Tổng hợp những vụ kiện cáo lùm xùm nhất trong lịch sử làng game

Nga0Du  - Theo Helino | 06/04/2018 11:30 PM

Trong lịch sử ngành game, đã có nhiều vụ lùm xùm liên quan đến đạo nhái hay bản quyền trí tuệ.

1) Blizzard kiện Valve về tên gọi “DOTA”

Như chúng ta đều biết, Blizzard là cha đẻ tạo ra game chiến thuật huyền thoại Warcraft III. Sau đó, nhờ công cụ World Editor mà một người nào đó đã tạo ra bản mod tuyệt vời, thứ mà giờ đây chúng ta gọi là DotA. Và đến năm 2011, Valve quyết định tạo ra một trò chơi dựa trên bộ khung của siêu phẩm cũ rồi đặt cho nó cái tên rất thân thuộc - DOTA 2. Nhờ có được nền móng tốt (sự thành công của DotA), DOTA 2 nhanh chóng thu hút được một lượng lớn sự quan tâm của cộng đồng eSport thế giới.

Nhưng cũng từ đây, một màn tranh cãi nảy lửa đã diễn ra. Blizzard nhất quyết không chịu ngồi yên nhìn đối thủ vượt mặt. Hãng này đã cố gắng đệ đơn lên Văn phòng bằng sáng chế và Thương hiệu Mỹ nhằm tước quyền sử dụng thương hiệu DotA của Valve. Hồ sơ khởi kiện của Blizzard nộp ngày 16/11/2011 có hơn 26 điều kéo dài 12 trang nhằm ngăn chặn Valve được cấp quyền sử dụng cái tên DotA (hay Defense of the Ancients, DOTA, Dota...). Valve cũng đã có văn bản phản bác vào ngày 22/12/2011, theo đó phủ nhận gần như toàn bộ các luận điểm của Blizzard.

Cuối cùng, phần thắng của vụ kiện này đã nghiêng về Valve khi họ vẫn được toàn quyền sử dụng cái tên DOTA 2.

2) Blizzard và Valve khởi kiện Đao Tháp Truyền Kỳ

Sau khi “đánh nhau sứt đầu mẻ trán” vì cái DOTA, Blizzard và Valve lại bất ngờ sát cánh với nhau trong một vụ kiện khác liên quan đến thương hiệu này. Cụ thể, vào tháng 5/2015, cả hai nhà phát hành lớn trên đã liên kết với nhau để đâm đơn kiện hai đơn vị sản xuất game Trung Quốc là Lilith Games và Longtu Game vì một tựa game mobile có tên Đao Tháp Truyền Kỳ.

Đại diện của Valve và Blizzard cho rằng, Lilith Games và Longtu Game đã có hình vi vi phạm pháp luật về thương hiệu, tác giả, cạnh tranh không lành mạnh, yêu cầu chấm dứt ngay lập tức, và bồi thường 31 triệu nhân dân tệ (hơn 100 tỷ VNĐ). Kết quả của vụ kiện này là phần thắng nghiêng về hai ông lớn đến từ phương Tây.

3) Ngôi sao điện ảnh Lindsay Lohan kiện GTA V ăn cắp bản quyền hình ảnh

Rắc rối bắt đầu từ thời điểm tháng 12/2013, 3 tháng sau khi GTA V chính thức ra mắt trên các hệ máy console. "Nữ hoàng rắc rối" của Hollywood cho rằng Rockstar Games đã sử dụng hình ảnh của mình một cách trái phép trên bìa đĩa với cô gái mặc bikini đỏ cùng động tác giơ ngón tay chữ V "đặc trưng" của Linsday Lohan. Trong khi đó nhân vật này theo Rockstar Games cho biết được lấy cảm hứng từ người mẫu Shelby Welinder.

Kéo dài trong suốt 3 năm sau đó, cuối cùng vụ kiện tụng xoay quanh ngôi sao giải trí một thời Lindsay Lohan và tựa game bom tấn GTA V đã kết thúc với phần thắng nghiêng về Take Two (hãng phát hành GTA V) và Rockstar Games. Phán quyết cuối cùng của tòa án thành phố New York cho rằng những bằng chứng mà Lohan cùng luật sư đưa ra để đòi Take Two bồi thường là không đủ cơ sở.

4) PUBG đâm đơn kiện Rules of Survival lên tòa án Mỹ

Mới đây, PUBG Corporation đã chính thức đâm đơn kiện về việc vi phạm bản quyền đối với 2 tựa game di động của NetEase là Knives Out và Rules of Survival lên tòa án Mỹ. Lần lượt, 3 nội dung khiếu kiện từ phía PUBG Corporation tới Knives Out và Rules of Survival lần lượt là vi phạm bản quyền, vi phạm hình ảnh tổng thể và cạnh tranh không công bằng.

Trên thực tế thì đây cũng là lần đầu tiên PUBG Corporation tiến hành tuyên chiến với các tựa game có nội dung sao chép PUBG, mà cái tên Rules of Survival có thể xem là "nạn nhân" đầu tiên. Tất nhiên, trước việc PUBG Mobile mới được ra mắt thì hành động này cũng là điều dễ hiểu từ phía PUBG Corporation để nhằm cạnh tranh với những tựa game "clone" này.

Tuy nhiên thì đây mới chỉ là đơn kiện một phía từ PUBG Corporation tới Rules of Survival, tòa án Mỹ chưa đưa ra phán xét cuối cùng. Chính vì vậy, ở thời điểm hiện tại thì game thủ Việt có thể chưa phải lo lắng nhiều về hoạt động của Rules of Survival.