Ngành công nghệ Châu Á sắp bước vào thời kỳ hoàng kim

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 11/03/2015 0:00 AM

Có thể tin tưởng rằng, ngành công nghệ châu Á sẽ vươn tới thời kỳ hoàng kim trong nửa sau của thập kỷ này.

Cho tới thập kỷ trước, hai cường quốc hàng đầu thế giới, MỹNhật Bản, vẫn đang đầu tư vào Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới khi đó.

Nhưng kể từ đầu những năm 2010, Nhật Bản đã chuyển hướng đầu tư sang các nước Đông Nam Á và khu vực ngoài Trung Quốc, một xu hướng đảo ngược bắt đầu từ năm 2013. Mặt khác, Mỹ đang dần dần tăng vốn đầu tư vào Ấn Độ một cách đều đặn, trong khi vẫn tiếp tục bơm tiền vào Trung Quốc.

Đó là nửa đầu của thập kỷ này. Và đây là những gì đã xảy ra với thị trường công nghệ châu Á trong năm qua.

Động cơ tăng trưởng mang tên Đông Nam Á

Trong thời gian vài năm trở lại đây, chúng ta đã được chứng kiến một vài hợp đồng gây quỹ khổng lồ, chưa từng có ở Đông Nam Á.

Lazada đã gây được 250 triệu USD từ quỹ đầu tư quốc gia Singapore – Temasek có giá trị lên tới 1,25 tỷ USD. Đây là quỹ khởi nghiệp internet lớn nhất từ trước đến giờ ở Đông Nam Á. Mặc dù Lazada vẫn được coi là một công ty của Rocket Internet, nhưng thực tế phía Rocket Internet lại chỉ nắm giữ 23,8% cổ phần của Lazada mà thôi.

Trong khi đó, Tokopedia, công ty thương mại điện tử hàng đầu tại Indonesia, đã gây được 100 triệu USD từ công ty đầu tư mạo hiểm (venture capital – VC) hàng đầu tại Mỹ là Sequoia Capital và tập đoàn internet viễn thông lớn nhất Nhật Bản là Softbank. Hiện nay, tổng giá trị thực tế của Tokopedia vẫn là một ẩn số. Chỉ biết rằng theo như tài liệu của Softbank, năm ngoái, trị số tổng giá trị giao dịch (gross merchandise volume – GMV) của Tokopedia là 100 triệu USD.

Một siêu hợp đồng nữa diễn ra ở Đông Nam Á trong năm 2014 là GrabTaxi. Ứng dụng taxi này nắm giữ tới 250 triệu USD với một mức định giá bí mật từ Softbank. Theo tạp trí Wall Street Journal, giá trị của họ là khoảng 1 tỷ USD.

Bên ngoài những hợp đồng ở trên, chúng ta còn thấy một lượng đáng kể những hợp đồng gây vốn trong khoảng mức định giá 10 triệu USD trở lên như Redmart, Bukalapak,….

Đó quả là một quá trình phát triển phi thường đối với thị trường công nghệ Đông Nam Á. Tổng vốn đầu tư mạo hiểm của Singapore (1,7 tỷ USD trong năm 2013, có thể gấp đôi trong năm 2014) còn cao hơn nhiều so với Nhật Bản.

Và khi nhắc tới Singapore, ta không chỉ nói đến các công ty khởi nghiệp của quốc gia này. Có nhiều đã ví vốn rằng, “Singapore chính là Delaware của Đông Nam Á” (Delaware là tiểu bang đầu tiên của nước Mỹ - ý nói Singapore là nơi khởi nguồn của ngành công nghệ Đông Nam Á).

Tổng giá trị 1,7 tỷ USD đó bao gồm nguồn vốn gây được từ các công ty khởi nghiệp ở Jakarta, Bangkok và các nước Đông Nam Á khác.

Trung Quốc đang hướng ngoại

Việc công ty thương mại khổng lồ Alibaba đầu tư vào Singapore Post chính là biểu tượng cho sự mở rộng ra nước ngoài của Trung Quốc. Mới đây họ cũng đã thông báo về việc đưa AliExpress đi vào hoạt động tại Indoneisia. Hai thực thể kinh doanh này đã xây dựng nên một mối quan hệ đối tác thương mại điện tử không chỉ cho Singapore, mà còn cho cả Đông Nam Á.

SingPost không phải là mối đầu tư quốc tế duy nhất của Alibaba. Bên ngoài những mối đầu tư nội địa lớn, Alibaba còn gây quỹ cho các công ty Mỹ như đối thủ cạnh tranh của Uber là Lyft, studio game mobile Kabam,… Và Alibaba cũng không phải là “người khổng lồ” duy nhất trong giới công nghệ Trung Quốc đang tiến hành những bước đi hướng ngoại.

Tencent cũng là một nhà đầu tư năng động ở Trung Quốc và nhiều nước khác. Họ đã hỗ trợ Aiming, một công ty game của Nhật Bản (được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Tokyo), tập đoàn CJ ở Hàn Quốc và nhiều đối tác khác nữa.

Mặc dù Baidu không năng động như hai đối thủ trên, song chúng ta cũng không thể bỏ qua khoản đầu tư của họ vào Uber, hiện nay là công ty công nghệ tiền IPO lớn nhất thế giới. Mặc dù không có xác nhận chính thức nào, song hợp đồng được cho rằng có giá trị lên tới 600 triệu USD.

Như chúng ta có thể thấy, năm 2014 chứng kiến những bước ngoạt mạnh mẽ trên phương diện đầu tư nước ngoài của những “người khổng lồ” công nghệ Trung Quốc.

Ấn Độ - Thiên đường thương mại điện tử

Mức tăng trưởng của Ấn Độ thực sự đáng kinh ngạc. Vài số liệu còn biểu hiện rằng Ấn Độ sẽ vượt qua Mỹ về trị số GDP vào một thời điểm nào đó trong khoảng năm 2030 đến năm 2040. Flipkart, công ty thương mại điện tử lớn nhất tại Ấn Độ, có tỉ lệ tăng trưởng GMV vào năm ngoái lên tới 3 tỷ USD. Họ đang hướng tới việc chạm mức 8 tỷ USD vào năm 2015.

Tất nhiên, GMV của Flipkart không là gì so với 16,7 tỷ USD của Rakuten, nhưng điều đó cũng có nghĩa là trang thương mại điện tử lớn nhất Ấn Độ sẽ vươn tới mức gần nửa của trang lớn nhất Nhật Bản. Đó là mức tăng trưởng gần như gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Ai dám khẳng định rằng họ sẽ không vượt qua Rakuten trong tương lai lâu dài?

Tiềm năng tăng trưởng đã bảo toàn cho họ 1 tỷ USD trong quỹ đầu tư trị giá 10 tỷ USD từ Quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC và những nơi khác. Theo tạp chí Wall Street Journal, họ là công ty tiền IPO lớn thứ 5 thế giới xét trên mức giá trị.

Những mối đầu tư nước ngoài là khổng lồ. Trong cùng tháng Flipkart gây quỹ 1 tỷ USD, ông Jeff Bezos, CEO của Amazon, đã bay tới Bangalore và ký một tấm séc trị giá 2 tỷ USD cho Amazon Ấn Độ.

Thêm vào đó, PayTM, công ty thanh toán di động lớn nhất Ấn Độ, nhận được một nguồn tài trợ khổng lồ từ Alibaba. Đó là một hợp đồng tiêu biểu cho việc Trung Quốc giờ đang tiến vào thị trường được thống trị bởi các nhà đầu tư Mỹ và Ấn Độ.

Châu Á mới

Tất cả những sự việc kể trên đều diễn ra trong vòng 12 tháng qua, và đã định hinh một Châu Á mà chúng ta đang sinh sống và làm việc. Mỹ sẽ tiếp tục giữ vị trí là “một cổ đông của châu Á”. Trung Quốc không còn đơn thuần là điểm đến của những nhà đầu tư toàn cầu bởi chính họ nay cũng đã là những nhà đầu tư lớn mạnh. Họ còn có mục tiêu mở rộng ra quốc tế, hướng vào Đông Nam Á, Ấn Độ, và cả Mỹ.

Tốc độ phát triển của Ấn Độ đã gia tăng một cách quá nhanh chóng khiến chúng ta không thể nào ngó lơ họ nữa. Trong khi đó, Đông Nam Á không còn là lãnh địa của riêng Nhật Bản, mà sẽ trở thành động cơ tăng trưởng cho những “tay chơi” hàng đầu thế giới. Nhật Bản sẽ phải đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh hơn. Họ vẫn sẽ tập trung vào Đông Nam Á, song hoạt động ở Trung Quốc và Ấn Độ có vẻ sẽ yếu đi.

Tất nhiên là có một ngoại lệ ở Nhật Bản, đó chính là tập đoàn Softbank của Masayoshi Son. Tập đoàn này có cổ phần ở Alibaba của Trung Quốc, Tokopedia ở Đông Nam Á, cũng như Snapdeal, Housing.com, và Olacabs ở Ấn Độ, đầu tư vào GrabTaxi ở Đông Nam Á, và sở hữu Sprint – công ty điện thoại lớn nhất Mỹ.

Ông Son đã trở thành một “người hùng” ở Nhật Bản. Nhưng vì sự phát triển thịnh vượng của quốc gia này, họ sẽ cần nhiều hơn một người hùng, Nhật Bản không thể tiếp tục do dự trong việc đầu tư trên toàn Châu Á. Ngồi đó chờ đợi và nhìn Trung Quốc hay Mỹ giành hết những “phần thưởng” nay đã không còn là một lựa chọn của xứ mặt trời mọc.

Châu Á được định là sẽ trở thành thị trường lớn nhất thế giới cho các công ty công nghệ, liên kết sức mạnh của những “người khổng lồ” Trung Quốc, những quỹ đầu tư quốc gia của Singapore, sự tăng trưởng kinh tế bùng nổ của Ấn Độ và Đông Nam Á.

Có thể tin tưởng rằng, ngành công nghệ châu Á sẽ vươn tới thời kỳ hoàng kim trong nửa sau của thập kỷ này.

Theo Techinasia

 

>>Miếng bánh game mobile Trung Quốc: 4,4 tỷ đô ngon nhưng khó nhằn (P2)