Tại sao game mobile Trung Quốc có tiềm năng thống trị thế giới?

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 18/03/2015 0:00 AM

Sau đây, chúng ta cùng tìm hiểu một vài nguyên nhân lí giải hiện tượng vì sao game mobile Trung Quốc lại có tiềm năng thống trị thế giới.

Trong khoảng cuối năm 2014, cơ sở nghiên cứu thị trường game Newzoo có công bố một bản báo cáo chi tiết về thị trường game mobile châu Á. Trong báo cáo có nói rằng, quy mô game mobile Trung Quốc năm 2014 đạt 4,25 tỷ USD, vượt xa so với con số 2,3 tỷ USD ở năm 2013, và có hi vọng vượt qua Bắc Mỹ để trở thành thị trường game mobile lớn thứ hai thế giới, đứng sau Nhật Bản trong năm 2015.

Trên thực tế, thị trường siêu việt chỉ là một phương diện, nhờ có sự thuận lợi với lượng dân cư đông đúc, ngành công nghiệp game Trung Quốc luôn đứng top đầu trong mắt bạn bè quốc tế là lẽ đương nhiên, nhưng thật sự khiến nhiều người phải kinh ngạc thì phải kể tới công lao của game mobile trong vài năm trở lại đây. Hiện nay, ta có thể dễ dàng thấy rằng game mobile có nguồn gốc Trung Quốc đang tràn ngập thị trường và nhận được nhiều phản hồi tích cực của người chơi khắp nơi.

World of Warcraft là một trong những sản phẩm nhập ngoại thành công nhất ở thị trường Trung Quốc

World of Warcraft là một trong những sản phẩm nước ngoài thành công nhất ở thị trường Trung Quốc

Chắc hẳn ta vẫn không quên rằng, trong thời đại Internet trước đây, Trung Quốc được coi là “ông vua” đại lý game, từ Legend of Mir cho tới World of Warcraft, cho tới thời kỳ “phục hưng” của Tencent với CrossFire, Dungeon Fighter, League of Legends, các sản phẩm này có nguồn gốc nước ngoài. Kể ra, Trung Quốc cũng đã tự khai sinh ra những dòng sản phẩm có tiếng như Đại Thoại Tây Du, Chinh Đồ, Thiên Long Bát Bộ..., nhưng về cơ bản chúng cũng có phần “sao chép” những sản phẩm kinh điển của nước ngoài, hơn nữa là chúng cũng không thể nổi tiếng ở cấp độ quốc tế như những sản phẩm kia.

Có thể nói rằng từ thời đại console cho tới handheld hay đến PC, ngành game Trung Quốc đều có tiến bộ, nhưng vẫn thua xa so với Âu – Mỹ, Nhật Bản hay Hàn Quốc. Vậy tại sao đến thời đại của game mobile, Trung Quốc lại đột nhiên có các thành tựu bất ngờ đến thế, thậm chí còn có tiềm năng vượt mặt tất cả các nước vốn có ngành game phát triển lâu năm? Sau đây, chúng ta cùng tìm hiểu một vài nguyên nhân lí giải hiện tượng này.

1. Rào cản thấp, người trong ngành nhiều

Ở thời đại game consolehandheld, Trung Quốc cơ bản là vẫn chưa có ngành game, mà phải đến thời đại PC thì lĩnh vực này mới bắt đầu được hình thành. Nhưng ở thời đại game PC, các nhà phát triển độc lập có nhiệt huyết là chưa đủ, hãy còn cần đến đầu tư nhân lực, vật lực, tài lực đầy đủ thì mới làm nên “bom tấn” được. Tuy nhiên đến thời đại của game mobile, những điều kiện “cần và đủ” kia đã hoàn toàn được thay đổi, một studio nhỏ lẻ cũng có thể cho ra đời sản phẩm tạo hiện tượng toàn cầu.

Game mobile không yêu chi phí cao để phát triển

Game mobile không yêu chi phí cao để phát triển

Thông thường, một đội ngũ phát triển nhỏ khoảng 5 người, mất 3 – 6 tháng nghiên cứu và phát triển, đầu tư khoảng 1 triệu tệ (khoảng 3,5 tỷ VNĐ), là có thể cho ra đời một game mobile có chất lượng. Đương nhiên, với số lượng game mobile ngày một nhiều, đầu tư đẩy cao chất lượng và khai thác những IP đắt giá cũng ngày một lớn hơn, nhưng nếu so sánh mức đầu tư của game client thì quả thực mức đầu tư của game mobile vẫn chả đáng là bao. Do đó, Trung Quốc đang ngày càng có nhiều nhà phát triển tham nhập vào thị trường mobile, tính sơ sơ thì hiện nay đã có hơn 10,000 game mobile hoạt động, trong đó có không ít sản phẩm đạt chất lượng tuyệt hảo.

2. Game console, PC đều bị lạc hậu, nhưng game mobile lại đi cùng thế giới

Bất luận là thời đại game PC, hay những thế hệ game cổ hơn, ngành game Trung Quốc đều bị lạc hậu và đi sau mặt bằng chung thế giới nhiều năm. Ở thời điểm năm 1994, game PC được coi là đầu tiên của Trung Quốc ra đời và lấy tên Thần Ưng Đột Kích Đội với nền đồ họa so sài, nhưng cùng năm đó thì Blizzard đã nghiên cứu ra dòng game chiến thuật kinh điển Warcraft, và năm 1995 cho ra đời Warcraft II với doanh số hàng triệu bản trên toàn cầu.

Thần Ưng Đột Kích Đội - Game PC được coi là đầu tiên của Trung Quốc

Thần Ưng Đột Kích Đội - Game PC được coi là đầu tiên của Trung Quốc

Nhưng đến thời đại game mobile, ngành game Trung Quốc đã có cơ hội sánh bước cùng thế giới, trong năm 2012 đã cho ra đời nhiều sản phẩm có doanh thu nghìn vạn tệ (hàng chục tỷ VNĐ) mỗi tháng ví như Nhị Chiến Phong Vân. Mặc dù trong năm 2012 và 2013, số lượng game mobile Trung Quốc copy nước ngoài vẫn rất nhiều, nhưng về tổng thể, game mobile Trung Quốc chẳng hề thua kém quốc tế là bao.

Cho đến năm 2014, game mobile Trung Quốc đã bắt đầu dần dần vượt qua xu thế của nước ngoài, dù là ở phương diện gameplay hay kỹ thuật, đều có những sáng kiến mới lạ và hấp dẫn, tạo ra xu hướng phát triển mới.

3. Mô hình đại lý đã không còn quá phổ biến

Do số lượng nhà phát triển một nhiều nhiều và chất lượng sản phẩm cũng không còn lạc hậu như thời gian trước, các công ty game Trung Quốc đang dần thay đổi thái độ đối với những sản phẩm nội địa, và chủ động hình thức tự nghiên cứu – tự phát hành hơn, nhờ đó mà nâng cao năng lực công ty.

Từ thời game PC, dựa vào sản phẩm đại lý mà đạt thành công lớn có thể kể tới 3 công ty là Shanda, The9 và Tencent. Sau này, họ đều chủ động đầu tư tự phát triển và phát hành sản phẩm mới, tuy chưa thể lập lại thành công như đối với các sản phẩm làm đại lý nhưng đó cũng là những động thái mới mẻ.

Legend of Mir là sản phẩm tạo nên thương hiệu cho Shanda Games

Legend of Mir là sản phẩm tạo nên thương hiệu cho Shanda Games

So sánh với tình hình ở phương Tây, đại đa số công ty hàng đầu thị trường game mobile đều áp dụng hình thức “nhất thể hóa”, tự nghiên cứu – tự vận hành bao gồm EA, Supercell, King…

4. Chú trọng tự nghiên cứu phát triển

Học tập theo xu hướng của thế giới, nhiều công ty game Trung Quốc ngày một chú trọng năng lực tự nghiên cứu và tự vận hành hơn. Ta có thể kể tới một số game mobile tiêu biểu trong thời gian qua như Loạn Đấu Tây Du của NetEase, Thái Cực Hùng Miêu (Taichi Panda) của Snail Games, hay Thiên Long Bát Bộ 3D của ChangYou.

Với mô hình “nhất thể hóa” nghiên – vận, tuổi thọ của game mobile sẽ được kéo dài hơn, do mọi số liệu, thói quen người sử dụng… đều về một tay, không cần thông qua trung gian, có thể nâng cấp phiên bản và phục vụ khách hàng tốt hơn.

Ta có thể lấy ví dụ ở sản phẩm Thái Cực Hùng Miêu của Snail Games, game mobile này đã được phát triển cận thận trong vòng 2 năm, hao tổn không ít thời gian và tiền bạc nhưng những gì mà nó mang lại cũng rất xứng đáng. Tựa game này đã lọt top danh sách những game ăn khách nhất trên cả hai nền tảng smartphone và tablet của Apple ngay khi mới ra mắt chính thức. Hơn nữa, nó cũng hoạt động rất tốt ở các thị trường Hàn Quốc, Hồng Kông và Đài Loan, đem về các khoản doanh thu lên tới hàng triệu USD.

Thái Cực Hùng Miêu - Game mobile ăn khách của Snail Games

Thái Cực Hùng Miêu - Game mobile ăn khách của Snail Games

Từ những báo cáo tổng quan ngành công nghiệp game Trung Quốc năm 2014 cũng cho thấy, doanh số tiêu thụ thực tế của game online client Trung Quốc xuất khẩu ra nước ngoài đã đạt 853 triệu USD, tăng trưởng 4,15% so với cùng kỳ năm trước; webgame đã đạt 950 triệu USD, tăng trưởng 30,49% so với cùng ky năm trước; còn gamemobile đã đạt tận 1,273 tỷ USD, tăng trưởng 366,39% so với cùng kỳ năm trước đó.

Như vậy chỉ trong vòng 3 năm hoạt động, game mobile Trung Quốc đã mang lại nguồn doanh thu xuất khẩu cao hơn hẳn cả game client lẫn webgame, qua đó khẳng định vị trí quan trọng của mình.

5. Toàn cầu đang học theo mô hình game miễn phí của Trung Quốc

Trong bối cảnh game mobile Trung Quốc từ từ tiến quân ra thế giới như hiện nay, chắc chắn nó sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới mô hình kinh doanh ở nhiều khu vực. Ở thời đại game client, nguồn doanh thu chủ yếu của các thị trường nước ngoài được đến từ việc mua game đầu vào và trả phí tháng, hầu như không có cái gọi là mô hình miễn phí. Nhưng đến giai đoạn game mobile, ta dễ dàng nhận thấy là phần lớn doanh thu của các cửa hàng ứng dụng đều tới từ bộ phận game miễn phí với tính năng mua bán in-app.

Loạn Đấu Tây Du - Game mobile của NetEase

Loạn Đấu Tây Du - Game mobile của NetEase

Mô hình game mobile miễn phí đã trở thành làn sóng lan đi khắp toàn cầu, và chắc chắn Trung Quốc là người có rất nhiều kinh nghiệm với mô hình kinh doanh này. Thời đại game mobile cũng chính là cơ hội mới để các thương hiệu game Trung Quốc được lên tiếng, khẳng định vị thế của mình trên diễn đàn quốc tế.

 

>>Căm ghét game miễn phí là một suy nghĩ "thiển cận"