Tổng hợp tin tức thị trường game Châu Á trong năm 2014

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 28/12/2014 0:00 AM

Chúng ta sẽ cùng điểm lại một số tin tức thú vị về thị trường game Châu Á trong năm 2014 với những thông số mới về sức phát triển của khu vực màu mỡ này.

Châu Á sẽ đóng góp 82% vào sự tăng trưởng của ngành game trong năm 2014

Trong những năm gần đây, ngành game thế giới vẫn đang trên đà phát triển không ngừng, nhưng chủ yếu là ở châu Á. Theo báo cáo mới từ công ty nghiên cứu thị trường Newzoo cho thấy, khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ đóng góp tới 82% của 6 tỷ USD tăng trưởng doanh thu game toàn cầu trong năm 2014.

Ngành công nghiệp game được dự tính sẽ tăng trưởng khoảng 8% và đạt 81,5 tỷ USD trong năm nay. Nhờ có tỷ lệ tăng trưởng nhanh hơn, khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ nâng cao thị phần của nó trên thị trường toàn cầu từ 42% lên 45%, đóng góp 36,8 tỷ USD.

Thế giới sẽ có 1,7 tỷ người chơi game trong năm 2014 1

Dự báo doanh thu thị trường game toàn cầu trong năm 2014 theo từng khu vực

Tổng doanh thu theo báo cáo từ Newzoo bao gồm tất cả các phân khúc của game bao gồm PC, game online PC, game xã hội, mobilegame console. Khu vực Mỹ La Tinh dù chỉ mới đại diện cho 4% thị trường toàn cầu, nhưng nó sẽ tăng trưởng 14% và đạt 3,3 tỷ USD trong năm này nhờ có sự thành công của các sản phẩm nội địa và kết nối trực tiếp trong khu vực.

Khu vực Bắc Mỹ sẽ có mức tăng trưởng khiêm tốn lên 22,2 tỷ USD trong năm 2014, chiếm 27% thị trường toàn cầu. Tất cả những khu vực lớn còn lại như châu Âu, Trung Đông và châu Phi sẽ đóng góp khoảng 19,1 tỷ USD, chiếm 24%.

Về phương diện khác, màn hình máy tính sẽ tiếp tục thống trị hình thức mọi người chơi trong năm 2014, chiếm 40% thị trường toàn cầu và tăng 9% so với năm 2013. Xếp thứ 2 là màn hình TV với 29% tổng thị trường và sẽ mang về khoảng 23,4 tỷ USD doanh thu, giảm 1% so với năm trước. Các thiết bị handheld sẽ giảm mạnh 20% trong năm 2014, đối lập với sự tăng trưởng 37% doanh thu ở tablet. Tổng thể phân khúc mobile sẽ tăng 19% trong năm nay và chiếm 27% thị trường toàn cầu với 21,8 tỷ USD.

Thế giới sẽ có 1,7 tỷ người chơi game trong năm 2014 2

Dự báo doanh thu thị trường game toàn cầu trong năm 2014 theo từng màn hình và phân khúc

Game online (MMO) sẽ tăng trưởng 16% doanh thu lên 17,8 tỷ USD, gamer có xu hướng tăng mạnh chi tiêu thêm 2,4 tỷ USD cho game online trong năm 2014 hơn năm 2013. Phân khúc webgame casual và midcore PC/MAC game sẽ có mức tăng trưởng khiêm tốn.

Ngoài ra, báo cáo của Newzoo còn cho biết rằng, thế giới sẽ có khoảng 1,747 tỷ người chơi game trong năm 2014, trong đó phân khúc mobile sẽ chạm ngưỡng 1,2 tỷ người chơi.

Ngành game Châu Á sẽ lớn mạnh tới cỡ nào?

Hình thức game miễn phí (free-to-play) vốn được sinh ra tại châu Á, và cũng thật dễ hiểu tại sao thị trường game ở khu vực này đang có tốc độ phát triển vượt trội đến vậy. Trên thực tế, trong năm 2013 vừa qua thì rất nhiều game online miễn phí đã có doanh thu khủng khiếp lên tới hàng trăm triệu USD, thậm chí gần 1 tỷ USD như sản phẩm CrossFire của SmileGate.

Trong danh sách top 10 game miễn phí năm ngoái thì cũng có tới 5 cái tên đến từ châu Á. Một điểm đáng lưu ý nữa là Tencent, chủ sở hữu phần lớn cổ phần của Riot Games, đã có doanh thu hơn 5,3 tỷ USD từ game trong năm 2013, biến nó trở thành công ty game lớn nhất thế giới, vượt mặt cả Activision Blizzard với 4,8 tỷ USD.

Ngành game châu Á sẽ lớn mạnh tới cỡ nào? 1

Qua đó, chúng ta có thể dễ dàng thấy được rằng châu Á sẽ sớm trở thành ông vua của ngành game. Và trên thực thế thì đúng là như vậy, câu hỏi được đặt ra lúc này là các công ty game châu Á sẽ chiếm lĩnh thị trường đến đâu? Bà Alina Soltys, một nhà phân tích cao cấp của The Corum Group, chỉ ra rằng có tới 9 trên top 10 phi vụ mua bán trong ngành game năm 2013 có chủ mua đến từ Châu Á, so với tỷ lệ 8/10 của năm 2012.

Ngoài ra, dữ liệu từ bản báo cáo thị trường mới từ Newzoo cho thấy rằng châu Á sẽ đóng góp tới 82% vào sự tăng trưởng của ngành game trong năm nay.

Ngành game châu Á sẽ lớn mạnh tới cỡ nào? 2

Dự báo doanh thu thị trường game toàn cầu trong năm 2014 theo từng khu vực

Trung Quốc là phân khúc thị trường có mức tăng trưởng vượt ngoài dự đoán trong năm 2013”, ông Peter Warman, giám đốc của Newzoo, nói. “Khi châu Á tiếp tục phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc và các hình thức kinh doanh cùng thiết bị game ở cả Đông lẫn Tây trở nên liên kết chặt chẽ hơn, thị trường game sẽ chính thức trở thành một sân chơi toàn cầu”.

Tại Mỹ, tổng thể ngành game đã bị sụt 1% trong quý vừa qua, một phần lý do bởi Nintendo đang có bước trượt dài, ngay cả khi Sony và Microsoft đang có bước tăng trưởng nhờ các hệ thống console. Microsoft đang hi vọng mình có thể tăng trưởng nhanh hơn nữa khi chính thức bán Xbox One tại thị trường Trung Quốc trong tháng 9 tới.

Ngành game châu Á sẽ lớn mạnh tới cỡ nào? 3

Còn ở Trung Quốc, nước này đang có khoảng 80,000 nhà phát triển ứng dụng và đang có tần suất ra mắt khoảng 100 game mới mỗi ngày, theo như báo cáo thị trường của GPC. Mặc dù game client PC vẫn đang đóng vai trò đầu tàu và đóng góp tới 64,5% doanh thu, nhưng game mobile đang có tốc độ tăng trưởng cực nhanh, đạt 250% trong năm ngoái và đã đóng góp 13,5% doanh thu cho toàn ngành game Trung Quốc.

Ngoài ra, châu Á cũng là khu vực sôi động nhất với rất nhiều vụ mua bán và sát nhập được đến từ các công ty châu Á như Nexon, Tencent, SoftBank… Trong đó, phải kể tới những phi vụ lớn thời gian gần đây như SoftBank mua lại 51% của SuperCell với 1,53 tỷ USD, và Tencent mua 40% của Epic Games với 330 triệu USD, hay chi ra 500 triệu USD vào công ty CJ Games.

Ngành game châu Á sẽ lớn mạnh tới cỡ nào? 4

Bên cạnh đó, chương trình Kickstarter cũng đã trợ giúp nhiều công ty đến từ châu Á có thể tìm kiếm được cơ hội và tạo được tiếng nói cho riêng mình. Tuy nhiên, cũng có một vài công ty lớn ở châu Á như DeNA và Gree của Nhật Bản đã bị sụt giảm doanh thu do chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ.

Hiện nay, các công ty game phương Tây vẫn đang là bộ phận sáng tạo ra những sản phẩm ăn khách bậc nhất như Assassin’s Creed hay Call of Duty, trong khi châu Á có vẻ như lại là người tìm ra phương thức kiếm tiền nhanh nhất từ thị trường game kỹ thuật số đang có tốc độ phát triển chóng mặt. Điều đó phần nào sẽ giúp mang lại sự cân bằng trên thế giới. Nhưng mỗi khu vực đều phải tạo chỗ đứng vững trãi bằng tiềm lực tài chính của mình hoặc không sẽ thấy mình chỉ đóng vai trò rất nhỏ trong tương lai.

Các xu hướng game mobile thịnh hành ở Châu Á

Tại sự kiện GOInnovate được tổ chức ở Kuala Lumper, Malaysia vào giữa tháng 10 vừa qua, chuyên gia tư vấn của ngành công nghiệp game Nhật Bản, tiến sĩ Serkan Toto đã có bài diễn thuyết và đưa ra những nhận định rất đáng chú ý về thị trường game mobile ở khu vực Châu Á.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ông Toto có đề cập tới một vài bản báo cáo thị trường mà trong đó có thông tin về thị trường khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, và cụ thể hơn là thị trường game mobile mới nổi trong thời gian qua, bên cạnh đó là những số liệu về sức tăng trưởng nhanh chóng của nó cho tới năm 2017. Sau đó, ông Toto đã tóm tắt một số xu hướng thịnh hành của game mobile ở Châu Á như sau:

Game trên điện thoại thông minh ( smartphone )

Mặc dù Châu Á là một trong những khu vực vẫn có lượng game trên điện thoại công năng (feature phone) lớn trên thế giới, nhưng điện thoại thông minh cũng đang ngày càng phổ biến ở đây hơn.

Game trên máy tính bảng ( tablet )

Đây là xu hướng không chỉ đang diễn ra ở riêng Châu Á nhưng nó cũng rất quan trọng. Hiện nay, có nhiều game đã được sản xuất đặc biệt cho máy tính bảng ví như Vainglory hay The Dreamcatcher.

Thị trường game toàn cầu 2012 - 2016

Thị trường game toàn cầu trong giai đoạn năm 2012 - 2016

Game độc lập (indie)

Khả năng tiếp cận của các hệ thống mobile và sự tiện lợi trong việc phân phối thông qua các nền tảng như Steam và cửa hàng ứng dụng đang đóng góp tích cực vào sự phát triển của những nhà phát triển game độc lập.

Game đám mây và sự hội tụ

Stream một sản phẩm AAA hoặc game console từ hệ thống lưu trữ đám mây vào những thiết bị như iPad là một xu hướng mới đang được khai thác. World of Warcraft đã được stream vào iPad từ năm 2010, nhiều hãng lớn tại Nhật Bản như Sony và Square Enix cũng mới công bố những dịch vụ stream tương tự như thế.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hãng NTT Docomo của Nhật Bản đã có dịch vụ stream Dragon Quest X tới người sử dụng tablet và smartphone từ năm ngoái, qua đó cho phép họ chơi với những người bạn đang sử dụng console. Sản phẩm Xperia Z3 mới của Sony cũng có thể hiển thị nội dung của PlayStation 4.

Hình thức miễn phí (free-to-play) bao phủ gần hết ngành game

Trong khi đây là hướng chuyển mình chung của ngành game hiện nay, đặc biệt là đối với game mobile. Singapore đang là thị trường game mobile hấp dẫn nhất tại Đông Nam Á, với chỉ số tải về thấp nhất và chỉ số doanh thu cao nhất theo nghiên cứu của App Annie.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nền tảng game mobile dựa trên ứng dụng tin nhắn

App Store của Apple và Google Play đã không còn là những nền tảng phân phối game mobile duy nhất nữa. Hiện nay, Châu Á đang có nhiều nền tảng phân phối game mobile dựa trên những ứng dụng tin nhắn phổ biến như WeChat của Trung Quốc hay Kakao của Hàn Quốc. Bên cạnh đó là còn vô số những cửa hàng ứng dụng khác đang hoạt động tại Châu Á.

Ngoài ra, các công ty Châu Á cũng đang tiến hành chuyển đổi hình thức kinh doanh game của họ sang mô hình các nền tảng phân phối, xu hướng này đang mang tính đặc trưng ở châu lục đông dân cư nhất thế giới.

Châu Á là khu vực số 1 về nền tảng mobile trên thế giới

Theo nghiên cứu người tiêu dùng mới được thực hiện bởi Google cho thấy, không có quốc gia nào bên ngoài khu vực Châu Á có tỷ lệ sử dụng smartphone cao hơn máy tính cá nhân (PC) cả.

Tỷ lệ người sử dụng smartphone

Tỷ lệ người sử dụng các loại smartphone

Châu Á đã trở thành khu vực số một về mobile. Đây không còn là xu hướng tương lai nữa và đó đang là hiện thực xảy ra trong suốt năm qua”, theo như chia sẻ trên trang blog Châu Á – Thái Bình Dương chính thức của Google.

Hai quốc gia có tỷ lệ người sử dụng smartphone cao nhất thế giới hiện nay đều từ Châu Á là Singapore (85%) và Hàn Quốc (80%). Đồng thời, các nước Châu Á cũng có tỷ lệ người sử dụng internet thông qua smartphone cao nhất, trong đó dẫn đầu là Malaysia với 35% người tiêu dùng truy cập mạng thông qua các thiết bị mobile của họ.

Tỷ lệ người sử dụng smartphone để online

Tỷ lệ người sử dụng smartphone để online

Nghiên cứu người tiêu dùng của Google bao trọn 46 quốc gia. Trong đó có một vài dữ liệu thú vị đặc thù về khu vực Châu Á như sau:

- Nhật Bản và Hàn Quốc là hai đất nước có tỷ lệ sử dụng internet thường xuyên nhất trên thế giới.

- Người Hàn Quốc là những khách mua hàng online lớn nhất, với 75% người mua quần áo và giầy dép lần gần nhất thông qua dịch vụ trực tiếp, 83% người tìm kiếm mua hàng trực tiếp, và 43% người sử dụng smartphone để thực hiện giao dịch mua hàng trực tiếp.

- Trung Quốc có tỷ lệ người xem video online cao nhất khi đang ở chỗ làm hay ở trường học.

Ở phương diện game mobile , Châu Á cũng là mảnh đất màu mỡ nhất với số lượng người sử dụng đông đảo, cơ sở hạ tầng và kỹ thuật ngày càng được nâng cao.

 

>>Xâm phạm bản quyền - Câu chuyện chưa hồi kết ở game Trung Quốc