Lịch sử và Game - Mối liên hệ không thể tách rời

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 17/01/2016 0:00 AM

Lịch sử và game, hai khái niệm tưởng chừng khác biệt hoàn toàn nhưng trên thực tế chúng lại có nhiều điểm tương đồng, bổ trợ qua lại lẫn nhau.

Khi còn đi học, đa số mọi người đều coi lịch sử là khô khan và nhàm chán. Và nếu như so sánh những tác phẩm lịch sử với các tiểu thuyết hư cấu, điều đó thường là đúng! Nhưng làm như vậy là không công bằng, các nhân vật chính trong lịch sử sẽ mắc bệnh và chết không vì một lý do “kịch tính” nào cả, và có khi nhiều phần nội dung của câu chuyện bị thiếu hụt hoàn toàn. Vậy, tại sao vẫn có nhiều người là “fan” của lịch sử? Có một lý do vô cùng đơn giản:

Nó thực sự đã xảy ra!

Lịch sử bắt nguồn từ thực tế theo cái cách khác hoàn toàn với giải trí. Từ những bài phát biểu trọng đại tới những lá thư cá nhân, những cuộc bầu cử then chốt tới những trận chiến sống còn: Tất cả đều thực sự xảy ra. Lịch sử là album “những bài hát hay nhất” từ mọi sự kiện của loài người!

Khi chúng ta đọc lịch sử, chúng ta có thể tưởng tượng mình đang ở trong câu chuyện đó, xem xem chúng ta có thể học được gì từ nó. Bạn đọc về các nhân vật lãnh đạo nổi tiếng như Caesar, Roosevelt hay Napoleon, đặt mình vào địa vị của họ, liệu những chiến thắng hay những nước đi sai lầm của họ có dạy được cho bạn điều gì về hiện tại? Tất nhiên, câu trả lời sẽ là có rồi.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Mặc dù ý tưởng này rất thú vị, song nó chưa phải là tất cả. Khi hoàng đế Caesar chuẩn bị cho một trận chiến (hay thậm chí là tới Nghị viện trong một ngày mùa xuân), ông cũng không có lợi thế nắm bắt lịch sử rõ ràng, mà phải đưa ra những quyết định của mình dựa trên những thông tin không hoàn hảo và dưới áp lực của chính thời đại của mình. Còn khi bạn đọc lịch sử, bạn sẽ có cảm giác mọi thứ ghép lại với nhau thật dễ dàng, nhưng điều đó là vô cùng khác biệt so với việc nhận thức các sự việc đang diễn ra ở hiện tại. Lịch sử không thể rèn cho bạn loại kỹ năng này. Vậy cái gì có thể?

Chính là Game!

Game, cũng giống như lịch sử, bắt nguồn từ thực tế theo một cách khác với tiểu thuyết viễn tưởng. Khi chúng ta chơi game, chúng ta đang viết ra một câu chuyện mới, nhưng đó là một câu chuyện đang thực sự diễn ra. Và không giống như lịch sử, nó không mắc kẹt trong quá khứ. Chơi game là trải nghiệm đưa ra những lựa chọn hành động và định hướng những sự kiện ngay trong hiện tại.

Game có thể bao gồm những câu chuyện giả tưởng, và nhiều khi đây là điều cực kỳ quan trọng, nhưng không thực sự là điều thú vị nhất. Ma thuật của game chính là ở trong những suy nghĩ, cảm xúc, và quyết định của người chơi. Tuy nhiên có vẻ như yếu tố “xác lập thực tế trong thực tại” này thường hay bị “ngó lơ”. Frank Lantz, giám đốc Trung tâm Game NYU đã mô tả sự rời rạc này trong một buổi tranh luận:


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

A: Khi nào sẽ có những game về con người và cảm xúc?

B: Ý a là con người giả tưởng và cảm xúc giả tưởng.

A: Vâng, tất nhiên rồi.”

Đây là điều khá đáng thất vọng, bởi lẽ như Frank, chúng ta vẫn thực sự hứng thú với những sự kiện thực mà game có thể tạo ra: không phải câu chuyện của nhân vật, mà đó là câu chuyện của người chơi. Một số game lịch sử - viễn tưởng đã thực hiện rất tốt điều này, như Subterfuge hay Assassin’s Creed. Tất nhiên chúng là những câu chuyện hư cấu và có chút cải biên khác với lịch sử thật, nhưng những hành động, quyết định của bạn sẽ thực sự tạo nên sự đổi khác trong game. Mỗi người chơi có thể đi theo hướng riêng của mình, và kết quả bạn nhận được sẽ là khác nhau, và diễn biến của game sẽ thay đổi theo đó. Tất nhiên mọi thứ vẫn phải nằm trong khuổn khổ tổng quan của trò chơi, song những quyết định và hành động của người chơi là có thực, họ đã tự viết nên câu chuyện của riêng mình.

Vậy, vì sao một nhà phát triển game nên quan tâm đến điều này?

Chúng ta có thể học được một bài học từ việc so sánh với lịch sử. Sự hấp dẫn của lịch sử không phải ở nội dung giải trí, mà là ở cơ sở thực tế của nó. Bỏ qua những “thiếu sót” trong vấn đề tường thuật, bởi lẽ những tác giả viết sử bị hạn chế bởi những sự kiện thực. (Cũng giống như video game làm ra những thước phim “trung bình”.)


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nếu như lịch sử “biên tập” lại sự thật để trở nên “giải trí” hơn, và người đọc phát hiện ra rằng câu chuyện không đúng với thực tế, nó sẽ mất đi phẩm chất quan trọng nhất của mình và mọi thứ sẽ phản tác dụng. Tương tự, nếu game đưa ra luật lệ rồi sau đó bẻ cong nó, kể cả với mục đích cải thiện trải nghiệm của người chơi, nó cũng sẽ tự đốt chính mình.

Hãy tạo ra một trải nghiệm game giống như lịch sử - dựa trên sự thật. Để khi kết quả của những sự kiện trong game có ra sao, người chơi vẫn cảm thấy được rằng mình đang làm chủ, chứ không phải băn khoăn rằng: Đây là kết quả từ quyết định của mình, hay tất cả chỉ là chủ ý của nhà phát triển?

Lẽ tự nhiên khi ta muốn gameplay và câu chuyện được hòa quyện trôi chảy với nhau, theo một mạch dẫn có điểm cao trào và trầm lắng được nhào nặn khéo léo. Nhưng tương tự với viết lịch sử, luôn hiện hữu sự nguy hiểm nếu ta có gắng xây dựng mượt mà quá mức những gì mình có. Chúng ta có thể tạo ra gameplay từ các luật lệ, và có thể điều khiển cách gameplay đó được diễn ra, nhưng sẽ nguy hiểm nếu cố gắng đặt nó vào một ngữ cảnh sai lầm. Như ở trường hợp với lịch sử, chúng ta bị ràng buộc bởi sự thật.

Theo Gamasutra

 

Thị trường game console Nhật Bản chạm đáy thấp nhất trong 26 năm qua