Tổ chức Giải đấu giao hữu quốc tế PUBG Mobile tại Việt Nam, Facebook Gaming là ai?

Kaido  - Theo Helino | 15/06/2019 02:25 PM

PUBG Mobile VNG
28/11/2018 NCB: Tencent NPH:

Diễn ra tại Việt Nam vào tối 15 – 16/6/2019, Giải đấu PUBG Mobile International Showmatch do Facebook Gaming Creators đứng ra tổ chức và đang quảng bá rầm rộ trên mạng xã hội Facebook. Hiện tại, sự kiện này đang có bảo trợ truyền thông từ OTA Network.


Tổ chức Giải đấu giao hữu quốc tế PUBG Mobile tại Việt Nam, Facebook Gaming là ai? - Ảnh 1.

Theo thông tin ghi nhận từ chính fanpage của OTA Network, giải đấu sẽ có sự tranh tài của các nhà sáng tạo nội dung và streamer trên nền tảng Facebook Gaming đến từ 5 quốc gia: Việt Nam - Thái Lan - Malaysia - Indonesia – Philippine (thi đấu ở tựa game PUBG Mobile Global của Tencent).Giải đấu sẽ được tường thuật trực tiếp trên fanpage của các Creator và fanpage OTA Network.

Tổ chức Giải đấu giao hữu quốc tế PUBG Mobile tại Việt Nam, Facebook Gaming là ai? - Ảnh 2.

Trong sáng nay, công ty VNG – nhà phát hành chính tựa game PUBG Mobile tại thị trường Việt Nam cho biết hoàn toàn không hề nhận được thông tin về sự kiện đang diễn ra. Điều đó đồng nghĩa, đây là một sự kiện được tổ chức trái pháp luật vì khi nhà phát hành cũng không hề hay biết thì sẽ chẳng có bất cứ đơn vị nào đứng ra chịu trách nhiệm cho việc xin cấp phép tổ chức sự kiện.

Một loạt câu hỏi lớn được đặt ra là: Facebook Gaming là đơn vị nào mà có thể tự do hoạt động kinh doanh, tổ chức giải đấu game tại Việt Nam? Facebook Gaming cho rằng họ không có trụ sở tại Việt Nam thì không chịu ràng buộc bởi pháp luật Việt Nam? Việc tổ chức những sự kiện như thế này có đang vi phạm bản quyền hình ảnh sản phẩm PUBG Mobile tại Việt Nam mà VNG đang nắm giữ?

Facebook Gaming là ai?

Tổ chức Giải đấu giao hữu quốc tế PUBG Mobile tại Việt Nam, Facebook Gaming là ai? - Ảnh 3.

Facebook Gaming Creators là dịch vụ dành cho streamer. Khi tham gia, họ sẽ được Facebook trả tiền để livestream các trò chơi trên chính nền tảng mạng xã hội này. Họ cũng sẽ hưởng lợi nhờ tiền donate (ủng hộ) từ những khán giả – những người xem stream, như là một phần trong những phương án kiếm tiền cho các streamer. Dịch vụ này được Facebook thử nghiệm trong tháng 06/2018 tại một số quốc gia. Đây được xem mảng kinh doanh đối đầu trực tiếp của Facebook với các dịch vụ livestream khác như Youtube hay Twitch.

Tuy nhiên, với việc Facebook chưa có pháp nhân tại Việt Nam thì hiển nhiên, Facebook Gaming Creators cũng tương tự như vậy. Chưa bàn về tính pháp lý của dịch vụ Facebook Gaming Creators khi ngang nhiên hoạt động kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam trong lĩnh vực game – một lĩnh vực kinh doanh có điều kiện theo luật pháp Việt Nam, mà chỉ riêng việc tổ chức giải đấu game khi chưa được cấp giấy phép đã là vi phạm pháp luật.

Có thật sự là giải đấu giao hữu phi lợi nhuận?

Theo thông tin trên fanpage OTA Network, giải đấu PUBG Mobile của Facebook là “sự kiện được tổ chức hoàn toàn phi lợi nhuận”. Nhưng thực chất, khi phát sóng trên fanpage của các Streamer và OTA Network, Facebook hoàn toàn có thể thu được rất nhiều lợi nhuận từ những người ủng hộ cho thần tượng của họ qua hình thức tặng sao. Để có sao, những người dùng Facebook sẽ phải trả các khoản tiền thật để mua. Theo bảng giá quy đổi, để có 95 sao, người dùng sẽ phải trả 45.000 đồng (1,99USD), 250 sao giá 109.000 đồng (4,99USD), 530 sao giá 219.000 đồng (9,99USD), hoặc 6.400 sao với giá hơn 2 triệu đồng (99,99USD),...Vậy phải chăng Facebook đang dùng chính chiêu bài phi lợi nhuận để làm bình phong che mắt cho hoạt động kinh doanh thu phí của mình?

Tổ chức Giải đấu giao hữu quốc tế PUBG Mobile tại Việt Nam, Facebook Gaming là ai? - Ảnh 4.

Hình thức mua sao ủng hộ của Facebook Gaming

Phải chăng đã “quá đơn giản” để luồn lách pháp luật Việt Nam? Đây chính là hồi chuông đáng báo động cho tình trạng nhiều công ty, tổ chức nước ngoài tự ý tổ chức các giải đấu game không phép, kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam mà không chịu bất kỳ ràng buộc nào về thuần phong mỹ tục, điều kiện pháp lý. Bên cạnh đó còn gây ra tình trạng thất thu thuế, khó quản lý đối với các dịch vụ xuyên biên giới đối với nhà nước.

Từ đó, cũng sẽ tạo tiền lệ xấu cho việc “xé rào lách luật” khi các đơn vị không phát hành chính thức được tự do, ngang nhiên tổ chức các giải đấu lậu mà không cần xin cấp phép, phê duyệt kịch bản nội dung của tựa game từ Bộ Thông tin và truyền thông. Và khi sự việc 21 nhãn hàng bị Youtube phân phối quảng cáo trên những kênh có nội dung độc hại chưa kịp lắng xuống thì một công ty xuyên biên giới như Facebook tổ chức những sự kiện như trên đặt ra những bài toán hóc búa cho các cơ quản quản lý nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam.

Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa tin về sự việc này.