USD).

Trong tình hình này, các cựu thành viên của Saigon Jokers vừa giải tán trong năm qua chỉ bỏ túi mỗi người gần 3,000 USD sau 2 chức vô địch VCSA mùa Xuân và mùa Hè, đứng thứ 10 trong danh sách thu nhập từ giải đấu. QTV, Archie, Optimus với thành tích kém hơn, tất nhiên tiền thưởng cũng thấp hơn.


Thành tích hạng 9 thế giới của Saigon Jokers 2012 vẫn mãi là huyền thoại.

Thành tích hạng 9 thế giới của Saigon Jokers 2012 vẫn mãi là huyền thoại.

Với thông tin rầm rộ mấy ngày qua về việc RIOT mở văn phòng tại Việt Nam, phải chăng VED đã hết mặn mà với Liên Minh Huyền Thoại mà chuyển hướng đầu tư đến các sản phẩm khác?

Sự trỗi dậy của các bộ môn eSports trên thiết bị di động


8 trên 10 vị trí trong top 10 thuộc về các đội tuyển game mobile.

8 trên 10 vị trí trong top 10 thuộc về các đội tuyển game mobile.

Năm 2016, thị trường chuyển hướng mạnh từ PC sang mobile. Các NPH VN đầu tư mạnh vào các game di động, và các game mobile eSports cũng được hưởng lợi nhiều. Sau SOFM, 8/10 vị trí tiếp theo trong top 10 thu nhập từ giải đấu thuộc về các tuyển thủ Chiến Dịch Huyền Thoại, 3Q 360mobi.

Bộ đôi Adam, Eva của Saigon Avengers với ngôi vô địch quốc gia, hạng nhì giải đấu quốc tế Chiến Dịch Huyền Thoại do VED tổ chức Falcon Dual Master bỏ túi mỗi người hơn 131 triệu đồng.

Chiếm lĩnh 6/10 vị trí trong TOP 10 VĐV rinh về nhiều tiền thưởng nhất, các chàng trai trẻ đến từ 2 đội tuyển Saigon Phantom và ViruSs Eternity bỏ túi hơn 750 triệu đồng tiền tươi chỉ sau 2 mùa giải 360mobi Pro League. Đặc biệt các chàng trai Saigon Phantom còn xuất sắc đạt Á Quân thế giới tại eSoul World Championship với 50,000 RMB, tương đương hơn 162 triệu đồng.

Đáng chú ý hơn khi game Moba trên di động này chỉ mới ra mắt từ tháng 6, nghĩa là chỉ mất 6 tháng, thu nhập của các tuyển thủ trên đã đạt mức hơn 150 triệu mỗi người. Điều này cho thấy sự nghiêm túc trong việc đầu tư của các NPH với các sản phẩm eSports trên mobile của mình dù chỉ là năm đầu tiên ra mắt. Chắc chắn chúng ta sẽ còn thấy những giải đấu lớn hơn từ VED, 360mobi nói riêng và các bộ môn khác nói chung ở năm 2017.


ViruSs Eternity thắng lớn tại 360mobi Pro League 2.

ViruSs Eternity thắng lớn tại 360mobi Pro League 2.

Tất nhiên, thu nhập thực sự của các tuyển thủ eSports không chỉ ở giải đấu mà còn từ việc streaming, kinh doanh riêng, lương từ nhà tài trợ. Nếu thống kê được, BXH này chắc chắn sẽ rất khác nhưng chúng ta cũng thấy được sự đầu tư của các NPH tại Việt Nam đối với các sản phẩm của mình.

Hy vọng trong năm 2017 sẽ là một năm thành công hơn của các tuyển thủ eSports Việt Nam, khẳng định thể thao điện tử là một nghề, và những ai theo đuổi đam mê đến cùng sẽ nhận được thu nhập ổn định xứng đáng