Quá khứ, hiện tại, và tương lai của "lão làng" Nintendo (P1)

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 22/12/2015 0:00 AM

Nintendo đã trở thành một biểu tượng, nổi tiếng với những đột phá tân tiến nhất cũng như những nhân vật huyền thoại như Mario, cho tới nay đã tồn tại hơn 125 năm.

Nintendo, một cái tên không cần phải giới thiệu, không ai là không biết đến trong ngành game. Công ty Nhật Bản đã trở thành một biểu tượng, nổi tiếng với những đột phá tân tiến nhất cũng như những nhân vật huyền thoại như Mario, cho tới nay đã tồn tại hơn 125 năm. Nintendo đã nắm bắt trí tưởng tượng của chúng ta và thống trị thị trường video game kể từ khi phát hành console đầu tiên – Nintendo Entertainment System (NES).

Nhưng tất nhiên, với một công ty đã tồn tại hơn một thế kỷ, Nintendo có những giai đoạn thăng hoa cũng như suy sụp. Sự xuất hiện của Sony PlayStation và Microsoft Xbox đã thu hẹp thị phần của Nintendo trong mảng game harcore – một điều chưa từng xảy ra từ trước tới nay. Công ty cũng đang bị chậm hơn trong việc thâm nhập vào thị trường game mobile trên smartphone và tablet. Tuy nhiên, những tựa game huyền thoại của nó vẫn quá phổ biến với người chơi, và Nintendo vẫn đang thống trị thị trường console handheld.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đưa bạn đi dọc suốt dòng lịch sử của “người khổng lồ” Nhật Bản Nintendo.

Dòng thời gian

1889

Nintendo được thành lập với tên gốc là “Nintendo Koppai” vào năm 1889 tại Kyoto bởi một doanh nhân Nhật Bản – Yamauchi Fusajiro. Công ty sản xuất những bộ bài thủ công, được gọi là Hanafuda.

Ý nghĩa của từ “Nin Ten Do” vẫn luôn là một đề tài được tranh cãi và gần như là đã lãng quên theo thời gian. Một quan niệm được chấp nhận rộng rãi nhất là từ việc phân tích những ký tự kanji Nhật Bản, có nghĩa hiểu nôm na là “lộc do trời”.

1956

Công ty vẫn tiếp tục bám lấy dòng sản phẩm gốc của mình là những bộ bài chơi, bên cạnh đó giới thiệu thêm một vài dòng sản phẩm mới, nhưng cũng không có gì thực sự đột phá. Nintendo khi đó được điều hành bởi cháu trai của ông Fusajiro, Yamauchi Hiroshi. Sau chuyến thăm Mỹ vào năm 1956 với mục đích hợp tác với một công ty sản xuất bài tại đây, ông Hiroshi đã bị sốc bởi những điều mình được chứng kiến. Những công ty thành công nhất lại vận hành trong những văn phòng “tý hon” - một tín hiệu cho thấy tương lai ảm đạm của Nintendo. Nếu như công ty muốn tiếp tục phát triển, chắc chắn sẽ phải đa dạng hóa hơn.

Năm 1959 Nintendo bắt đầu hợp tác với Disney, và kết quả là nhiều dòng thẻ bài mới được phát hành với hình ảnh những nhân vật hoạt hình nổi tiếng được in trên đó. Mối liên kết này giúp Nintendo bước ra được khỏi thị trường truyền thống và tiếp cận quy mô khách hàng rộng hơn.

Nintendo cho phát hành những cuốn sách về các trò mà người dùng có thể chơi với bộ bài và đã đem lại hiệu quả không ngờ. Chỉ riêng trong năm đầu tiên tung ra, đã có tới hơn 600,000 bộ bài được tiêu thụ.

Thập niên 60

Nintendo được cổ phần hóa vào năm 1962 và quyết định sử dụng số tiền thu được cho nhiều dòng sản phẩm hơn. Một số đầu tư mạo hiểm (cuối cùng đã thấy bại) của Nintendo có cả nhà nghỉ, công ty taxi, nồi cơm điện và máy hút bụi. Bên cạnh đó có cả những nguồn đầu tư không chính thống có thể nói là cũng khá thành công như sản xuất đồ chơi.

Ngành sản xuất thẻ bài sụp đổ vào đầu/giữa những năm 60. Cố phiếu của Nintendo từ 900 yên rớt xuống chỉ còn 60 yên. Và họ cần một sản phẩm mới để “cứu vớt” công ty trước bờ vực phá sản.

Và vị cứu tinh “Ultra Hand” xuất hiện, sản phẩm cánh tay kéo dãn này được Nintendo quyết định tung ra độc quyền vào Giáng Sinh năm 1970. Hơn 1 triệu chiếc được bán ra, và kỹ sư sáng tạo cho Ultra Hand, ông Yokoi Gunpei, được thăng chức với một vị trí trong bộ phận phát triển sản phẩm.

Đầu cho tới giữa thập niên 70

Thành công với Ultra Hand đã mang lại cảm hứng cho ông Gunpei cho ra đời thêm vài đồ chơi điện tử khác, và hầu hết chúng đều thành công. Nhờ sự nổi tiếng này, Nintendo quyết định chú trọng hơn tới mảng video game. Sau đó công ty đã nhận được quyền phân phối độc nhất Magnavox Odyssey, hệ thống console video game đầu tiên trên thế giới. Nó được sản xuất bởi một công ty Mỹ, nhưng được phát hành tại Nhật Bản bởi Nintendo.

Doanh số ấn tượng của Odyssey đã cho Nintendo thấy được rằng, video game chính là tương lai của ngành công nghiệp giải trí. Hai tựa game đầu tiên của họ là EVR Race và Donkey Kong, được phát hành năm 1975. Trong đó, Donkey Kong được phát hành cả trên arcade và console, ví như Atari 2600. Cũng tới thời điểm này, Nintendo bắt đầu thử nghiệm với video game handheld.

Đầu thập niên 80

Hệ thống handheld đầu tiên với tên gọi Game & Watch được tung ra vào năm 1980. Đây được coi là “người tiền nhiệm” của Game Boy, với một màn hình LED duy nhất để chơi game single. Và có tổng cộng 59 tựa game khác nhau được phát hành cho nó, bao gồm Mario Bros, Legend of Zelda, và Donkey Kong.

Năm 1983, Nintendo cho ra mắt console đầu tiên của mình, Famicom (viết tắt của Family Computer – Máy tính Gia Đình). Sản phẩm được đón nhận rộng rãi, với hơn nửa triệu máy được bán ra chỉ trong vòng 2 tháng. Tuy nhiên, công ty buộc phải thu hồi sản phẩm sau khi phát hiện ra chip chủ của Famicom bị lỗi, khiến hệ thống máy bị đơ.

Năm 1985, Nintendo giới thiệu với toàn thế giới Nintendo Entertainment System (NES), và biến nó thành một hiện tượng toàn cầu. Console tại gia này cùng với những tựa game huyền thoại như Duck Hunt hay Super Mario Bros và bộ điều khiển chữ nhật đầu tiên, đã đem đến thành công ngoài sức tưởng tượng cho Nintendo.

Cuối thập niên 80

Năm 1988, Nintendo đạt doanh thu kỷ lục 1,5 tỷ USD, và con số này gấp 3 lần giá trị ngành công nghiệp game toàn cầu 3 năm trước đó.

Năm 1989, công ty cho ra mắt Game Boy, dòng sản phẩm sau này đã trở thành một biểu tượng mọi thời đại khác. Game Boy cũng được thiết kế bởi cha đẻ của Ultra Hand, nhà sáng chế Yokoi Gunpei. Phiên bản đầu tiên sở hữu màn hình 2,6 inch, độ phân giải 160 x 144 monochrome, và được vận hành bởi một bộ xử lý 8-bit. Điểm sáng lớn nhất phải kể đến tựa game huyền thoại Tetris – được coi là lý do đằng sau thành công rựa rỡ của sản phẩm này.

Theo Techinasia

 

Game mobile Trung Quốc tăng trưởng mạnh nhưng cần sự sáng tạo hơn