Top 10 bộ phim Châu Âu xuất sắc nhất năm 2016 mà bạn nên xem thử

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 22/01/2017 0:00 AM

Dưới đây là top 10 bộ phim Châu Âu xuất sắc nhất năm 2016 trong trường hợp bạn bỏ lỡ chúng sau ánh hào quang của những bộ phim siêu anh hùng Mỹ.

Khi mà thể loại phim siêu anh hùng chuyển thể từ comic của Mỹ thống trị phòng vé toàn thế giới, nhiều người cho rằng 2016 là một năm mà ngành điện ảnh thiên quá nhiều về tính giải trí thị trường mà thiếu đi chiều sâu. Tuy nhiên, phải nói rằng nhận định này chỉ đúng một phần, bởi đây cũng là một năm mang đến cho chúng ta không ít những tác phẩm hàn lâm xuất sắc. Đặc biệt là tại Châu Âu, với sự quay trở lại của những đạo diễn gạo cội như Paul Verhoeven hay Ken Loach, đồng thời nhiều cái tên như Nicolas Winding Refn, Cristian Mungiu, John Carney, … thuộc thế hệ sau cũng một lần nữa khẳng định cho tên tuổi của mình với các tác phẩm mới trong năm qua.

Và dưới đây là top 10 bộ phim Châu Âu xuất sắc nhất năm 2016 trong trường hợp bạn bỏ lỡ chúng sau ánh hào quang của những bộ phim siêu anh hùng.

10. Toni Erdmann (đạo diễn Maren Ade) – Đức, Áo

Cốt truyện của “Toni Erdmann” đi theo một mô típ khá quen thuộc: một người cha cố gắng hàn gắn tình cảm với cô con gái xa cách lâu năm của mình bằng những trò đùa tinh nghịch và tai quái. Yếu tố quan trọng nhất làm nên thành công của bộ phim là những nhân vật đầy thú vị, tình cảm và hài hước, mang tới một cảm giác ấm áp thực sự cho người xem. Không đi theo lối răn dạy đạo đức hay quá chú trọng vào việc truyền tải thông điệp, mà ý nghĩa của bộ phim được thể hiện qua diễn xuất và mạch truyện vô cùng tự nhiên.

9. Bacalaureat (tên tiếng Anh “Graduation”, đạo diễn Cristian Mungiu) – Romania

Ngay trước bài kiểm tra cuối cùng để nhận học bổng sang Vương quốc Anh, Eliza đã bị tấn công bởi kẻ dấu mặt và bị thương nặng. Và thế là cha của cô – bác sĩ Romeo Aldea, phải thực hiện hai nhiệm vụ khó khăn là tìm ra danh tính kẻ tấn công, đồng thời tìm cách giúp con mình vượt qua kì kiểm tra sắp tới. Bộ phim là một câu chuyện đầy tính ẩn dụ về đất nước Romania ngày nay, khi mà con người không thể vứt bỏ gánh nặng trong quá khứ để thay đổi cuộc đời, đồng thời đề cập tới vấn đề trách nghiệm của cha mẹ với con cái.

8. I, Daniel Blake (đạo diễn Ken Loach) – Anh, Pháp, Bỉ

“I, Daniel Blake” là một tác phẩm xuất sắc nữa của đạo diễn Ken Loach về cuộc đấu tranh giữa người thất nghiệp, vô gia cư và chính phủ. Nhân vật chính – Daniel Blake là một thợ mộc, phải đấu tranh với chính quyền về phúc lợi của mình sau khi gặp phải một tai nạn nghiêm trọng, cùng với ông là một bà mẹ đơn thân cũng trong tình cảnh vô cùng khó khăn vì vấn đề này. Bộ phim mang đến cho chúng ta một cái nhìn chân thực về những khó khăn và cạm bẫy mà tầng lớp thấp hơn trong xã hội Anh phải đối mặt với, cũng như tinh thần kiên định, lạc quan của họ.

7. Hymyilevä Mies (tên tiếng Anh “The Happiest Day in the Life of Olli Maki”, đạo diễn Juho Kuosmanen) – Phần Lan

Bộ phim dựa trên những con người và sự kiện có thật trong Hiệp hội Quyền anh Thế giới và trận đấu tranh chức vô địch hạng lông giữa tay đấm người Phần Lan, Olli Maki và đối thủ người Mỹ, Davey Moore. Bên cạnh việc tái hiện lại bối cảnh thập niên 60 một cách vô cùng xuất sắc, điểm nhấn đáng chú ý nhất của bộ phim là cảm xúc và sự tương tác giữa hai nhân vật chính – Olli và người bạn gái Raija. Đây là một bộ phim thể thao đặc biệt ở chỗ, nó tập trung vào khía cạnh con người hơn là yếu tố thi đấu, cạnh tranh.

6. Otvorena (tên tiếng Anh “Open Wound”, đạo diễn Momir Milošević) – Serbia

“Open Wound” là một trong những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao hơn của điện ảnh Serbia trong vài năm gần đây, và nó đến từ một cái tên khá mới mẻ nhưng đầy hứu hẹn là Momir Milošević. Lấy cảm hứng từ “Eraserhead”, Momir đã biến bộ phim về tình yêu đơn phương tiến gần tới ranh rới kinh dị, ám ảnh khi mà những tra tấn bên trong nhân vật dần hiện ra bên ngoài thân thể họ. Bên cạnh đó, nghệ thuật quay phim cũng vô cùng độc đáo với hai tông màu đen trắng và chỉ để lộ mặt hai nhân vật chính, những người còn lại chỉ quay từ cổ trở xuống.

5. Sing Street (đạo diễn John Carney) – Ireland, Anh

Để gây ấn tượng với cô người mẫu xinh đẹp mới gặp tại ngôi trường mới, cậu nhóc Conor đã quyết định thành lập ban nhạc rock ‘n’ roll của riêng mình. Một mô típ quen thuộc nhưng bộ phim không hề khiến chúng ta cảm thấy rập khuôn nhờ diễn xuất tuyệt vời của các nhân vật chính, với rất nhiều khoảnh khắc chân thực trong cuộc sống gia đình và học đường hàng ngày. Bên cạnh đó, âm nhạc của bộ phim cũng rất hay, hài hước và đôi lúc có phần nổi loạn. “Sing Street” là một bức thư tình gửi lại thập niên 80, và tới một thời điểm trong đời khi mà với chúng ta mọi thứ đều tràn ngập hy vọng.

4. The Lobster (đạo diễn Yorgos Lanthimos) – Hy Lạp, Ireland, Anh, Pháp

Sau “Dogtooth” Yorgos Lanthimos lại một lần nữa mang đến cho chúng ta một tác phẩm đầy tính trào phúng và gây tranh cãi là “The Lobster”. Bộ phim xoay quanh David, một người đàn ông sau khi bị vợ bỏ được giao nhiệm vụ phải tìm ra một người bạn đời khác trong vòng 45 ngày, nếu không sẽ bị biến thành một con vật, và thế là anh ta đã chọn trở thành con tôm hùm. Mang đầy hình ảnh ẩn dụ và hài hước một cách châm biếm, bộ phim là một sự đả kích mạnh vào phong trào hẹn hò một cách “công nghiệp” qua những ứng dụng và dịch vụ online trong xã hội ngày nay.

3. Houston , We Have a Problem (đạo diễn Ziga Virc) – Slovenia, Croatia, Đức, Cộng Hòa Séc

Chiến tranh lạnh, cuộc đua vào vũ trụ, và màn hạ cánh thành công lên mặt trăng của NASA là những sự kiện vô cùng tiêu biểu làm nên cả một thời kỳ lịch sử. Tất cả chúng cũng được cho là liên quan tới một thuyết âm mưu trong “Houston, We Have a Problem”, rằng dự án không gian Yugoslavia đã được nước Mỹ thâu tóm bằng một hợp đồng tỷ-đô. Bộ phim tài liệu/viễn tưởng này mang đến một sự kết hợp thú vị giữa thực tế và tưởng tưởng, khiến chúng ta băn khoăn tự hỏi rằng đâu là thật và đâu là giả, và đối mặt với sự thật rằng chính quyền có thể “dắt mũi” người dân tin vào những điều không tưởng nhất một cách dễ dàng.

2. Evolution (đạo diễn Lucile Hadžihalilović) – Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ

“Evolution” lấy bối cảnh tại một hòn đảo biệt lập không tên, cư dân trên đó chỉ có những người phụ nữ và các bé trai. Một trong số những cậu bé sống trên đảo – Nicholas, người phát hiện ra một cái xác dưới nước, phủ kín bởi sao biển, nhưng mẹ cậu quả quyết rằng không có ai ở dưới biển cả. Sau một vụ ẩu đả với bạn bè, Nicholas bị đưa tới bệnh viện và phát hiện ra một sự thật kinh hoàng rằng lũ trẻ bị nhốt ở đó vì một lý do mờ ám. Mọi thứ phim đều bí ẩn và mờ ảo, khiến người xem luôn tò mò trong sự lo sợ về những diễn biến tiếp theo, khiến nó trở thành một tác phẩm kinh dị đầy hấp dẫn.

1. Elle (đạo diễn Paul Verhoeven) – Pháp, Đức, Bỉ

“Elle” có thể nói là bộ phim hay nhất trong vòng 20 năm qua của đạo diễn kì cựu Paul Verhoeven. Bên cạnh phong cách bất ngờ và tràn đầy năng lượng của ông, một yếu tố quan trọng nữa làm nên thành công của “Elle” là nữ diễn viên chính Isabelle Huppert. Nhân vật của cô – Elle là một nữ doanh nhân thành đạt, sau khi bị cưỡng hiếp bởi kẻ lạ mặt, cô đã săn lùng hắn và cả hai vướng vào một trò chơi mèo vờn chuột đầy kịch tính. Huppert đã tạo nên một nhân vật vô cùng đáng nhớ, có sự cân bằng đầy uyển chuyển giữa vai trò nạn nhân và kẻ phạm tội, nhưng không bao giờ thiên hẳn về một phía, đồng thời phản ứng của cô trước mọi việc xảy ra, đặc biệt là trước bi kịch mà cô gặp phải, là không có chút rập khuôn nào. “Elle” là một bộ phim kịch tính/tâm lý quá đỗi xuất sắc, khiến chúng ta cảm thấy xem một lần thực sự là chưa đủ.

Theo Tasteofcinema

Xin thua, nữ YouTuber hứa phát hành "phim xxx tự quay" nếu đủ 1 triệu subscriber