[Tiểu sử] Nhìn lại 15 năm Xbox - Kẻ thù truyền kiếp của PlayStation

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 17/11/2016 01:54 AM

Dù để thua trước PS2, nhưng Xbox là viên gạch nền móng không thể nào thiếu để những cỗ máy chơi game của Microsoft có được thành công như ngày hôm nay.

Đúng ngày này 15 năm về trước, Xbox, đứa con cưng của Microsoft đã chính thức được bán ra tại thị trường Mỹ. Vào thời bấy giờ, khi Dreamcast chỉ mới ra mắt chưa đầy 3 năm nhưng đã bị ruồng bỏ vì đi trước thời đại quá xa, nhà làm game không kịp làm quen, cùng với sức hút của PlayStation 2 đang rất mạnh ra mắt tròn 1 năm trước đó, Microsoft đang từ ông lớn xứ Redmond bỗng chốc trở thành một chú lính chì không hơn không kém trước cuộc chiến với hai cỗ máy đến từ Nhật Bản nhưng đang chiếm được cảm tình của rất nhiều game thủ trên toàn thế giới: Sony PlayStation 2 và Nintendo GameCube.

Vào thời điểm đó, không gì ngăn cản nổi PlayStation 2. Bản thân chiến lược nói không với những tựa game bạo lực sau những lùm xùm đầu thập niên 90 với chính phủ Mỹ (đó sẽ là câu chuyện mà tôi gửi tới các bạn trong thời gian tới) đã biến Nintendo trở thành một cái tên gắn liền với những tựa game thân thiện với trẻ em, lung linh rực rỡ đủ sắc màu. Còn PlayStation 2 với chiến lược tập trung tạo ra những siêu phẩm game độc quyền thời bấy giờ, cũng như hợp tác với các hãng game Nhật Bản để tung ra những game nhập vai JRPG mà giờ đây đã trở thành huyền thoại.

Final Fantasy X, X-II, Kingdom Hearts, God of War, Okami, Persona,... Rất nhiều những siêu phẩm đã đi theo game thủ Việt chúng ta qua những năm đầu thập niên 2000 đều là những game độc quyền cho PlayStation 2, những hệ máy khác không thể nào có được. Giờ đây ngay cả khi có giả lập PS2 trên máy tính thì nhiều người vẫn thích cảm giác được cầm Dualshock 2 lên và dán mắt vào màn hình trên những chiếc máy đã phủ bụi thời gian.

Vậy bên cạnh việc ra mắt sớm cũng như giữ sức hút của thương hiệu PlayStation, điều gì đã khiến Sony thành công? Đó chính là việc làm việc cùng những hãng game nội địa để tạo ra một trong những thư viện game đồ sộ bậc nhất lịch sử, cùng với đó là đầu tư cho các hãng game con cưng, những studio rất mạnh như Santa Monica Studio, Konami Computer Entertainment Japan, Guerrila Games hay Polyphony Digital. Xbox của Microsoft cũng làm điều tương tự, nhưng ở một quy mô thấp hơn khá nhiều.

Bản thân tôi đã có may mắn được sở hữu một chiếc máy Xbox vào hồi năm 2004, một món quà của gia đình sau khi thi đỗ vào cấp 3. Khi đó có cả Xbox lẫn PS2, tôi không thiếu thời gian đắm mình vào những tựa game tuyệt vời trên cả hai hệ máy (lý do dẫn tới điểm thấp lẹt đẹt). Trong khi PS2 có quá nhiều game JRPG hay, thì Xbox lại bừng sáng với những game bắn súng tuyệt hay mà nổi bật hơn cả chính là Halo 1 và 2, hay những game hành động kinh điển như Jet Set Radio Future, Jade Empire hay ấn tượng nhất trong mắt tôi chính là Ninja Gaiden, tựa game mà phải đến thế hệ sau của PlayStation là PS3 mới có thể được remake.

Xbox Boot Up

Lý do là gì? Giờ đây so sánh cấu hình của Xbox và PS2, chúng ta sẽ thấy khá khập khiễng. Chiếc máy của Sony sở hữu CPU Emotion Engine, 299 MHz, 32MB RAM và GPU 147 MHz.

Trong khi đó, Xbox giống như một chiếc máy tính cấu hình cực mạnh thời bấy giờ: Pentium III Coppermine 733 MHz, 64MB RAM và chip đồ họa Nvidia NV2A 233 MHz. Ấy là chưa kể, Xbox là cỗ máy chơi game đầu tiên có HDD 10GB, thứ mà sau này PS3 phải học tập và đưa vào thiết kế của máy. Nếu bạn thấy đó còn là yếu, thì cần nhắc lại rằng vào năm 2001, những cỗ máy tính khủng nhất chỉ có RAM 256MB mà thôi!

Về mặt lý thuyết, với việc sử dụng nền tảng x86 và thậm chí hệ điều hành còn là Windows 2000 được chỉnh sửa, Xbox là cỗ máy thân thiện nhất với cộng đồng nhà phát triển game. Cấu hình của nó quá khủng khiếp, chẳng thua kém gì những cỗ máy tính cá nhân những năm 2000 cả. Đó cũng chính là lúc nhiều game cực hay có cơ hội đặt chân lên nền tảng console, trong khi PS2 thì không thể so sánh nếu xét về sức mạnh phần cứng.

Tay cầm “béo ị” mang tên Controller S của Xbox cũng ghi điểm trong mắt tôi khi chơi những game bắn súng so sánh với tay cầm Dualshock 2, vốn được người Việt chuộng vì quá quen với tay cầm PS1. Controller S rất ôm tay, và thậm chí có cả cò trigger để chơi game đua xe và bắn súng thoải mái hơn, điều mà DualShock 2 không thể có được. Trên tay cầm thậm chí có cả slot cắm thẻ nhớ để mang save data sang nhà bạn bè chơi game, nhưng hồi đó ai cũng có PS2 nên Xbox ở nhà tôi lạc lõng đến đáng sợ.

Bản thân chính những gì Microsoft làm với Xbox, xây dựng một cộng đồng những studio phát triển game mạnh như BioWare, Turn 10, 343 Industries, Microsoft Vancouver hay Rare đã tiếp bước để Xbox 360 có được bước chạy đà quá ấn tượng với Halo 3, Gears of War, Mass Effect (phần 1 của tựa game do Bioware phát triển chỉ dành cho Xbox 360 và Windows chứ không có bản PS3).

Xét về doanh thu, Xbox thua thê thảm khi PS2 “đã trở thành huyền thoại” với hơn 150 triệu máy bán ra, còn Xbox chỉ có được vỏn vẹn 24 triệu máy. Thế nhưng trong cuộc đua đó, Xbox đã kịp đứng trên cả GameCube và Dreamcast và giúp Microsoft có được tự tin tiếp tục tung ra Xbox 360, cỗ máy đã chiến thắng PS3 nhờ vào chính chiến lược game độc quyền và nội dung số đã làm nên thành công cho PS2, và cả… Call of Duty nữa.

Không có Xbox, thì cũng chẳng có hệ thống Xbox Live tạo ra sân chơi multiplayer cho hàng triệu game thủ, cũng chẳng có được nền tảng ấn tượng để sau này Call of Duty: Modern Warfare bùng nổ vào năm 2007, không có cộng đồng eSports cực mạnh ở Bắc Mỹ và châu Âu, nơi rất nhiều game thủ hâm mộ series game bắn súng này sinh sống. Nói tóm lại, dù để thua trước PS2, nhưng Xbox là viên gạch nền móng không thể nào thiếu để những cỗ máy chơi game của Microsoft có được thành công như ngày hôm nay.

Quay lại với tôi. Chiếc máy Xbox màu trong suốt giờ này đã rụng cả phần nhựa che ổ đĩa, nút nguồn bật 4 lần mới được 1 lần, nút nhả đĩa thì còn chẳng hoạt động, phải thò tay vào đẩy bánh răng ở sâu bên trong để ép khay đĩa đẩy ra, nhưng bật Need For Speed: Most Wanted và Burnout Revenge vốn vẫn còn data trong HDD lên, game vẫn chạy trơn tru đến tuyệt vời. Có lẽ phải dạo vài vòng trong game trước khi cất nó vào kho, vì “chú bé” vừa nặng vừa cồng kềnh, để đây vài hôm nữa chắc sẽ bị phàn nàn mất!