Tôi đã từng cố chơi bài Yu-gi-Oh ngoài đời thực và khổ sở như thế nào

Kandy K  - Theo Trí Thức Trẻ | 12/09/2016 05:43 PM

Hẳn là đã từng có nhiều độc giả hâm mộ tựa manga Yu-gi-Oh cố tìm cách chơi thử bài quái vật ngoài đời thực và gặp nhiều tình huống dở khóc dở cười như tôi.

Yu-Gi-Oh! Nhắc đến cái tên này thì có lẽ đa phần độc giả nam giới thuộc thế hệ 8x và 9x đời đầu ai cũng phải à lên một tiếng bởi đây là tựa truyện tranh từng gắn bó với tuổi thơ của chúng ta gần 20 năm nay. Yu-Gi-Oh không chỉ thành công trong lĩnh vực truyện tranh mà tựa manga này còn là nguồn cảm hứng để tạo nên rất nhiều phiên bản game đấu bài quái vật khác nhau ngoài đời thực.

Và nhắc đến những tựa game đấu bài quái vật này, bất giác tôi lại nhớ tới những ngày thơ ấu khi cùng chúng bạn vì quá mê Yu-Gi-Oh mà đã thử tìm cách làm ra những bộ bài hay đi mua bài quái vật ở cửa hàng để chơi để rồi lâm vào những tình huống dở khóc dở cười.

Tất nhiên, như tiêu đề đã nói, quá trình chơi bài Yu-Gi của chúng tôi khá bi bài bởi vào thời điểm năm 1998-1999 khi đó thì truyện mới bước sang giai đoạn đấu bài quái vật sau khi anh chàng Yu-gi của chúng ta trải qua rất nhiều trò chơi tử vong khác.

Tôi còn nhớ là lúc đó luật chơi vô cùng đơn giản, đó là người chơi cứ thế bốc lên một quân bài và gọi quái vật lên trên bàn theo hai dạng: "Công" hoặc "Thủ". Người chơi sẽ có thể điều các quái vật ở thế tấn công đánh quái vật đối phương, tất nhiên là quái vật nào có điểm Tấn Công cao hơn sẽ thắng và chênh lệnh hai điểm này sẽ trừ vào điểm gốc của người thua. Quái vật ở thế thủ thì khi bị giết cũng sẽ không khiến người chơi bị trừ điểm gốc.


Có ai còn nhớ thời kì đầu điểm gốc của trò chơi đánh bài quái vật chỉ là 2,000 không nhỉ?

Có ai còn nhớ thời kì đầu điểm gốc của trò chơi đánh bài quái vật chỉ là 2,000 không nhỉ?

Lúc đó, vì quá ham mê và yêu thích trò chơi này mà chúng tôi đã phải dùng giấy bìa, cố gắng vẽ lại hình ảnh từng quân bài mà mình từng đọc trên truyện (tất nhiên là vẽ rất xấu rồi). Đứa nào nhà có điều kiện, bố mẹ chiều chuộng thì có thể mua hẳn những bộ bài in hình đẹp đẽ ở các cửa hàng gần cổng trường để đấu với nhau.

Những trận đấu bài ban đầu khiến chúng tôi rất hào hứng bởi đứa nào cũng có cảm giác như mình là Yu-Gi thật vậy. Có thằng còn máu chiến đến mức làm hẳn một cái kim tự tháp bằng giấy bìa và đeo lên cổ để cho có tinh thần mà... rút bài.

Thế nhưng, càng chơi thì chúng tôi lại càng nhận ra được rằng luật chơi của trò đấu bài ma thuật này lúc đầu khi mà nó chưa được dựng thành game thật sự có quá nhiều lỗ hổng và gây nên nhiều câu chuyện bi hài mà tôi còn nhớ mãi cho tới tận ngày nay.

Cuộc chiến của những con rồng trắng mắt xanh.

Đầu tiên phải kể đến chính là việc bạn có thể gọi các quái vật cấp cao như kiểu rồng trắng mắt xanh, rồng đen mắt đỏ chỉ trong 1 lượt đi. Tức là bạn bốc được rồng trắng mắt xanh, bạn ném nó xuống thế là có ngay 1 con rồng trắng mắt xanh trên bàn. Thằng bạn tôi lúc đó láu cá đã nghĩ ngay tới chiến thuật vẽ một lúc tới... 40 con bài rồng trắng mắt xanh và như vậy khi nó bốc bài lên thì con nào cũng là rồng trắng mắt xanh. (Quái vật được coi là mạnh nhất ở thời điểm đầu của truyện Yu-Gi.

Ngay trong lượt đầu tiên, "ông tướng" đó đã gọi được một lúc tới 5 con rồng trắng mắt xanh trên bàn và cứ mỗi lần rút bài là lại có thêm 1 con rồng trắng mắt xanh nữa được ném ra... Vậy sao chơi... Đám trẻ con cả xóm của tôi lúc này đã chuyển từ việc ngồi vẽ lại các con bài khác thành việc vẽ lại rồng trắng mắt xanh, người người có rồng trắng mắt xanh, nhà nhà có rồng trắng mắt xanh.


Thời đó Rồng Trắng Mắt Xanh có thể gọi chỉ trong 1 nốt nhạc miễn là bạn bốc được nó mà thôi.

Thời đó Rồng Trắng Mắt Xanh có thể gọi chỉ trong 1 nốt nhạc miễn là bạn bốc được nó mà thôi.

Rồng nhiều như gà con, nhiều đến mức chúng tôi phải ra luật là chỉ chấp nhận những quân bài rồng trắng mắt xanh... được mua ngoài hàng hoặc những con bài được vẽ... đẹp. Vẽ xấu thì coi như không tính. Nhưng nhìn chung thì bài lúc đó toàn rồng trắng mắt xanh.

Luật này sau vào game đã được đổi lại, đó là để gọi những quái vật cấp cao, bạn sẽ phải hi sinh những quái vật cấp thấp trên bàn làm vật tế. Như vậy tức là nếu có quái khỏe như Rồng trắng mắt xanh thì cũng phải gọi ra vài con quái khác và giữ cho chúng nó sống đã thì mới gọi được Rồng lên. Thật là may mắn làm sao.

Vị thần sức mạnh lên ngôi!

Đến sau đó vài ngày, cả đám nghĩ ra được một chiêu trò mới, dựa vào lỗ hổng của trò chơi này trên phiên bản truyện tranh. Đó là việc người chơi chỉ bị trừ điểm gốc khi quái của anh ta ở thế tấn công và bị quái vật đối phương giết chết.

Nếu vậy thì... bạn nghĩ sao khi bạn tung ra được Rồng trắng mắt xanh vô địch (ở thời đó thôi nhé) và thằng chơi cùng bạn nó đánh theo kiểu ra vài con quái "cùi cùi", chỉ ở thế thủ. Bạn có giết mấy con quái đó thì đứa bạn chơi cùng với bạn cũng chẳng bị trừ tí điểm gốc nào cả. Như thế thì... có đánh mãi nó cũng không bị hết điểm gốc.


Chiến thuật không ra bài chỉ ngồi bốc chờ Thần Sức Mạnh của một thời trẻ trâu

Chiến thuật không ra bài chỉ ngồi bốc chờ Thần Sức Mạnh của một thời "trẻ trâu"

Thậm chí có đứa còn nghĩ ra một kiểu "chơi lầy" hơn nữa đó là nó còn chẳng thèm ra quái vật nào nữa luôn. không có quái trên bàn thì bạn tấn công ai? Không tấn công được thì trừ điểm gốc như thế nào? Và đến lúc này thì chiến thuật phổ biến nhất lên ngôi là... chẳng cần phải ra quân bài nào hết. Tôi cứ ngồi bốc bài, bao giờ ra được đủ 5 lá thần sức mạnh rồi tung ra là thắng...

Vậy mà cái chiến thuật này lại cũng dễ dàng bị counter bởi thằng đối diện nó cũng chơi kiểu chẳng thèm ra bài. Thế là dù thần sức mạnh được tung ra cũng chẳng có quái vật nào cho ông ta đánh và thế là... hòa cả làng. Trách ai được đây khi mà trong truyện luật là như vậy...

May mắn thay là khi được đưa vào game, người ta đã bổ sung cái luật là khi không còn quái vật trên bàn, bạn có thể đánh thẳng vào điểm gốc của đối phương. Do đó nếu bạn định "chơi lầy" không tung ra con quái vật nào thì đối thủ sẽ đánh thẳng vào điểm gốc và cho chúng về 0 chỉ trong vài lượt mà thôi.

Thời của những con bài chế

Một trong những kỉ niệm khác nữa mà tôi không thể quên với Yu-gi-Oh đó là thời các quân bài chế thi nhau xuất hiện. Những công ty sản xuất đồ chơi thấy rằng họ có thể thoải mái in ra quân bài theo ý mình và như thế thì tội gì không in ra những con bài mà đám trẻ con ai cũng thích?

Đó là gì? Đó là những quân bài có chỉ số công thủ lên tới vài chục nghìn, thậm chí cả hàng triệu triệu luôn cũng được. Đấy là còn chưa kể đến những quân bài theo bộ kiểu như Vị Thần Sức Mạnh cũng được các công ty đồ chơi "nhái lại" triệt để. Hàng loạt những con rồng, những con quái vật được ghép lại từ 9 lá bài khiến cho đám trẻ con chúng tôi phải tranh nhau lùng sục. Còn các bác bán quà vặt ở cổng trường thì theo đó cứ thế tăng giá cho các "bộ bài hiếm" này.

Và những quân bài chế này cứ thế theo chúng tôi trong những cuộc đấu bài quái vật cùng bạn bè mãi cho tới khi trò chơi đấu bài Yu-gi được ra mắt với những luật chặt chẽ hơn được thêm vào. Còn trước đó thì... thật sự bạn sẽ phải bật cười trước những trận đấu bài bằng cái luật đầy lỗ hổng khi mà truyện vừa ra mắt như tôi đã kể ở trên.