Tổ chức Y tế Thế giới chính thức liệt chứng nghiện game trở thành một căn bệnh

TVG  - Theo Helino | 27/05/2019 11:53 PM

194 thành viên của WHO đã đưa ra quyết định này vào ngày hôm nay tại Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 72 diễn ra ở Geneva, Thụy Sĩ.

Tổ chức Y tế Thế giới (gọi tắt là WHO) đã quyết định bổ sung chứng "nghiện game" vào danh sách các bệnh được thế giới công nhận. 194 thành viên của WHO đã đưa ra quyết định này vào ngày hôm nay tại Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 72 diễn ra ở Geneva, Thụy Sĩ.

Tổ chức Y tế Thế giới chính thức liệt chứng nghiện game trở thành một căn bệnh - Ảnh 1.

Cụ thể WHO đã đồng ý áp dụng bản sửa đổi thứ mười một của Phân loại thống kê quốc tế về bệnh và các vấn đề sức khỏe liên quan , còn được gọi là ICD-11. Bản sửa đổi mới này của ICD bao gồm việc coi chứng "nghiện game" chính thức trở thành một căn bệnh và bản sử đổi sẽ được áp dụng trên phạm vi toàn thế giới bởi các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và công ty bảo hiểm từ ngày 1 tháng 1 năm 2022.

Định nghĩa về chứng "nghiện game" của WHO cho rằng, căn bệnh này có đặc điểm gây ra sự suy giảm khả năng kiểm soát đối với việc chơi game, tăng mức độ ưu tiên cho chơi game hơn là các hoạt động khác như sở thích và hoạt động hàng ngày khác. Những người mắc bệnh "nghiện game" sẽ tiếp tục chơi game mặc dù trải qua cuộc sống tiêu cực, không lành mạnh. Nói cách khác, nếu bạn thích chơi game thay vì làm việc hoặc chơi game cả đêm mà không ngủ thì bạn có thể đã mắc phải "căn bệnh" này rồi.

Động thái này của WHO đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối của Hiệp hội Phần mềm Giải trí (Entertainment Software Association) và những công ty "tai to mặt lớn" trong lĩnh vực công nghiệp thể thao điện tử như Blizzard, Riot Games hay cả Epic Games nữa. Những tổ chức này e ngại rằng việc WHO liệt "nghiện game" trở thành một chứng bệnh hoàn toàn có thể ảnh hưởng trực tiếp tới thương hiệu, cũng như doanh số và các đứa con tinh thần của họ như Fortnite, LMHT, Overwatch.

Tổ chức Y tế Thế giới chính thức liệt chứng nghiện game trở thành một căn bệnh - Ảnh 2.

Cũng khó có thể phủ nhận rằng "nghiện game" gây ra rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp tới cuộc sống của nhiều người, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Không chỉ làm xao lãng việc học, tiêu tốn nhiều thời gian cũng như sức khỏe, chứng nghiện game còn làm giảm đi những tương tác, hoạt động bên ngoài của con trẻ và khiến chúng dần trở nên cách ly, biệt lập với xã hội và hoàn toàn có thể trở thành nguyên nhân dẫn tới nhiều căn bệnh tâm lý khác. Bản thân WHO cũng tỏ ra khá nghiêm túc về vấn đề này, cho nên họ đã liệt chứng "nghiện game" trở thành một căn bệnh được công nhận trên toàn thế giới.

Thế nhưng, đây chắc chắn cũng là một tin không vui dành cho các game thủ, khi mà với việc "nghiện game" có thể bị xếp vào một căn bệnh khó điều trị, sẽ là hoàn toàn có cơ sở để áp dụng những điều luât nhằm hạn chế thời gian chơi game cũng như giảm thiểu khả năng và tác động của căn bệnh này tới giới trẻ hiện thời.