Game mobile có còn là "thiên đường" cho các nhà phát triển nhỏ? (P2)

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 09/04/2015 0:00 AM

Nối theo kỳ trước, chúng ta tiếp tục tìm hiểu xem thực sự game mobile có còn là "thiên đường" dành cho các nhà phát triển nhỏ nhưng tài năng nữa không?

Tương lai nào cho những nhà phát triển nhỏ trên các thiết bị di động? Đó là một câu hỏi mà chúng ta đều muốn lảng tránh, song nó là câu hỏi được đặt ra với nhiều cách nói hay cách tiếp cận khác nhau, trong khá nhiều bối cảnh gần đây. Nối theo kỳ trước, chúng ta tiếp tục tìm hiểu xem thực sự game mobile có còn là "thiên đường" dành cho các nhà phát triển nhỏ nhưng tài năng nữa không?

Rủi ro vận hành đáng lo hơn là rủi ro tài chính

Về cơ bản, các nhà phát hành (và các công ty lớn nói chung) đặc biệt khá thoải mái về việc chi những khoản tiền khổng lồ lên mọi thứ; họ sẽ đổ cả núi tiền vài việc phát triển game với mục đích tích được mọi ô trên danh sách tính năng, tự thuyết phục rằng mình đang giảm thiểu rủi ro vận hành, ví dụ: tính năng multiplayer đang hot và được nhiều người chú ý thì chắc chắn họ cũng sẽ thêm tính năng này vào sản phẩm của mình. Trong khi đó, họ lại phớt lờ mức độ thảm họa hiện diện vô cùng cao của rủi ro tài chính, có nghĩa là, nếu game thực sự thất bại, nó đe dọa sẽ đưa cả công ty đi cùng luôn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Song thực tế, những người đứng đầu các công ty này cũng đã đưa ra những tính toán hoàn toàn hợp lý rằng rủi ro vận hành nguy hiểm với sự nghiệp của họ hơn nhiều so với rủi ro tài chính. Phụ trách một game nhỏ và để nó thất bại khá là tệ hại, và kể cả nếu nó thành công thì cũng khá tích cực, nhưng không đến mức được tung hô. Trong khi đó, phụ trách một game lớn thành công có thể trở thành bước tiến lớn thay đổi cả sự nghiệp, còn chẳng may nó thất bại thì cũng không đến mức xấu lắm, có lẽ cũng không tệ hơn việc chịu trách nghiệm cho thất bại của một game nhỏ, bởi lẽ ngành game có xu hướng tôn trọng kinh nghiệm điều hành các dự án lớn, bất kể kết thúc họ có tệ ra sao.

Đây là điều đã từng xảy ra trong ngành game console và PC, và nó như một lời khải huyền đối với các studio nhỏ đã từng là xương sống của ngành công nghiệp này. Nhiều studio và nhân viên của họ coi mảng phát triển di động như một chiếc phao cứu sinh; nhưng giờ đây, chiếc phao này cũng đã chìm vào cùng một xoáy nước, thứ đã “cuốn đi” khu vực phát triển tầm trung của mảng console và PC.

Ngân quỹ đang tăng, phát hành game đang ngày càng tốn kém và các nhà phát hành đang phản ứng lại y hệt như trước đây, họ ném nhiều và nhiều tiền hơn vào ít và ít sản phẩm đã được lựa chọn hơn, cố gắng trong vô vọng để tách biệt mình khỏi rủi ro vận hành, trong khi đang tự xây nên một tòa tháp rủi ro tài chính khổng lồ đang lung lay.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thậm chí, sự việc còn tồi tệ hơn console ở mảng mobile, bởi lẽ yếu tố tốt nhất của mobile là các game thành công có thể tiếp tục duy trì vương triều của mình trong một khoảng thời gian dài, khiến cho các nhà phát hahf hướng tới một lối mới để tránh rủi ro vận hành, bằng cách dốc tiền vào những game cũ, đã tạo được vị thế, hơn là những mối đầu tư mới, mạo hiểm.

Thị trường game mobile vẫn còn “đất” cho những nhà phát triển nhỏ

Nghe có vẻ ảm đạm, song hãy nhìn vào điều gì đã xảy ra với PC và console. Mảng thị trường tầm trung đã bị biến mất, và chính điều này đã gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng, thu hẹp sự đa dạng của các thể loại game trong một thời gian dài, nhưng nó cũng khiến thị trường xuất hiện một mảng tầm-dưới của game (tầm-dưới xét về chi phí chứ không phải chất lượng).

Phân khúc game indie phát triển nở rộ, từ một thế hệ mới của những coder tại gia tới một làn sóng những studio nhỏ nhưng đầy sáng tạo, đột phá, họ đã đóng góp thúc đẩy môi trường chung của game nhiều hơn bất cứ ai khác trong thập kỷ qua. Không phải game indie nào cũng thành công, song do hầu hết chúng đều có chi phí cực thấp nên thất bại cũng chỉ coi như kinh nghiệm và nhà phát triển có thể tiến tới dự án tiếp theo. “Thất bại là mẹ thành công”, đó có thể nói là slogan của mảng game indie.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngoài ra, để chúng ta nhận thức một cách chính xác sự thay đổi trong ngành game mobile, những nhà phát triển indie này có quan niệm về thành công khác với những nhà phát hành hay studio game lớn. Tất nhiên, ông Notch (biệt danh của Markus Alexej Persson – nhà phát triển Minecraft) cũng kiếm được hàng tỷ USD và một căn biệt thự ở Hollywood, nhưng trong khi chúng ta chỉ thường tập trung vào những thành công khổng lồ như vậy, sự thật là với hầu hết nhà phát triển indie nhỏ, “thành công” chỉ là các hóa đơn được trả, nhận được những tấm séc và đảm bảo được quỹ cho dự án tiếp theo. Không cần tới mức tỷ USD, nhiều game nhỏ sẽ thoải mái trang trải chi phí và kiếm cho người phát triển một khoản tiền lương kha khá, chỉ với vài trăm ngàn USD lợi nhuận, thậm chí ít hơn.

Trên mảng mobile, cách xa với những ngân quỹ marketing khổng lồ, những chiến lược phát triển hàng tỷ USD của những “tay chơi” lớn, khu vực của những nhà phát triển nhỏ có khả năng và chắc chắn sẽ phát triển mạnh. Chúng ta đang nhanh chóng bước tới thời kỳ mà bất cứ ai cũng sẽ sở hữu một chiếc smartphone, và với lượng người dùng cùng nhu cầu giải trí khổng lồ như vậy, sẽ không thể có chuyện King, Supercell hay bất cứ công ty lớn nào đang thống trị thị trường game mobile sẽ cho ra được các sản phẩm làm thỏa mãn tất cả.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sẽ có rất nhiều “đất”, thậm chí là đất tốt cho các nhà phát triển khác muốn thử thách chính mình để đáp ứng nhu cầu của lượng khách hàng khổng lồ đó. Sẽ có những khó khăn, thách thức, nhưng cũng như mảng PC và console đã chứng kiến sự nở rộ của các tài năng indie, kết thúc “cơn sốt vàng” của thiết bị di động không có nghĩa là cánh cửa đã đóng sập lại với các nhà phát triển nhỏ lẻ. Nếu như giấc mơ của bạn là kiếm đủ sống từ việc làm game, chứ không phải mua một căn biệt thự Hollywood và chuyên cơ riêng, giấc mơ đó vẫn hoàn toàn trong tầm với.

 

>>Game mobile có còn là "thiên đường" cho các nhà phát triển nhỏ? (P1)