Tổng quan ngành công nghiệp game mobile toàn cầu năm 2015 (P2)

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 27/05/2015 0:00 AM

Nối theo kỳ trước, chúng ta tiếp tục đến với những thông tin chi tiết trong bản báo cáo "Sách trắng ngành công nghiệp game mobile toàn cầu 2015".

Nối theo kỳ trước, chúng ta tiếp tục đến với những thông tin chi tiết trong bản báo cáo "Sách trắng ngành công nghiệp game mobile toàn cầu 2015" được sản xuất bởi cơ sở nghiên cứu Newzoo, kết hợp sự hỗ trợ của TalkingData, trong khuôn khổ sự kiện Global Mobile Game Confederation 2015 (GMGC 2015).

2. Thị trường mobile Trung Quốc

*Sẵn sàng trở thành số 1 thế giới

Thị trường mobile Trung Quốc đang có bước đà phát triển nhảy vọt chưa từng có, và chỉ trong khoảng thời gian 1 năm tới sẽ trở thành thị trường game mobile lớn nhất thế giới. Những nhà phát triển có tham vọng thành công tại đây sẽ cần phải hiểu biết chắc chắn về môi trường phân phối ứng dụng độc đáo cũng như thông tin chi tiết về sở thích, thói quen và hành vi của các gamer mobile Trung Quốc.

Lợi nhuận tại Trung Quốc tăng gấp đôi tính đến năm 2017

Thị trường game mobile Trung Quốc được dự đoán sẽ vượt qua Mỹ, trở thành thị trường lớn nhất thế giới năm 2016 với tổng lợi nhuận lên tới 7,7 tỷ USD. Năm nay, lợi nhuận smartphonetablet sẽ đạt mức dự tính là 3,8 tỷ USD và 2,4 tỷ USD. Sự tăng trưởng này được chi phối bởi lượng người dùng smartphone ngày càng tăng, bên cạnh đó lượng người chơi trả phí cũng nhiều hơn do kinh tế chung phát triển. Trong năm 2014, có tổng số 383 triệu người chơi game mobile tại Trung Quốc, so với 137 triệu tại Mỹ. Con số này được dự tính sẽ tăng lên 475 triệu và 157 triệu trong vòng 3 năm tới.

Sự thâm nhập smartphone chi phối thị trường

Theo HIS, hơn 185,6 triệu chiếc điện thoại di động đã được tiêu thụ ở Trung Quốc trong nửa đầu năm 2014, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2013, và trong đó có hơn 90% là smartphone. Tới cuối năm 2014, số lượng đăng ký dịch vụ liên lạc di động đã tăng lên 1,29 tỷ, tương đương 94,5 máy/ 100 người. Trong số 1,29 tỷ người dùng này, khoảng 485 triệu là người dùng 3G và 97 triệu người dùng 4G. Trung Quốc vẫn duy trì vị thế dẫn đầu với 807 triệu người dùng di động vào cuối năm 2014.

*Hệ sinh thái mobile

Các hệ điều hành và ứng dụng tốn thời gian

Mặc dù hệ điều hành Android vẫn chiếm 2/3 thị trường mobile Trung Quốc, nhưng iOS đang dần đần thu hẹp khoảng cách. Sự khúc đoạn và cạnh tranh bên trong thị trường Android khiến Apple trở thành thương hiệu hàng đầu về phân phối, nó bỏ xa mọi thương hiệu của Android, với thị phần gấp đôi đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Samsung.

Apple là thương hiệu hàng đầu

iOS tiếp tục dần dần thu hẹp khoảng cách với Android trên phương diện hệ điều hành được sử dụng nhiều nhất tại Trung Quốc. 1/3 tất cả các thiết bị mobile đang hoạt động trong tháng 2/2015 là iOS, tăng từ 28% so với tháng 1/2014. Điều này khiến Apple trở thành thương hiệu mobile được sử dụng nhiều nhất tại Trung Quốc, tiếp theo là Samsung và Xiaomi. Trong số các thiết bị iOS được sử dụng, iPhone 5S sở hữu thị phần lớn nhất, song sự tiếp nhận mạnh mẽ iPhone 6 cho thấy người Trung Quốc đang ưa chuộng những màn hình có kích thước lớn hơn.

Người dùng những ứng dụng game hoạt động tích cực nhất

Người dùng mobile Trung Quốc dành trung bình 35 phút/ngày cho những ứng dụng game, và đây là thời gian lâu nhất với được dành cho bất kỳ hạng mục nào. Người dùng ứng dụng tin nhắn dành khoảng 18 phút/ngày còn những ứng dụng đọc được dùng trung bình 10 phút/ngày. Những ứng dụng tài chính và định vị được sử dụng ít nhất với thời lượng trung bình 5 phút/ngày.

*Gamer Trung Quốc

Những thể loại game hiện hành & Tổng quan thành phần người chơi

Game thẻ bài là thể loại phổ biến nhất đối với các game thủ mobile Trung Quốc, và để phục vụ cho nhu cầu đó, các nhà phát hành đã tung ra tới hơn 2500 game thuộc thể loại này. Phần lớn người Trung Quốc chơi game mobile tập trung ở phía đông của quốc gia này, và nơi lực lượng này đông đảo nhất chính là tỉnh Quảng Đông.

Game thẻ bài thu hút lượng người dùng đông đảo nhất

Game thẻ bài là thể loại phổ biến vượt trội tại Trung Quốc và có mức tăng trưởng nhanh nhất về số lượng game được phát hành, tính tới tháng 2/2015, đã có hơn 2,500 sản phẩm hiện hành cho phép tải về. Bên cạnh đó các game nhập vai cũng rất thịnh hành trên nền tảng mobile nhờ tính chất đặc thù của thị trường Trung Quốc. Người dùng Trung Quốc ưa chuộng những trải nghiệm game mobile gọn nhẹ, đó là lý do khiến game thẻ bài luôn phù hợp với thị trường này, bên cạnh đó tỷ lệ duy trì người chơi của các game thẻ bài cũng cao hơn hẳn so với tất cả các thể loại khác.

Khác biệt trong phân bố địa lý

Người chơi game mobile tập trung xung quanh bờ biển phía đông của Trung Quốc, với mật độ cao nhất là tại Quảng Đông (11,6%), tiếp theo đó là Giang Tô (7,0%) và Chiết Giang (6,7%). Điều thú vị là người dân ở những thành phố bậc 1 khác nhau cho thấy sở thích về các ứng dụng là khác nhau. Người dùng Bắc Kinh có như cầu sử dụng các ứng dụng gọi taxi cao hơn, trong khi đó người dùng Thượng Hải coi trọng những ứng dụng kiểm soát tài chính , người dùng Thâm Quyến thích xem video, còn người dùng Quảng Châu lại khoái chơi game.

*Hành vi In-Game

Số lượng các nhà phát triển và game tiếp tục tăng trưởng

Các gamer Trung Quốc là thành phần khách hàng có giá trị cao nhờ tính tâm huyết và kiên trì với trò chơi mình tham gia. Họ chơi trung bình trên 30 phút mỗi ngày, con số này gấp đôi so với người dùng Mỹ. Duy trì ngày thứ 1 đối với mobile gamer Trung Quốc là 29%, so với 21% tại Mỹ, trong khi đó, duy trì ngày thứ 7 tại hai quốc gia này lại tương đối ngang nhau với 9% (Trung Quốc) và 8% (Mỹ).

Game nhập vai - hình thức thu hút và thương mại hóa tốt nhất

Với trung bình 4,9 lượt chơi mỗi ngày, game nhập vai trở thành thể loại thu hút nhất đối với người dùng iOS, theo sau đó là game chiến thuật và game thẻ bài. Đối với các gamer trên Android, game chiến thuật lại đứng đầu với số lượt chơi tương tự, xếp sau là game thẻ bài và nhập vai.

Xét tỷ lệ trả tiền, game casino đứng đầu bảng xếp hạng iOS với 4,5%, đối với Android thì đó là game nhập vai với 3,9%. Xét trên tất cả các thể loại, tỷ lệ trả tiền của gamer iOS cao hơn Android, một lần nữa chứng minh khả năng thương mại hóa hiệu quả hơn của iOS.

*Top Game Android

Top game hàng đầu về lợi nhuận

Mặc dù top 50 game Android có lợi nhuận cao nhất tại Trung Quốc phần lớn là các tựa game casual, nhưng chính các game mid-core mới là thể loại thống trị những vị trí hàng đầu trên bảng xếp hạng nhờ tính thu hút và lợi nhuận trung bình (ARPU) cao hơn. Vì lý do này, vị thế của Tencent trong top 10 tựa game Android hàng đầu đã giảm trong vài tháng gần đây.

Tencent xảy chân trên thị trường Android

Đây là màn trình diễn đáng thất vọng nhất của Tencent trong sáu tháng trở lại đây với chỉ 2 game trong Top 10, giảm từ 5/10 game trong tháng 12, thậm chí vào tháng 10, họ chiếm tới 7 vị trí trong bảng xếp hạng. Tệ hơn, Tencent còn không có game nào ở trong Top 5. Một phần nguyên nhân dẫn đến vấn đề này là do Tencent thiếu những game thuộc thể loại mid-core như RPG (game nhập vai) và đấu bài. Đây lại là những game có tỷ lệ trả phí, lượt chơi và duy trì người chơi tốt nhất. Tencent cũng đã nhận ra và đang bắt đầu khắc phục vấn đề này với những tựa game mới như game bắn súng We Fire, đứng vị trí thứ 13 trong tháng 2.

Thời gian = Tiền

Như chúng ta đã thấy trước đây, tỷ lệ trả phí cao nhất thuộc về các tựa game thẻ bài và RPG, vậy nên không ngạc nhiên khi mà vị trí số 1 và số 2 lần lượt thuộc hai thể loại này. Xét về sự thống trị tổng thế, phần lớn (20%) game trong top là các tựa RPG với Space Hunter, và Thiên Thiên Huyền Đấu là 2 game thành công nhất. Còn DOTA Legend, đã độc chiếm vị trí số 1 trong vòng 5 tháng liên tục, là một game đấu bài thời gian thực dựa trên Dota 2, tựa game MOBA đình đám của Valve.

Những “người thắng cuộc” phương Tây

Hai nhà phát hành phương Tây có game góp mặt trong top 20 là Mojang với Minecraft ở vị trí thứ 3 và Supercell với Boom Beach (#9) và Clash of Clans (#17). Nhìn xuống phía dưới bảng xếp hạng, chỉ còn PopCap và Gameloft là nhà phát hành phương Tây trong top 50 về lợi nhuận.

*Top cửa hàng ứng dụng Android

Tranh giành vị trí

Một tính chất độc đáo của thị trường Trung Quốc là nhiều ứng dụng có khả năng được “tải về trực tiếp”, từ các trang web mobile và máy chủ PC. Chỉ có 52% ứng dụng được phân phối thông qua những của hàng ứng dụng “truyền thống” vào quý 2/2014, theo nghiên cứu bởi Baidu. Những công ty thống trị hệ sinh thái ứng dụng ở Trung Quốc là những “người khổng lồ” ngành internet nhưBaidu, Tencent và Qihoo.

Các nhà sản xuất di động chiếm thị phần lớn

Mặc dù các cửa hàng ứng dụng độc lập bên thứ 3 đóng vai trò chủ chốt trong việc phân phối ứng dụng, nhưng chính những cửa hàng của các nhà sản xuất di động lại dễ dàng chiếm lĩnh thị trường hơn. Đây là kết quả của doanh số tiêu thụ cao và tỷ lệ thâm nhập thị trường ngày càng tăng của những “ông lớn” như Xiaomi và Huawei. Trong khi đó, Goolge Play gần như không có chỗ đứng tại thị trường Trung Quốc.

Baidu dẫn đầu

Trong số những ứng dụng độc lập bên thứ 3, Baidu dẫn đầu với 41,8% cổ phần thị trường về lượng download trong quý 3/2014 theo nghiên cứu của Analysys/Enfodesk. Con số này là tổng hợp của tất cả các thành viên trong “gia đình Baidu”, bởi lẽ công ty này vận hành nhiều cửa hàng ứng dụng bao gồm Himarket, 91 Zhushou, và Baidu Mobile Assistant, được hỗ trợ bởi engine tìm kiếm Baidu hàng đầu thị trường và trình duyệt mobile Baidu. Xét về thị phần của từng cửa hàng riêng biệt, 360 Mobile Assistant (Qihoo) và My App (Tencent) đang dẫn đầu trong tháng 2/2015 với tỷ lệ cài đặt là 26% và 25%. Baidu Mobile Assistant đứng thứ 3 với 18% và đang gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt đến từ MIUI - cửa hàng ứng dụng của Xiaomi.

(còn tiếp)

 

>>Tổng quan ngành công nghiệp game mobile toàn cầu năm 2015 (P1)