Tổng quan lịch sử hình thành và phát triển của Marvel Comics

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 29/06/2016 0:00 AM

Marvel Comics là dòng truyện tranh comic được phát hành bởi công ty Marvel Entertainment, Inc., gắn liền với những cái tên nổi tiếng như Fantastic Four, The Amazing Spider-Man, The Incredible Hulk, Iron Man, Daredevil, Thor, Captain America, và X-Men.

Marvel Comics là dòng truyện tranh comic được phát hành bởi công ty Marvel Entertainment, Inc. Danh tiếng của Marvel gắn liền với những cái tên nổi tiếng như Fantastic Four, The Amazing Spider-Man, The Incredible Hulk, Iron Man, Daredevil, Thor, Captain America, và X-Men. Hầu hết các nhân vật giả tưởng của Marvel đều được xây dựng trong vũ trụ comic riêng do họ sáng tạo nên, với tên gọi Marvel Universe.

Kể từ thập niên 60, Marvel là một trong hai công ty comic lớn nhất tại Mỹ, cùng với DC Comics đã tạo nên trật tự hai cực trong thế giới comic hiện đại. Từ khi còn hoạt động với cái tên Timely Comics (1939) cho tới nay, công ty vẫn luôn đặt trụ sở chính tại tòa nhà McGraw-Hill, Đại lộ Madison, thành phố New York. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng khám phá về lịch sử hình thành và phát triển của Marvel Comics cho tới ngày nay:

Timely Comics

Marvel Comics được sáng lập bởi một chủ tạp chí nổi tiếng - Martin Goodman vào năm 1939 với tư cách một công ty con của Timely Comics. Ấn phẩm đầu tiên được phát hành là Marvel Comics #1 (Tháng 10/1939), và đây cũng là lần thứ hai Human Torch – siêu anh hùng android của Carl Burgos được “lên sóng” cùng với “tân binh” Namor the Sub-Mariner. Marvel Comics #1 bán rất chạy, tuy nhiên đây vẫn là những sản phẩm trí tuệ từ một công ty ngoài có tên Funnies, Inc., cho tới một năm sau đó khi Timely cử người vào trực tiếp thực hiện dự án này.

Biên tập đầu tiên của công ty, họa sĩ-tác giả Joe Simon, đã hợp tác với huyền thoại Jack Kirby để tạo nên siêu anh hùng yêu nước đầu tiên xuất hiện trên comic - Captain America trong Captain America Comics #1 (tháng 3/1941) và ngay lập tức trở thành một hiện tượng.

Ngoài “bộ ba” trên, không có nhân vật nào của Timely được người hâm mộ nhớ nhiều tới, chỉ có một số siêu anh hùng như Whizzer, Miss America, The Destroyer, Vision (bản gốc), và Angel (Paul Gustavon) vẫn được xuất hiện (thỉnh thoảng) ở phần hồi tưởng trong các comic hiện nay.

Atlas Comics (Thập niên 50)

Thời kỳ hậu Thế Chiến, doanh số của mọi comic đều sụt giảm một cách trầm trọng khi mà đề tài siêu anh hùng bỗng trở nên “lỗi thời”. Tương tự như những công ty comic khác, Timely – trong thập niên 50 thường được gọi là Atlas Comics – cũng phải chạy theo xu hướng đại chúng bằng cách xuất bản nhiều thể loại đa dạng, bao gồm các đề tài như động vật hài hước, viễn Tây, kinh dị, chiến tranh, lãng mạn, tình báo viễn tưởng, thậm chí cả phiêu lưu thời Trung Cổ. Một số ấn phẩm tương đối thành công, song cũng có những thất bại thảm hại. Vào năm 1953 – 1954, công ty thực hiện chiến dịch “hồi sinh” trào lưu siêu anh hùng với “bộ ba nguyên tử” Human Torch, Namor the Sub-Mariner và Captain America, nhưng đáng tiếc đã không đạt được kết quả như mong đợi.

Từ năm 1952 tới cuối năm 1956, ông Goodman cho phân phối comic tới các sạp báo của Atlas – công ty của chính mình. Sau đó ông chuyển sang American News Company, nhà phân phối lớn nhất và gần như là độc quyền tại Mỹ lúc bấy giờ - tuy nhiên không lâu sau đó bị thua kiện và phải ngừng kinh doanh.

Ấn phẩm comic cuối cùng có in logo địa cầu của Atlas là Dippy Duck #1, phát hành duy nhất của công ty vào tháng 10 năm 1957. Ngay sau đó, ấn phẩm đầu tiên với thương hiệu “Marvel Comics” ra đời – Amazing Adventures #3, một tuyển tập comic khoa học viễn tưởng ra mắt vào ngày 9 tháng 5 năm 1961.

Thập niên 60

Cuối thập niên 50 tới đầu thập niên 60, chứng kiến thành công của “đối thủ truyền kiếp” DC Comics trong việc hồi sinh làn sóng siêu anh hùng với The Justice League of America, Marvel quyết định quay trở lại với cuộc chơi.

Tháng 11 năm 1961, The Fantastic Four #1 được phát hành và trở thành cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của Marvel, giới thiệu tới độc giả một phong cách siêu anh hùng mới. Biên tập/tác giả Stan Lee và họa sĩ Jack Kirby là những người đã sáng tạo ra Fantastic Four, vì vậy không quá ngạc nhiên khi bộ tứ siêu anh hùng này có gì đó “hao hao” với biệt đội thám hiểm Challengers of the Unknown mà Kirby đã từng vẽ cho DC vào năm 1957. Tuy nhiên ở đây, họ đã tránh xa những rập khuôn của thể loại siêu anh hùng như danh tính bí mật hay thậm chí là cả hình dáng, mà thay vào đó phá cách với một anh hùng trong hình hài “quái vật”, các nhân vật phàn nàn và xung đột lẫn nhau, … Không còn quá “thần thánh” hóa nữa, mà kể từ Fantastic Four, Marvel đã chuyển sang hướng “anh hùng trong thế giới thực”.

Tiếp nối thành công, Marvel cho ra đời hàng loạt series về những hero và anti-hero theo xu hướng này như Hulk, Spider-Man, Thor, Ant-Man, Iron Man, X-Men và Daredevil, cùng với đó là nhiều nhân vật phản diện xuất sắc như Doctor Doom, Magneto, Galactus, Green Goblin và Doctor Octopus. Điểm cộng lớn nhất của Marvel chính là tập trung xây dựng tính cách nhân vật sâu hơn rất nhiều so với đa số comic trước đó. Cụ thể nhất là trong The Amazing Spider-Man, khi mà người anh hùng trẻ tuổi của chúng ta cũng có lúc đánh mất niềm tin, nghi ngờ bản thân, và phải đối mặt với vô số vấn đề mà bất cứ thiếu niên nào cũng gặp phải. Những siêu anh hùng của Marvel thường không hề hoàn hảo, mà luôn phải đấu tranh với bản thân, mang những điểm kì dị, cổ quái rất “con người”, trái ngược với vẻ bóng bẩy hoàn mỹ truyền thống. Thậm chí một số anh hùng của Marvel trông không khác gì một kẻ ác hay … quái vật. Kết quả như chúng ta đã thấy, hướng đi này đã làm nên một cuộc cách mạng trong ngành comic.

Cũng từ đây, Stan Lee trở thành một trong những cái tên được biết đến nhiều nhất trong giới comic. Sự hài hước và tính cách nhân hậu của ông được thể hiện qua từng nhân vật, từng trang comic mà huyền thoại này sáng tạo nên. Bên cạnh đó, ông Lee rất xuất sắc trong việc xây dựng hội thoại và cốt truyện, “mát tay” chọn lựa họa sĩ và tập hợp đội ngũ sáng tạo cũng như truyền động lực cho họ. Thậm chí nhiều người còn nhận định vui rằng ông có một “siêu năng lực” vô cùng đặc biệt là kết nối với chính người đọc của mình. Ngoài ra trong đội ngũ sản xuất còn có 2 nhân vật nổi bật khác là Jack Kirby với những ý tưởng và nhân vật cho comic về Fantastic Four và The Mighty Thor như Watcher, Silver Surfer và Ego the Living Planet; và Steve Ditko trong việc tạo hình môi trường rất thực trong Spider-Man và không gian “ảo diệu” trong Dr. Strange.

Năm 1968, nhà sáng lập Martin Goodman đã bán Marvel Comics và mọi cơ sở xuất bản khác của mình cho Perfect Film & Chemical Corporation. Sau đó chúng được tập hợp thành một công ty con với tên gọi Magazine Management Co. mà ông Goodman vẫn giữ vai trò chủ sở hữu.

Thập niên 70

Năm 1970, nhận thấy cơ hội tấn công vào thị trường Anh mà không sử dụng lại những “vật liệu” Mỹ, Marvel đã tạo ra một “siêu anh hùng Anh cho người dân Anh” – Captain Britain, ban đầu chỉ được phát hành tại Anh, sau đó mới là tại Mỹ.

Năm 1971, tổng biên tập của Marvel Comics – Stan Lee được Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ tiếp cận và đề nghị thực hiện một bộ comic về vấn đề lạm dụng chất gây nghiện. Ông đồng ý và đã lồng ghép chủ đề này vào một vài tập của series Spider-Man, tuy nhiên lại bị chính Đạo luật Thẩm quyền Comic (CCA) kiểm duyệt và từ chối cấp phép pháp hành. Mặc dù vậy, với sự chấp thuận của Goodman, Lee vẫn phát hành câu chuyện trong The Amazing Spider-Man #96-98 (tháng 5-6/1971). Nhờ những phản ứng tích cực từ phía cộng đồng, CCA cuối cùng cũng phải thay đổi lại quyết định của mình trong năm đó.

Năm 1972, Goodman từ chức chủ tịch và người kế nhiệm ông không ai khác ngoài Stan Lee. Lại một lần nữa ngành comic đi vào giai đoạn trì trệ và Marvel – dưới sự dẫn dắt của Stan Lee, phải tiếp tục đa dạng hóa. Với sự cập nhật của Đạo luật Comic, công ty đã đạt được một số thành công đáng kể trong thể loại kinh dị (Tomb of Dracula), võ thuật (Shang-Chi: Master of Kung Fu), gươm báu và ma thuật (Conan the Barbarian, Red Sonja) và khoa học viễn tưởng (“Killraven” trong Amazing Adventures). Một số được phát hành trên những tạp chí đen trắng khổ rộng để nhắm vào nhóm độc giả trưởng thành. Bên cạnh đó, Marvel vẫn tiếp tục khai thác triệt để thành công của thể loại siêu anh hùng từ thập kỷ trước đó bằng việc giành thêm nhiều điểm phân phối mới và mở rộng đáng kể dòng comic của mình. Quan trọng hơn, trong thời kỳ hỗn loạn về giá cả, Marvel đã chiếm được một lượng thị phần không nhỏ từ DC nhờ những ấn phẩm giá rẻ và chiết khấu phân phối cao hơn.

Năm 1973, Perfect Film & Chemical Corporation đổi tên thành Cadence Industries, và Magazine Management Co. cũng chính thức trở thành Marvel Comics Group. Ông Goodman giờ đây đã không còn liên quan gì tới Marvel, quyết định mở một công ty mới – Atlas/Seaboard Comics vào năm 1974 để khôi phục cái tên Atlas cũ của Marvel, tuy nhiên dự án này chỉ tồn tại trong vỏn vẹn một năm rưỡi.

Giữa thập niên 70, Marvel bị ảnh hưởng bởi mạng lưới quầy sạp phân phối comic sụt giảm mạnh. Những bộ truyện độc “hot” như Howard the Duck là nạn nhân trực tiếp của vấn đề phân phối này, mặc dù doanh số thực không thấp như những báo cáo bởi chúng đã được bán lại sau đó ở những cửa hàng comic đặc biệt đầu tiên. May mắn là đến cuối thập kỷ, doanh số đã tăng vụt trở lại nhờ vào thị trường phân phối trực tiếp (bán thẳng qua các cửa hàng comic đặc biệt thay vì ở quầy sạp).

Thời gian này, Marvel còn suýt thâu tóm được DC, mặc dù vậy thương vụ này đã bị hủy bỏ bởi DC muốn giữ lại bản quyền của hai cái tên đình đám nhất là Superman và Batman. Sau đó DC được sát nhập vào Warner Communications bởi công ty mẹ Kinney National Company, và thế là cuộc chiến giữa hai “ông lớn” này vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.

Thập niên 80

Đây là thời điểm mà “người cũ” của DC – Jim Shooter trở thành tổng biên tập của Marvel. Jim có công lớn trong việc cải thiện bộ máy trước đó đang đình trệ nặng nề và khôi phục năng suất cho bộ phận sáng tạo tại công ty, dẫn tới việc phát hành dòng comic New Universe mới toanh để kỷ niệm 25 năm thành lập Marvel (1986) và mở ra kỷ nguyên crossover hoành tráng (Contest of Champions, Secret Wars). Tuy nhiên, ông lại bị nhiều người chỉ trích là “độc tài” và thường xuyên can thiệp vào quá trình sáng tạo của các tác giả.

Năm 1981, Marvel mua lại studio hoạt hình DePatie-Freleng Enterprise, đổi tên thành Marvel Productions. Đây là bộ phận sản xuất ra hàng loạt series hoạt hình và phim truyện nổi tiếng như G.I.Joe, The Transformers, Dungeons & Dragons, và cả Spider-Man.

Năm 1986, Marvel bị bán cho New World Entertainment, và sau đó 3 năm lại bị chuyển giao cho MacAndrews và Forbes, sở hữu bởi giám đốc Revlon – Ronald Perelman. Perelman đã cổ phần hóa công ty trên Sàn Giao dịch Chứng khoán New York và từ đó số bộ comic mà Marvel phát hành tăng vụt lên nhanh chóng. Trong quá trình này, Marvel Productions phải đóng cửa studio hoạt hình của mình và bán bản quyền nhân vật cho Saban Entertainment, và cuối cùng đã về tay Disney năm 2001.

Thập niên 90

Vào những năm đầu thập kỷ, Marvel phất lên nhờ sự bùng nổ của comic, phát hành dòng truyện 2099 lấy bối cảnh trong tương lai vô cùng thành công (ví dụ như Spider-Man 2099). Tuy nhiên tới giữa những năm 90, ngành công nghiệp truyện tranh tại Mỹ thoái trào và Marvel đứng trước nguy cơ phá sản khi các hoạt động tài chính mờ ám của Perelman bị điều tra.

Năm 1990, Marvel bắt đầu bán ra những thẻ bài Marvel Universe có hình ảnh các siêu anh hùng và dần tạo nên được cơn sốt trong cộng đồng fan hâm mộ, và đối thủ cạnh tranh DC cũng không ngần ngại “ăn theo” xu hướng này. Tới năm 1992, Marvel mua lại Fleer Corporation, với mục đích chính là để sản xuất thẻ bài, và không lâu sau đó lập nên Marvel Studios, tập trung vào các dự án phim và TV. Avi Arad trở thành trưởng bộ phận này vào năm 1993, và đạt được nhiều bước tiến quan trọng kể từ năm 1998 sau thành công của bộ phim Blade.

Năm 1997, sau nhiều vấn đề pháp lý xảy ra, quyền sở hữu Marvel đã rơi vào tay Issac Perlmutter, giám đốc Toy Biz. Cùng với đối tác kinh doanh Avi Arad, chủ báo Bill Jemas và tổng biên tập Bob Harras, Perlmutter đã giúp khôi phục hoạt động sản xuất comic của công ty.

Tổng quan, thập niên 90 là thời kỳ mà các công ty comic chủ yếu lợi dụng nhiều chiêu trò để thúc đẩy doanh số, như biến thể trang bìa, crossover vô tội vạ, đảo lộn dòng thực tại, thậm chí phát hành cả những số … áo tắm đặc biệt! Năm 1996, Marvel gần như tập hợp tất cả các nhân vật của mình trong sự kiện Onslaught Saga, một crossover cho phép Marvel tái khởi động lại nhiều cái tên đình đám của công ty như The Avengers và Fantastic Four trong vũ trụ Heroes Reborn. Thời gian đầu doanh số có vẻ tăng lên, song rất nhanh chóng giảm mạnh, xuống dưới cả mức mong đợi, và Marvel phải ngưng cuộc thử nghiệm này lại chỉ sau một năm, các nhân vật được đưa trở lại Marvel Universe.

Năm 1998, công ty xuất bản dòng comic Marvel Knights với những nhân vật “góc cạnh” và tăm tối hơn như những Inhumans, Black Panther và Daredevil. Được chỉ đạo bởi Joe Quesada (người sắp trở thành tổng biên tập vào thời điểm đó), dòng comic này đã đạt được nhiều thành công lớn.

Thế kỷ 21

Bước vào thời đại mới, Marvel Comics đã thoát khỏi thảm cảnh phá sản và lại một lần nữa tiến hành đa dạng hóa sản phẩm của mình. Năm 2001, Marvel rút khỏi Đạo luật Thẩm quyền Comic và thành lập Hệ thống Đánh giá Marvel cho comic của riêng mình. Công ty cũng tạo nên những ấn phẩm mới, như MAX, dòng comic dành cho người đọc trưởng thành, và Marvel Age hướng đến nhóm độc giả nhỏ tuổi hơn, bao gồm cả trẻ em.

Ngoài ra ấn phẩm thành công nhất của họ là Ultimate Marvel, dòng comic này cho phép họ tái khởi động lại nhiều series nổi tiếng của mình bằng cách biến đổi và cập nhật những nhân vật anh hùng và kẻ ác chính trong đó để giới thiệu tới một thế hệ độc giả mới. Mọi thứ diễn ra trong một vũ trụ song song với thực tại Marvel, cho phép các tác giả tự do thay đổi xuất thân, năng lực, hành vi của các siêu anh hùng, tiếp tục mang đến nội dung mới mẻ mà không phải thay thế thực tại sẵn có. Đây cũng là hướng đi đại chúng hơn, thu hút bộ phận khán giả mới chưa biết nhiều tới comic mà chỉ tìm hiểu qua phim ảnh.

Ngày nay, Marvel vẫn là nhà xuất bản hàng đầu trong ngành comic, mặc dù ngành công nghiệp này đã bị “teo nhỏ” chỉ bằng một phần so với vài thập kỷ trước. Song tại Hollywood, Marvel giờ đây đã trở thành một thế lực lớn. Từ thành công mở màn của Iron Man (2008), Marvel đã liên tiếp tung ra nhiều “bom tấn” trên màn ảnh rộng với các series phim về Captain America, Thor, The Avengers, công phá phòng vé trên toàn thế giới, thu về hàng tỷ USD.

Theo Comics Background Information

5 bài học cuộc sống từ các siêu ác nhân trong phim hay comic