Top 10 bộ phim điện ảnh Nhật Bản xuất sắc nhất năm 2016 (P2)

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 02/01/2017 0:00 AM

Tiếp nối kỳ trước, dưới đây là 5 cái tên còn lại của danh sách 10 bộ phim Nhật Bản xuất sắc nhất năm 2016 do Taste Of Cinema bình chọn.

2016 là một năm khá thú vị của nền điện ảnh Nhật Bản, với hàng loạt các tác phẩm thuộc đủ các thể loại khác nhau ra đời với chất lượng nội dung và hình thức ngày càng được nâng cao. Trên khía cạnh thương mại, hai tác phẩm đáng chú ý nhất là phiên bản reboot lần thứ ba của franchise “Godzilla” đình đám và anime “Your Name”. Và tiếp nối kỳ trước, dưới đây là 5 cái tên còn lại của danh sách 10 bộ phim Nhật Bản xuất sắc nhất năm 2016 do Taste Of Cinema bình chọn.

5. Lowlife Love (Uchida Eiji)

Tetsuo là một đạo diễn phim, đã từng có một thành công “nho nhỏ” trong quá khứ, nhưng kể từ đó chưa cho ra đời thêm được tác phẩm nào ra hồn cả. Giờ đây, cuộc sống của anh ta là một mớ hỗn độn: 39 tuổi, vẫn sống với bố mẹ và em gái trong một căn hộ chật hẹp, luôn luôn trong tình trạng túng quẫn. Nguồn thu nhập ít ỏi của ông ta đến từ những khóa học diễn xuất “cắt cổ” cho những diễn viên trẻ và việc quay video “người lớn” để bán cho vài tay Yakuza.

Cuối cùng, có vẻ như vận may cũng đã mỉm cười với Tetsuo khi gặp được hai học sinh đầy tiềm năng: Minami, một cô gái rụt rè và ngây thơ với ước mơ trở thành diễn viên nổi tiếng, và Ken – một biên kịch. Cả hai đều vô cùng tài năng, khiến Tetsuo tin rằng cuối cùng mình cũng có thể làm một tác phẩm để đời.

Đạo diễn Uchida Eiji tập trung phát triển bộ phim đúng như tiêu đề của nó, với từ đầu tiên mô tả rất nhiều nhân vật trong phim, những kẻ “hạ cấp”, không có chút tử tế hay vị tha nào. Đặc biệt là nhân vật chính Tetsuo, một kẻ nông cạn, lười biếng, quỷ quyệt, và luôn sẵn sàng lợi dụng bất cứ ai để đạt được mục đích của mình.

Bộ phim đã vạch trần những góc khuất đáng sợ trong ngành công nghiệp điện ảnh không-kinh-phí, đặc biệt là với nữ diễn viên, khi mà tình dục dường như là con đường duy nhất để họ chen chân vào được nơi này. Mặc dù mang đến một thông điệp bi quan, nhưng đâu đó trong “Lowlife Love”, chúng ta vẫn thấy được yếu tố hài hước, chủ yếu qua hành động “khác người” của những nhân vật như Tetsuo, Kida và Kaede.

4. Anti-Porn (Sono Shion)

“Anti-Porn” là một bộ phim khá khó để diễn tả bằng lời, khi mà ranh giới giữa thực và ảo, quá khứ và hiện tại gần như không tồn tại. Bộ phim bắt đầu với Kyoko, một nghệ sĩ/tiểu thuyết gia nổi tiếng, tỉnh dậy trong một studio ngập tràn sắc vàng, chỉ trừ có cái bồn cầu là màu đỏ sặc sỡ. Cô ta bắt đầu nói nhảm những thứ vô nghĩa như: “Tôi là một trinh nữ và là một con điếm.” Rồi mọi thứ càng trở nên kỳ lạ hơn với sự xuất hiện của những nhân vật cũng “dị” không kém như Noriko – trợ lý của Kyoko, cộng thêm một nhiếp ảnh gia và cả một nhà biên tập kèm vài người trợ lý nữa. Cuối cùng hóa ra tất cả chỉ là một cảnh trên phim trường, và phần còn lại của bộ phim kể về quá khứ của Kyoko và lý do khiến cô phải dấn thân vào ngành phim “người lớn”, theo một phong cách vô cùng kỳ quái.

Nhà làm phim Sono Shion đã mang đến một tác phẩm giống với một vở kịch hơn là một bộ phim, khi mà hầu hết mọi thứ diễn ra trong một bối cảnh duy nhất. Với phong cách nghệ thuật tự do của mình, ông đã sử dụng rất nhiều yếu tố gây sốc như quan hệ đồng giới, bạo lực tình dục, và những chi tiết kinh hoàng như Kyoko nôn mửa mỗi lần đạt cực khoái, hay nhiều lần chứng kiến cảnh bố mẹ mình quan hệ khi còn nhỏ... Qua đó, ông đưa ra một thông điệp rõ ràng về ngành công nghiệp phim khiêu dâm cũng như thế giới “nghệ thuật” nói chung rằng nó là thứ vô nghĩa, đạo đức giả, và vô cùng tự phụ.

3. Godzilla Resurgence (Anno Hideaki, Higuchi Shinji)

Bộ phim sử dụng kịch bản gần như đã được đóng khung của franchise “Godzilla”: Một con quái vật khổng lồ bất ngờ xuất hiện từ biển cả, tàn phá khắp nơi trên đường qua Tokyo. Chính phủ Nhật Bản khi ấy là một lũ quan liêu tham nhũng, chần chừ không dám hành động mặc dù biết rằng Gojira (tên phiên bản Nhật) đang phát ra phóng xạ và ngày càng to lớn hơn. Cuối cùng Yaguchi Rando và biệt đội của ông được giao nhiệm vụ nghiên cứu và tìm cách ngăn chặn nó trước khi Chính phủ Mỹ quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân và cứu nước Nhật khỏi thảm họa diệt vong.

Với sự giúp đỡ của Higuchi Shinji – nhà sản xuất hiệu ứng xuất sắc, Anno Hideaki đã tạo nên một bộ phim “Godzilla” rất khác biệt. “Godzilla: Resurgence” có diễn biến nhanh, bối cảnh thay đổi liên tục, tạo cho người xem bầu không khí căng thẳng, sợ hãi ngay từ đầu. Đội ngũ thực hiện hiệu ứng đặc biệt đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mang đến cho chúng ta một con quái vật biến đổi ngày càng khủng khiếp, cùng với bối cảnh thành phố bị tàn phá vô cùng kinh hoàng, tan hoang.

Bộ phim đề cập tới những vấn đề chính trị - xã hội nhức nhối như vụ động đất 11/3, thảm họa Fukushima, quả bom nguyên tử, cách thức hoạt động của chính phủ và quân đội Nhật Bản cũng như vai trò của nước Mỹ trong những vấn đề toàn cầu. Đây chính là lý do khiến nó được coi là tác phẩm ý nghĩa nhất của franchise “Godzilla”.

2. Hime Anole (Yoshida Keisuke)

Dựa trên series manga cùng tên của Furuya Minoru, bộ phim xoay quanh hai con người kì cục cùng làm việc cho một công ty vệ sinh là Okada Susumu và Ando Yuji. Yuji thì nói chuyện như một người máy, và có vẻ như không hề sở hữu bất cứ kỹ năng ứng xử gì, còn Susumu là một thanh niên lãnh đạm, cho rằng cuộc đời anh ta chẳng có ý nghĩa gì cả. Trong phần đầu của bộ phim, Yuji phải lòng một cô bồi bàn ở quán café là Abe Yuka. Cô đang bị bám đuôi bởi một người đàn ông kỳ lạ là Morita Shoichi, và thế là Yuji và Susumu phải lên kế hoạch bảo vệ cô, nhưng sau đó Yuka lại phải lòng Susumu, khiến anh lâm vào một tình thế khó xử.

Đến phần thứ hai, bộ phim chuyển từ hài hước lãng mạn sang hẳn một thể loại khác khi mà câu chuyện tập trung hơn vào Morita, hóa ra là một tên tội phạm tâm thần, sẵn sàng giết người, cưỡng hiếp một cách điên loạn. Và mục tiêu cuối cùng của hắn chính là Yuka và Susumu.

Bằng cách nào đó, đạo diễn Yoshida Keisuke đã hợp nhất hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau này vào làm một. Sự chuyển đổi và liên kết giữa hai phần cũng đặc biệt phức tạp và ấn tượng, nhất là qua hai phân cảnh diễn ra qua lại cùng một lúc khi Susumu và Yuka quan hệ tình dục, còn Morita tra tấn và giết hại một người phụ nữ, hai “cặp đôi” này hành động đối xứng nhau theo một cách vô cùng ám ảnh. Với những yếu tố đen tối như vậy, bộ phim đã mang đến một thông điệp mạnh mẽ về bạo lực và lạm dụng ở phía đáy của xã hội Nhật Bản.

1. Your Name (Shinkai Makoto)

Mitsuha là một học sinh trung học có cuộc sống vô cùng phức tạp tại thị trấn Itomori nhỏ bé. Gia đình cô được giao nhiệm vụ canh giữ đền thờ Shinto địa phương suốt hàng thế hệ, và bởi cha cô đã bỏ rơi họ để trở thành thị trưởng, trọng trách này giờ đây được giao cho cô và em gái của mình, dưới sự dạy bảo của bà ngoại. Rồi cô bắt đầu có những giấc mơ rất khác thường và sống động, đồng thời bộc lộ nhiều hành vi kì lạ ở trường mà cô không nhớ gì cả.

Cuối cùng cô nhận ra rằng đôi lúc mình bị hoán đổi tâm trí với một cậu học sinh khác ở Tokyo tên là Taki. Sau đó hai người họ nhận thức được chuyện gì đang xảy ra với mình, và tìm cách liên lạc với nhau qua những mật mã để ổn định cuộc sống của nhau. Dần dần họ hiểu nhau hơn, nhưng cuối cùng tai họa cũng ập đến.

Shinkai Makoto đã biến mô típ “hoán đổi thân xác” quen thuộc thành một cái gì đó hoàn toàn mới mẻ và mang một tầm ý nghĩa cao hơn. Qua đó, ông thể hiện quan điểm của mình về những khía cạnh như kí ức, thời gian, gia đình, thảm họa Fukushima, quan hệ con người, và trên tất cả là tình yêu – nguồn sức mạnh có thể làm thay đổi mọi thứ.

“Your Name” kết hợp một cách tinh tế yếu tố hài hước với drama, xây dựng nên những nhân vật thú vị, có chiều sâu, truyền tải đến người xem vô vàn cảm xúc, đặc biệt là sự đau thương, luyến tiếc quá khứ. Không chỉ xuất sắc về mặt nội dung, đồ họa hoạt hình trong phim là được đánh giá là đỉnh cao của anime hiện đại. Nhìn chung, có thể nói đây xứng đáng là một tuyệt tác, là bộ phim Nhật Bản hay và đáng xem nhất năm 2016.

Theo Tasteofcinema

Top 10 series anime ngắn cực độc đáo, đậm tính giải trí của năm 2016